Thời còn là sinh viên (mình học ULSA), mình đã rất muốn được tham gia những chương trình hướng nghiệp, gặp gỡ, giao lưu cùng những người có kinh nghiệm để biết thêm về môi trường đi làm sau này. Tuy nhiên hồi đó chưa có nhiều chương trình như vậy. Mình ra trường chỉ với một tấm bằng Khá trong tay và gần như không có sự chuẩn bị gì cho quá trình tìm việc làm. Chính vì vậy mà mình đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc, khi cố gắng định vị bản thân trên thị trường lao động. Trong suốt quá trình đầy thăng trầm và gian khó ấy, mình đã may mắn gặp gỡ được vài người anh, người thầy, người ông... họ đã giúp mình mở mang tầm nhìn, định hướng tư duy, rèn luyện những kỹ năng để rồi mình có được như ngày hôm nay. Mình biết ơn họ và luôn mang trong lòng suy nghĩ: những thế hệ sau mình, họ sẽ ra sao? liệu họ có được cái may mắn ấy không?
Đến khi nhận được lời mời của câu lạc bộ Marketing trường đại học Thương mại tới tham dự sự kiện Workshop "Hành trình nghề nghiệp - kỹ năng viết CV", mình thật sự rất vui và đồng ý ngay. Bởi đây chính là cơ hội để mình có dịp chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có; cơ hội để được lắng nghe các bạn sinh viên xem họ đang gặp vấn đề gì; cơ hội để mình thực hiện điều mà mình luôn mong muốn: trở thành một người anh, người bạn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với đàn em, giống như cách mà mình đã nhận được trước đây. Vậy là sau quãng thời gian gần 15 năm mình mới lại có dịp quay lại trường đại học mà trong lòng mang đầy những cảm xúc khó tả.

Kỹ năng CV - bước đầu trên hành trình nghề nghiệp

Hầu hết chúng ta đều bắt đầu hành trình nghề nghiệp của mình với hai thứ: Bằng cấp và CV. Trước đây khi còn là sinh viên mình suy nghĩ đơn giản: học cho xong, có cho mình một tấm bằng rồi viết CV đi tìm việc. Thế nhưng lối suy nghĩ ấy sẽ khiến mình gặp nhiều khó khăn, bởi lúc ấy mới chuẩn bị cho CV thì đã muộn:
- Mình không biết viết CV như thế nào. Bởi bản thân chẳng có điều gì nổi bật để mà viết. Mình cũng không hiểu rõ cách viết từng nội dung ra sao, chỉ thấy ai viết hay hay là nhái theo, chứ chẳng có nguyên tắc nào cả.
- Mình không biết công việc mình muốn ứng tuyển đang đòi hỏi những gì. Với một đứa sinh viên mới ra trường như mình khi ấy thì mình chẳng biết thị trường lao động ra sao, mức lương thế nào, không hiểu rõ những gì người ta viết trong JD (Job Description - bản mô tả công việc) để biết mình có phù hợp không, cứ thế gửi CV rồi chờ đợi trong vô vọng.
- Mình không biết kỹ năng nào là quan trọng, cần thiết cho công việc. Thứ mình có chỉ là những kiến thức học trong trường mà thôi. Mà khi ấy mình lại suy nghĩ rằng những thứ đó nặng tính lý thuyết quá (chẳng biết đúng hay sai mà cứ suy nghĩ một chiều như vậy, do chưa được thực tế kiểm chứng). Mình muốn được thực hành những thứ trong thực tế nhưng lại sợ không làm được, mà cũng chẳng ai cho mình làm.
Sau nhiều năm lăn lộn trường đời, mình đã có cái nhìn rất khác về CV và tuyển dụng. Mình đã gặp gỡ nhiều anh chị làm nhân sự, từ cấp nhân viên cho tới trưởng phòng, giám đốc nhân sự, nói chuyện cùng nhiều người là giám đốc, CEO, CFO các công ty, cùng họ giải quyết những bài toán khó về phân tích, đánh giá hiệu suất lao động, xây dựng quy trình quản lý nhân sự, đánh giá KPI, xây dựng thang bảng lương, tham gia vào quá trình tuyển dụng, xây dựng khung năng lực, tối ưu chi phí nhân sự... tất cả những bài toán khó ấy đã giúp mình nhận ra: một nhân sự cần đáp ứng những gì để phù hợp với doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng cần gì, họ nhìn nhận và đánh giá các ứng viên, nhân viên ra sao, quá trình họ khai thác nhân viên như thế nào... Từ đó mình hình dung rõ hơn con đường để 1 sinh viên ra trường có thể gia nhập thị trường lao động một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi nhiều yếu tố như:
- Có người giúp các em sinh viên vạch ra lộ trình học tập phù hợp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Lộ trình này phải đủ linh hoạt cho từng đối tượng sinh viên, bởi mỗi em một năng lực, một chuyên môn khác nhau.
- Có người sát sao với các em như những Mentor (khái niệm về Mentor rất rộng nên mình dùng từ này để đại diện). Các em cần được tham gia vào các dự án sát với thực tế, để vừa thực tập, được hỏi, được làm, được chỉ ra các lỗi sai. Những thứ này rất khó để tự nhiên các em có được. Cần có sự chủ động của những người đi trước. Đơn cử như việc viết CV, ai cũng có thể tự viết được, nhưng khi đưa cho Mentor xem thì các em sẽ thấy những gì mình đang viết sai, viết thiếu, hoặc những gì mình chưa đạt được, cần phải hoàn thiện thêm. Vấn đề không phải là làm cho có, mà phải làm đúng, làm trúng cái người ta cần.
- Bản thân các em cần phải cầu thị, muốn học, ham hỏi, muốn được thực chiến, chấp nhận thử thách. Bởi dẫu cho mentor có nhiệt tình đến mấy, cung cấp tài liệu, kiến thức hay đến mấy mà các em không đào sâu, không trân trọng thì cũng như nước đổ lá khoai mà thôi.
- Một yếu tố nữa là không thể xa rời môi trường trường học được (mình sẽ tạm giới hạn ở môi trường trường đại học). Các dự án giáo dục nếu không gắn với trường học thì rất khó để tồn tại. Bởi khi tự tìm ở bên ngoài, khó để các em có được 1 nguồn đáng tin cậy. Chưa kể nếu không cân đối thời gian, công sức bỏ ra, các em dễ bị ảnh hưởng tới việc học các chương trình chính khóa.
Thật may mắn cho mình là chương trình Workshop lần này hội tụ đủ các tiêu chuẩn trên. Chương trình được sự đồng ý của các thầy cô trong khoa Marketing, được các bạn trong câu lạc bộ Marketing nhiệt tình chuẩn bị và tham gia, và bản thân mình luôn sẵn sàng chia sẻ trong khả năng có thể.
trước khi bắt đầu, mình có chụp hình kỉ niệm với các cô trong khoa.
trước khi bắt đầu, mình có chụp hình kỉ niệm với các cô trong khoa.
nhận hoa, quà tặng từ cô Hoài - trưởng khoa Marketing
nhận hoa, quà tặng từ cô Hoài - trưởng khoa Marketing
một tấm hình nữa chụp chung với các thầy cô và các bạn trong câu lạc bộ
một tấm hình nữa chụp chung với các thầy cô và các bạn trong câu lạc bộ

Kỹ năng CV - Chia sẻ và trao đổi thẳng thắn

Hội trường rất đông, có tới gần 150 bạn tham dự, lại được phát trực tiếp cho hơn 300 bạn nữa chứ. Lâu lắm rồi mình mới lại có dịp đứng nói trước nhiều người như vậy. Thường các lớp học của mình chỉ khoảng 40-50 người là tối đa rồi. Tuy có đôi chút hồi hộp nhưng mình cũng tự tin với những gì mình sắp nói, vì đó đều là những gì mình đúc kết qua thực tế, tham chiếu từ nhiều nguồn và áp dụng trên chính bản thân mình.
Nội dung mà mình chia sẻ trong buổi workshop gồm 3 phần:
Phần 1: Kỹ năng tạo CV, bao gồm:
+ Tư duy về bố cục, thẩm mỹ của CV: như các thành phần trên CV, vai trò và tầm quan trọng của từng phần. Cách sắp đặt vị trí, sử dụng màu sắc, phông chữ, cỡ chữ...
+ Cách trình bày các nội dung trên CV: cách đặt ảnh, viết thông tin cá nhân, viết về kinh nghiệm, bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng...
+ Một số lỗi hay gặp phải khi làm CV: dựa trên một vài mẫu CV do các bạn gửi, mình muốn chỉ ra các lỗi thường gặp để các bạn có thể hình dung ra cách ứng dụng những kiến thức trên vào tình huống thực tế.
phần chia sẻ về kỹ năng tạo CV
phần chia sẻ về kỹ năng tạo CV
Phần 2: Những chú ý khi tham gia phỏng vấn
Phần này mình muốn tạo ra một không khí cởi mở, gần gũi với các bạn sinh viên: chúng ta hãy thử hình dung mình khi đi phỏng vấn thì sẽ thế nào? các bạn có thể nói ra suy nghĩ, cách làm của bạn, còn mình sẽ nói ra những góc nhìn của nhà tuyển dụng. Từ đó hai bên có thể hiểu nhau hơn, gần gũi hơn.
Mình có chuẩn bị 5 câu hỏi. Đây đều là những tình huống thực tế mà mình đã trải qua, đã được hỏi, được trả lời (ở cả 2 vai trò ứng viên và người tuyển dụng). Điểm thú vị ở đây là không có đáp án nào là hoàn toàn đúng, ngay cả đáp án do chính mình đưa ra. Đó chỉ là những gợi ý, những góc nhìn mới hơn mà thôi. Mục đích là giúp các bạn sinh viên có thêm góc nhìn, hiểu thêm về những nhận định, suy xét, đánh giá của người tuyển dụng. Từ đó bản thân mỗi người chúng ta sẽ có một cách làm phù hợp mà không sợ bị dập khuôn, máy móc.
Phần 3: Những kỹ năng cần có dành cho người đi làm
Trong phần này, mình muốn giới thiệu đến các bạn về những kỹ năng cần thiết cho sinh viên nói chung, sinh viên ngành marketing nói riêng như:
- Hiểu biết về luật lao động, cụ thể về việc ký hợp đồng lao động (thử việc, chính thức). Điều này sẽ giúp các bạn tránh được các rủi ro liên quan tới pháp luật, tránh bị lừa, lợi dụng bởi các công ty "ma", cũng như hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường lao động.
- Bộ kỹ năng tin học văn phòng: Soạn thảo văn bản, quản lý dữ liệu, báo cáo, phân tích dữ liệu, thuyết trình. Đó đều là những kỹ năng cần thiết mà hàng ngày, hàng giờ những người làm văn phòng đều sử dụng tới.
- Tư duy về thiết kế để giúp các sản phẩm bạn làm ra đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn.
- Kỹ năng về viết content, chuẩn hóa SEO, chỉnh sửa ảnh, video. Đây là kỹ năng đặc thù cho những người làm công việc liên quan tới marketing (Content marketing, Digital marketing...)
- Kỹ năng mềm như quản lý thời gian, làm việc nhóm, vượt qua áp lực, khủng hoảng tâm lý, quản lý tài chính cá nhân... để giúp các bạn có thể đứng vững trong công việc, trong các mối quan hệ phức tạp trên thị trường lao động.
Ngoài ra mình có mang đến cho các bạn sinh viên một món quà nho nhỏ, dành cho những ai tham gia chương trình đối thoại cùng diễn giả này, đó là cuốn sách Người trong muôn nghề: ngành kinh tế có gì. Mình nghĩ đây là cuốn sách rất phù hợp dành cho các bạn học chuyên ngành thương mại, marketing. Hy vọng rằng cuốn sách này sẽ đem tới những thông tin bổ ích, những giờ đọc sách rất "chill" cho các bạn.
ai tham gia cũng có quà
ai tham gia cũng có quà

Kỹ năng CV - Cơ hội và thách thức

Tới 21 giờ thì chương trình kết thúc. Sau hơn 2 tiếng nghe diễn giả trình bày thì các bạn vẫn rất say sưa, chăm chú lắng nghe khiến mình rất vui. Viết CV chỉ là bước đầu tiên trên hành trình nghề nghiệp. Phía sau đó chúng ta còn rất nhiều việc phải làm: rèn luyện các kỹ năng, tham gia thực tập, tham gia các dự án thực tế... để bổ sung những gì mình còn thiếu. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các bạn đấy. Liệu chúng ta có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho hành trình này? Hãy nghiêm khắc nhìn lại bản thân mình để cùng nhau phấn đấu nào.
Dù còn nhiều điều để nói nhưng thời lượng có hạn, mình đành hẹn các bạn trong những buổi workshop tiếp sau này. Một lời cam kết mà mình muốn nhắn nhủ tới các bạn:
Anh sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trên hành trình này. Chỉ cần các bạn muốn học, muốn hỏi, anh sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ các bạn. Mà không phải chỉ riêng mình anh đâu, còn rất nhiều các anh chị, chuyên gia khác từ Spiderum cũng hỗ trợ các bạn nữa.
chia sẻ những cảm nhận của mình khi kết thúc chương trình
chia sẻ những cảm nhận của mình khi kết thúc chương trình
Cảm nhận của các bạn về chương trình này như thế nào? hãy chia sẻ với mình trong phần bình luận bên dưới nhé.
26/11/2022
duongAQ
chụp hình lưu niệm cùng toàn thể các bạn tham dự trực tiếp
chụp hình lưu niệm cùng toàn thể các bạn tham dự trực tiếp