Không phải học, càng không phải nghiên cứu, vậy study là gì?
Study không phải là học thì là gì? Và tại sao nó càng không phải nghiên cứu? Case study sẽ được dịch như thế nào? Hãy cùng chúng mình trả lời những câu hỏi này nhé!
Thoạt tiên ai nhìn vào tiêu đề chắc sẽ nghĩ nó ngớ ngẩn. Study không phải là học thì là gì? Nếu dịch khác đi thì student sẽ không còn là học sinh, studies không còn là ngành học hay sao? Giá như mọi chuyện đơn giản như thế, nhưng một từ tiếng Anh thì luôn đa nghĩa, và study cũng vậy.
Các khóa học tiếng Anh thường sẽ chọn cách dịch phù hợp với lời ăn tiếng nói nhất, không cần chính xác tuyệt đối, trong khi tiếng Anh giao tiếp đa phần phát sinh rất nhiều nghĩa chồng chéo, chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi cách dịch để giao tiếp mà không xét nghĩa gốc của từ vựng. Nhưng cũng từ lời ăn tiếng nói mà chúng ta có thể hiệu chỉnh cách dịch của mình. Study không hẳn là học, đặc biệt nếu so sánh với learn. Tiếng Anh phân biệt hai từ này theo mức độ: study là đọc hiểu, ghi nhớ, tìm hiểu, v.v. để có thêm kiến thức, còn learn là am hiểu, thấm nhuần kiến thức và kỹ năng. Vậy study là một phần thiết yếu của learn, nhưng tuyệt nhiên không bằng learn. Tiếng Anh có câu nói learning, not studying chính là học hiểu chứ đừng học suông. Learner (người học) cũng có sắc thái cao hơn student (học sinh), ở chỗ learner không chỉ tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà chủ động tìm tòi, học hỏi và áp dụng kiến thức ấy.
Do đó bản thân từ học trong tiếng Việt, trong "học, học nữa, học mãi", "học đi đôi với hành", "tiên học lễ hậu học văn", v.v. sẽ gần nghĩa với learn nhất, ta có learning là sự học, learned là tính từ chỉ sự có học thức, learned man là học giả. Khẩu hiệu "học, học nữa, học mãi" vốn dịch từ câu nói của Lenin "учиться, учиться и учиться" và cách dịch của tiếng Anh cũng là "learn, learn, and learn", chứ họ không dùng study. Về bốn mục tiêu học tập của UNESCO “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống”, tiếng Anh cũng dùng từ learning. Vậy từ những cách dùng thông dụng, chúng ta đã tìm được mối tương quan chặt chẽ giữa hai ngôn ngữ. Tất nhiên không hoàn toàn chính xác, vì dịch là phản mà. Tuy nhiên điều đó đủ để bắt chúng ta dịch study khác đi chứ không phải là học nữa.
Thực ra, từ điển tiếng Việt cũng đã có một từ tương đối sát nghĩa để dịch study, đó là khảo cứu: Tìm hiểu trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu các sách vở, tài liệu cũ. Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh cũng giải nghĩa khảo cứu (考究) là "tra xét, tìm tòi" và ghi chú hai cách dịch: rechercher (research), étudier (study). Ta hoàn toàn có thể dùng từ khảo cứu để dịch study phân biệt với learn. Dù sắc thái của cách dịch này nom nặng nề hơn, nó lại phù hợp để dùng trong khoa học, nơi nâng tầm study lên việc tìm hiểu một đối tượng để biết kích thước, tính chất vật lý hóa học, hoạt tính sinh học, v.v. (nhưng vẫn không phải là học). Đương nhiên trong dân sự thì không thể nói "Khảo cứu để mai còn thi", nhưng dịch study a reaction mechanism thành khảo cứu một cơ chế phản ứng thì rất đạt. Tùy văn cảnh mà ta sử dụng sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi lại thấy study bị dịch thành nghiên cứu, cách dịch vốn được dùng cho research, với researcher là nhà nghiên cứu, research institute là viện nghiên cứu, v.v. trong khi study và research không hề đồng nghĩa. Tuy đều là hành động tìm hiểu để thu được kiến thức nhưng research còn bao gồm việc tổng hợp hiểu biết sẵn có, một cách sáng tạo và hệ thống, nhằm tạo ra kiến thức mới. Chẳng hạn như để tốt nghiệp 12 năm học, bạn chỉ cần study mà thôi, nhưng để trở thành một tiến sĩ, bạn cần phải research, không chỉ học để lấy kiến thức mà còn phải mở rộng nó. Việt Nam đã dịch research thành nghiên cứu rất đạt, vì nghiên (研) là tìm tòi, nghiền ngẫm, một nghĩa ẩn dụ xuất phát từ ý gốc là mài mực.
Vấn đề có lẽ không nằm ở cách dịch, mà ở cách suy nghĩ, dù chúng tôi cũng không hiểu tại sao phần đông lại có lối đánh đồng như thế, có lẽ do thấy từ học không còn phù hợp nên sử dụng từ gần nghĩa (đớn thay lại không đồng nghĩa). Chẳng hạn như câu cửa miệng của một số giảng viên là "nghiên cứu chuyên đề" trong khi đó là khảo cứu, thậm chí chỉ là tìm hiểu một chủ đề. Để rồi người người nghiên cứu, nhà nhà nghiên cứu. Một bài khảo cứu cũng gọi là nghiên cứu, như thuật ngữ case study đã có vô số bản dịch tam sao thất bản như nghiên cứu trường hợp, nghiên cứu tình huống, nghiên cứu điển hình, trường hợp điển hình ... trong khi nó chẳng đến tầm nghiên cứu, đối tượng không phải là tình huống (situation), cũng không đến mức điển hình, đó lại là vấn đề về lối dịch suy diễn xin đành tạm gác qua ngày khác. Có thể dịch study theo cách khác ngoài khảo cứu, nhưng chắc chắn không nên tôn nó thành nghiên cứu nữa, vì điều này hạ thấp vai trò của nghiên cứu thực thụ và ảnh hưởng cả cách tiếp thu khái niệm.
Study không phải là học/learn, nhưng trong một vài trường hợp chúng ta lại dịch nó là học, đó là khi nó chỉ một môn học. Điển hình như Oriental studies đã được dịch là Đông phương học. Về vai trò này, nó tương đương với hậu tố -ology, chẳng hạn như Chinese studies cũng được gọi là Sinology, ta dịch là Trung Quốc học hay Hán học, còn bản thân người Trung gọi đó là Quốc học.
Vậy case study có phải là ngành học về trường hợp? Trớ trêu thay lại không, đó cũng là đặc điểm chung của các từ vựng chỉ ngành học trong tiếng Anh: chúng có thể chỉ cả đối tượng của ngành học đó. Chẳng hạn như methodology có thể là ngành học về phương pháp nghiên cứu hoặc hệ thống các phương pháp ấy, ta dịch chung là phương pháp luận; terminology có thể là thuật ngữ học hoặc thuật ngữ; etymology có thể là từ nguyên học hoặc từ nguyên; v.v. Trong đa số trường hợp, ta có thể phân biệt bằng ngữ cảnh hay thói quen sử dụng, hoặc ít gặp hơn là từ science nhằm khu biệt môn học. Lấy cảm hứng từ methodology là phương pháp luận, chúng tôi đề nghị dịch case study là trường hợp luận, nghe gãy gọn hơn bài khảo cứu trường hợp.
Trên đây chỉ là vài dòng suy nghĩ về cách dịch một từ rất quen thuộc, nhưng có lẽ vì quá quen nên bị đánh đồng và suy diễn hơi nhiều.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất