Chiếc thẻ quyền lực của mọi nhà, mọi lứa tuổi
Ngày đầu giữa tháng tư năm nay, lại là chuyến đi quá đỗi quen thuộc từ Thủ đô về với Cố đô Huế. Nhưng khác với mọi người háo hức với kỳ nghỉ dài sắp đến của dịp lễ non sông thu về một mối, thì tôi lại ám ảnh với những chuyến đi về nhà, về với Huế khô khan, đổ lửa. Bởi những nỗi buồn, nỗi sợ đối mặt với những đớn đau bệnh tật hành hạ của người thân trong khoảng thời điểm này trong năm.
Ngồi trong phòng của Trưởng khoa nội tổng hợp - BV TW Huế, Bác sĩ N dành cho tôi ít thời gian để trao đổi về tình trạng điều trị của mẹ. Ngoài các căn bệnh nền kinh niên đeo đuổi bà trong những năm qua, thì bác sĩ N còn cho tôi biết rằng mẹ tôi còn đa kháng các loại kháng sinh động lực cao. Để giúp sức cho bà chống chọi lại các con vi rút đang hoành hành trong cơ thể, buộc ông phải xin ý kiến của giám đốc BV TW Huế được dùng kết hợp hai loài kháng sinh mạnh nhất mà BV đang có. Sau một ngày dùng thuốc, thì tạm thời các BS, gia đình có cái thở phào nhẹ nhõm. Nhưng còn nguyên cớ dẫn đến sự vật lộn này, do tuyến thượng thận không hoạt động bình thường dẫn đến không tự sản sinh, thiếu hụt nghiêm trọng hor-mon cortisol trong cơ thể mẹ tôi. Chính việc bà sử dụng quá nhiều thuốc tân dược được các phòng khám, quầy thuốc kê đơn có thành phần corticoid dẫn đến việc suy kiệt của cơ quan này và chứng "loạn thần" tạm thời như hiện nay. Bác sĩ N ôn tồn, mềm mỏng giải thích cho tôi các căn nguyên, thuật ngữ y khoa để trấn an gia đình, tin tưởng vào phác đồ điều trị của đội ngũ y bác sĩ. Còn tôi ngoài những câu dạ thưa, cảm ơn thì khi gần kết thúc câu chuyện đã lấy "túi quà' đã chuẩn bị sẵn để đặt lên góc bàn làm việc của bác sĩ N. Không ngần ngại, Bs N vẫn giữ thái độ điềm tĩnh từ chối không nhận. Trước khi tôi rời phòng, Bs N nói rằng: "em và gia đình đừng có lăn tăn về gì cả, giữ lại mà lo cho mẹ, ở đây các anh cố gắng làm hết mọi cách để lo cho bệnh nhân". Đến nay, những hành động, câu nói ấy như chạm vào cảm xúc, chữa lành những lo lắng, vụn vỡ trong tôi. Nắng hạn như gặp mưa rào, từ những lời động viên của Bs thì tôi, gia đình đã cùng với mẹ đi qua những giây phút khó khăn nhất.
Bản thân tôi, ngoài những chỉ dẫn vắn tắt của Bs N, trước đó cũng đã tìm hiểu về chứng mệt mỏi tuyến thượng thận thông qua cuốn sách Cơ thể tự chữa lành (P1) của tác giả Anthony William dưới định dạng sách nói trên ứng dụng Fonos (tôi đính kèm hình ảnh, thông tin về sách kèm bài viết cho ai quan tâm). Nay rơi vào đúng trường hợp của mẹ mình, vừa cận kề bên bà, tôi dành sự chăm chú nghe nội dung về chứng bệnh này của tác giả William, để có những kiến giải, hành động phù hợp với thể trạng, lối sống của mẹ.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng BHYT là giải pháp bảo hiểm mà mọi người bắt buộc phải có trong đời, ngoại trừ một số đối tượng được cấp phát miễn phí theo ngân sách nhà nước. Nếu chưa có BHYT thì đừng nghĩ đến các loại hình BH khác, BHYT không từ chối điều trị cho bất kỳ 1 bệnh nào, không giới hạn hạn mức bảo hiểm nếu phải chiến đấu lâu dài, không giới hạn độ tuổi tham gia dù bạn có hơn 100 tuổi!
Chiếc thẻ quyền lực nhưng lại mỏng manh...
Nhưng thật sự ngoài y đức của đội ngũ Bs BV TW Huế, sự may mắn của gia đình, mẹ tôi mà không phải ai khi cần đến sự chăm sóc y tế cũng gặp được. Là những "điểm chạm" chưa được trọn trịa của việc sử dụng bảo hiểm y tế trong việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cũng như các trải nghiệm dịch vụ khác giữa nhân viên ngành y với người nhà bệnh nhân.
Dưới đây là số ít một số câu chuyện, sự thật mà chưa chắc người nào cũng biết và kể cho bạn:
1. Con đường cần đi để được hưởng tối đa lợi ích của chiếc thẻ quyền lực
Khi mẹ tôi có những dấu hiệu đầu tiên của chứng tai biến nhẹ rất dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác. Cả gia đình tôi quyết định đưa bà nhập Viện đại học Y Dược, thay vì tuyến đầu cơ sở là BV thành phố Huế. Ban đầu những người hướng dẫn không đồng ý nhập viện ở đây mà yêu cầu đưa bà quay về tuyến cơ sở để thăm khám cho đúng tuyến. Nhưng với những lo ngại, gia đình tôi muốn tiếp tục ở đây bằng cách chuyển bà vào khoa cấp cứu. Và sau suốt hơn một ngày với hàng loạt các xét nghiệm y khoa, BV ĐH Y làm giấy chuyển viện cho Bà lên tuyến TW. Những ngày tiếp theo, ở BV TW Huế đầu mỗi giờ sáng sẽ có cô y tá treo ở đầu giường bảng kê thông khai những loại thuốc, dịch vụ y tế trong ngày dùng cho mẹ tôi. Trong đó, gia đình tôi đồng chi trả 20%, còn lại 80% do quỹ BHYT chi trả.
Nếu chỉ vì "ham" mức chi trả 100% từ BHYT, đi theo đúng tuyến chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì có lẽ chưa biết diễn biến câu chuyện đi về đâu. Nên ở lằn ranh của mạnh khỏe, đau ốm, sinh tử người bệnh luôn cần lắm người thân đủ tỉnh táo bên cạnh.
2. Về mức chi trả không phải ai cũng để ý
Một sáng sau khi thăm khám, Bs H gọi riêng tôi ra trao đổi ở hành lang. Theo lời Bs do cơ thể bà không tự sản sinh ra lượng hor-mon cortisol cần thiết nên mới có tình trạng yếu ớt, loạn thần. Ngoài ra, do đang dùng kháng sinh liều lượng cao nên bà đã không ngủ trong suốt ba ngày đêm liên tục. Do đó, Bs chỉ định dùng thêm thuốc để chủ động bổ sung Hor-mon này vào cơ thể. Tuy nhiên, thuốc này hiện tại BV đang không còn thuốc, Bs sẽ kê đơn và người nhà mua ngoài cho bà dùng. Sau khi, tôi ký vào giấy cam kết người nhà "đề nghị" được tự mua, tự thanh toán thì Bs đưa cho tôi đơn thuốc với dòng chữ loằng ngoằng. Tôi chạy xuống dưới nhà thuốc ODA của BV thì quả thực là loại thuốc này đã hết. Nhưng khi tôi chạy ra ngoài một hiệu thuốc ở đường Ngô Quyền, thì loại thuốc này theo trình dược viên không phải khó kiếm và giá thành không phải là đắt đỏ.
3. Ngoài thuốc, dịch vụ mà BHYT không chi trả
Ngày thứ ba, tôi ở cùng mẹ trong viện. Hai người bạn của tôi biết và đến thăm bà. Sau lời hướng dẫn từ tôi, hai người bạn đó chủ động đến phòng và vô cùng ngạc nhiên. Bởi mẹ tôi được bố trí nằm riêng một giường thoáng mát, có cửa sổ nhìn ra sông Hương và có điều hòa được bật mỗi buổi trưa và chiều tối. Nó khác xa với khoa tim mạch cũng cùng trong viện, bốn năm bệnh nhân kèm chừng ấy người thân chen chúc trong một phòng. Đó là chưa kể đến những giường bệnh dã chiến được đặt suốt dãy hành lang.
Ở Huế, người có tiền hoặc đã chuẩn bị giải pháp tài chính lúc ốm đau sẽ chọn nằm viện quốc tế gần kề khuôn viên BV TW và có chung đội ngũ y tế. Nhưng ở đó, ngoài thuốc người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ khác biệt. Những nụ cười niềm nở, ân cần từ các điều dưỡng, y tế làm cho người bệnh, người nhà bệnh nhân giảm đi cảm giác lo lặng, sợ mùi sát trùng trong bệnh viện. Trở lại với trường hợp với mẹ tôi, nếu không phải được xếp vào ca khó nhằn nhất khoa, hay những câu chuyện trong lúc "loạn thần" của mẹ tôi ảnh hưởng đến những người nằm cùng. Rất khó để được bố trí một phòng riêng mà vẫn được BHYT chi trả ở tuyến TW như vậy.
4. Khi khoản tiền đồng chi trả còn lại là sức nặng
Đêm hôm ấy, sau khi mẹ tôi đã ngủ được một giấc dài sau chuỗi ngày mất ngủ, tôi hẹn ngồi làm chút "ngự tửu" mua tại gian hàng giới thiệu đặc sản địa phương ở phố đi bộ Hai Bà Trưng với bạn tôi. Bạn tôi người Huế, đã tốt nghiệp bác sĩ Y đa khoa và di chuyển vào trong Nam làm việc cho một BV tuyến tỉnh. Trước đó, tôi đã tham vấn qua điện thoại về tình trạng, hướng điều trị của mẹ tôi. Đến khi có chút men say, bạn tôi khuyên luôn để cận kề bên cạnh bà một túi kẹo ngọt, dùng để đẩy lượng đường huyết cho bà trong tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, bạn tôi cũng kể câu chuyện của một trường hợp ở nơi bạn ấy làm: có một bệnh nhân nhập viện mà ngoài chiếc thẻ bảo hiểm y tế, thì gia đình chỉ đủ đem theo tiền tạm ứng viện phí. Sau đó là chuỗi ngày vật lộn của gia đình để xoay đủ tiền chi trả khoản tiền đồng chi trả 20% còn lại, trong khi căn bệnh của bệnh nhân thì phức tạp, dai dẳng. May mắn thay cho gia đình, người giám đốc BV đã ra tay giúp đỡ và bù đắp phần viện phí còn thiếu thông qua quỹ hảo tâm của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bạn tôi cũng tâm tình rằng, y đức của người Bs không cho phép từ chối điều trị chỉ vì bệnh nhân, gia đình bệnh nhân túng thiếu tiền. Tuy nhiên, để được đội ngũ Bs trao đi điều đó, đòi hỏi bệnh nhân, gia đình bệnh nhân phải sống biết trước, biết sau. Còn lại không ít trường hợp ít may mắn hơn, luôn có cách để Bs làm đúng quy trình theo y lệnh, có thể bị gia đình bệnh nhân lên án là thờ ơ nhưng không phải đối mặt với án treo dao mổ đang cận kề áp xuống theo quy định.
5. Những dấu vết vội vàng và những lựa chọn bị bỏ qua
Nói tiếp câu chuyện lúc trà dư hậu tửu với người bạn bác sĩ của tôi, khi tôi hỏi vì sao bạn không gắn bó, hành nghề ở Huế mà lại vào Nam. Bạn tôi trả lời rằng: vì không muốn "rét" nghề, không muốn những năm tháng dài trên giảng đường Y để đổi lại việc hằng ngày được giao chỉ là khâu vết thương cho bệnh nhân. Bạn tôi cũng tâm sự lo ngại rằng sẽ không dùng được những gì được học khi được bố trí về tuyến cơ sở, vì ở Việt Nam người dân dù có chen chúc, đổ mồ hôi vẫn muốn được thăm khám ở các tuyến trên.
Hiện nay, gần như toàn bộ bệnh án của mỗi người đã được cập nhập trực tuyến, có thể dễ dàng tra cứu qua ứng dụng VssID. Điều này là cần thiết, để các cơ sở y tế tiếp cận, nắm bắt thông tin về các bệnh, triệu chứng của bệnh nhân trong quá khứ để có những y lệnh nhanh chóng, chuẩn xác. Tuy nhiên, tôi và nhiều người khác lại có trải nghiệm chưa được tốt với cơ chế này. Khi bạn thăm khám ở tuyến y tế cơ sở, người tiếp nhận sẽ hỏi bạn đến khám vì điều gì, triệu chứng gì không khỏe ở trong người. Rồi những người không muốn gọi mình là "bệnh nhân" như tôi sẽ kể ra không sót một chi tiết nào về sự đau ốm đang vướng phải. Khi đấy người tiếp nhận ban đầu sẽ kê vào hồ sơ những dấu hiệu, "bệnh" mà người đó biết theo chủ nghĩa kinh nghiệm để phân về các khoa chuyên môn, xét nghiệm các loại sinh hóa phù hợp. Chính sự kết luận vội vàng, qua loa khi chưa có xác tính của chẩn đoán y khoa, thăm khám của Bs nêu trên nên vô hình chung "dấu vết" đó được lưu lại trên VssID mà thiếu sự suy xét cần thiết. Chẳng hạn, viêm tuyến abc, đau cấp tính ở chỗ xyz…. Còn nhiều cái oái ăm nữa.
Rồi một ngày, bạn muốn tìm đến BHNT hay các dạng BH sức khỏe mở rộng khác ngoài BHYT, chính các "dấu vết" đó mà các công ty BH buộc bạn phải đi thẩm định lại sức khỏe, từ chối bảo vệ bệnh đó và hoặc nghiêm trọng hơn từ chối không cho bạn tham gia.
Ngoài những điều trên, còn nhiều nữa, những vết sạn trong lòng bàn tay "an sinh xã hội" đang cần phải mổ xẻ, chữa lành để giúp cho mọi người, mọi nhà có cuộc sống tốt hơn, để các điểm chạm của bệnh nhân, người thân được tròn trịa, ấm áp hơn!
Dưới đây là link về loạt bài viết của cùng tác giả về chủ đề: khi cần lắm bảo hiểm nhân thọ