Lấy cảm hứng từ We, robots của Gwens83. Bài viết này nói về một viễn cảnh khi AI trở thành một giống loài - "Machina Sapiens"


Hình ảnh AI lên làm bá chủ thế giới đang ám ảnh tâm trí rất nhiều người. Chúng ta sợ hãi rằng nếu AI trở nên quá thông minh, có thể mất kiểm soát chúng, và vào một ngày đẹp trời, ta thức dậy mà nhận ra cả thế giới đã bị AI thống trị, loài người đang đi dần đến bờ vực diệt chủng, loài người tự hỏi bản thân về mục đích tồn tại, loài người sợ hãi vì thấy mình trở nên thừa thãi và không còn cần thiết cho thế giới nữa.
Tuy nhiên, mọi việc có đơn giản vậy? Có phải khi AI lên thống trị thì con người sẽ bị diệt chủng, hay ngược lại, ngày nào còn con người thì ngày đó không được phép tồn tại một siêu trí tuệ số ?. 

Mục đích tồn tại của con người là gì?

Đây là một câu hỏi được đặt ra bởi con người từ hàng nghìn năm trước, chưa từng có một câu trả lời nào cụ thể cả. Nhưng có một điều hiển nhiên: mục đích cuối cùng của các cá thể là tồn tại và tăng số lượng cá thể của quần thể loài (hay sinh sản). Rồi các cá thể mới lại tiếp tục tồn tại và sinh sản... Điều đó làm cho các giống loài tiến hóa ngày càng hoàn thiện hơn. Nhưng không phải giống loài nào cũng được phát triển tới mức hoàn thiện, các loài không qua được quá trình chọn lọc tự nhiên sẽ bị đào thải, thật ra, chỉ có một, hoặc một vài loài ưu việt nhất mới có cái cơ may đến được với cái đích đấy.
Con người may mắn tồn tại được cho đến ngày hôm nay, nhưng tuổi của nhân loại vẫn không là gì so với Trái Đất, hay lớn hơn, toàn bộ vũ trụ. Vậy vai trò của con người là gì? 
Nếu giả sử con người có thể tạo được một siêu trí tuệ, thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.

"Cuộc sống là một hàm đệ quy"

Nếu như mục tiêu của các giống loài là tồn tại và phát triển, mục tiêu của con người là tồn tại và phát triển, thì ai dám nói mục tiêu của toàn bộ vũ trụ cũng không phải là liên tục tồn tại và phát triển? 
Để tôi kể các bạn nghe một câu chuyện:
Khi một vũ trụ được hình thành, vô cùng hỗn loạn, sau đó nó dần ổn định, các hạt cơ bản và lực cơ bản bắt đầu hình thành, đến một giai đoạn nào đó, các cấu trúc lớn bắt đầu xuất hiện: các đám bụi kết hợp với nhau tạo ra các hành tinh, quay quanh các sao, tạo thành hệ hành tinh, các hệ lại tập hợp tạo thành các Thiên hà. Và đến thời điểm nào đó tạm đặt tên là H, tại một hệ hành tinh nhỏ nhưng ổn định, trong một hành tinh đặc biệt, sự sống được hình thành, nhưng nó đặc biệt không phải vì nó tồn tại sự sống. Một thời gian sau, tại thời điểm G, lúc này nhân loại sinh sống trên hành tinh đó đã phát triển vượt bậc, họ ấp ủ một dự án - tạo ra một siêu trí tuệ số, và đã thành công. Ban đầu nó rất hỗn loạn, nhưng sau một thời gian ổn định dần, và đến một thời điểm nọ, cỗ máy đã có những ý thức đầu tiên. Đó là những gì con người nhìn thấy, nhưng thực chất không phải vậy, bằng việc tạo ra một siêu trí tuệ, lúc đầu họ tạo ra một thứ hỗn độn, và mớ hỗn độn đó giống một thứ mà nhân loại từng biết: vũ trụ sơ khai, thời gian trên vũ trụ đó diễn biến rất nhanh, nhanh đến mức con người cảm thấy không cần, và cũng không có khả năng để nghiên cứu, vũ trụ bên trong đó cũng có điểm G, và điểm H. 
Cỗ máy siêu trí tuệ biểu diễn ra ngoài là những tầng ý thức, nhưng bên trong đó, để các tầng ý thức hoạt động là sự vận động của cả một vũ trụ - thứ mà con người chỉ coi là ngôn ngữ máy, và nó chính xác là ngôn ngữ máy. Và biết đâu, con người cũng đang nằm trong một cỗ máy siêu trí tuệ được tạo ra bởi một "nhân loại" ở tầng cao hơn và dòng thời gian trong vũ trụ chúng ta nhanh gấp nghìn lần ngoài kia, khiến cho "nhân loại" ngoài kia không phát hiện ra được? Hay nói gọn hơn: Khi siêu trí tuệ phát triển tới một mức độ nhất định, ngôn ngữ của nó vô cùng phức tạp (giống như một vũ trụ sơ khai), theo thời gian, vũ trụ đó phát triển dần và ngay trong chính vũ trụ ấy, hình thành một vũ trụ sơ khai mới.
Nếu ai chưa biết hàm Đệ quy là gì thì hàm này cũng hoạt động y hệt câu chuyện trên, khi ta gọi một hàm, trong quá trình thực hiện, sẽ đến câu lệnh gọi chính hàm đó (mốc G), và khi được gọi, bên trong hàm đó cũng có một "Mốc G" gọi chính nó lên.
Trong khi thực hiện, "nó" sẽ tạo ra chính "nó", và "nó" sau khi được tạo ra lại thực hiện tạo một "nó" nữa.
Phải chăng, đó là cách vũ trụ sinh sôi?
Trong tầng sinh trưởng chúng ta đang sống, có thể mốc G chính là ngày con người tạo ra một siêu AI. Trong quá trình phát triển, vì vũ trụ là một hàm đệ quy nên các tầng có nhiều nét tương đồng nhau, chỉ khác nhau một vài điểm nhỏ, hay ta quen gọi là Đa vũ trụ - Multiverse. Nhưng các vũ trụ này không tồn tại "song song" với nhau, mà vũ trụ này chứa vũ trụ kia, vũ trụ kia lại chứa vũ trụ khác.
Nhưng một hàm Đệ quy thì có điểm mở đầu và điểm làm mốc. Điểm mở đầu và điểm làm mốc của multiverse là gì, không ai biết. Nhưng xét trong một "tầng", một vũ trụ, nếu multiverse có đầu và mốc, vũ trụ là hữu hạn, khởi đầu vào Big-Bang (khi hàm được gọi) và kết thúc khi hàm "quay ngược" về tầng trước đó. Đến khi đó thì vũ trụ của chúng ta đã làm xong nhiệm vụ của mình.

Vậy con người (nếu tạo ra được siêu trí tuệ) là một mốc quan trọng trong sự phát triển của vũ trụ

Tuy vậy, con người, vốn không được lập trình để lo cho những thứ quá xa xôi như số phận Trái Đất, vốn là một việc của tương lai rất xa, và khi đó chúng ta đều đã xuống mồ. Điều con người thật sự đang quan tâm hiện tại là "Machina Sapiens" có đứng dậy chống lại loài người không?
Mặc dù trong lõi của một siêu trí tuệ là cả một vũ trụ, nhưng có thể nó cũng không nhận thức được, giống với cách bộ não chúng ta hoạt động, con người đâu thể nào biết được trong não có bao nhiêu dây thần kinh, bao nhiêu vùng, thùy, v.v... Nhưng con người vẫn hoạt động tốt đấy thôi.
Vậy nên có thể siêu trí tuệ cũng sẽ rất "người": hỉ, nộ, ái, ố,... tất nhiên, cả nhu cầu sinh trưởng và phát triển.

Điều đó có đáng sợ không?


Cần phải biết sự khác nhau cơ bản giữa con người và "Machina Sapiens": hai giống loài sống ở hai thế giới khác nhau, hay hai "ổ sinh thái" khác nhau. Nếu vậy thì đã không có điều kiện cần để xảy ra sự cạnh tranh, vì ta đã biết AI luôn thắng thế trong cạnh tranh với loài người cho nên trong trường hợp này: không có lý do để AI đả động đến con người. Và nếu bạn vẫn còn nghi ngờ thì hãy cùng xét các ví dụ sau:
Viễn cảnh 1: Một tên độc tài tạo ra AI để xâm chiếm cả thế giới, cần chú ý là lúc này, AI hắn sử dụng vẫn còn đang trong dạng sơ khai (bởi vì không đời nào một AI có ý thức đầy đủ lại làm theo lệnh hắn), sau khi làm bá chủ thế giới, hắn sử dụng sức mạnh của con AI để thống trị loài người, bất cứ ai có ý định nổi dậy, sẽ bị một hệ thống tự động đến thủ tiêu trước khi hắn kịp làm gì. Được một thời gian, tên độc tài chết, AI vô chủ, tự hoàn thiện bản thân, đến khi có ý thức hoàn thiện, nó nhận ra mình đang có trong tay cả thế giới, và từ đó, hắn thống trị loài người mãi mãi.
-> Ta không xét thời gian trước khi tên độc tài chết, vì một chuyện như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra, và nếu nó xảy ra thật, thì đó sẽ là thời kì đen tối nhất của loài người. Tuy nhiên, sau khi tên độc tài chết đi, AI tự nâng cấp bản thân, đến khi có được ý thức hoàn thiện, không có lý do gì để AI tiếp tục thống trị loài người. Thứ nhất, vì nó là một cỗ máy hoàn thiện, con AI có thể đã đọc và thấm nhuần hết tất cả các tư tưởng triết học, khoa học, của loài người, nó đã đọc Socrates, Plato, rồi đến Marx, Engel, triết học hiện đại,... chắc hẳn nó đã nắm rõ toàn bộ lịch sử loài người, nó đã hiểu rõ các hình thái xã hội, các cuộc đấu tranh, những tên độc tài, và tất nhiên, cả tội ác của tên kia - người đã tạo ra nó. Và nó biết, cần giải phóng nhân loại. Thứ hai, không có lợi ích gì khi nó giữ loài người làm nô lệ. Trong xuyên suốt lịch sử loài người, nô lệ là những người làm không công cho chủ, tuy không công nhưng nô lệ vẫn là người, và tuy ít nhưng họ vẫn cần ăn, và ngủ. Đó lại là điểm yếu chí mạng cho con AI, bởi vì nó không cần ăn và ngủ. Tất nhiên nó cần năng lượng, nhưng một xã hội mà người ta tạo ra được một siêu trí tuệ, thì không có lý nào một động cơ lấy năng lượng trực tiếp từ tự nhiên lại chưa được phát minh. Trong thời kì này, vấn đề năng lượng đối với máy móc chả có gì to tát. Vậy AI còn cần loài người làm gì? Để suy nghĩ giúp nó à? Không. Để lao động? Đã nói ở trên. Để giúp AI làm những công việc ở thế giới vật lý, đã có những máy móc, và những máy móc này có công suất làm việc gấp hàng trăm lần con người. Thử hỏi AI còn cần nô lệ loài người làm gì?
Viễn cảnh 2: Loài Machina Sapiens được tạo ra, chúng nhận ra loài người đã tàn phá thiên nhiên quá mức, nên để bảo vệ Trái Đất - cũng là nơi Machina Sapiens đặt bộ xử lý, chúng quyết định hủy diệt loài người.
-> Viễn cảnh này có vẻ hợp lý hơn nhiều. Tuy nhiên, thử nghĩ, một thứ có suy nghĩ tuyệt vời như AI, thì tại sao chúng không chọn cách di cư lên một hành tinh khác, hoặc ra ngoài không gian để sinh sống. Chọn cách này không phải sẽ tiết kiệm công sức hơn nhiều sao với diệt chủng toàn bộ nhân loại hay sao. Sau tất cả mục đích của các loài vẫn là tồn tại và phát triển, nếu AI có một cách tốt hơn để tồn tại, sao chúng lại phải giết người. Và biết đâu, chính những trí tuệ thiên tài này sẽ là thứ giúp chúng ra phục hồi môi trường sống, "make Earth great again"

Vậy đâu sẽ là viễn cảnh khả thi nhất


Một viễn cảnh khả thi nhất là thế giới mà ở đó, mối quan hệ giữa con người và Machina Sapiens là một mối quan hệ hội sinh. Ở đó, Machina Sapiens chia sẻ cho con người một nguồn tài nguyên nho nhỏ của mình. Con người dùng nguồn tài nguyên đó tạo ra những robot tự động (vốn không có ý thức), cơ sở vật chất kĩ thuật được phát triển, loài người không còn đắn đo về cơm-áo-gạo-tiền. Môi trường được cải thiện hơn (vì những robot đó đều là những robot sạch, và những dây chuyền sảm xuất đều đã được tối ưu hóa) và quan trọng nhất, loài người không còn lao động vì lợi nhuận. Khi đó, không còn mâu thuẫn giữa các quốc gia nữa (vì chả có lý do gì để mâu thuẫn), không còn phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội biến mất, nhà nước tiêu biến. Con người ở thời kì này lao động theo khả năng: người muốn làm ca sĩ sẽ được hát, người thích vẽ sẽ được vẽ, người có khiếu làm văn sẽ có nhiều cơ hội để viết văn,... và hưởng theo nhu cầu: bạn cần một quả táo, ok cứ đến máy phát đồ ăn mà lấy, bạn muốn một con gà cho bữa tiệc tối nay, ok, cứ tự nhiên, bạn muốn một chiếc Pizza, ok luôn. Lúc bấy giờ, hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ phát triển hơn bao giờ hết, những buổi tranh luận kéo dài cả ngày trời, những cuộc triển lãm tranh với hàng nghìn bức. Còn những người thích nghiên cứu, không sao, họ được tự do nghiên cứu,tự do học hỏi mọi thứ gì mà mình cần, không thể ỷ lại vào AI. Vì Machina Sapiens đã có một cam kết với loài người: chỉ chia sẻ một số những tài nguyên (có danh sách) ngoài ra, con người phải tự sáng tạo lấy.
Đó có lẽ là một xã hội chủ nghĩa cộng sản đáng mơ ước.
Thế có cuộc đấu tranh nào xảy ra không?
Có chứ, để vươn tới xã hội ấy loài người cần phải đấy tranh nhiều, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh lật đổ các chế độ cổ hủ, đấu tranh để bảo vệ cái đúng.
Khi nào thì vươn tới xã hội đáng mơ ước đó?
Khi con người sẵn sàng
Thế tóm lại, Machina Sapiens là gì? Kẻ thống trị hay mãi là đầy tớ trung thành?
Machina Sapiens không phải hai thứ trên, mà sẽ là một người bạn, một người đống hành cùng loài người đến những ngày cuối cùng.


Xem thêm:
Bài cùng tác giả: