Khi linh hồn và thể xác khác biệt "Hồn Trương Ba da hàng thịt"
"Hồn Trương Ba da hàng thịt" từ một câu chuyện dân gian tới tuyệt tác kịch nói
''Hồn Trương Ba da hàng thịt'' vốn là một tích cổ dân gian lâu đời về sau được nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ chuyển thể dưới dạng kịch nói được biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Câu chuyện xoay quanh phần hồn và phần xác. Ở mỗi phiên bản lại có một tầng nghĩa riêng biệt biến "Hồn Trương Ba da hàng thịt" trở thành một tác phẩm đáng xem, đáng đọc.
Ngày xưa, có một người tên là Trương Ba, còn trẻ tuổi nhưng đánh cờ tướng rất cao. Nước cờ của anh chàng không mấy ai trong thiên hạ địch nổi. Bao nhiêu giải cờ trong những hội hè mùa xuân đều về tay anh. Tiếng đồn vang khắp nước, sang đến tận Trung-quốc. Buổi ấy ở Trung-quốc có ông Kỵ Như cũng nổi tiếng cao cờ. Khi nghe tiếng Trương Ba, Kỵ Như liền xách khăn gói sang Nam tìm đến tận nhà tỉ thí. Hai người đọ tài nhau mấy ván liền không phân thua được. Nhưng đến ván thứ ba, Trương Ba dồn Kỵ Như vào thế bí. Thấy đối phương vò đầu suy nghĩ, Trương Ba kiêu hãnh bảo:
- Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng gỡ nổi.
Bấy giờ Đế Thích là thần cờ đang ngồi trên thiên đình, bỗng nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba xúc phạm đến mình, liền cưỡi mây xuống trần định cho y biết tay. Trương Ba và Kỵ Như đang đánh, chợt có một ông cụ già đến ngồi cạnh bàn cờ. Ông cụ thủng thỉnh mách cho Kỵ Như mấy nước. Phút chốc bên Kỵ Như chuyển bại thành thắng. Trương Ba cau có, trong bụng tức giận ông già ở đâu đến làm cho mình lâm vào thế bí. Nhưng nhìn thấy ông cụ râu tóc trắng xóa, mặt mũi không có vẻ là người trần, chàng chợt hiểu, liền sụp xuống lạy mà rằng: - "Ngài hẳn là thần Đế Thích đây rồi, tôi người trần mắt thịt không biết, xin thứ lỗi". Đế Thích cười bảo: - "Ta nghe nhà ngươi tự phụ là cao cờ nên xuống xem cho biết". Trương Ba liền giữ Đế Thích lại mua rượu, giết gà khoản đãi rất chu tất. Đế Thích tuy mới gặp cũng rất yêu mến Trương Ba. Thấy anh chàng khẩn khoản muốn học nước cờ của mình, Đế Thích bảo: - "Ta thấy nhà ngươi có bụng chân thành. Vậy ta cho một nén hương này, mỗi lần cần đến ta thì thắp lên một cây, ta sẽ xuống". Nói đoạn, cưỡi mây bay về trời.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời thần Đế Thích xuống chơi. Hai bên rất tương đắc. Nhưng một hôm Trương Ba bị cái chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, người vợ dọn dẹp nhà cửa. Thấy có nén nhang dắt ở mái nhà, chị ta vô tình lấy xuống đốt lên cắm trước bàn thờ chồng. Ở thiên đình, thần Đế Thích nhận được tin bằng mùi hương bèn xuống ngay. Thấy vắng mặt Trương Ba, Đế Thích ngạc nhiên:
- Trương Ba đâu?
Vợ Trương Ba sụt sùi:
- Nhà tôi chết đã gần một tháng nay rồi!
- Chết nỗi, sao lúc mới tắt nghỉ không gọi ta xuống liền, để đến bây giờ còn làm thế nào được nữa.
Suy nghĩ một chốc, Đế Thích lại hỏi thêm:
- Trong xóm hiện nay có ai mới chết không?
Vợ Trương Ba đáp:
- Có một người hàng thịt mới chết tối hôm qua. Thần Đế Thích bảo chị ta dẫn mình đến nhà người hàng thịt rồi bảo nhỏ với chị: - "Ta sẽ kiếm cách làm cho chồng nhà ngươi sống lại". Nói xong thần hóa phép rồi trở về trời.
Nói chuyện trong nhà người hàng thịt lúc đó, mọi người đang xúm quanh linh sàng khóc lóc kể lể thì tự nhiên thấy người chết ngồi nhỏm dậy. Hắn ta vất tất cả mọi đồ khâm liệm rồi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba thấy người hàng thịt biết là thần Đế Thích đã làm cho chồng mình sống lại, mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy chồng. Nhưng không những họ bị vợ Trương Ba giằng lại, mà ngay chính chồng họ cũng nhất định không chịu về. Đôi bên cãi cọ nhau cuối cùng biến thành một cuộc đấu khẩu rất kịch liệt. Xóm làng không biết phân xử ra sao, đành đem việc đó lên quan.
Quan cho đòi các nhà hàng xóm tới hỏi cung thì ai cũng bảo người sống lại đó là anh hàng thịt. Nhưng chỉ có vợ Trương Ba thì nhất định nhận là chồng mình. Quan hỏi: - "Chồng chị ngày thường làm nghề gì?". Đáp: - "Chồng tôi chỉ thạo đánh cờ mà thôi". Quan lại hỏi vợ người hàng thịt: - "Chồng chị ngày thường làm nghề gì?". Đáp: - "Chồng tôi chỉ thạo nghề mổ lợn".
Nghe đoạn, quan sai đem một con lợn vào công đường cho anh hàng thịt mổ, nhưng anh ta lúng túng không biết làm thế nào cả. Quan lại sai mấy người giỏi cờ vào tỷ thí với người hàng thịt thì không ngờ con người đó đi những nước cờ rất cao không ai địch nổi. Quan bèn phán cho về nhà Trương Ba.
Vì thế mới có câu Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Đó chính là tích cổ dân gian về hồn Trương Ba da hàng thịt. đọc kĩ phần chuyện này ta có thể thấy khi Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt không hề có mâu thuẫn. Phần linh hồn của Trương Ba dễ dàng thích nghi trong một thân xác xa lạ. Dường như trong câu chuyện dân gian này phần linh hồn được đề cao và thể xác chỉ là một vật chứa tầm thường.
Thế nhưng nếu bạn đã từng một lần xem vở kịch "Hồng Trương Ba da hàng thịt'' thì vở kịch này lại là một sự gợi mở phát triển cốt truyện mang một chiều sâu đầy triết lý. Khi phần thể xác của Trương Ba nhập vào thể xác anh hàng thịt, Trương Ba đối diện với hàng loạt tình cảnh trớ trêu khi phải lựa chọn gia đình mình và còn phải gánh vác cả gia đình anh hàng thịt. Trong một thể xác không thuộc về mình, trong hoàn cảnh mỗi ngày phải ăn 8-9 bát cơm, giết mổ lợn, ở cùng với vợ anh hàng thịt xinh đẹp... từ một người có linh hồn cao khiết Trương Ba dần trở nên thèm uống rượu, thèm ăn thịt, ăn tiết canh. Chính ông trong thân xác anh hàng thịt đã giấm nát những chồi non mà mình mất bao công trồng trọt, tát cho thằng con tóe máu. Người nhà dần xa lánh ông cảm thấy ông thật xa lạ, đến đứa cháu Gái mà ông rất thương yêu cũng quay ra trách ông "Ông xấu lắm, ác lắm! cút đi! đồ đồ tể cút đi!". Trương Ba bất lực đối diện với phần xác anh hàng thịt với những lí lẽ mà Trương Ba cho rằng đầy "ti tiện" lại khiến Trương Ba đuối lý. trong chính cuộc trò chuyện thay vì ăn nói như một người có học Trương Ba lại liên tục xúc phạm mắng mỏ thể xác. Dường như chính phàn hồn cao khiết của ông cũng từ từ nhuốm bẩn. Sau cùng Trương Ba nhận ra được điều đó và rồi kết thúc vở kịch Trương Ba đã xin được chết bởi chính Trương Ba cũng nhận ra rằng "Không thể trong một đằng ngoài một nẻo được! Tôi muốn được là tôi toàn diện!''.
Vở kịch đã nâng tác phẩm này lên một tầm cao mới. Sự đấu tranh giữa sống và chết, giữa cái ích kỉ và ti tiện. Giữa phần con và phần người. “Linh hồn và thể xác”, nghĩa là vật-chất và tinh-thần. Dưới góc nhìn triết học duy tâm, linh hồn sẽ quyết định thể xác. Thể xác chỉ là cái áo không hơn không kém, chỉ khác rằng nếu cái áo bình thường thì con người có thể thay ra mặc lại, còn cái áo cao cấp này thì không thay đổi cho đến cuối đời. Như vậy, so với linh hồn, thể xác rất thấp bé, không giá trị. Thể xác chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, nhưng linh hồn sẽ tồn tại vĩnh cửu. Vậy nhưng con người chung sống với nhau trên trái đất, có mối liên hệ với nhau. Mối liên hệ đại đa số là mối liên hệ về thể xác như gia đình cùng máu mủ họ hàng quanh ta,.. Mối quan hệ này cứ vậy thật mâu thuẫn nhưng lại khó tách rời.
Bởi vậy những bài học trong "Hồn Trương Ba da hàng thịt" dạy ta về sự soi chiếu lại chính mình, ai trong ta cũng như Trương Ba đều có sự đấu tranh thiện ác. Ta luôn cố gắng để giữ một đời sống thanh bạch, sống một cách thiện lương nhiều lúc chính ta bị những thứ xấu xa vụn vặn khiến mình sa ngã nhưng ta vẫn cố tự huyễn hoặc bản thân bằng những lý lẽ đầy chính nghĩa hay đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Ta khao khát với những ước muốn, ta tự ti về những điều bên ngoài mà bắt đầu cố gắng ép bản thân nhịn ăn giảm cân quá mức hay cố tìm những biện pháp như phỗ thuật thẩn mĩ để khiến bản thân phải thật sự mang một khuôn mặt "tỉ lệ vàng", khuôn mẫu cái đẹp trong khi bạn quên mất rằng trên đời này suy nghĩ của bạn, con người bạn là duy nhất và bạn lựa chọn bỏ đi chính mình để theo đuổi một thứ "đại đa số". Vậy nó thật sự có đáng?
Nhưng dù thế nào hãy nhớ tạo nên một con người chính là cần cả thể xác và tâm hồn. Bạn đang sống thì dù thiếu đi cái gì cũng đều không thể. Biết trung hòa giữa thể xác và tinh thần, phần nào con người đã không được sống thật với chính bản thân, với chính linh hồn vì đã bị cái thể xác ràng buộc.
Hãy sống thật với bản thân mình một đời sống mà mình thật sự muốn sống. Sống thật với cái "tôi" có lẽ chính là con đường mà cả cuộc đời chúng ta phải cố gắng theo đuổi. Bởi mỗi chúng ta có lẽ một lúc nào đó rồi sẽ nhận ra "TÔI MUỐN ĐƯỢC LÀ TÔI TOÀN DIỆN".
P/s: Nếu có cơ hội hãy xem trực tiếp vở kịch để cảm nhận rõ hơn. Vở kịch này tuyệt đối sẽ khiến bạn nhận ra nhiều điều trong việc nhìn nhận bản thân và khám phá chính mình.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này