Khi nào thì phù hợp để đọc sách?
Bàn về việc đọc sách - nguyên nhân khó bắt đầu đọc sách, những trải nghiệm của mình dẫn tới việc bắt đầu đọc sách, và cách đọc sách chủ động
Bạn có bao giờ cảm thấy áp lực khi nghe mọi người xung quanh, những video về chủ đề phát triển bản thân đều khuyên là nên tạo cho mình thói quen đọc sách? Rằng sách là nguồn tri thức vô tận, và ta sẽ mở mang đầu óc rất nhiều nếu đọc thường xuyên?
Đó là lần thứ 5, thứ 6 mà bạn lướt tiktok, facebook hay youtube giải trí (1 thói quen hàng ngày mà bạn dành ra vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để thư giãn sau những giờ học hoặc làm việc căng thẳng) mà lại gặp phải những khuyến nghị này.
Thế rồi bạn tham khảo vài video gợi ý những cuốn sách hay mà ai cũng nên đọc, và chọn lấy cho mình 1, hoặc vài cuốn cùng 1 lúc luôn - dù sao cũng mất tiền ship thì mua luôn mấy cuốn cho tiết kiệm.
Khi sách đã trên tay, bạn yên tâm hơn khi gặp phải những lời khuyên đọc sách kia, bạn nhìn lên giá sách đã có vài cuốn để an ủi. Nhưng chỉ mua để đấy thì đâu có tính là đọc sách, bạn phải mở ra và đọc cơ. Thế là bạn quyết tâm bỏ chiếc điện thoại xuống, tạm gác lại những nội dung giải trí, MXH để bắt đầu tiếp thu tri thức.
Nhưng bạn đọc được tầm 5 trang là bắt đầu thấy nó chan chán, thấy mất tập trung. Bạn cố ép mình đọc thêm 5 trang nữa thì ôi thôi, không hiểu sao 5 trang sau lại mất gấp đôi thời gian mà bạn đọc 5 trang đầu. Chỉ có vài dòng mà bạn phải đọc đi đọc lại, vì không hiểu sao mắt mình đọc chữ nhưng đầu mình lại không dịch được những chữ đó ra thành kiến thức, đâm ra bạn cứ đọc đi đọc lại 1 vài dòng mà vẫn không xong.
Nản quá, bạn nhét tờ bookmark vào trang đang đọc dở và call it a day.
Vài hôm sau bạn dở lại trang đã bookmark hòng đọc tiếp, nhưng lại chả nhớ mình đã đọc những gì từ đầu cuốn sách tới chỗ này. Hôm trước chỉ 1 đoạn văn thôi mà bạn phải vật lộn với nó rồi, bây giờ vật lộn với vài trang sách luôn sao?
Nguyên nhân là gì?
Mình nghĩ những điều khó khăn khi bắt đầu ép bản thân đọc sách như miêu tả ở trên là không hiếm với những bạn muốn tạo cho mình thói quen đọc sách. Đó chính là câu chuyện của mình, hồi mà mình còn đang học và vẫn chưa có nhiều trải nghiệm. Hồi đó, những gì mình làm hằng ngày chỉ có là học trên trường và về nhà thì chơi game, hoặc xem những video giải trí, khoa học gì đó. Mình có rất ít bạn, và cũng không giao tiếp nhiều với mọi người hay tham gia những hoạt động ngoài việc học.
Nếu các bạn đọc những cuốn sách bán chạy và nổi tiếng thì các bạn sẽ thấy hầu hết là tác giả kể những câu chuyện của chính họ, hay câu chuyện mà họ được chia sẻ và rồi kể lại trong cuốn sách. Từ những câu chuyện đó, tác giả sẽ rút ra bài học gì đó cho chúng ta.
Những cuốn sách này dễ đọc và giúp ta học được nhiều, bởi vì chúng ra học được những bài học sâu sắc nhất trong cuộc sống qua những trải nghiệm, những câu chuyện mà chính tác giả trải qua. Một bài học dù có hay tới đâu nhưng nếu nó không được đặt vào 1 ngữ cảnh, 1 câu chuyện thì chúng ta cũng khó mà tiếp thu được nó.
Thế thì tại sao những cuốn sách với những câu chuyện hay mà vẫn chưa lôi cuốn được các bạn?
Đó là vì những câu chuyện của tác giả dù có hay và rút ra được những bài học sâu sắc, thì nó cũng chỉ là câu chuyện của tác giả chứ không phải câu chuyện của chính bạn. Nếu cuộc sống hàng ngày của bạn chỉ xoay quanh việc đi học, đi làm cho qua ngày, rồi thời gian còn lại thì dành cho những thứ không đem lại cho các bạn những trải nghiệm, thì các bạn sẽ không có những câu hỏi, những khúc mắc để tìm lời giải đáp. Bạn sẽ khó mà hứng thú với những câu chuyện và bài học hoàn toàn của người khác.
Giải pháp là gì?
Mặc dù mình đã nghe tới những lời khuyên về đọc sách, gợi ý về những cuốn sách nên đọc từ lâu rồi, nhưng mình mới bắt đầu thực sự đọc sách sau 1 thời gian đi làm, khi mình đã có những trải nghiệm cả tốt và chưa tốt. Những trải nghiệm đó cho mình những băn khoăn, sự tò mò về cách mọi thứ hoạt động.
Thực ra mình không đột ngột từ 1 người không có thói quen đọc mà có thể đọc thường xuyên được. Mình bắt đầu từ việc nghe những podcast khi mình làm những việc không cần suy nghĩ quá nhiều như nấu ăn, dọn nhà. Rồi trên youtube cũng có những kênh chia sẻ rất hay về những trải nghiệm của những người sâu sắc. Khi tiếp nhận những nội dung, kiến thức qua định dạng dễ tiếp thu như podcast và video như vậy, mình học được nhiều, và điều đó cho mình thêm những tò mò, câu hỏi để mình lại tiếp tục đi tìm câu trả lời. Và rồi mình gặp được những cuốn sách nói về chủ đề liên quan tới những tò mò của mình.
Vậy nên đối với mình, ‘làm sao để có thể hình thành thói quen đọc sách’ không phải câu hỏi lớn nhất, mà ‘khi nào thì phù hợp để đọc sách’ mới là câu hỏi mà mình cho là quan trọng hơn.
Và câu trả lời là: khi nào bạn có những trải nghiệm mang lại cho bạn những băn khoăn, sự tò mò, những câu hỏi, thì sách là 1 trong những cách để bạn tìm câu trả lời, để giải mã những trải nghiệm đó.
Và theo mình thì sách chỉ là 1 trong những giải pháp thôi, bạn có thể nghe podcast, trò chuyện với những người đã trải qua những trải nghiệm đó mà bạn cho là họ đã thành công trong việc trưởng thành từ những trải nghiệm đó.
Có 1 cách nữa mà có lẽ mọi người cũng ít nhắc tới, đó là đọc và lắng nghe chính mình. Hãy nhớ lại những trải nghiệm, câu chuyện của chính bạn và suy nghĩ sâu để xem có thể tự giải mã những trải nghiệm chưa có tên này được không.
Vậy nên câu trả lời của mình cho việc đọc sách là đừng đọc sách vội, hãy ra ngoài và trải nghiệm, hãy có cho mình những câu chuyện trước đã. Rồi nếu thấy có cuốn sách nào giúp mình rút ra được những bài học về trải nghiệm đó thì bản thân sách là câu trả lời, chứ không phải là chủ đề của câu hỏi.
Nhưng sách còn làm được hơn thế nữa
Khi ghé thăm nhà sách và cầm lên những cuốn sách với những tiêu đề mà mặc dù chưa nằm trong tập hợp những băn khoăn, câu hỏi của bạn, nhưng nó khiến bạn hứng thú, tò mò muốn tìm hiểu thêm, bạn cũng muốn mua nó và đọc chứ?
Hãy mua nó và đọc nếu bạn cảm thấy đủ hứng thú. Nhưng nếu bạn chưa thực sự hiểu những câu chuyện và bài học trong sách và cảm thấy bắt đầu mất kết nối với cuốn sách, thì hãy đặt nó lại lên tủ sách. Và bạn đặt câu hỏi cho cuốn sách ấy: Khi nào là lúc phù hợp để đọc cuốn sách này? Tôi có thể làm gì để có những trải nghiệm để tạo ra thời điểm phù hợp để đọc cuốn sách?
Cách đọc sách chủ động
Khi bạn đã tìm cho mình được cuốn sách phù hợp để giải mã những trải nghiệm, băn khoăn của mình, thì đọc làm sao để tận dụng được cuốn sách?
Khi gặp những câu chuyện trong sách mà bạn cảm thấy có sự liên quan tới trải nghiệm và câu chuyện của mình, thì đây là lúc bạn có thể tận dụng tối đa việc đọc sách chủ động.
Những cuốn sách thường được viết theo trình tự: kể câu chuyện -> rút ra bài học ở cuối câu chuyện.
Thay vì bạn đọc từ câu chuyện tới bài học 1 cách liên tục, thì bạn có thể dừng lại ở chi tiết nào của câu chuyện trong sách mà có sự tương đồng với câu chuyện của bạn, từ đó bạn có thể thử suy luận ra bài học trước khi tới đoạn tác giả rút ra kết luận. Nếu có thể thì bạn ghi ra bên trong cuốn sách, ngay cạnh đoạn đó, hoặc ghi vào note.
Rồi tới kết luận và bài học rút ra của tác giả, bạn so sánh bài học của chính bạn với bài học của tác giả
Tương tự với những nội dung dạng khác như podcast, video, tới khúc nào mà bạn có thể liên hệ tới bản thân, hoặc có thể phản biện thì có thể pause và nói ra, viết ra những suy nghĩ của mình.
Tức là bạn tương tác với những nội dung, câu chuyện trong sách, podcast, video 1 cách chủ động, chứ không đơn thuần là chỉ tiếp thu nó.
Và viết
Thú thực thì mình cũng chỉ mới bắt đầu đọc sách gần đây thôi, và những bận rộn của công việc, cũng như những thứ khác mà mình tò mò học và tìm hiểu, nên mình vẫn chưa đọc sách nhiều về số lượng. Nhưng mình tự cảm thấy là về chất lượng thì cũng tạm gọi là hiệu quả 🙂
Tuy mình đọc chưa nhiều nhưng cũng nghe nhiều podcast, và kết nối những câu chuyện đó với trải nghiệm của chính mình, nên mình cũng hay viết ra những suy nghĩ và bài học từ những trải nghiệm. Mình nghĩ là dù có đọc sách, nghe podcast, xem videos, hay thậm chí lắng nghe và đọc chính bản thân mình, thì đó cũng đều là sự nạp vào của kiến thức và tạo ra dòng chảy của suy nghĩ. Có thông tin vào, tạo ra dòng chảy suy nghĩ bên trong, thì cũng nên có dòng chảy ra của suy nghĩ, dưới dạng viết hoặc nói chuyện, tâm sự.
Có những trải nghiệm, câu chuyện để cho mình những cơ hội để suy nghĩ và chia sẻ, đó là điều khiến mình cảm thấy hạnh phúc. Khi mà việc suy nghĩ trở thành 1 thú vui, điều giúp mình thư giãn và khám phá bản thân, đó là 1 sự hạnh phúc to lớn, và là 1 may mắn mà không phải ai cũng có được.
P/S: Đây là lần đầu tiên mình đăng 1 bài viết trên mạng với mọi người. Mình đam mê chia sẻ nhưng kĩ năng chia sẻ của mình còn cần cải thiện nhiều. Các bạn có ý kiến gì phản biện hoặc góp ý thì hãy để lại bình luận nhé 😄
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất