Khẩu trang y tế không phải là bùa hộ mệnh giúp chúng ta thoát khỏi "cửa tử". Thứ mà chúng đại diện, là ý thức bảo vệ bản thân và sức khỏe cộng đồng của mỗi người.
Chết là thoát kiếp đọa đày ô nhục
Là đi về quê cũ thuở hồng hoang
Là khi người thoát khỏi chốn u mang
Về cõi sáng nơi đời đời vẫn sống
Chết là đứng bên kia màn ánh sáng
Nhìn bà con bè bạn khóc, mà thương! 
Nhìn công danh sự nghiệp bỗng chán chường
Ôi giấc mộng Nam Kha mình cũng vướng!
.
Ta phí cả cuộc đời lầm đối tượng
Mãi đi tìm ảo ảnh giữa trần gian
Cõi hư vô mà ta tưởng địa đàng
Giờ mới biết chết là về cõi sống. 
Bài thơ trên có tựa đề Thanatopis được nhà thơ lãng mạn người Mỹ William Cullen Bryant sáng tác năm 1811. Trong mắt vị thi sĩ này, cái chết êm ả nhẹ nhàng bao nhiêu thì bước sang thập niên 2020, chúng lại trở nên tàn khốc với nhân loại bấy nhiêu, nấp sau đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19.
Sáng 02/04/2020, Bộ Y Tế gửi tin nhắn đến Zalo của tôi, thông báo số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng lên 222 ca. Chưa một ai tử vong. Cái chết, tới thời điểm này, vẫn còn là điều xa vời khi cả nước cùng ra sức chống dịch.
Nhưng trên ứng dụng Telegram, nơi tôi tham gia một cộng đồng có nhiều thành viên sinh sống và định cư tại nước ngoài, "chết" là từ thường xuyên được nhắc đến trong group chat. Và nó không hề dừng lại ở ý nghĩa cảnh báo.
Giữa tháng 3/2020, lúc dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh tại Việt Nam và Chính phủ ra sức kêu gọi người dân thực hiện khai báo y tế, thì trên cộng đồng, mọi người đã bắt đầu gửi nhau những hình ảnh cập nhật tại quốc gia mình đang sống.
Bức hình thu hút đông đảo sự chú ý do một thành viên lâu năm sinh sống tại Mỹ gửi lên. Rõ ràng là anh chụp vội, nét ảnh hơi nhòe nhưng vẫn thấy rõ mặt của nhiều người trong ảnh. Lần đầu tiên, khung cảnh nhộn nhịp ở hành lang một trung tâm thương mại lại khiến người xem hoảng sợ.
"Sao họ không đeo khẩu trang?", "nhìn ảnh này nhớ tới phim The Walking Dead", "chủ quan thế này, nhỡ lây cho người khác thì sao" ... các dòng bình luận tuôn liên hồi trong cửa sổ chat, đa phần từ những thành viên sống ở khu vực khác gửi về. Khẩu trang y tế, vô hình chung, không chỉ là vật dụng bảo vệ sức khỏe bản thân, mà giờ đây còn biểu trưng cho ý thức của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tôi còn nhớ cách đây ít ngày, một chị đồng nghiệp cũ đã đăng dòng trạng thái bức xúc cự lại hàng xóm sống cùng khu chung cư, khi thấy anh chàng này không đeo khẩu trang, vô tư bước vào thang máy.
Tôi không biết kết thúc cuộc tranh luận, anh ấy có đồng ý đeo khẩu trang không, chỉ thấy rằng hai hôm sau, trong hàng loạt quyết định được UBND TP. HCM ban hành về xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, có quy định "không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng".
Ở nơi mà người đi dạo biển, đi chợ không đeo khẩu trang còn bị xử phạt hành chính, thì "cái chết Covid" là viễn cảnh xa vời trong suy nghĩ của không ít người Việt. Dù vậy, tại Mỹ, vi-rút Covid đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng, và hơn 210.000 người nhiễm bệnh. Con số này tại Ý lần lượt là 13.155 và 110.574. Và một trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ thương vong tăng mạnh toàn cầu là do sự thiếu hụt các vật dụng y tế.
Hãng tin CNBC đưa tin, ngày 01/04, hãng sản xuất siêu xe Lamborghini của Ý đã yêu cầu một số bộ phận tại nhà máy Sant'Agata Bolognese chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và tấm chắn nhựa bảo vệ. Trước "ông lớn" này, nhiều hãng ô tô trên thế giới đã tiến hành sản xuất khẩu trang y tế nhằm đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay.
Nhà sản xuất ô tô lớn thứ 8 thế giới Fiat Chrysler Automobiles tuyên bố sẽ sản xuất hơn một triệu khẩu trang mỗi tháng, trong khi BYD - thương hiệu ô tô tiếng tăm tại Trung Quốc cho biết đã mở cửa nhà máy sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới.
Hồi cuối tháng Ba, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tung gói viện trợ 100 triệu đô vật tư y tế và thuốc men cho Ý, Tây Ban Nha và Pháp . Trước đó, ông Trump đã kích hoạt đạo luật Sản xuất quốc phòng, buộc các công ty Mỹ phải sản xuất gấp một lượng lớn máy trợ thở trong thời gian ngắn. Hai "ông lớn" General Motors, Ford Motors của Mỹ cũng tiến hành bắt tay với các công ty công nghệ trong việc sản xuất máy thở và mặt nạ chống độc.
Những động thái này nằm trong nỗ lực giảm thiểu số người chết và nhiễm Covid-19 xuống mức thấp nhất. Tính đến 13h ngày 02/04, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê đã có 935.022 ca nhiễm bệnh, 41.189 ca tử vong và 193.989 ca phục hồi trên thế giới. 
Những ngày này, giới truyền thông quốc tế đánh giá Việt Nam là "hình mẫu về kiềm chế đại dịch Covid-19" khi là 1 trong 11 quốc gia chưa có bệnh nhân tử vong vì đại dịch Covid-19, bên cạnh Kuwait, Malta, Quần đảo Foeroe, Réunion, Georgia, Kygrystan, Campuchia, Latvia, Lào, và Đông Timor. 
Có nhiều lý giải được đưa ra, nhưng không chuyên gia phân tích nào ca ngợi sự dồi dào về khẩu trang y tế là thứ giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh. Rõ ràng, khẩu trang y tế không phải là bùa hộ mệnh giúp chúng ta tránh được"cửa tử". Thứ mà chúng đại diện, là ý thức của người dân và tầm nhìn của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Sherwin B. Nuland - Giáo sư lâm sàng về phẫu thuật của trường Đại học Y trực thuộc Đại học Yale, trong cuốn sách nổi tiếng có tựa đề Hiểu về sự chết, đã viết: "Có một lời khuyên khôn ngoan là chúng ta hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng. Nhưng sẽ rất bổ ích nếu chúng ta thêm vào lời răn rằng, hãy sống mỗi ngày như thể chúng ta sẽ ở trên Trái Đất này mãi mãi."
Và cách chúng ta sống ý nghĩa nhất trong những ngày này, đôi lúc chỉ đơn giản là việc hạn chế ra ngoài và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. 
Ngày 01/04, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly thôn, xã cách ly xã". 
Hy vọng 15 ngày "giờ vàng" sắp tới, bạn cùng mình giúp đất nước chống dịch thành công, hen! ;-) 
#stayhome #getmePPE
Chuột Gặm Sách