Khi Dân Chuyên Anh Rẽ Sang Tiếng Nhật
Từ tiếng Anh sang tiếng Nhật - Một bước chuyển "nhẹ" trong chặng đường trưởng thành.

Tôi và những suy nghĩ không đầu chẳng đuôi. Nguồn: Tofugu
Giờ tôi đang học tiếng Nhật.
Kể ra cũng thật kỳ lạ bởi chỉ vài năm trước, tiếng Anh vẫn còn là cả cuộc sống của tôi. Tôi không chỉ là một học sinh chuyên Anh, mà còn là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh được nằm trong danh sách chính thức đi thi quốc gia. Mối tình giữa tôi và tiếng Anh đã kéo dài qua quá nhiều năm, có lẽ không nhiều biến cố như bạn tưởng nhưng vẫn đủ để cho tôi biết rằng cuộc đời học sinh của mình không thể nào đại diện cho cuộc đời của một học sinh phổ thông điển hình, và rằng tiếng Anh đã ăn sâu bám rễ vào hệ tư tưởng của tôi đến nỗi tôi phải nỗ lực rất nhiều mới có thể diễn đạt tiếng Việt rạch ròi...
Vấn đề là tôi không hề thích tiếng Anh.
Lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó là vào năm lớp 11, khi đang ngắm nhìn sân trường trống rỗng từ lan can tầng ba như một cách giết thời gian trước khi buổi học đội tuyển bắt đầu. Tôi là một học sinh chuyên Anh, nhưng tôi không thích tiếng Anh chút nào. Thật vậy, để học tốt tiếng Anh ngay cả đến cái tầm của tôi khi ấy không đòi hỏi bạn cần một tình yêu vô bờ bến với tiếng Anh hay được đầu tư học tiếng Anh bài bản từ nhỏ, bởi vì tôi không có cả hai điều ấy. Bố mẹ tôi thuộc tầng lớp lao động, mẹ là công nhân còn bố thì làm đủ thứ nghề từ thợ hồ đến chạy xe ôm, cố gắng nuôi chị em tôi ăn học thành người nhưng chưa bao giờ kỳ vọng hai đứa con mình phải trở thành ông này bà kia. Nhưng tôi luôn biết mình có thể học tốt mọi môn, đặc biệt là tiếng Anh, âu cũng chỉ vì tôi có khả năng chịu đựng buồn chán nhỉnh hơn bạn bè xung quanh. Tôi nhìn đời với con mắt vô cùng chậm rãi, đối đầu trực diện với cảm xúc buồn chán như một đối thủ trong trận cờ vua mà không tìm cách chối bỏ hắn ta...
Vấn đề là tôi không hề thích tiếng Anh.
Tại sao?
Tại sao?
Tại sao?
Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi nhưng không sao tìm thấy câu trả lời. Sự mông lung ấy khiến mỗi buổi học đội tuyển như một cực hình, nhất là khi điểm số mỗi bài kiểm tra của tôi đều ở vị trí bét bảng. Tôi giống như một vận động viên thể thao ngày đêm mài dũa thứ vũ khí của mình, nhưng chỉ là mài dũa theo quán tính bởi bản thân y chẳng có gì khác ngoài cái mác "vận động viên". Tệ hơn, những nỗ lực trong vô vọng không còn khỏa lấp được khoảng cách về tài năng và xuất phát điểm, và tôi cảm giác bản thân cứ thế trôi đi ở cái tốc độ còn khủng khiếp hơn cách tôi đã trôi đi từ trước đến nay. Chẳng ai có thể thấu hiểu hay cho tôi bất cứ lời động viên, âu là vì tôi chẳng biết diễn đạt nội tâm làm sao cho ra hồn chứ không phải vì mọi người xung quanh toàn là kẻ lạnh nhạt. Vả lại tôi là thành viên đội tuyển, được nhà trường và thầy cô ưu ái, bố mẹ thì không đặt bất cứ kỳ vọng nào, tại sao tôi cứ phải lao vào những suy tưởng không hồi kết cơ chứ...
Vấn đề là tôi không hề thích tiếng Anh.
Ngày 20 tháng 11 năm ấy đánh dấu còn một tháng nữa là đến kì thi định mệnh. Sau khi đi thăm thầy cô cùng đám bạn cũ, tôi vừa về đến nhà đã bật khóc nức nở trước mặt mẹ của mình. Dĩ nhiên là bà không hiểu vì sao, nhưng ngay cả tôi cũng chẳng hiểu vì sao nước mắt cứ thế tuôn rơi. Chẳng có vấn đề gì xảy ra ở buổi gặp mặt cả, tôi không thân lắm với đám bạn cũ nhưng cũng chẳng đến mức gọi là bất hòa. Thế nhưng, trong tôi dường như có thứ gì đấy không chịu nổi nữa. Cuộc chiến dai dẳng với sự buồn chán dường như đã biến hiện thực của tôi trở thành một thứ cũng buồn chán không kém, và những giọt nước mắt ngày ấy dường như là cách tôi tạm xóa nhòa chính hiện thực ấy... ít nhất là cho đến khi tôi gặp được tiếng Nhật.
Thật ra viết là "gặp" thì cũng không đúng lắm, bởi trước đó tôi đã tự học tiếng Nhật được một khoảng thời gian. Tôi tìm đến nó như một hình thức giải tỏa áp lực trên trường... nhưng là tìm đến bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Trên mạng Internet, có lẽ không cộng đồng học ngôn ngữ nào hăng hái nghĩ ra đủ loại phương pháp học bằng cộng đồng học tiếng Nhật. Phần nhiều vì ảnh hưởng của anime manga, nhiều kẻ luôn cố gắng thể hiện mình là người chinh phục ngôn ngữ này nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tôi thì chỉ chui vào những hội nhóm ấy quan sát mọi thứ với cặp mắt của kẻ hiếu kỳ, nhưng vẫn gom góp được nhiều quan điểm thú vị và bắt đầu học trong lặng lẽ từ bảng chữ cái đến những cách nói đơn giản nhất. Nói thật, khi ấy việc học hành tiếng Nhật của tôi chẳng đến đâu cả, giới hạn của một niềm hứng thú nhất thời xuất hiện như một giải pháp tình thế cũng chỉ đến thế là cùng, cho tới khi...
"Bạn có biết 'ringo ga suki desu' không phải là 'I like apple' hay 'tôi thích táo' không?"
"Chúng ta coi 'thích' là một động từ và diễn đạt theo kiểu 'tôi thích táo' như trong tiếng Việt hay "I like apple" như trong tiếng Anh. Tuy vậy, cách sử dụng ngôn ngữ thế này khiến chúng ta dễ lầm tưởng rằng khái niệm 'thích' vừa cụ thể và rõ ràng như 'ăn' hay 'uống', vừa mơ hồ và trừu tượng như "suy tưởng" hay "cảm giác". Nhưng tiếng Nhật lại có góc nhìn khác."
"Trong câu 'ringo ga suki desu', 'ringo' là táo, 'ga' là trợ từ đánh dấu 'ringo' là chủ ngữ, 'desu' là cầu nối giữa chủ ngữ và vị ngữ, 'suki' là TÍNH TỪ có nghĩa thích. Chính vì vậy, câu này không thể bị ráp theo cách hiểu 'tôi thích táo', mà bản chất của nó là 'quả táo tỏa ra tính thích'. Trong tiếng Nhật, trạng thái 'thích' đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của động từ và về với bản chất vốn có của nó... một trạng thái của cảm xúc mà chúng ta dường như không thể kiểm soát được."
Đại thể bài viết ấy là vậy. Tôi thậm chí còn chẳng nhớ nguồn ở đâu, chỉ biết diễn đạt lại theo ký ức và trải nghiệm. Nhưng những ấn tượng đọng lại trong tôi sau khi đọc bài viết đó thì vẫn mãi không phai. "Thích" là một trạng thái, không phải một hành động. Tương tự, "ngủ" cũng là một trạng thái, và "nằm trên giường" chỉ là một trong những hành động chúng ta có thể làm để hy vọng trạng thái ấy sẽ xảy ra. Cách nói "đi vào giấc ngủ" nghe có vẻ sai sai, vì đến lúc chúng ta nhận ra bản thân đã ngủ thì một ngày mới đã bắt đầu. Tương tự, cách nói "hãy yêu những gì mình làm" nghe cũng có vẻ sai sai, vì người đang "yêu những gì mình làm" thì đang "làm những gì mình yêu" chứ không bao giờ dừng lại để tuyên bố "hãy yêu những gì mình làm". Càng nghĩ ngợi, tôi càng nhận ra cái niềm "không thích tiếng Anh" chỉ là cách bản thân đang miêu tả mặt hành động của trạng thái "không thích tiếng Anh", và những câu hỏi tại sao không bao giờ có thể đưa tôi đến cốt lõi vấn đề.
Tiếng Nhật có lẽ cũng không đưa tôi đến cốt lõi vấn đề. Nhưng kể từ lúc phát hiện ra triết lý thâm sâu trong câu nói tưởng chừng vô cùng căn bản mà bất kỳ người học tiếng Nhật sơ cấp nào cũng biết, tôi dần đầu tư hết quỹ thời gian rảnh vào thứ ngôn ngữ kỳ lạ này... bằng tiếng Anh, thay vì dành thời gian ấy học thêm tiếng Anh. Và ngay sau kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, bất chấp kết quả như thế nào đi nữa, tôi đã đi đến chắc chắn rằng tiếng Nhật là một phần không thể thiếu trong tương lai của chính mình. Tôi chào tiếng Anh bằng nụ cười nhẹ nhõm, và quay sang tập trung vào thứ ngôn ngữ mang trong mình một thứ triết lý có thể giúp tôi hiểu về tư tưởng của mình.
Kết quả là tôi đạt giải ba, với điểm số chỉ thua 0.1 so với người cao điểm nhất trong đội tuyển.
Không ai ngờ rằng tôi có thể vượt mặt gần như tất cả những thành viên còn lại.
Nhưng tôi biết mà.
Một trạng thái mới đã bắt đầu.

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
cho mình hỏi là đến cuối cùng bạn đạt được giải 3 trong kỳ thi môn tiếng anh , có phải vì bạn đã tìm ra chân lý của mình là tình yêu với tiếng nhật , và ... nhờ đó tiếp năng lượng cho bạn để dồn sức đạt được thứ hạng đấy, trong môn học mà mình không có hứng thú ? thật tò mò muốn biết mối quan hệ giữa bạn và tiếng nhật , bây giờ đã tiến tới giai đoạn nào rồi hehe .