Nhìn chung, những cuộc gọi từ những người không có trong danh bạ có thể được chia làm hai loại: những cuộc gọi bạn muốn cúp máy ngay lập tức, hoặc là những cuộc gọi bạn không bao giờ muốn bỏ lỡ.
Trường hợp tiêu biểu nhất cho loại đầu tiên, và cũng phiền phức nhất, là những cuộc gọi tiếp thị. Ít thấy hơn là những cú gọi nhầm máy - cái này thì không phiền lắm, trừ khi ở hai đầu dây là hai người khác vùng miền không hiểu đối phương đang nói gì. Ngoài ra còn có những cuộc gọi từ người yêu cũ - (những) người mà bạn đã xóa khỏi danh bạ; tuy nhiên, trường hợp này đôi khi được phân loại lại. 
Về phần những cuộc gọi bạn không muốn lỡ, ví dụ đơn giản nhất là cuộc gọi từ người giao hàng hẹn gửi món đồ bạn đã đặt được mấy hôm. Đáng mong chờ hơn là cuộc gọi từ nhà tuyển dụng, báo rằng bạn được xếp lịch cho vòng phỏng vấn tiếp theo. Trường hợp không ai muốn gặp phải là cuộc gọi báo tin người thân mình gặp tai nạn trên đường.
Hay đôi khi có thể là cuộc gọi từ phòng khám thú y, thông báo tình trạng sống chết của con mèo bạn nhặt ở dọc đường đưa đi cấp cứu đêm hôm trước.
Nhưng khoan hẵng nói chuyện con mèo.
_________________
Đang chạy xe máy dọc bãi biển Mỹ Khê, tôi dừng lại để bắt máy một số lạ. Đã có hai cuộc gọi nhỡ nhưng tôi không để ý. Ở đầu dây bên kia là chị nhân sự của công ty kiểm toán tôi mới được nhận vào thực tập, hỏi tôi khi nào có thể bắt đầu đi làm. Trao đổi xong, tôi không nghĩ thêm gì nhiều mà tiếp tục phóng thẳng tới Hội An. Tôi đi chuyến này vốn là để giải lao nốt trước khi bắt đầu làm việc tại một môi trường khắc nghiệt có tiếng. 
Tua nhanh tới hiện tại, kỳ thực tập của tôi đã kết thúc được cỡ một tháng và tôi không được nhận ở lại làm nhân viên chính thức. Vì tôi đã không thể hiện được gì đặc sắc trong thời gian làm việc cho nên điều này cũng không có gì đáng để phàn nàn. Về phần mình, tôi cũng không muốn tiếp tục làm công việc này. Ba tháng làm việc ở đây có đôi chút ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của tôi, không phải do khối lượng công việc, mà vì nó khiến tôi hoài nghi về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục rải hồ sơ tới các công ty tài chính vì mọi thứ tôi học và làm hai năm vừa qua đều là để phục vụ cho ngành này. Ba tháng chán chường chưa làm tôi đủ chắc chắn để bắt đầu lại từ đầu.
Thở dài ngán ngẩm, nghe máy, từ chối những lời chèo kéo, cúp máy rồi chặn số - đây là quy trình thông thường của tôi mỗi khi có số lạ gọi. Tuy nhiên, do đang đợi nhà tuyển dụng liên lạc lại nên dạo này tôi khá hồi hộp mỗi khi có người lạ gọi tới. 
“Hiện em có đang ở thành phố Hồ Chí Minh không?”. Tôi nhận được cuộc gọi bất ngờ lúc đang uống dở cốc cà phê trên phố Phạm Sư Mạnh.
Tôi đã ứng tuyển vào một dự án ngắn hạn làm việc tại Hồ Chí Minh. Khác với công việc kiểm toán cũ, tôi tương đối hứng thú với hoạt động của công ty này cũng như vị trí mà tôi ứng tuyển; đồng thời, tôi cũng đang muốn chuyển tới một thành phố mới để sống tự lập. Tôi trả lời chị nhân sự rằng tôi hiện đang ở Hà Nội nhưng sẵn sàng chuyển vào Hồ Chí Minh làm việc.
“OK, vậy chị sẽ sắp xếp cho em một buổi phỏng vấn vào tối nay nhé.”. Chị đáp lại.
Buổi phỏng vấn của tôi kéo dài một tiếng. Cuối buổi phỏng vấn, tôi có hỏi và biết được mức lương cho vị trí này chỉ ở mức ba triệu - không đủ trang trải chi phí ăn ở, chưa kể dự án sẽ kết thúc sau ba tháng và công ty không có nhu cầu tuyển sinh viên mới ra trường. Bạn bè tôi đều ngán ngẩm khi biết mức lương và tình trạng ngõ cụt của vị trí này. Tú - người gửi cho tôi tin tuyển dụng - cũng ngạc nhiên khi tôi kể lại. Tuy nhiên sau buổi phỏng vấn thì công ty không liên lạc lại với tôi nữa, vậy nên tôi cũng không cần phải đắn đo gì.
Nói chung là phi vụ Nam tiến lần này của tôi đã bất thành. Ngược lại với tôi, Tú đã tìm được một công việc Tú yêu, tại công ty Tú thích và ở thành phố Tú mê. Những ngày này, Tú đang sắp xếp nốt công việc tại Hà Nội để chuẩn bị khăn gói vào Hồ Chí Minh.
Tôi rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần nho nhỏ vào một ngày thứ sáu nọ - độ này cứ thi thoảng tôi lại bị vậy. Không có gì nghiêm trọng, chủ yếu là lo lắng về tương lai gần, mà tôi thì khá chắc tầm tuổi này nhiều người cũng thế. Tôi định rủ Tú đi cà phê để làm phiền Tú với những nỗi phiền muộn của mình, tuy nhiên Tú lại đang bận. Tôi hẹn Tú sang thứ ba đi thử một quán rượu ở khu 60S Thổ Quan.
Quán rượu này khá mộc mạc, nói thẳng ra thì là sơ sài, trông giống đa số các quán cà phê phong cách hoài niệm rộ lên trong vài năm gần đây. Tôi muốn đến thử vì quán có quầy bar dựng theo phong cách Nhật trông khá thơ thẩn, làm tôi nhớ đến không gian quán Tadioto Hội An. Dạo này tôi hay mong có dịp vào Hội An để ghé lại quán, chứ Tadioto ở Hà Nội thì không thể bằng.
Tôi đã tự vượt qua cuộc khủng hoảng tinh thần - như tôi đã nói, nó không nghiêm trọng lắm. Bởi vậy nên cuộc gặp lần này tôi không làm phiền Tú nhiều nữa. Chúng tôi ngồi nói những chuyện từ vui vẻ tới không quá buồn bã, đến gần nửa đêm thì về.
Từ nhỏ tới lớn, tôi vốn là một đứa sống khá an toàn và nhàm chán - hệ quả tất yếu của việc cố gắng làm một đứa trẻ dễ bảo. Dần dà, chính tôi cũng chán ghét cái sự ngoan ngoãn của mình và vùng vẫy tìm kiếm những trải nghiệm. Tôi bắt đầu học và thử những điều mới, thậm chí còn đi du lịch một mình. Theo một góc độ nào đó, tôi thấy mình giống nhân vật Amélie trong bộ phim mang tên cô.
Tuy nhiên, không phải trải nghiệm mới nào cũng dễ chịu.
Tôi đèo Tú ra khỏi con ngõ Thổ Quan vừa hẹp vừa dài vừa tối, ánh đèn pha tương phản với mọi thứ xung quanh và chỉ soi sáng được một vùng bán kính khoảng ba mét trước đầu xe. Một con mèo nằm cuộn tròn bên lề đường hiện ra trong ánh đèn pha rồi lại chìm vào bóng tối. Chúng tôi lướt qua ngay sát nhưng con mèo chẳng có phản xạ gì - đúng ra nó đã phải chạy đi từ lúc có đèn chiếu tới.
“Hình như con mèo mình vừa đi qua bị làm sao ấy.”. Tôi bảo Tú.
Tú hơi bối rối, phần vì không để ý, phần thì nghĩ là tôi nói đùa. Đi thêm khoảng vài chục mét nữa thì tôi quyết định vòng lại kiểm tra. Tôi lấy chân lay nhẹ con mèo, nó ngóc đầu dậy trông như đang gắt ngủ nhưng vẫn nằm nguyên một chỗ. Tôi bèn ngồi xuống dùng tay kiểm tra thì phát hiện con mèo hầu như không còn di chuyển được. Dù vẫn tỉnh nhưng nó chỉ còn cử động được hai chân trước, hai chân sau chỉ phản ứng nhẹ khi bị chạm vào. Con mèo đang nằm nghiêng nên tôi lật phần thân bên dưới của nó lên để kiểm tra, chuẩn bị sẵn tinh thần để nhìn thấy máu. Tôi thở phào khi thấy toàn thân con mèo vẫn lành lặn, không có vết thương hở nào - ít nhất là theo như những gì tôi quan sát được dưới cái ánh sáng tù mù.
Có người nhà ở ngay gần đó mở cửa nhận đồ từ người giao hàng.
“Gần đây có ai nuôi mèo không chị?”. Tôi vội hỏi.
Chị bảo ở đây chẳng ai nuôi mèo, mà giờ mèo như thế thì ai nuôi nữa. Không cân nhắc nhiều, tôi quyết định mang mèo về nhà để chờ đến sáng đem ra thú y. Tôi hỏi xin chị cái túi nilon để bọc con mèo lại, đưa Tú bế rồi đi về. Trên đường, chúng tôi tạt qua Circle K để mua chút sữa và pa tê. Tôi hy vọng về đến nhà con mèo vẫn sẽ ăn được chút ít cho khỏe lại, dù sao lông nó vẫn còn ướt và chưa có chỗ nào bết cứng lại - tức là nó ở ngoài đường cũng chưa lâu lắm.
Trong khoảng ba năm đầu đại học, trong tôi dần hình thành ham muốn có được khả năng chủ động kiểm soát cuộc đời của mình. Không phải là năng lực siêu nhiên hay gì, mà tôi chỉ đơn giản nghĩ là nếu mình cố gắng chuẩn bị thật kỹ cho cuộc đời: học hành, tập luyện, trải nghiệm,... thì mình sẽ tích lũy được khả năng chủ động lèo lái các yếu tố trong cuộc sống theo ý muốn của bản thân. Một số người có đức tin bảo rằng tôi quá ngạo mạn - ngạo mạn vì chỉ tin vào bản thân chứ không tin vào một thế lực sáng tạo nào. Một số khác bảo rằng tôi nên bớt căng thẳng mà tận hưởng cuộc sống.
Đương nhiên, rốt cục thì tôi cũng đành phải chấp nhận mình không thể kiểm soát mọi sự xảy ra. Chẳng thể biết được cuộc gọi tiếp theo ta nhận được sẽ đưa tin lành hay dữ. Đôi khi nhận một cuộc gọi tiếp thị lại hay hơn - nó chỉ phiền phức chứ không chứa rủi ro.
Lần này cũng vậy. Trái với phán đoán của tôi, con mèo bị thương khá nặng. Về tới nhà tôi mới phát hiện lỗ tai trái nó đang chảy máu, còn đầu lưỡi nó đang bị nghiến chặt giữa hai hàm răng. Cắn lưỡi, xuất huyết nội, liệt hai chi sau - toàn những vấn đề nghiêm trọng cần cấp cứu mà khả năng xử lý của tôi chỉ đạt đến mức liệt kê được tên triệu chứng. Tôi vội vã báo cho Tú và đăng bài lên Facebook để nhờ tìm phòng khám thú y còn đang mở. 
Đã gần một giờ sáng mà bố tôi vẫn còn thức - bố không thể ngủ được chừng nào tôi còn chưa về nhà. Bố mẹ hay lo lắng như vậy là một phần lớn lý do tôi muốn chuyển tới thành phố khác sống một thời gian, để bố mẹ quen với việc tôi phải tự lo và cũng để chính tôi phải quen với việc không có ai lo cho mình. 
Tú đã liên lạc được với một phòng khám ở khá gần và nhắn cho tôi. Vì bố nhất quyết đòi đưa tôi đi do đã quá muộn nên tôi đành đặt Grab đi cho bố yên tâm. Dù sao ngồi sau xe bế con mèo cũng tốt hơn là đeo nó trên vai như lúc tôi đưa nó về, và ra đường một mình ở Hà Nội giờ này cũng không hẳn an toàn. Tôi giục bố đi ngủ, tuy biết rằng cũng không có ích gì.
Đường đêm vắng tanh, tài xế Grab chở tôi phóng hết cỡ trên con đường Minh Khai đang giải tỏa dở dang. Phần lớn những ngôi nhà mặt đường đã bị san phẳng, gạch đá ngổn ngang, tuy vậy con đường trông chẳng rộng hơn mà chỉ trở nên ngột ngạt và sầu thảm. Con mèo chợt ngọ nguậy trong tay tôi, ngơ ngác nhìn quanh. Tôi lấy tay che để gió không tạt vào đầu nó nữa, trông nó quá yếu ớt khiến tôi lo rằng gió tạt mạnh có thể làm nó bị đau. Từ lúc được tìm thấy tới giờ, nó chưa hề tỏ ra hoảng loạn mà chỉ trông bối rối. Có lẽ nó không còn đủ tỉnh táo để sợ nữa.
Long tới phòng khám thú y sau tôi khoảng mười phút. Tôi gặp Long ở câu lạc bộ nhiếp ảnh hồi cấp ba, nhà nó lại ngay gần nhà tôi. Ngay sau khi tôi đăng bài lên Facebook, Long liên tục hỏi thăm và nhắn cho tôi thông tin của các phòng khám; khi biết tôi chuẩn bị đưa con mèo đi, nó lập tức đòi đi cùng. Vì đã đặt Grab nên tôi bảo nó tự đi rồi sau đó chở tôi về. Sự nhiệt tình của Long làm tôi bất ngờ - hẳn là nó rất yêu động vật. Tôi chợt nhớ ra rằng nó hay nhắc đến bọn chó mèo mà nó gặp: chó nhà nuôi, chó của bạn, chó của người yêu (cũ), và mèo ở chỗ làm.
Đêm nay có hai bác sỹ trực, cả hai đều trẻ - trạc tuổi tôi. Tôi nhận thấy tất cả những bác sỹ thú y tôi đã gặp đều trẻ như vậy. Người ta nhanh chóng đẩy được lưỡi con mèo vào lại trong khoang miệng. Không cắn lưỡi nữa là tốt - tôi nghĩ bụng. Con mèo trông đã tỉnh táo hơn lúc ở nhà tôi, thậm chí tôi còn phải phụ giữ nó lại để nó không bò đi bằng hai chân trước. Hai bác sỹ đặt con mèo nằm ngửa trên một cái máng nhựa gập đôi hình chữ V rồi bắt đầu dùng tông đơ cạo lông phần bụng của nó. Không rõ lắm mục đích của việc cạo lông bụng, tôi quay qua Long thuật lại những gì vừa mới xảy ra. Long trông khá mệt mỏi, nó bảo vừa mới từ chỗ làm về. Giờ đã là một rưỡi sáng.
“Mèo này đang bầu nhé. Được tầm năm mươi ngày rồi.”.
Anh bác sỹ chăm chú nhìn màn hình đen trắng loang lổ, tay cầm máy siêu âm lướt qua lại trên bụng con mèo. Tôi hỏi thì anh nói chu kỳ mang thai của mèo khoảng sáu mươi lăm ngày. Cảm xúc lúc này của tôi buồn vui lẫn lộn: tôi vừa cứu được một con mèo sắp đẻ, nhưng con mèo này lại đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi không bối rối được lâu vì ngay sau đó hai bác sỹ xác nhận rằng thai đã chết. Tất cả những gì họ làm được hiện giờ là truyền nước để cho mèo khỏe lại, sau đó mới có thể giải quyết các vấn đề khác.
Làm thủ tục nhập viện xong, tôi ra gãi trán con mèo lần cuối trước khi về. Lúc tôi làm vậy, trông nó như một con mèo khỏe mạnh - lim dim tận hưởng việc được vuốt ve. Cẳng chân trước của nó lúc này đã được cạo lông để chuẩn bị truyền. 
Tôi và Long lại đi về trên con đường Minh Khai đổ nát không bóng người. 
_________________
Tôi thức dậy khá sớm vào sáng hôm sau. Sau khi vặn vẹo xương khớp một lúc, tôi vào phòng tắm đánh răng rửa mặt, đem theo cả điện thoại vào để xem phim.
“Cái chết có thể là cơ hội lớn nhất đời người, Sergio.”.
Nhân vật Berlin trong bộ phim dài tập Money Heist nói với em trai như vậy. Nhân vật này - người chỉ còn vài năm để sống do bệnh nan y - đang tràn ngập hạnh phúc trong đám cưới của mình. Anh ta cho rằng việc biết trước cái chết của mình đôi khi lại là một điều may mắn: điều đó giúp anh ta và vợ mới cưới có thể sống mãi trong tuần trăng mật.
“Mọi người hay mua một chai sâm panh cho dịp đặc biệt, rồi trở lại bình thường.”. Berlin nói. “Anh và Tatiana sẽ sống hết mình với một thùng sâm panh Pháp.”
“Nếu chỉ còn sống được mười hay hai mươi năm, mình có muốn tiếp tục theo đuổi ngành tài chính không?”. Tôi tự hỏi, rồi lại lảng tránh câu hỏi của chính mình vì không muốn đối diện với câu trả lời. Dù vậy, tôi thấy đây là cách hỏi giúp ta loại bỏ được những lo lắng về kỳ vọng của người khác để có thể đưa ra một quyết định thực sự vì bản thân. Không ai lại đưa việc cố gắng làm hài lòng người khác vào lịch trình mười năm ngắn ngủi của mình.
Những “người truyền cảm hứng” trên mạng hay nói ta hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng ta được sống; một số biến thể khác có thể là một tuần, một tháng hay một năm. Nếu chỉ còn sống được một ngày, chắc tôi sẽ dành thời gian cùng mẹ nấu một bữa cơm gia đình, sau đó đưa em trai ra cái hồ ở gần nhà câu cá, nằm ra bãi cỏ nghe nhạc và hy vọng hôm đó hoàng hôn sẽ thật đẹp. Ngoài ra thì được làm tình một chút cũng không tệ. Ý tôi muốn nói ở đây là, ta không thể đưa ra những quyết định dài hơi dựa trên một hạn chót quá ngắn như vậy. Khi biết chắc mình sẽ chết sớm, ta hẳn sẽ chọn đi trăng mật tới những ngày cuối cùng như Berlin hoặc dành hết hơi sức để cống hiến vô điều kiện cho xã hội, chứ đâu còn màng đến chuyện sự nghiệp. 
Một cuộc gọi đến chèn vào bộ phim của tôi. Là số lạ.
Tôi ngập ngừng vài giây trước khi bắt máy, trong lòng le lói một chút hy vọng ngây thơ. Tuy vậy, tự tôi cũng biết rằng bác sỹ thường gọi để thông báo rằng bệnh nhân đã tỉnh lại, đã có thể xuất viện hoặc đang nguy kịch. Con mèo của tôi thì lại không bất tỉnh và cũng không thể xuất viện ngay sau một đêm.
Giọng nói ở đầu dây bên kia dè dặt, trình bày rằng dù được truyền nước nhưng con mèo đã quá yếu, chảy máu trong nhiều và còn đang mang thai nên không qua khỏi được. Sau cùng, họ hẹn tôi tới phòng khám để đón mèo về.
Tôi quyết định sẽ chôn con mèo cạnh cái hồ gần nhà. Cái hồ nằm giữa một khu dân cư đã cũ, phần gạch lát và các bệ cây quanh hồ đã lâu không còn ai sửa sang. Như vậy, tôi có thể đỡ lo việc khu vực đó bị đào xới. Trong lúc lên mạng tham khảo về việc chôn cất, tôi thấy nhiều người khuyên không nên chôn mèo vì lý do tâm linh. Tới lúc đọc được nhiều người trong số đó nói rằng đừng chôn mà hãy thả mèo trôi sông, ý kiến của họ không có ý nghĩa đối với tôi nữa. Giải pháp văn minh nhất có vẻ là hỏa táng, tuy nhiên rất đắt đỏ. Tôi và Tú đã trả phải một khoản viện phí kha khá để nhận về một hộp các-tông đựng mèo chết.
Tối hôm đó, Tú qua nhà tôi để cùng thực hiện việc chôn cất. Tôi và Tú đi một vòng quanh hồ, tìm chỗ vắng vẻ để tránh có người can thiệp. Chúng tôi cũng tránh cả các cặp đôi ngồi ghế đá tâm tình, vì lợi ích của họ. Đào huyệt là một khung cảnh không được lãng mạn cho lắm.
“Ở góc bàn có vài cái bút dạ đấy.”.
Độ hai tuần trước, tôi đến phỏng vấn cho vị trí marketing và phát triển kinh doanh tại một công ty công nghệ khá lớn. Tôi được yêu cầu lên bảng trình bày thêm về một dự án kinh doanh cũ - hội đồng phỏng vấn nói rằng họ đặc biệt hứng thú với dự án này. Điều này làm tôi khá ngạc nhiên vì tôi đã nghĩ họ sẽ chỉ quan tâm tới học vấn và kinh nghiệm làm việc của tôi tại các doanh nghiệp. Một điều ngạc nhiên khác là dù tôi phải một mình trả lời tới tám người phỏng vấn cùng lúc, tôi không hề thấy mệt mỏi hay căng thẳng như khi đi phỏng vấn tại các công ty tài chính. Một lần nữa, tôi lại phân vân về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Tôi vội vàng tự trấn an mình rằng sự tự tin này có được là do tôi đã dành kha khá thời gian làm marketing trong hai năm đầu đại học, tuy không bài bản, nhưng là kinh nghiệm thực tế. Và hội đồng phỏng vấn có vẻ đánh giá cao kinh nghiệm thực tế.
Giã xẻng xuống nền đất, tôi tự nhủ rằng không biết liệu có công ty nào hứng thú với kinh nghiệm mai táng động vật không.
Tôi và Tú đã dừng xe ở một góc hồ vắng vẻ, ít nhà dân. Như tôi đã nói, khu công viên công cộng này không còn được chăm sóc, đồng nghĩa với việc không có ai tưới tắm thường xuyên cho các bãi cỏ. Sau vài phút khảo sát, chúng tôi từ bỏ việc tìm kiếm khu vực có đất tơi xốp và bắt đầu đào ở một góc bãi cỏ không vướng đường đi lại. Phía dưới lớp cỏ xanh tươi là lớp đất khô cằn, đôi chỗ lẫn cả gạch và sỏi đá. Biết trước điều này nên tôi đã mang sẵn hai chai nước để làm ẩm đất. Chúng tôi dốc sạch nước trong chai rồi lại ra hồ lấy thêm, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Tuy vậy, lớp đất cứ trơ ra, tưởng chừng như không thể đào sâu nổi. Suốt cả buổi, tôi không có cảm xúc gì và cũng không nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, đó là bằng mọi giá phải đào được cái hố đủ sâu.
Tôi đùa với Tú rằng mấy năm tập thể hình bập bõm cuối cùng cũng được việc. Tuy nhiên, dù có đủ thể lực và sức mạnh cơ bắp, cơ thể tôi lại không chịu được cường độ lao động này. Sau khoảng nửa tiếng hùng hục đào, tôi chợt nhận ra tay mình đang bỏng rát. Lớp găng tay cao su mỏng vô dụng tôi đeo đã rách bươm, để lộ ra phần da tay bên dưới cũng chịu chung cảnh ngộ. Dù đã chuẩn bị rất kỹ dụng cụ, tôi lại không nghĩ tới giới hạn của bản thân - một thanh niên đô thị chẳng mấy khi phải làm việc nặng nhọc.
Tôi đành nghỉ một lát để Tú đào tiếp, sau đó cởi áo quấn vào cán xẻng để giảm ma sát. Đau tay khiến năng suất của tôi giảm hẳn, may mắn là tới giờ đất đã ngấm kha khá nước và dễ đào hơn. Chúng tôi mất thêm khoảng nửa tiếng nữa đề đào tới độ sâu tạm chấp nhận được.
“Anh đã mở hộp ra chưa?”. Long nói khi tôi nhắn hỏi xem nó có muốn cùng đi chôn mèo không, tuy nhiên nó bận đi làm. Sáng hôm đó, Long có chạy qua phòng khám để kiểm tra tình trạng con mèo. Khác với tôi, Long không được phòng khám gọi để thông báo trước tình hình. 
“Là em chắc em không mở được.”. Nó bảo vậy.
Chiếc thùng các-tông mà phòng khám sử dụng khá cồng kềnh nên chúng tôi cần chuyển con mèo sang một chiếc hộp giày nhỏ gọn hơn cho dễ chôn. Tôi nghĩ mình sẽ không có vấn đề gì với việc tận mắt nhìn thấy xác con mèo, và đúng là vậy. Trông nó không quá tệ, ngoại trừ đôi mắt nhắm nghiền và miệng hơi há ra, tạo thành một vẻ mặt đau đớn. 
“Người nó cứng lại rồi à?”. Tú hỏi.
Tôi ậm ừ trong miệng. Do không nghĩ tới chuyện này, tôi ớn người khi cảm nhận được cái xác đơ cứng trên tay mình. Cố giữ bình tĩnh, tôi nhẹ nhàng bế con mèo lên rồi đặt vào hộp giày cho vừa vặn.
Chúng tôi chèn gạch đá lên trên hộp giày trước khi vùi đất lại để ngăn lũ chó đào bới. Vẫn không yên tâm, tôi và Tú hì hục bê một góc bệ cây bằng bê tông bị vỡ đặt lên trên ngôi mộ. Điều làm tôi lo lắng là phần đất lấp vào mộ rất tơi và ẩm - thành quả của hơn một tiếng tưới nước và đào xới. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng cái nắng nóng đang hành hạ cư dân đô thị nhiều tuần vừa rồi sẽ sớm làm đất khô cằn trở lại như hiện trạng ban đầu của nó.
Oái oăm thay, mấy ngày tiếp theo thời tiết dịu hẳn lại. Tôi quả là ngông cuồng khi đã từng muốn kiểm soát mọi yếu tố trong cuộc đời.
Ngày nào tôi cũng ra kiểm tra ngôi mộ một lần, trông nó đẹp và yên bình trong ánh sáng ban ngày. Tôi có cảm giác tự hào kỳ lạ khi nhìn thấy ngôi mộ, không phải do nó đẹp mà là vì tất cả những quyết định tôi đã đưa ra: quay lại kiểm tra con mèo, đưa con mèo đi cấp cứu ngay trong đêm, và cuối cùng là chôn cất nó cẩn thận. Tôi đã hoàn toàn có thể làm khác đi. Bố mẹ tôi thì khá khó chịu về việc này, tuy nhiên việc bố mẹ không thích con cái vất vả lo chuyện bao đồng cũng là điều dễ hiểu. Dù sao đi nữa, đã rất lâu tôi không tự hào về điều gì nhiều như vậy, kể cả lúc nhận tin đỗ bài thi chứng chỉ ngành tài chính mà tôi dành nửa năm để học. Thực lòng mà nói, lúc đó tôi không có cảm xúc gì đặc biệt.
_________________
Chôn cất con mèo xong xuôi, cuộc sống của tôi lại trở lại bình thường.
Tôi đi thử một quán cà phê mới trong ngõ Phan Huy Chú vào một buổi sáng mát trời. Cứ thi thoảng Ly lại giục tôi đến đây uống thử cà phê “hộ” nó. Ly học cùng lớp cấp hai với tôi, giờ học tài chính ở Nga và đang rất sốt ruột muốn được về Việt Nam. Vì đã quyết định sẽ không làm ngành tài chính, nó chỉ cố gắng học cho xong rồi về để có thể bắt đầu thử sức ở các lĩnh vực khác. Ly rất thích cà phê và có đi học pha chế; nó là người đã hướng dẫn tôi tập đổ latte art tại nhà.
Tôi đang trầm ngâm quan sát không gian quán thì có số lạ gọi tới - là từ công ty trong Hồ Chí Minh. Họ nói rằng tuy tôi không phù hợp với dự án trước, người phỏng vấn đã giới thiệu tôi cho một dự án khác đang cần người. Vì dự án này cũng thú vị nên tôi nhận lời mời phỏng vấn, không quên nói rằng mình sẽ cần một mức lương nhất định mới có thể chuyển vào Hồ Chí Minh làm việc. 
Thật ra phần nhiều lý do mà tôi thích công ty này là vì họ đang sở hữu một chuỗi cà phê khá lớn. Cà phê ở đó dở tệ, nhưng việc kinh doanh lại thành công - đó là cái tôi muốn học hỏi. Tôi cũng thích cà phê và vẫn luôn hứng thú với việc có một quán cà phê của riêng mình. Tuy nhiên, với tình hình cạnh tranh khắc nghiệt như hiện tại, mở quán cà phê na ná một nhiệm vụ cảm tử. 
Tôi còn ngưỡng mộ một thương hiệu cà phê khác có hệ thống quán đặt quanh khu vực phố cổ Hà Nội. Tuy không so được với các chuỗi cà phê công nghiệp về mặt quy mô, họ bán cà phê tử tế và xây dựng được một lượng khách trung thành ổn định nhờ duy trì định vị thương hiệu của mình: nhẹ nhàng, lịch sự và đặc biệt là đậm chất nghệ sĩ. Cũng là lẽ đương nhiên, vì một trong hai người đồng sáng lập của thương hiệu là nhà thơ. Người còn lại thì học tài chính tại Harvard, về nước làm việc cho Bộ Tài chính được vài năm thì bỏ luôn ngành.
“Mình có bỏ ngành không nếu chỉ còn mười năm để sống?”. Tôi lại hỏi, nhưng vẫn không có ai đáp lại.
“What done in love is well done.”. Tú từng bảo tôi vậy. “Cho nên cứ để tình yêu dẫn lối cho mọi thứ.”.
Tôi vốn vẫn thích cách nghĩ đó, nhưng chắc chắn sẽ nhiều người sẽ bảo tôi nên thực dụng hơn - đặc biệt là gia đình. Tôi sẽ không cãi lại, vì tôi biết chẳng ý nào đúng hơn ý nào. Mỗi người lại có một thứ tự ưu tiên của riêng mình. Câu hỏi quan trọng là: Ưu tiên của tôi là gì?
Biết đâu sẽ sớm có một cuộc gọi giúp tôi tìm được câu trả lời.