Sau đêm chung kết các „cuộc thi” như The Face, Rap Việt, Vietnam’s Next Top Model, The Voice, các cuộc thi hoa hậu, vân vân, luôn luôn có một bộ phận khán giả lên tiếng bức xúc cho rằng “quán quân mua giải”, “gian lận trong cuộc thi”, hay những điều tương tự khi cảm thấy người mà họ yêu thích, đáng ra phải đạt giải nhất thì lại không. Người ta bực bội về nó, đăng các bài post phân tích xem ai mới xứng đáng là người chiến thắng, giám khảo đã “quáng gà” như thế nào khi chọn ra quán quân này, vân vân và vân vân.
Nhưng hình như họ quên mất một điều rằng, những chương trình này thực chất không phải một “cuộc thi” tìm kiếm tài năng, mà là một “show giải trí” tìm kiếm rating và lợi nhuận, đặc biệt là các show có phần “bình chọn khán giả”.

1. Quán quân thì cũng chỉ là “tài sản vô hình” trên bảng cân đối kế toán
Các show này đúng là cũng có tính chất thi thố, cạnh tranh giữa các thí sinh. Nhưng phần trao giải thì lại tùy thuộc vào chiến lược của nhà tổ chức cùng các nhà tài trợ, đôi khi có mặt cả giám khảo trong các cuộc họp để “thống nhất chiến lược”. Có lẽ vài tuần trước đêm chung kết, sẽ luôn có một cuộc họp cấp cao thế này: 
Trợ lý hỏi giám đốc tổ chức và các ông lớn khác “Theo tiêu chí, mùa này ta trao giải cho ai bây giờ nhỉ”. Tiêu chí ở đây không phải là hát hay, nhảy đẹp, diễn tốt thế nào, mà là ai mới là người khiến truyền thông nhớ tới chúng ta lâu dài, gây tiếng vang lâu dài và giúp ta kiếm được nhiều tiền.
Có hai lựa chọn là thí sinh A và thí sinh B. Giám đốc tổ chức nói: “Thí sinh A rất có thực lực và được lòng khán giả, thí sinh B thì rất mờ nhạt. Nhưng sau show diễn dù có thành á quân thì thí sinh A vẫn đắt show, và chúng ta vẫn được nhớ đến qua thí sinh A. Không cần trao giải quán quân cho A đâu. Còn B, vì mờ nhạt mà lại thành quán quân nên báo chí sẽ còn lải nhải về điều này dài dài, B nhờ đó cũng có thêm show, chúng ta sẽ được lợi từ cả hai. Thôi, trao giải cho B đi!”
Hoặc, có những lý do khác, ví dụ như một đối tác hoặc nhà tài trợ lớn khác của chương trình nói: “Chúng tôi đang cần B cho một số dự án có nhà đầu tư nước ngoài, nhưng profile anh ta mờ nhạt quá, anh cho B cái giải để chúng tôi dễ giới thiệu, đổi lại, chúng tôi sẽ abc xyz”. Hoặc đơn giản, thí sinh này, thí sinh kia, có hình ảnh phù hợp với chiến lược của họ.
Nói chung, tất cả không ngoài lý do để đi tìm lợi nhuận và tiếng vang cho chương trình. Việc trao giải cho ai cũng nằm trong bản kế hoạch kinh doanh của năm mà thôi. Do đó, khán giả cũng đừng kỳ vọng đây là các cuộc thi công bằng, và cũng đừng đổ cho thí sinh “mua giải” vì họ cũng chỉ nằm trong mục “tài sản vô hình” trên bảng cân đối kế toán của các ông lớn truyền thông.
2. Bình chọn của khán giả là điều ngớ ngẩn nhất
Thí sinh A được 6.000 nghìn khán giả bình chọn, thí sinh B được 10.000 khán giả bình chọn. Ai mà ngồi kiểm phiếu hay là có quyền truy cập vào database bình chọn cho được? Dĩ nhiên là chả ai hết ngoài một phòng ban nào đó của nhà tổ chức. Việc khán giả gửi bình chọn qua tin nhắn, hay ấn nút trên website, từ xưa đến nay chỉ là cách làm béo cho tổng đài hay bên cung cấp dịch vụ này. Bình chọn của khán giả là một cách tuyệt vời để thu thập lượng data người dùng khổng lồ (số điện thoại, facebook), hoặc giúp nhà tổ chức quan sát xu hướng “lòng dân nghiêng về ai” để rồi quyết định xem nên “chiều khán giả” hay cho “một cú lừa”. Khi cần, giám đốc nhà tài trợ có thể ra quyết định: “Mau cộng thêm 5000 bình chọn cho thí sinh C, chúng ta cần kích động fan của D chạy đua và gửi thêm tin nhắn”.
Thế nên, nếu có yêu quý thí sinh nào, thì có lẽ cũng chỉ nên dừng lại ở việc ủng hộ kênh Youtube, Facebook của chính họ, chứ đừng nên tham gia bình chọn vì nó thực sự vô ích.

Tóm lại, chúng không thực sự là một “cuộc thi”, mà chỉ là “show giải trí”, mang đến cho khán giả sự hào hứng, phấn khích, bực bội, khó chịu, ngứa ngáy tay phím, nên đừng mong vào yếu tố công bằng ở đây. Năng lực của các thí sinh không được đo đếm bằng định lượng, ví dụ như Đường Lên Đỉnh Olympia, thí sinh trả lời câu nào là ăn điểm câu đấy, ai hơn ai thì nhìn vào điểm là biết. Còn những chương trình này, thì chỉ có thể nhìn vào bản kế hoạch kinh doanh năm này của nhà tổ chức mới biết được.
Hãy xem cho vui, yêu quý thí sinh nào thì ủng hộ trực tiếp sản phẩm của họ, chứ đừng bực bội hay ức chế vì những “giải thưởng”. Được thì mừng, không được thì cũng không sao.

Nguồn ảnh gốc: zingnews.vn
#theant