Sau những nghiên cứu từ rất nhiều người thành công trong các lĩnh vực, tiến sĩ tâm lý Mihaly Csikszentmihalyi đã nhận ra được một đặc điểm chung rất đáng chú ý giữa họ.
Một trạng thái tinh thần mà tất cả những cá nhân kiệt xuất nhất trong thể thao, nghệ thuật, khoa học... đều đạt tới khi họ làm công việc mình yêu thích cho đến tận cùng khả năng.
Ông gọi trải nghiệm đó là "flow" (hay "dòng chảy"), một khái niệm rất nổi tiếng được trình bày trong cuốn sách cùng tên.
Đối với mình, trạng thái "flow" vừa là một khám phá thú vị của tâm lý học, vừa là một lý tưởng của cuộc sống để hướng đến. Đạt được "flow" không hề dễ, thậm chí là phi thực tế đối với nhiều người. Nhưng ý niệm của "flow" vẫn cho chúng ta thấy rằng bộ não của con người có thể đạt được đến những tiềm năng thế nào.
Nếu như được đặt trong những điều kiện hợp lý, chúng ta có thể vào được trạng thái tập trung sâu mà hầu như không cần phải gượng ép quá nhiều (effortlessly).
Trong trải nghiệm đó, chúng ta cảm tưởng như mình được "hòa vào làm một" với công việc mình đang làm, được tận hiến những khả năng của mình cho một mục tiêu ý nghĩa... Đó là khi tâm trí của chúng ta như được trôi theo một dòng nước, và như Mihaly Csikszentmihalyi đã miêu tả: chúng ta có một sự đồng nhất nhịp nhàng với những chuyển động của thực tại.
Những miêu tả về trạng thái "flow", bằng một cách nào đó, không tránh khỏi cảm giác "siêu việt", thần kỳ và có phần triết học. Nhưng khi tự đối chiếu với chính trải nghiệm của mình, mình tin rằng ai trong số chúng ta đều đã từng được nếm trải. Cho dù chỉ là thoáng qua.
Bản thân mình được lớn lên với hội họa và thiết kế, sau lại theo đuổi con đường viết lách làm sự nghiệp... Đó đều là những công việc cần nhiều đến sức sáng tạo. Mình không xa lạ gì với những lúc cạn kiệt cảm hứng, thiếu động lực và đâm vào bế tắc trong công việc phải làm.
Nhưng khi phần lớn mọi người từ bỏ, mình lại có thừa sự bướng bỉnh và lì lợm để tiến tới. Mình đã học cách để tự tạo ra cho bản thân cảm hứng viết (như một người viết chuyên nghiệp nên làm), bằng cách ứng dụng những nguyên lý của "flow" và tự đưa mình vào một trạng thái tập trung sâu.
Tuy trải nghiệm viết có ngày dễ hơn ngày khác, nhưng việc viết trong sự tập trung tuyệt đối luôn khiến mình phải đối diện với những giới hạn của bản thân. Có những ý nghĩ không biết diễn đạt thế nào thành lời. Có những câu văn không biết chỉnh sửa ra sao cho trau chuốt. Có những bài viết bị gác lại tới vài năm chưa thể hoàn thiện...
Nhưng chính nhờ việc viết bằng toàn bộ ý chí và sự chuyên tâm mà mình có trong từng khoảnh khắc như vậy, mình dần thấy năng lực viết của mình có những sự phát triển qua từng năm.
Mình nhận thấy, chỉ khi làm mọi thứ bằng toàn bộ tâm huyết và sự tập trung, năng lực của mình mới có sự tăng trưởng.
Với đặc tính mềm dẻo của bộ não, năng lực của chúng ta cũng giống như một chiếc dây thun: chỉ khi được giãn căng, nó mới được mở rộng ra hơn. Và như Csikszentmihalyi có nói, cái tôi của chúng ta nhất thời tan biến trong trạng thái "flow", để đến khi vượt quá giới hạn sẵn có, nó mới được thiết lập trở lại như một phiên bản đã được nâng cấp.
Trong cuốn sách nổi tiếng "Outliers", tác giả Malcolm Gladwell có đưa ra ý tưởng rằng: chúng ta cần đến 10,000 giờ luyện tập để trở nên xuất sắc với một lĩnh vực. Nhưng mình nghĩ như vậy chưa đủ. Đó không phải là 10,000 giờ của sự nửa vời, mà phải là 10,000 giờ thật sự chất lượng.
10,000 giờ của sự tập trung, nỗ lực và làm trọn vẹn những gì mình có.
Chỉ khi tập trung, bạn mới đạt được hiệu suất cao nhất.
Chỉ khi tập trung, bạn mới làm được mọi thứ bằng tất cả năng lực.
Chỉ khi tập trung, bạn mới biết mình còn có những tiềm năng gì.
Chỉ khi tập trung, bạn mới thật sự tạo ra sự phát triển.
Nguồn: cosmicwriter.
Link bài góc: