Vòng lặp của một mối quan hệ đau khổ
Các mối quan hệ mang tính đau khổ thường lặp đi lặp lại một chu kỳ 4 giai đoạn. Vòng lặp bạo hành có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào, và được duy trì bởi sự gắn bó về mặt tâm lý giữa nạn nhân và người bạo hành.
Ngày xưa, hồi còn là học sinh cấp 3, mỗi đứa chuyên văn tụi mình sẽ chọn cho mình một tác phẩm yêu thích để theo đuổi, nghiền ngẫm và phân tích sâu nhất. Dù không hẳn là người yêu văn chương vô cùng nhưng mình cũng có một tác phẩm mà đến giờ vẫn nhớ về và băn khoăn. Một đoạn trích trong đó như thế này:
“Tự nhiên anh rời chiếc bàn đến đứng vịn vào lưng ghế người đàn bà ngồi, giọng trở nên đầy giận dữ, khác hẳn với giọng một vị chánh án:
- Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn bảo ngay với chị: chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu. Chị nghĩ thế nào?
Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay vái lia lịa:
- Con lạy quý tòa...
- Sao, sao?
- Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó...
[…]
- Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh...
- Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! - Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên."
(Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)
Tại sao mình lại nghĩ nhiều đến tác phẩm này như vậy?
Phân cảnh người đàn bà làng chài van xin để chồng không bị bắt, bào chữa về lí do chồng đánh mình gợi nhắc một cách mạnh mẽ mình về hình mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại mà bản thân đã trải qua.
Mình đã từng là nạn nhân của những lời chửi mắng từ người yêu mình, nhưng mình vẫn ở lại. Mình đã từng bị quy tội là nguyên nhân khiến người yêu mình đánh giá mình, nhưng mình vẫn ở lại. Mình cũng đã từng lắng nghe, chứng kiến cả những câu chuyện tương tự từ những người bạn, người thân xung quanh mình.
Mình và họ đau khổ, muốn buông bỏ, rồi lại thấy những tia sáng hi vọng và chọn tiếp tục. Cho đến khi mình và họ lại đau khổ một lần nữa.
Sự đau khổ lặp đi lặp lại này còn được gọi là Chu kỳ của sự bạo hành (Cycle of abuse)
Chu kỳ của sự bạo hành là một mô hình được Walker (1999) đúc kết sau một nghiên cứu phỏng vấn 1.500 phụ nữ từng bị bạo lực gia đình. Chu kỳ của sự bạo hành đề cập đến bốn giai đoạn lặp đi lặp lại trong một mối quan hệ độc hại, nơi tồn tại các hành vi mang tính kiểm soát và gây tổn thương. Nó không chỉ dừng lại ở việc bạo hành thể chất hay tình dục, mô hình này cũng áp dụng với cả sự bạo hành về lời nói hay cảm xúc.
Kịch bản quen thuộc của vòng lặp mà mình đã trải qua và được nghe kể thường văng vẳng các mẫu câu như:
Anh/em hứa điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Mày đừng lo, đây là lần cuối tụi tao quay lại rồi, người ta đã biết sai và xin lỗi tao thật lòng.
Anh kiểm soát và nổi giận với em như vậy là vì anh thực lòng yêu và không muốn mất em.
Vì mình nên người ta mới nói ra những lời như thế, đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn.
Vậy thực sự những người trong cuộc đã trải qua những giai đoạn nào?
Có 4 giai đoạn bao gồm:
1. Căng thẳng xảy ra (Tensions building)
Đây là giai đoạn các vấn đề gây căng thẳng bắt đầu xảy đến với một trong hai người. Đó có thể là vấn đề ngẫu nhiên liên quan đến công việc, tài chính, gia đình, học tập hoặc cũng có thể là vấn đề liên quan trực tiếp đến mối quan hệ. Sự căng thẳng dẫn đến các phản ứng của một người lên đối tác của mình như đột nhiên tức giận, thiếu kiên nhẫn, trở nên hung hăng hơn hoặc né tránh giao tiếp.
Trong những tình huống khó khăn này, nạn nhân thường sẽ trở nên thông cảm và luôn cố gắng giảm bớt sự leo thang bằng cách xoa dịu đối phương, nhường nhịn và giúp đỡ nhiều hơn đối phương của mình. Mặt khác, nạn nhân cũng có thể sẽ kích động người bạo hành để cuộc chiến mà cả hai đều biết “đằng nào cũng tới” được nổ ra và kết thúc sớm hơn.
2. Bùng nổ (Incident)
Đây là giai đoạn mà các căng thẳng trở thành sự hạo hành thực sự. Một trong hai bắt đầu tấn công người còn lại bằng: (1) các hành vi nhắm đến thể chất như đánh đập, đe dọa đánh đập; (2) những lời lăng mạ, giận dỗi, khích bác, nhận xét ác ý, coi thường; (3) các hành vi thao túng cảm xúc như nói dối, bỏ đi, im lặng,…
Đây là thời điểm cao trào nhất của vòng lặp khi người mình yêu thương nhất trở nên vô cùng đáng sợ, xa cách và nguy hiểm. Giai đoạn này có thể kéo dài hoặc ngắn tùy thuộc vào vấn đề, bản thân người bạo hành hoặc tần suất mà sự bùng nổ này đã xảy đến.
3. Hòa giải (Reconciliation)
Trong giai đoạn này, người bạo hành bắt đầu trở nên hối hận và thấy tội lỗi về điều mình đã làm. Họ tìm cách gần gũi trở lại với nạn nhân, giải thích, bào chữa và cố gắng chứng minh tất cả nỗ lực làm tổn thương chỉ là một sự cố.
Một số kẻ bạo hành sẽ không nói lời xin lỗi hay giải thích, thay vào đó họ bù đắp và thể hiện tình yêu quá mức cho nạn nhân bằng cách tặng quà, quan tâm, nói lời yêu nhiều hơn (ví dụ: đăng nhiều ảnh của cả hai lên story để chứng minh tình cảm). Người bạo hành sẽ cố gắng thuyết phục nạn nhân đừng rời bỏ họ ( “cho anh/em thêm một cơ hội”) và vẽ ra một viễn cảnh “bình thường mới” – nơi họ luôn yêu thương và không bao giờ khiến đối phương bị tổn thương nữa (“anh/em sẽ để ý đến cảm xúc của em/anh nhiều hơn”)
Một mặt khác, kẻ bạo hành cũng có thể sẽ khéo léo đổ lỗi và quy tất cả trách nhiệm về phía nạn nhân. Họ cho rằng hành vi bạo hành là kết quả tất yếu của những điều khủng khiếp mà nạn nhân đã làm với mình (“vì em/anh cứ làm những điều khiến anh/em nổi giận, đáng nhẽ em/anh nên quan tâm hơn đến cảm xúc của người yêu mình chứ”) hoặc hành vi bạo hành xuất phát thuần túy từ tình cảm của họ dành cho đối phương (“chỉ vì anh/em quá yêu em/anh, anh/em không kiểm soát được cảm xúc của mình”).
4. Bình thường mới (Calm)
Giai đoạn này còn có cái tên khác là giai đoạn trăng mật (honeymoon phase) vì nó tái hiện sự ngọt ngào ban đầu của tình yêu. Sự kiện bùng nổ đã tạm thời kết thúc, hai người lại quay trở lại trạng thái yên bình trước đó, thậm chí còn nồng nhiệt hơn. Người bạo hành duy trì nỗ lực quan tâm, bù đắp và thể hiện sự hối lỗi của mình cho đến khi căng thẳng mới xuất hiện.
Tại sao vòng lặp lại là một vòng lặp?
Người ngoài cuộc có thể nhìn vào và đặt một câu hỏi rằng tại sao vòng lặp này cứ luôn xảy ra mà không thể kết thúc. Thậm chí nó còn trông không khác gì một trạng thái nghiện.
Thông thường, khi đã trong một mối quan hệ cam kết như kết hôn và có con chung, nạn nhân khó có thể thoát ra hơn bởi một số lí do như sự phụ thuộc về tài chính, nỗi sợ về việc bắt đầu một cuộc sống mới, lo lắng về việc con cái khuyết thiếu bóng hình của một trong hai phụ huynh, sợ bị làm phiền, truy đuổi, xấu hổ, sợ bị đàm tiếu, đôi khi là tình yêu (Walker, 1999).
Tuy nhiên, vòng lặp của sự bạo hành này không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ hẹn hò hay kết hôn, nó còn có thể xảy đến với mối quan hệ bạn bè, người thân, cha mẹ - con cái,…
Việc vòng lặp không thể bị phá vỡ và sự bền chặt giữa kẻ bạo hành và nạn nhân có thể được lí giải dưới góc nhìn của Lý thuyết Liên kết chấn thương (trauma bonding) (Dutton & Painter, 1981; Dutton, 1993).
Nạn nhân trở nên cảm thông và bao dung cho người bạo hành
Nạn nhân có thể trải qua một trải nghiệm tương tự như Hội chứng Stockholm khi họ trở nên cảm thông và phát triển lòng trắc ẩn sâu sắc với hành vi của người bạo hành (Graham, Rawlings, Rimini, 1988). Nạn nhân cắt nghĩa các hành vi bạo hành là kết quả tất yếu của quá trình người bạo hành phải vật lộn với cuộc sống, với những tổn thương thời thơ ấu và/hoặc các vấn đề tinh thần mà họ đang gánh chịu. Với việc bao dung và cho phép kẻ bạo hành làm tổn thương mình, nạn nhân thấy mình trở nên đặc biệt hơn, thấy mình dường như là người duy nhất đang thấu hiểu và giúp đỡ cho người bạo hành.
Niềm tin về một viễn cảnh “anh/cô ta rồi sẽ thay đổi”
Việc xen kẽ rời rạc giữa việc nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, những lời hứa và những lần bạo hành hay gây tổn thương cũng là một cách thức duy trì vòng lặp. Dưới góc nhìn của chủ nghĩa hành vi, việc một người không thể đoán trước kết quả mình sẽ nhận được khiến cho người đó có xu hướng ở lại và nỗ lực tìm kiếm phần thưởng tích cực nhiều hơn (mọi người có thể tưởng tượng đến hành vi đánh bạc hay xổ số) (Cherry, 2023).
Nói một cách đơn giản, hành vi vòng lặp giữa thể hiện tình yêu rồi lại bạo hành rồi lại xin lỗi tạo nên niềm hi vọng trong nạn nhân về sự thay đổi của người bạo hành. Nạn nhân sẽ có mong đợi rằng “anh/cô ta sẽ thay đổi” vì anh ta/cô ta đã từng làm được điều đó trước đây. Họ mong chờ một viễn cảnh tươi sáng sẽ đến và chọn ở lại, nhưng không ý thức được rằng bầu trời đó chỉ sáng sau khi cơn mưa bạo hành mà thôi.
Sự suy sụp về lòng tự trọng (self-esteem)
Khi nạn nhân ở trong vòng lặp và bị bạo hành đủ lâu, lòng tự trọng của họ trở nên bị suy giảm. Nạn nhân có thể hình thành một niềm tin rằng mình mới là người có lỗi, tình yêu của đối phương với mình mới là nguyên nhân cho các hành vi bốc đồng và gây tổn thương mà mình đã chịu. Vậy nên, thay vì trách móc, mình phải biết ơn và trân trọng tình yêu thương của người bảo hành bằng cách ở lại và nỗ lực “làm tốt hơn” để họ không trở nên căng thẳng và tức giận.
Đôi khi, việc liên tục bị gaslight cũng sẽ khiến nạn nhân xây dựng lên suy nghĩ rằng mình là đồ tồi tệ và tình yêu của người bạo hành là một sự may mắn xảy đến với mình. Nạn nhân lo sợ nếu mình bỏ đi, sẽ không ai có thể chịu đựng và yêu họ như vậy nữa vì họ không xứng đáng với bất kì ai, ngoại trừ kẻ đang bạo hành mình.
Tóm lại là:
Các mối quan hệ bạo hành thường lặp đi lặp lại một chu kỳ bao gồm 4 giai đoạn: (1) Những căng thẳng xảy ra, (2) Các hành vi bạo hành diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau; (3) Người bạo hành quay trở lại xin lỗi, bù đắp và hứa về việc không tái phạm; (4) Mối quan hệ trở nên tốt đẹp trở lại cho đến khi xảy ra những căng thẳng.
Vòng lặp bạo hành có thể xảy ra trong bất cứ mối quan hệ nào như tình cảm, bạn bè, gia đình, bố mẹ - con cái, công việc,…
Ngoài một số nguyên nhân như sự phù thuộc (tài chính, cuộc sống, con cái,..) hay lo lắng bị đánh giá từ xã hội, vòng lặp còn được duy trì bởi sự gắn bó chặt chẽ về mặt tâm lý giữa nạn nhân và người bạo hành.
Chia sẻ thêm:
Mình đặt câu hỏi “tại sao vòng lặp lại lặp đi lặp lại?” thay vì câu hỏi phổ biến “vì sao nạn nhân không rời đi?” bởi với cá nhân mình, câu hỏi đó tập trung nhiều hơn vào việc truy cứu nạn nhân thay vì lên án kẻ bạo hành. Bên cạnh đó, việc nhận thức được mình đang bị bạo hành, vượt qua các rào cản nhận thức, tâm lý, tài chính, xã hội, sự kiểm soát để rời đi khỏi một kết nối chặt chẽ, quen thuộc là không hề dễ dàng. Giống như người đàn bà làng chài trong đoạn trích đầu bài, mình cũng đã từng bảo vệ, giấu giếm mối quan hệ, bào chữa cho đối phương, với những niềm tin căn bản của một cá nhân gắn bó chặt chẽ từ những chấn thương bạo hành.
Vậy nên, trong trường hợp bạn cảm thấy mình đang là nạn nhân và/hoặc là người bạo hành cần được hỗ trợ, bạn có thể liên hệ đến một số đường dây nóng dưới đây:
Tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình/ Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em: 111
Đường dây tư vấn hỗ trợ người bị bạo lực giới do Trung tâm CSAGA vận hành: 024.3333.5599/ 094.140.9119
Đường dây nóng của Ngôi nhà Bình Yên – nơi lưu trú cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực: 1900969680
Mình mong bạn sẽ được hạnh phúc và không bao giờ phải chịu đựng bạo hành một mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất