Khi một đứa trẻ lột bỏ tấm áo "con ngoan"...
Sinh ra trong một gia đình nông thôn, tuổi thơ của tôi bên cạnh đàn gà, ao cá thì phần lớn ký ức là tiếng quát mắng của mẹ. Mẹ tôi...
Sinh ra trong một gia đình nông thôn, tuổi thơ của tôi bên cạnh đàn gà, ao cá thì phần lớn ký ức là tiếng quát mắng của mẹ. Mẹ tôi thương con, nhưng nóng tính. Khi chị em chúng tôi còn nhỏ, cách giáo dục của mẹ có phần nghiêm khắc thái quá. Vậy nên lúc ấy, phần lớn cảm xúc trong tôi về mẹ là nỗi sợ - điều khiến tôi nghe lời răm rắp, không cần biết mẹ nói đúng hay sai.
Một cách khách quan, mẹ tôi không phải mẫu phụ nữ nông thôn điển hình, cả ngày chỉ biết đầu tắt mặt tối với ruộng vườn. Thậm chí có thể nói, so với trình độ văn hóa 9/12, mẹ tôi có suy nghĩ khá cấp tiến và cởi mở. Nhưng với nền tảng gia đình và môi trường trưởng thành suốt hai mấy năm cuộc đời, mẹ tôi cũng nuôi dạy con một cách truyền thống và rất bản năng: bực thì quát mắng, con hư thì đánh đòn, miễn sao chúng tôi chịu “nghe lời”!
Trong suy nghĩ của mẹ, việc chúng tôi bắt buộc phải nghe theo lời mẹ là lẽ tất nhiên. Mẹ đã quyết định thì khỏi bàn cãi, ý kiến của chúng tôi không đáng được cân nhắc. Đương nhiên mẹ tôi không phải muốn kìm kẹp hay kiểm soát gì cả, đơn giản chỉ là vì mẹ cho rằng chúng tôi còn nhỏ, nên quyết định của mẽ trăm phần sẽ đúng đắn hơn. Hơn tất cả, ở thế hệ của mẹ, áp lực, stress, trầm cảm… vốn là những khái niệm không tồn tại, những người có vấn đề về tâm lý đều là “dở hơi”, và con mẹ thì không dở hơi, thậm chí còn rất khôn ngoan và thông minh là đằng khác. Nên vì thế mà mẹ (và tôi tin rằng nhiều người khác cùng thế hệ của mẹ) chẳng quá bận tâm đến cảm nhận của chúng tôi.
Trong sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ, tôi luôn là một đứa “con ngoan” đúng nghĩa. Tôi học giỏi, chẳng phải vì tôi thích học, mà vì nếu điểm không cao, cái cán chổi của mẹ ở nhà đã chờ sẵn. Tôi cũng chịu khó làm việc nhà, nấu nướng dọn dẹp, chỉ riêng việc đồng áng là mẹ không cho tôi động đến, và điều kiện để tôi hoàn thành cũng chẳng gì khác ngoài tránh những trận đòn roi. Nói như ngôn ngữ bây giờ, tôi hồi ấy chính là cái đứa “con nhà người ta” mà ai cũng ghét.
Thế nhưng, tất cả những điều ấy chỉ là “vỏ bọc” cho sự nổi loạn ngầm âm ỉ trong tôi.
Lớp 6, tôi bắt đầu trốn học. Tôi cúp tiết thường xuyên để thẩn thơ lang thang trên những cánh đồng mùa hè. Lớp 8, lớp 9, tiệm net cạnh trường là địa bàn hoạt động thường trực của tôi. Lên cấp 3, tôi vào Chuyên, nhưng điều ấy cũng chẳng ngăn được tôi ăn bớt thời gian học hành. Nhưng với tư duy của một “học sinh giỏi”, tôi biết cách cân đối thời gian cúp tiết với thời gian lên lớp, để những buổi vắng mặt không trùng một giáo viên. Vậy là ngoài lũ bạn cùng lớp, chẳng ai biết tôi học hành vớ vẩn thế nào. Trong mắt bố mẹ, thầy cô, tôi vẫn là học sinh mẫu mực. Dĩ nhiên tiên quyết là thành tích của tôi vẫn tốt, ổn định và khiến mọi người hài lòng.
Lên lớp 11, tôi được cử đi thi nhiều hơn. Không chỉ là những cuộc thi Huyện, thi Tỉnh quen thuộc từ hồi tiểu học, áp lực thi cử của các cuộc thi liên tỉnh, rồi thi Quốc gia ngày càng nặng, tôi bắt đầu tập tành hút thuốc. Hơi thuốc mơ màng giúp tôi tỉnh táo hơn sau những buổi học xuyên đêm, quên đi những tiếng nhắc nhở của mẹ rằng phải đoạt giải. Cuối năm 12, trước khi thi đại học 1 tháng, tôi lên xe của một “anh bạn xã hội” lao vào một trận đi bão. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác phấn khích tột độ khi nghe tiếng gió thổi vù vù bên tai, tiếng còi xe inh ỏi và tiếng bánh xe ma sát với mặt đường. Thật may mắn, buổi tối hôm ấy không có tai nạn nào xảy ra!
Thời Trung học nổi loạn là thế, nhưng điều kì lạ là khi bước vào đại học, tôi lại lành hơn hẳn. Không biết có phải cuộc sống tự lập, không còn những tiếng rầy la cằn nhằn của mẹ khiến tâm hồn tôi nhẹ nhõm hơn không, nhưng tôi chẳng còn ham thích cái cảm giác được “hư hỏng” mà bố mẹ chẳng hay biết. Tôi đi học đầy đủ, kết quả vẫn tốt. Tôi kiếm việc làm thêm, có thêm chút thu nhập để không phải xin tiền bố mẹ nhiều. Tôi có những mối quan hệ mới, lành mạnh và tích cực. Duy chỉ duy nhất 1 điều, là tôi chẳng tha thiết về quê, dẫu cho chỉ hơn tiếng đi xe bus, tôi sẽ lại thấy con đường hàng cây quen thuộc suốt gần hai chục năm cuộc đời. Tôi gọi phòng trọ là nhà, gọi căn nhà nơi tôi lớn lên là “quê”, như thể đó không còn là nhà mình nữa!
Giờ tôi đã tốt nghiệp, đã đi làm, đã va chạm với xã hội ngoài kia. Phần nào đó, tôi trưởng thành và điềm tĩnh hơn. Tôi bắt đầu hiểu được mẹ, hiểu được những kì vọng của mẹ về việc có thể giúp chị em chúng tôi thoát ly cuộc sống nông thôn vất vả của mẹ. Trong những cuộc tâm sự của 2 mẹ con, tôi vẫn nói với mẹ: Đòn roi không làm con ngoan thật, mà chỉ làm nên cái vỏ bọc “con ngoan” mà thôi! Nhưng tôi vẫn không dám nói với mẹ, những điều mà tôi làm sau lưng mẹ năm ấy. Không phải sợ mẹ đánh như hồi nhỏ, mà sợ mẹ đau lòng tự trách.
Ở thế hệ của chúng tôi, chúng tôi được nuôi dạy để trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn và giỏi giang. Nhưng tôi, nếu làm mẹ, tôi chỉ muốn mình nuôi dạy được một đứa trẻ vui vẻ hạnh phúc. Điều tôi sợ nhất là một ngày nào đó, khi lột bỏ tấm áo “con ngoan”, tôi nhìn thấy con mình thật xa lạ, gai góc và đầy tổn thương, như chính tấm gương phản chiếu của bản thân những năm tháng chưa trưởng thành!
Huyền Hữu
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất