Phật giáo là một tôn giáo đại diện cho sự hòa bình hữu nghị, một tôn giáo đề cao đạo đức tuyệt đối thông qua con đường Bát Chánh Đạo. Nói về sự từ bi, các nhà sư đều cho rằng chúng ta phải đặt tình yêu thương của mình ngang hàng cho tất cả muôn vật. Dù là người thân, kẻ thù, động vật, cỏ cây thì tất cả phải được đặt vào vị trí ngang hàng về mặt tình cảm. Bởi thế, trong chánh nghiệp thuộc bát chánh đạo, đức Phật đã đặt ra giới luật không sát sinh.
Tuy nhiên, trong một thí nghiệm đạo đức trolley problem (vấn đề xe điện), các nhà sư ở miền bắc Ấn Độ đã chọn “eliminate” 1 người để cứu 5 người khác. Kết quả của thí nghiệm là các nhà sư bị liệt vào nhóm thái nhân cách.

Trolley problem là gì? 

Trolley problem là một thí nghiệm tâm lý đạo đức được tạo ra bởi nhà tâm lý học Philippa Foot vào năm 1967.  Trong đó, nội dung thí nghiệm đưa ra kịch bản 1 như sau:
Nguồn: https://www.girlsaskguys.com/
Nguồn: https://www.girlsaskguys.com/
Một toa tàu điện đang lao tới 5 người bị trói trên đường ray thứ nhất. Bạn là người đang giữ một công tắc chuyển hướng đường tàu sang đường ray thứ hai. Nhưng trên đường ray thứ hai lại có 1 nạn nhân cũng bị trói trên đường ray đó. Vậy, bạn có nên gạt công tắc để giết 1 người để cứu 5 người kia không? Hay là bạn không gạt công tắc để 5 người kia chết?
Trong kịch bản 2 - một dị bản của trolley problem: 
Nguồn: https://www.girlsaskguys.com/
Nguồn: https://www.girlsaskguys.com/
Bạn đang đứng trên cầu vượt đường ray cùng 1 anh béo. Trước mặt bạn là 5 người bị trói chặt vào đường ray. Còn sau lưng bạn là 1 toa tàu đang lao đến 5 nạn nhân. Trong tình huống đó, liệu bạn có đẩy anh béo xuống để chặn toa tàu hay không?
Trolley problem là một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức, và nó khiến chúng ta cảm thấy bất lực trong sự lựa chọn. Trong một báo cáo thí nghiệm của giáo sư Joshua Greene của đại học Harvard. Ông phát hiện ra rằng, phần lớn mọi người đã chọn gạt cần để giết 1 cứu 5 trong tình huống thứ nhất, và đã chọn không đẩy anh béo rơi xuống đường ray trong tình huống thứ hai. Nhưng đối với các nhà kinh tế học và người mắc bệnh thái nhân cách: cả hai đã lựa chọn việc bỏ 1 để lấy 5 vì lựa chọn đó là hợp logic.
Tuy nhiên, ở miền bắc Ấn Độ, một học trò của Greene lên là Xin Xiang đã đặt câu hỏi về kịch bản thứ hai cho các nhà sư Phật giáo. Kết quả là đa số các nhà sư đã chọn đẩy anh béo rơi xuống đường ray. Tất nhiên, trong báo cáo thí nghiệm, các nhà sư được xác định là bệnh nhân thái nhân cách về mặt lâm sàng.[1] 

Tại sao các nhà sư lại "lụm" anh béo?

Trong khi các nhà sư Phật giáo nguyên thuỷ lựa chọn hành động đạo đức tuyệt đối là không sát sinh. Thì các bậc cư sĩ là những người sống trong thế giới trần tục - một nơi không hoàn hảo cho đạo đức tuyệt đối tồn tại. Cuộc sống của cư sĩ đầy rẫy nguy cơ của chiến tranh, giết chóc, bạo lực. Nếu cư sĩ không tự vệ trong những hoàn cảnh như vậy, thì gia đình và người thân của họ sẽ gặp tai nạn. Kết quả, cuộc sống trần tục của các cư sĩ cũng không khác gì so với thí nghiệm đạo đức của trolley problem.
Với hoàn cảnh đạo đức hóc búa của bậc cư sĩ, một câu hỏi thách thức giống như trolley problem đã được đặt ra cho các nhà sư Đại thừa từ ngàn năm trước.
Nguồn: internet.
Nguồn: internet.
Để trả lời câu hỏi này, các bộ kinh như Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, Huệ Thượng Bồ-Tát Vấn Đại Thiện Quyền kinh hay Thiện Phương Tiện kinh đều nhắc đến câu chuyện kiếp trước của Đức Phật đã giết 1 tướng cướp biển để cứu 500 thuyền nhân vô tội. 
Tuy nội dung của câu chuyện giữa ba bộ kinh có khác nhau, nhưng tôi có thể tóm lược như sau:
Kiếp trước, đức Phật là một vị bồ tát tên Đại Bi Tâm. Trong quá trình anh ta vượt biển với 500 người trên một thuyền buôn. Một tên tướng cướp đã xuất hiện với ý đồ giết 500 người để cướp tài sản. Lúc này, Đại Bi Tâm đã khuyên nhủ tên cướp, nhưng hắn vẫn quyết tâm ra tay giết hại. Không có lựa chọn nào khác, Đại Bi Tâm đã giết chết tên cướp để cứu 500 thuyền nhân. Về sau, Đại Bi Tâm đã bị đọa địa ngục trong thời gian ngắn và được tái sinh nhanh chóng.
Để giải thích, một nhà sư thuộc phái Nyingma của Phật giáo Tây Tạng đã nói:
Lúc tên cướp bắt đầu ra tay, Đại Bi Tâm nhận ra nếu để tên cướp giết 500 vị bồ tát - những người đã tích đức từ nhiều kiếp trước - trên thuyền thì hắn sẽ chịu đau khổ ở địa ngục vô số kiếp. Còn bản thân Đại Bi Tâm cũng là một vị bồ tát. Thế nên, Đại Bi Tâm đã hy sinh công đức của mình để giết chết tên tướng cướp nhằm cứu sống 500 vị bồ tát kia. Theo luật nhân quả, Đại Bi Tâm đã bị đọa địa ngục và chịu đau khổ, nhưng vì công đức tu tập trước đó là quá lớn, anh đã trả hết nghiệp báo rồi tái sinh sang kiếp người một cách nhanh chóng. [2]
Như vậy, theo câu chuyện trong kinh thì các nhà sư sẽ có đủ lý do trong việc đẩy anh béo xuống đường ray. Nhưng vấn đề này chỉ dành cho các nhà sư đã tu thành bồ tát, còn người thường như chúng ta sẽ không biết bản thân đã tu bao nhiêu kiếp nhằm đổi trả công đức sau khi giết người hay không. Thậm chí ngay khi tôi là một Phật tử, tôi cũng không tin vào luật nhân quả và luân hồi được ghi chép trong kinh tạng. Kết quả là sự lựa chọn của các nhà sư về trolley problem vẫn làm tôi đắn đo.
Vậy nên, tôi đã đi tới lời giải thích thứ hai về nghiệp sát sinh. Trong  KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ đã ghi rằng, bạn chỉ mắc nghiệp sát sinh khi bạn đạt đủ 3 nguyên tắc sau:
- Nhân sát (nguyên nhân của việc giết): phiền não từ quá khứ xung động nội tâm làm khởi niệm ý đồ sát hại. - Duyên sát: ý đồ sát hại được nuôi dưỡng liên tục trong nội tâm. - Sát pháp (cách thức giết): xúi giục người khác giết, hoặc dùng phương pháp, hành vi, công cụ, vũ khí để giết.[3]
Theo ba nguyên tắc như đã nói, tôi có thể đẩy anh béo xuống với tâm thế trong sáng như một đứa trẻ để cứu lấy năm người còn lại. Vì theo nguyên tắc nhân sát và duyên sát thì nội tâm tôi đã không nuôi dưỡng sự thù ghét hay ý đồ giết người trong lúc đẩy anh ta xuống.
Nhưng chỉ dựa vào lý luận như trên thì những nhà thực hành tôn giáo như các Thiền sư sẽ không chấp nhận. Bởi vì đức Phật đã nói rằng khi tu hành, các nhà sư không nên dựa vào lý luận mà nên thực hành tôn giáo để tìm ra chân lý. Thế thì Thiền Tông - một tôn giáo hành động đã giải quyết trolley problem như thế nào?

Thiền Tông nghĩ gì về trolley problem?

Hotei watching at Cock Fighting - Miyamoto Musashi - Nguồn: internet.
Hotei watching at Cock Fighting - Miyamoto Musashi - Nguồn: internet.
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua trải nghiệm trực giác satori (đốn ngộ) của thiền. Khi các nhà sư tu thiền đã đạt tới cảnh giới satori, thì người này sẽ thấy tự ngã và vũ trụ là một. Mọi hành động của họ đều dựa trên trực giác và không có tư duy suy tính ở trong tâm. Cho nên trong trải nghiệm này, họ là bậc toàn thiện.
Theo lẽ đó, nếu tự ngã của bạn là ác trong khi hành động thiện, thì hành động này không thoả mãn trải nghiệm trên[4]. Nghĩa là khi bạn có tâm niệm ác thì bạn vẫn còn suy nghĩ toan tính về hành động đẩy anh béo xuống, bạn không còn là kẻ toàn thiện nữa.
Nếu bạn đẩy anh béo xuống mà không khởi niệm gì trong tâm, thì có lẽ các nhà sư đã giác ngộ sẽ chấp nhận hành động hy sinh 1 người để đổi lấy 5 người của bạn. Như vậy, Thiền Tông cũng chấp nhận hành động của các nhà sư ở miền bắc Ấn Độ trong thí nghiệm trolley problem mà thôi. 
Theo báo The Atlantic viết về thí nghiệm trolley problem dành cho các nhà sư, các nhà sư đã trả lời như sau:
“Tất nhiên, giết ai đó là một việc làm khủng khiếp, nhưng nếu ý định của bạn là trong sáng và bạn thực sự làm việc đó vì lợi ích lớn hơn, và bạn không làm việc đó vì tư lợi cá nhân thì điều đó có thể chính đáng.”

KẾT

The trolley problem là một thí nghiệm đạo đức đẩy bạn vào tình thế bất lực trong sự lựa chọn. Dù có gạt cần hay không trong thí nghiệm 1, hoặc có hay không việc đẩy anh béo xuống đường ray ở thí nghiệm 2, thì bạn đều có sự lựa chọn của riêng mình.
Dù bạn có lựa chọn hành động hay không hành động, thì theo nhà Phật: nghiệp vẫn được sinh ra khi bạn không làm gì. Cho nên, bạn vẫn đau khổ, cắn rứt lương tâm nếu thí nghiệm đó có thật ở thực tại. Cơ mà Phật giáo cho rằng trong thế giới trần tục này, vạn vật đều có hai mặt thiện ác của nó. Cho nên Phật giáo sẽ không đánh giá đạo đức của bạn ở trong bất cứ tình huống tiến thoái lưỡng nan nào. Khi bạn đọc qua thí nghiệm này, bạn đừng quá bận tâm về sự lựa chọn nào sẽ có đạo đức hơn. Nếu nó có thật, bạn hãy đưa ra phương án hiệu quả nhất trước khi hành động, hoặc là hành động theo trực giác.
Đối với các nhà sư ở miền bắc Ấn Độ, trong thí nghiệm thứ hai, có thể người ra đề đã không cho phép các nhà sư đưa ra những lựa chọn ngoài lề. Nếu nó xuất hiện trong đời thật, có lẽ, các sư sẽ đổi mạng mình cho 6 người kia.
Còn bạn? Bạn sẽ "lụm" ai trong cả hai kịch bản trên?

Nguồn tham khảo

[1] Sam Littlefair. “How Would a Buddhist Monk Solve the Classic “Trolley Problem”?” Lion's Roar, 2017, https://www.lionsroar.com/how-would-a-buddhist-monk-solve-the-classic-trolley-problem/. Accessed 3 March 2024.
[2] Kim Cang Định(trích dẫn). “Chuyện kể Đức Phật giết chết tên cướp biển mà tích lũy được công đức to lớn.” Liên Hoa Quang, https://lienhoaquang.com/thu-vien_Chuyen-ke-Duc-Phat_pdpkgcst_web_loivang.html. Accessed 2024.
[3] Thích Diễn Bồi, Hòa Thượng Thích Trí Minh(dịch). “1. Sát Giới (Giới Sát Sanh) - Luật - THƯ VIỆN HOA SEN.” Thư Viện Hoa Sen, 2010, https://thuvienhoasen.org/a2477/1-sat-gioi-gioi-sat-sanh. Accessed 2024.
[4] Nishida Kitaro. Cái thiện: hành trình kiếm tìm tự ngã chân chính. Nxb. Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2021. tr.240.