Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Dịch từ bài "How to Make Wealth" của Paul Graham, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator có giá trị khoảng 80 tỷ USD. Quỹ này chuyên đầu tư vào các Startup và những thương vụ thành công của quỹ gồm: Airbnb, 9GAG, Circle K, Dropbox, đồng hồ thông minh Pebble. Bản thân Paul Graham cũng là một tỷ phú tự thân. 
Từ startup và "khởi nghiệp" trong bài dịch là cùng nghĩa. Từ "wealth" được dịch ra là: tài sản, của cải. Bài dịch Việt hóa một số đoạn.
Cần nhớ bài viết này ra đời năm 2004, lúc đó Google chỉ mới chớm nở và Facebook chưa ra đời. Mức lương và thu nhập trong này lấy theo mức của năm 2004. 

Tháng 5, 2004
Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn sẽ làm thế nào? Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để trở nên giàu có là nên tự xây hoặc tham gia một startup. Đó là một cách làm giàu bền vững đã được chứng minh hàng trăm năm qua. Từ "startup" chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1960, nhưng cách mà người ta làm startup thì cũng giống như các chuyến buôn hàng xuyên đại dương từ thời Trung Cổ.
Startup thì luôn dính đến công nghệ, đến mức mà cụm từ "startup công nghệ" là cụm từ thừa chữ. Một công ty startup là một công ty nhỏ luôn cố gắng giải quyết một vấn đề khó khăn.
Có rất nhiều người trở nên giàu có mà không hiểu rằng tại sao họ làm được điều đó. Bạn không cần phải biết các lý thuyết vật lý để có thể có bài thuyết trình vật lý tốt. Nhưng tôi nghĩ rằng biết được tại sao điều này xảy ra thì sẽ cho bạn lợi thế. Tại sao một công ty startup thì cần phải nhỏ? Và liệu một startup có mất đi bản chất của nó khi nó phát triển lớn lên? Và tại sao chúng ta thường liên tục cố gắng phát triển công nghệ mới? Tại sao lại có quá nhiều startup bán dược phẩm hay phần mềm máy tính, nhưng chẳng startup nào đi bán dầu ngô hay là bột giặt?

Giả thiết đặt ra

Về mặt tài chính, bạn có thể coi một startup là một công cụ giúp nén toàn bộ cuộc đời đi làm của bạn thành chỉ còn vài năm. Thay vì phải phải làm việc ở cường độ thấp trong 40 năm, bạn có thể dồn toàn bộ công sức làm số việc tương đương trong vòng 4 năm. Và nếu bạn làm được điều này, bạn sẽ được trả công rất hậu hĩnh ở trong lĩnh vực công nghệ, ở đó bạn có thu nhập cao nhất thế giới nhờ làm việc nhanh.
Để tôi giải thích ngắn gọn ở đây. Nếu bạn là một tin tặc mũ trắng tài năng đang ở độ tuổi 20, bạn có thể có một công việc trả lương 80,000 USD mỗi năm. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi tin tặc phải tạo ra giá trị tương đương 80,000 USD mỗi năm để công ty hòa vốn. Bạn có thể làm việc siêng năng hơn, tăng thời gian làm việc lên gấp đôi người đồng nghiệp, và nếu bạn có thể tập trung, bạn có thể hoàn thành khối lượng công việc của 3 giờ trong 1 giờ. Rồi nếu công ty thay thế người quản lý vô dụng của bạn để bỏ đi một trung gian quản lý, thì công ty sẽ có thêm tiền để trả lương cho bạn gấp đôi. Thế rồi còn một yếu tố nữa: bạn thông minh hơn mức yêu cầu của công việc nhiều hay không? Giả sử công ty công bằng trả cho bạn thêm gấp 3 vì bạn thông minh gấp 3 lần so với kì vọng từ sếp. Tính hết các yếu tố trên, thì tôi nói rằng năng suất của bạn nếu được làm việc tự do cao gấp 36 lần so với khi bạn làm trong tập đoàn lớn. Nếu một hacker tốt được trả lương 80,000 USD một năm ở một tập đoàn lớn, thì một hacker thông minh làm việc vô cùng chăm chỉ và không bị vướng vào mấy cái quy trình nhảm nhí ở một tập đoàn, có thể tạo ra giá trị tương đương 3 triệu USD một năm.
Và tất nhiên tương tự như các phép toán trên giấy khác, con số tôi đưa ra sai lệch nhiều. Tôi sẽ không cố gắng thuyết phục mọi người con số 3 triệu là chính xác. Nhưng tôi sẽ thuyết phục bạn tin vào logic của phép tính này. Tôi không nói rằng năng suất và thu nhập của bạn sẽ cao lên chính xác 36 lần, nhưng chắc chắn con số đó cao hơn 10 và có thể cao đến 100 lần. 
Nếu 3 triệu đô nghe là cao rồi thì hãy nhớ rằng chúng ta đang nói đến tình huống có không giới hạn: tức bạn không chỉ làm việc mà không có thời gian nghỉ mà bạn làm đến mức bạn làm tổn hại sức khỏe bản thân.
Startup không phải là cây đũa thần. Nó không thay đổi quy luật tạo ra tài sản. Nó chỉ là một điểm trong một đồ thị toán. Có một quy luật muôn đời ở đây: nếu bạn muốn hàng triệu đô la, bạn phải chịu đựng sự cực khổ trị giá hàng triệu đô la. Ví dụ như có một cách để kiếm được một triệu đô la với vị trí nhân viên Bưu điện đó là tiếp kiệm từng đồng lương cho đến khi có được một triệu đô la. Hãy tưởng tưởng cái sự căng thẳng của việc phải làm mãi vị trí nhân viên Bưu điện suốt 50 năm và tiết kiệm từng đồng một. Còn khi đi làm startup, bạn nén tất cả đau khổ của 50 năm đó vào trong 3 đến 4 năm. Tất nhiên khi bạn "mua sỉ" nỗi đau như vậy thì bạn được "giảm giá" một chút, nhưng mà bạn sẽ vẫn không thể thoát được quy luật đó. Nếu mà khởi nghiệp dễ dàng thì ai cũng đã làm vậy.

Vẫn chưa là tỷ đô

Nếu 3 triệu USD là cao so với vài người thì nó lại vẫn là thấp so với nhiều người khác. Ba triệu? Làm sao tôi có thể trở thành tỷ phú như Bill Gates ấy?
Nhưng mà khoan, hãy bỏ Bill Gates ra khỏi cuộc bàn luận này. Tôi nghĩ việc đưa tỷ phú nổi tiếng giàu có vào làm ví dụ là một điều tồi, bởi vì báo chí thì chỉ toàn viết về những người giỏi nhất, và những người này thường là ngoại lệ. Bill Gates là một người thông minh, có ý chí, và làm việc chăm chỉ, nhưng bạn cần nhiều hơn ba yếu tố trên để trở nên giàu như ông ấy. Bạn sẽ cần rất rất nhiều may mắn.
Có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên góp phần tạo nên một công ty thành công. Do đó mấy người mà bạn hay đọc trên báo thường là thông minh, đầy tâm huyết, và quan trọng là họ đã "trúng số". Tất nhiêu Bill là một người thông minh tràn ngập nhiệt huyết, nhưng Microsoft cũng vô tình được hưởng lợi rất nhiều từ một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử kinh doanh: thương vụ bản quyền cho DOS. Hiển nhiên là Bill đã làm tất cả mọi thứ ông có thể để thuyết phục IBM ký hợp đồng tai hại đó, và ông đã xuất sắc trong việc khai thác tối đa sai lầm ấy, nhưng nếu mà lúc đó có một ông nào có não xuất hiện bên phía IBM thì hẳn tương lai của Microsoft đã rất khác. Microsoft vào thời điểm đó hoàn toàn lép vế trước IBM. Lúc đó IBM là một nhà cung ứng linh kiện hàng đầu. Nếu họ ép Microsoft chỉ được cung cấp phần mềm cho họ thì Microsoft cũng sẽ phải chấp nhận thôi. Lúc đó Microsoft thì vẫn có nhiều tiền và IBM thì hoàn toàn có thể chọn một đối tác khác để cung ứng phần mềm.
Nhưng thay vào đó IBM lại cho phép Microsoft cái khả năng tạo ra chuẩn hệ điều hành cho máy tính (tức Microsoft được phép bán phần mềm cho đối tác khác ngoài IBM - chú thích ND). Kể từ lúc đó, tất cả những gì Microsoft làm chỉ là cứ thế mà bán hàng. Họ chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều gì nữa, không còn quyết định khó khăn. Thứ duy nhất họ làm đó là kiểm soát vấn đề bản quyền và cải tiến thêm sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường một cách nhanh chóng.
Nếu IBM không phạm phải sai lầm này, Microsoft vẫn đang là một công ty thành công, nhưng nó không thể tăng trưởng nhanh được như vậy. Bill Gates thì vẫn sẽ giàu, nhưng mà lúc đó ổng ở gần cuối bảng xếp hạng tỷ phú Forbes 400 giống như mấy tỷ phú khác bằng tuổi.
Có rất nhiều cách để làm giàu và bài luận này chỉ nói về một cách thôi. Bài luận này nói về việc làm sao để giàu có từ việc tạo ra tài sản và được người khác trả tiền cho khối tài sản ấy. Có rất nhiều cách khác để kiếm tiền như tận dụng sự may mắn, đầu cơ, đám cưới, thừa kế, ăn trộm, biển thủ, lừa đảo, nắm vị thế độc quyền, hối lộ, vận động hành lang, làm hàng nhái hay là đi khai thác khoáng sản. Phần lớn những khối tài sản khổng lồ được tạo ra trong lịch sử nhân loại đều là kết quả từ một hoặc nhiều phương pháp kể trên.
Lợi thế của việc làm giàu bằng cách tạo ra tài sản đó là nó không chỉ là hợp pháp hơn (rất nhiều cách thức kể trên là bất hợp pháp) mà nó còn đơn giản hơn. Bạn chỉ cần tạo ra thứ mà người khác muốn. 

Tiền không phải là của cải

Nếu bạn muốn tạo ra của cải tài sản, bạn cần phải hiểu nó là gì. Tài sản của cải không phải là tiền. Nó có lịch sử lâu đời như là lịch sử loài người vậy. Nó có trước cả loài người, có thể nói kiến cũng có tài sản. Tiền chỉ là một phát minh gần đây.
Của cải là cốt lõi của mọi thứ. Của cải là thứ chúng ta muốn: thực phẩm, quần áo, nhà, xe, thiết bị điện tử, chuyến du lịch đến nơi thú vị, và nhiều thứ khác. Bạn có thể có của cải mà không có tiền. Nếu bạn có một cỗ máy ma thuật có thể làm bất cứ thứ gì bạn ra lệnh như là tạo ra chiếc xe cho bạn đi, nấu bữa tối cho bạn hay là giặt đồ cho bạn, hay bất kì việc gì khác, thì bạn sẽ không cần tiền. Còn ngược lại nếu bạn đang ở Nam Cực nơi chẳng có gì để mua, thì bạn sẽ chẳng quan tâm bạn có bao nhiêu tiền cả.
Của cải là thứ bạn muốn chứ không phải tiền. Nhưng nếu của cải quan trọng như vậy sao ai cũng nói về tiền? Nó là một con đường tắt: tiền là thứ giúp của cải đi nhanh từ người này qua người khác, và thực tế của cải cũng là thứ giúp tiền lưu thông. Nhưng bạn cần phải hiểu rõ chúng không phải là một, trừ khi bạn cố gắng kiếm tiền bằng cách làm tiền giả. Nếu cứ suy nghĩ về việc kiếm tiền thì bạn sẽ không hiểu được làm sao để làm ra tiền.
Tiền là hệ quả của sự chuyên môn hóa. Trong một xã hội chuyên môn hóa, bạn sẽ không tự làm ra được phần lớn thứ bạn cần. Nếu bạn cần một củ khoai tây hay là một cây bút chì hay là một nơi để ở, bạn cần phải lấy nó từ người khác.
Làm sao bạn có thể thuyết phục được người trồng khoai tay cho bạn vài củ khoai? Bằng cách cho anh ấy một thứ gì đó anh ấy muốn mà bạn có. Nhưng trong các giao dịch phức tạp bạn không thể đáp ứng được nhu cầu của người khác. Nếu bạn là người chế tác đàn violin, và chẳng có người nông dân nào muốn một cây đàn violin, thì bạn đổi gì để lấy đồ ăn đây?
Giải pháp mà xã hội loài người tìm ra để đáp ứng được xu hướng chuyên biệt hóa này đó là biến giao dịch thành một quy trình hai bước. Bước một, thay vì đổi đàn violins lấy khoai tây, bạn đổi đàn violin để lấy bạc chẳng hạn. Rồi bạn cầm bạc đó để đi mua thứ mà bạn cần. Cái vật chuyển đổi đó là vật trung gian giao dịch, nó có thể là bất cứ thứ gì quý hiếm và mang đi được. Lịch sử cho thấy kim loại thường là vật trung gian giao dịch phổ biến, nhưng gần đây chúng ta có vật trung gian giao dịch mới gọi là đồng đô la và thứ đó không tồn tại về mặt vật lý. Nó có thể trở thành vật trung gian trao đổi được xã hội chấp nhận là do chính phủ Mỹ bảo chứng cho nó.

Bài viết về kinh tế học

Lợi thế của vật trung gian trao đổi đó là nó giúp con người giao dịch thương mại được với nhau. Bất lợi của nó là nó khiến con người quên đi bản chất của giao dịch thương mại. Mọi người hiểu nhầm rằng mọi thứ doanh nghiệp làm là để kiếm tiền. Nhưng thực chất tiền chỉ là vật trung gian, chỉ là một lối tắt, để giúp con người có được thứ họ muốn. Phần lớn các doanh nghiệp sinh ra là để tạo ra của cải tài sản. Họ tạo ra thứ mà người khác muốn.

Ngụy biện miếng bánh

Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng có rất nhiều người lớn vẫn giữ quan niệm có từ thời con nít rằng số lượng của cải trên thế giới này là có hạn. Đó là bởi vì ở bất kì thời điểm nào trong một gia đình, số lượng tiền bạc tồn tại trong đó đều là hữu hạn. Nhưng tiền bạc và của cải không phải là một.
Nếu coi tiền bạc là của cải và của cải là một miếng bánh, thì rõ ràng trong bối cảnh này kích thước của miếng bánh là có hạn. Các chính trị gia hay nói: "Anh không thể làm miếng bánh to hơn được". Khi bạn nói về số lượng tiền mà một gia đình có trong tài khoản ngân hàng, hay là số tiền chính phủ có được từ thuế, thì điều đó rõ ràng là đúng. Khi một người có nhiều hơn, thì người khác có ít đi.
Tôi vẫn còn nhớ là hồi còn là một đứa nhóc, tôi tin rằng nếu mà người giàu có tất cả tiền, thì những người nghèo sẽ chẳng có gì cả. Rất nhiều người tiếp tục giữ suy nghĩ này khi họ đã trưởng thành. Bạn sẽ nghe rất nhiều về quan niệm này trong các bài viết về bất bình đẳng thu nhập, bạn sẽ nghe ai đó nói x phần trăm dân số sở hữu y phần trăm tài sản cả nước. Nhưng nếu bạn đang chuẩn bị làm startup, thì dù bạn có tin hay không, bạn đang chứng minh rằng quan niệm này là sai.


Cái thứ khiến mọi người hiểu nhầm ở đây là tiền. Tiền không phải là của cải tài sản. Nó chỉ là thứ để giúp của cải tài sản di chuyển trong xã hội. Do đó mặc dù bạn có thể thấy rằng trong một thời điểm cụ thể (ví dụ như gia đình bạn tháng này), số tiền để giao dịch với người khác để có được thứ bạn muốn là không đổi, nhưng hãy nhớ rằng trên thế giới số lượng tài sản của cải là không hữu hạn. Bạn có thể tạo ra nhiều tài sản của cải hơn. Trong lịch sử loài người, của cải tài sản đã được tạo ra và phá hủy nhiều lần (nhưng tổng kết lại là tạo ra nhiều hơn).
Giả sử bạn mua một chiếc xe cũ. Thay vì dành cả mùa hè ngồi mòn đít trên sofa coi TV, bạn dành toàn bộ thời gian sửa chữa phục hồi chiếc xe đó cho nó về gần như mới. Bằng cách như thế bạn đã tạo ra thêm của cải. Cả thế giới, và đặc biệt là bạn, đã có thêm một chiếc xe cũ hoạt động tốt như mới. Và đây không chỉ là lý thuyết suông. Bạn hoàn toàn có thể bán chiếc xe đấy và kiếm được nhiều tiền hơn so với lúc mua vào.
Khi bạn phục hồi chiếc xe cũ ấy, bạn đã khiến bạn thân bạn giàu lên. Nhưng bạn chẳng hề làm ai nghèo đi cả. Do đó hiển nhiên rằng miếng bánh của cải chẳng hề bị giới hạn về kích thước. Và khi bạn nhìn mọi thứ dưới góc độ này, bạn sẽ tự hỏi rằng sao chẳng ai chung quanh nghĩ như thế.
Ngay cả mấy đứa con nít cũng biết, dù chúng không nhận ra điều đó, là chúng có thể tạo ra tài sản của cải. Nếu chúng muốn tặng ai đó món quà mà chúng không có tiền mua, chúng sẽ tự làm. Nhưng lũ trẻ cũng biết rằng chúng làm chẳng giỏi, những món quà tự làm ở nhà thì dở tệ hơn nhiều so với quà mua ngoài cửa hàng, tức trong tiềm thức chúng biết chúng làm ra thứ người khác muốn. Và rõ ràng là thế, những cái gạt tàn thuốc chúng ta hồi đó tự làm tặng ông bà chẳng hề bán lại được cho ai hết.

Thợ nghề

Những người mà hiểu rõ nhất khái niệm tạo ra của cải là những người giỏi trong việc tạo ra thứ gì đó, đó là các thợ nghề. Những sản phẩm họ tự làm được đưa vào các cửa hàng và được gắn chữ "nhà làm", "thủ công". Nhưng với sự trỗi lên của sự công nghiệp hóa, số lượng thợ nghề ngày càng giảm. Trong các nhóm thợ chưa bị tuyệt chủng, nhóm lớn nhất là lập trình viên máy tính.
Một lập trình viên có thể ngồi trước máy tính và tạo ra của cải tài sản. Một phần mềm bản thân nó là một thứ vô cùng quý giá. Không có các quy trình sản xuất phức tạp làm rối tung mọi thứ. Những kí tự bạn đang gõ, bản thân nó đang giúp tạo ra một sản phẩm hoàn thiện. Nếu ai đó ngồi xuống và viết ra một trình duyệt web chạy tốt (và đó là một ý tưởng khởi nghiệp tốt đó bạn), thì anh ta đã giúp thế giới này trở nên giàu có hơn.
Trong một tập đoàn ai cũng làm việc cùng nhau để tạo ra sản phẩm, chung nhau giúp tạo ra thứ mà người khác muốn. Nhưng không phải ai cũng trực tiếp làm ra nó (ví dụ như những người làm ở bộ phận văn thư hay là quản lý nhân lực), có người hầu như không đụng tay trực tiếp vào sản phẩm. Trừ lập trình viên. Họ theo đúng nghĩ đen là suy nghĩ định hình ra sản phẩm qua từng dòng code một. Do đó các lập trình viên là người tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra của cải tài sản, và họ sẽ thấy rằng của cải tài sản không phải là được phân phối, như là chia nhỏ miếng bánh ra, bởi một đức chúa nào đó trong tưởng tượng.
Và hiển nhiên các lập trình viên cũng thấy được sự chênh lệch trình độ lớn trong việc tạo ra của cải tài sản. Ở công ty Viaweb, chúng tôi có một lập trình viên làm việc như một con quái vật, năng suất anh ta cao ngất ngưởng. Tôi còn nhớ rõ một lần coi anh ấy làm việc suốt ngày dài và ước tính rằng giá trị anh ấy tạo ra thêm cho cả công ty lên đến hàng trăm nghìn đô la. Một lập trình viên giỏi, nếu duy trì được năng suất, có thể tạo ra được của cải tài sản trị giá hàng triệu đô la chỉ trong vài tuần. Còn một lập trình viên dưới trung bình thì tạo ra giá trị bằng 0 hoặc thậm chí là tạo ra giá trị âm (ví dụ như tạo ra lỗi - bugs).
Đó là lý do tại trong những lập trình viên xuất sắc, có rất nhiều người theo chủ nghĩa tự do (libertarians). Trong thế giới của họ, hoặc là bạn sống sót hoặc là chìm nghỉm, và chẳng có lý do gì để bao biện cả. Khi những người không tham gia vào quá trình tạo ra của cải tài sản - sinh viên, nhà báo, chính trị gia - nghe đến tin 5% người giàu nhất trên thế giới nắm một nửa số tài sản của nhân loại, từ "bất công" lập tức xuất hiện trong đầu họ. Còn một lập trình viên tài ba thì lại nghĩ là: chỉ có từng đó thôi sao? Nhóm 5% lập trình viên giỏi nhất thế giới tạo ra 99% các phần mềm tốt trên toàn cầu. 
Tài sản có thể được tạo ra mà không cần phải bán. Các nhà khoa học đến nay vẫn đóng góp miễn phí tài sản của cải mà họ tạo ra. Chúng ta đều trở nên giàu có hơn nhờ sự hiểu biết về thuốc kháng sinh penicillin, bởi vì nó giúp chúng ta sống sót qua sự nhiễm trùng. Của cải tài sản là thứ mà mọi người muốn, và thoát khỏi cái chết là thứ mà ai trong chúng ta cũng muốn. Tin tặc mũ trắng thường đóng góp công sức của họ cho xã hội bằng cách viết các phần mềm mã nguồn mở để ai cũng dùng được. Tôi trở nên giàu có hơn nhờ dùng hệ điều hành FreeBSD, một phần mềm miễn phí đang chạy trên máy tính của tôi, và Yahoo cũng được hưởng lợi thế, họ dùng nó để vận hành các máy chủ của họ. 

Thế một công việc là gì?

Trong một xã hội công nghiệp hóa, mọi người thường gắn liền cuộc sống của mình với các học viện hay cơ sở đào tạo cho đến năm họ hai mươi. Sau những năm tháng đó, bạn sẽ quen với việc thuộc về một nhóm người luôn dậy vào buổi sáng, đi vô một căn nhà nào đó, và làm những thứ mà bình thường họ chẳng thích chút nào. Việc thuộc về một nhóm người đó giúp định hình bản thân bạn: họ tên, tuổi, vị trí, trường học. Nếu bạn tự giới thiệu về bản thân, hay ai đó nói về bạn, nó sẽ giống như là: John Smith, 10 tuổi, học sinh ở trường tiểu học này, hay là John Smith, 20 tuổi, học sinh ở Đại học này.
Sau khi ra trường thì John Smith được kì vọng phải đi kiếm việc. Và đi kiếm việc cũng giống như là vô một cơ sở đào tạo khác vậy. Nhìn sơ qua thì nó giống như là vô một đại học khác. Bạn chọn công ty bạn muốn làm rồi gửi đơn ứng tuyển đến đó. Nếu họ thấy thích bạn, họ sẽ cho phép bạn tham gia nhóm của họ. Bạn dậy vào buổi sáng và đi vô một tòa nhà, rồi bạn làm những thứ mà bình thường bạn chẳng có hứng thú gì để làm. Nhưng lần này có một vài khác biệt: cuộc sống không còn vui như trước, nhưng bạn giờ thì có tiền thay vì phải trả tiền như hồi đi học. Nhưng mà có nhiều điểm giống hơn là khác biệt. John Smith thì vẫn là John Smith, nhưng mà 22 tuổi và là một lập trình viên ở tập đoàn này, này.
Nhưng thực chất cuộc đời của John thay đổi nhiều hơn mức anh ấy nhận ra. Về mặt xã hội, một công ty thì trông giống một trường đại học. Nhưng bạn càng tìm hiểu sâu về nó thì bạn sẽ càng thấy hai thứ đó rất khác nhau.
Một điều mà công ty làm, và bắt buộc phải làm nếu nó muốn tồn tại, đó là kiếm ra tiền. Và cách mà phần lớn các công ty kiếm được tiền là tạo ra tài sản, của cải. Các công ty có thể chuyên biệt hóa đến mức yếu tố này bị ẩn đi (ví dụ nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào như gỗ sẽ không thấy được của cải gì đã được tạo ra từ nguyên liệu của họ), nhưng hãy nhớ rằng không chỉ các công ty sản xuất có thể tạo ra của cải. Một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra của cải tài sản là địa điểm. Còn nhớ cỗ máy thần kì có thể làm đủ thứ bạn muốn tôi nhắc ở trên chứ? Nó sẽ chẳng hữu dụng lắm nếu bạn ở Mỹ và nó ở Trung Á. Nếu của cải tài sản là thứ mọi người muốn, thì các công ty giúp vận chuyển hàng hóa cũng đang tạo ra của cải. Như vậy cần nhắc lại là hầu hết các công ty tồn tại là để tạo ra thứ mà người khác muốn.
Và đó là thứ bạn làm khi bạn tham gia vào một công ty. Nhưng ở đây có một yếu tốt khiến bạn không thấy được thực tế đó. Trong một công ty lớn, những thứ bạn làm thì được xét chung với việc của nhiều người khác. Bạn có thể không biết được khách hàng muốn gì. Đóng góp của bạn có thể là gián tiếp. Nhưng xét tổng thể một công ty phải luôn luôn tạo ra sản hẩm mà khách hàng muốn. Và nếu công ty trả lương cho bạn là x đô la mỗi năm, thì tức là giá trị bạn tạo ra ít nhất cũng phải là x đô la mỗi năm, nếu không thì công ty sẽ bị lỗ và phải phá sản. 
Các sinh viên không nhận ra điều này. Các sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học nghĩ, và được dạy rằng, anh ta cần một công việc, cứ như thứ quan trọng tiếp theo trong đời anh ta phải làm là tham gia vào một nhóm người nào đó của một tổ chức nào đó. Đáng lẽ sinh viên phải được dạy rằng: anh ta cần phải tạo ra thứ mà người khác muốn. Và anh ta không nhất thiết phải làm cho một công ty nào đó để đạt được điều đó. Tất cả các công ty chỉ là một nhóm người làm việc cùng nhau để tạo ra thứ mà người khác muốn. Do đó việc tạo ra của cải tài sản mà người khác muốn mới là thứ quan trọng, chứ không phải là làm cho công ty nào.
Với nhiều người, bước đi tốt nhất đầu tiên là đi làm vài năm cho một công ty nào đó. Và sẽ tốt hơn cho họ nếu họ hiểu được họ đang làm gì và tại sao họ được trả lương như thế. Một công việc có nghĩa là tạo ra thứ mà người khác muốn, và công sức anh ta sẽ được tính trung bình với công sức của cả đội trong công ty.

Làm việc chăm chỉ hơn

Việc thành quả của bạn chỉ được tính trung bình là một vấn đề. Tôi nghĩ rằng việc khó nhất mà một công ty lớn phải đau đầu giải quyết là cố gắng tính được giá trị đóng góp của từng nhân viên trong công ty. Phần lớn các công ty sẽ tính trung bình. Trong một công ty lớn lương của bạn được trả đều đặn cho công sức chăm chỉ của bạn. Bạn được kì vọng đừng có lười hay làm dở quá, nhưng bạn cũng không bị ép phải dành toàn bộ thời gian trong cuộc sống cho công việc.
Tuy nhiên hóa ra có các công thức kinh tế đo lường giá trị của bạn đóng góp cho công ty nếu bạn dốc hết sức cho công việc. Nếu bạn ở trong môi trường phù hợp, khi bạn có thể đóng góp hết sức cho công ty bạn tạo ra lượng của cải tài sản giá trị vào khoảng 10 hoặc hàng trăm lần so với một nhân viên bình thường khác. Ví dụ như một lập trình viên thay vì phải ngồi bảo trì sản phẩm hay làm mấy bản cập nhật, có thể viết một phần mềm hoàn toàn mới, và do đó tạo ra được một nguồn thu mới.
Nhưng mà cấu trúc của công ty không cho phép họ thưởng cho những nhân viên như vậy. Bạn không thể đến gặp sếp của bạn và nói: "Tôi muốn làm việc chăm chỉ gấp 10 lần, do đó anh hãy trả tôi lương cao gấp 10 lần hiện nay". Thứ nhất, dưới góc nhìn của công ty thì bạn đã chăm chỉ hết mức rồi. Nhưng thực tế hơn, công ty không có cách nào đo được giá trị bạn tạo ra thực sự là bao nhiêu. 
Trừ mấy người sales. Rất dễ để đo được doanh số họ mang về là bao nhiêu và thường họ được thưởng phần trăm hoa hồng trên doanh số. Nếu một người sales muốn làm việc chăm chỉ hơn, họ hoàn toàn có thể tự làm, và họ sẽ được trả xứng đáng theo công sức họ bỏ ra thêm.

Đọc thêm bài về sales

Ngoài vị trí sales trong công ty lớn cũng có vị trí mà họ có thể thuê người xuất sắc làm: những người quản lý cấp cao. Và họ có thể làm được là vì: kết quả công việc của những người này có thể đo được. Những quản lý cấp cao có trách nhiệp đảm bảo toàn bộ công ty đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra. Bởi vì công sức của một nhân viên bình thường không thể đo được, do đó anh ta không được kì vọng phải dốc hết sức vào công việc. Nhưng mà lãnh đạo cấp cao thì khác, giống như mấy người sales, các lãnh đạo phải đưa ra con số cụ thể cho thấy kết quả công việc cho họ. Một CEO của công ty không thể nói rằng ông ta đã làm hết sức khi mà công ty đang đi xuống. Nếu công ty đi xuống tức là CEO đã thất bại.
Một công ty có thể trả công cho mọi nhân viên theo cách như thế hẳn sẽ vô cùng thành công. Nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn nếu họ được trả công bằng với công sức họ bỏ ra. Và quan trọng hơn, công ty như vậy sẽ thu hút được những người giỏi và siêng năng. Nó sẽ nghiền nát đối thủ.
Nhưng tiếc thay công ty không thể trả lương cho nhân viên như các họ trả cho bộ phận sales. Nhân viên sales thì làm việc một mình. Còn mọi người ở văn phòng thì phải làm việc cùng nhau. Hãy giả sử công ty này sản xuất ra hàng tiêu dùng. Các kĩ sư phải tạo ra thiết bị với đủ loại tính năng mới, kỹ sư công nghiệp phải thiết kế ra cái vỏ bên ngoài đẹp mắt, và rồi đội marketing phải thuyết phục mọi người rằng đây là thứ rất đáng mua. Vậy làm cách nào bạn biết được bao nhiêu phần trăm doanh số bán hàng có được là nhờ đội nào? Hay là, giá trị của những người đã làm ra phiên bản trước đó của sản phẩm để giúp mang lại danh tiếng cho công ty giúp công ty bán được sản phẩm phiên bản này là bao nhiêu? Chẳng có cách nào để bạn đo được các giá trị này cả. Ngay cả khi bạn có siêu năng lực đọc được tâm trí khách hàng, bạn cũng sẽ thấy rằng khách hàng cũng không rõ các khái niệm này.
Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề nhanh thì việc làm chung với một nhóm đông người sẽ tạo ra vấn đề cho bạn. Trong nhóm đông người, công sức của bạn không được đo riêng lẻ mà tính chung vào của cả nhóm, và nhóm đông sẽ luôn làm bạn chậm lại.

Số đo và Đòn bẩy

Để trở nên giàu có, bạn phải đảm bảo bạn có được hai thứ sau: số đo và đòn bẩy. Bạn cần phải ở trong một tình cảnh mà thành quả của bạn có thể đo được bằng các con số, còn không thì dù bạn có làm nhiều hơn thế nào bạn cũng không được trả nhiều hơn. Và bạn phải có đòn bẩy, tức mỗi quyết định của bạn đều có tác động lớn lên công ty.
Nếu chỉ có mỗi các số đo thì là không đủ. Một công việc tiêu biểu cho tình huống có số đo mà không có đòn bẩy đó là đi làm cho các xưởng gia công. Công sức bạn làm ra đều đong đo đếm được bằng sản phẩm bạn làm ra, nhưng quyết định của bạn chẳng có ý nghĩa gì. Dù bạn có may áo khéo hơn thì cũng không ai để ý. Quyết định duy nhất bạn có thể đưa ra đó là bạn làm nhanh đến mức nào, và điều đó có thể giúp lương bạn tăng thêm 30% hoặc 50%.
Một ví dụ khác cho việc có cả số đo và đòn bẩy đó là trở thành diễn viên chính trong một bộ phim. Giá trị vai diễn của bạn có thể được đong đếm dựa trên doanh số phòng vé. Và bạn có đòn bẩy vì các quyết định lúc diễn xuất của bạn sẽ quyết định sự thành bại của bộ phim.
Các CEO đều có số đo và đòn bẩy. Công sức của họ đo được là vì nó hoàn toàn bám chặt vào kết quả kinh doanh của công ty. Và họ có đòn bẩy là vì quyết định của họ sẽ tác động tới hướng phát triển của cả công ty. 
Tôi nghĩ rằng những ai trở nên tự giàu có bằng chính công sức của mình đều từng đặt họ trong những tình cảnh vừa có số đo vừa có đòn bẩy. Những ai tôi có thể nghĩ ra được đều như vậy: CEO, ngôi sao điện ảnh, giám đốc quỹ đầu tư, vận động viên chuyên nghiệp. Một dấu hiệu cho thấy một người có đòn bẩy đó chính là độ nghiêm trọng của việc thất bại. Mọi thứ đều phải được cân bằng, do đó nếu ai đó được hưởng lợi vô cùng lớn từ một quyết định thì cũng sẽ phải chịu những rủi ro vô cùng lớn từ quyết định đó. CEO, ngôi sao điện ảnh, giám đốc quỹ đầu tư, vận động viên chuyên nghiệp, tất cả đều sống với một lưỡi dao kề cận cổ. Cái khoảnh khắc họ bắt đầu thất bại là họ bị loại khỏi cuộc chơi. Nếu bạn đang ở trong một công việc mà bạn cảm thấy an toàn, bạn sẽ chẳng bao giờ giàu cả, bởi vì nếu không có sự hiểm nguy thì chẳng bao giờ có đòn bẩy.
Nhưng bạn không nhất thiết phải trở thành CEO hay là diễn viên điện ảnh để đặt mình trong bối cảnh có số đo và đòn bẩy. Tất cả những gì bạn cần là tham gia vào một nhóm nhỏ người đang giải quyết một vấn đề rất khó khăn.

Quy mô nhỏ = Có số đo

Nếu bạn không thể đo chính xác giá trị mà mỗi nhân viên mang lại cho sản phẩm, bạn vẫn có thể đưa ra được con số gần đúng. Bạn đo giá trị của một nhóm nhỏ. 
Các thông thường để đo được giá trị mà nhân viên mang lại đó là dựa trên doanh số của cả toàn công ty. Khi mà công ty có quy mô nhỏ, bạn có thể đo gần chính xác giá trị của mỗi người đóng góp vào nó. Một startup có thể hoạt động chỉ với 10 thành viên, điều đó giúp con số bạn tính chính xác hơn gấp 10 lần so với một công ty 100 thành viên.
Do đó đi làm ở startup là điều giúp bạn có trải nghiệm gần giống với việc làm sếp nhất. "Tôi muốn làm việc chăm chỉ gấp 10 lần, hãy trả cho tôi lương gấp 10 lần". Có hai sự khác biệt ở đây: khi bạn nói câu đó ở Startup bạn không nói với sếp, bạn nói với khách hàng, và bạn không làm điều đó một mình mà bạn làm chung với một nhóm người đầy tham vọng giống bạn.
Thường mọi người làm theo nhóm. Trừ một số trường hợp hiếm hoi như là làm diễn viên hay nhà văn, bạn không thể tạo ra công ty một thành viên được. Và người làm chung với bạn phải giỏi, công sức của bạn vẫn sẽ bị chia trung bình với họ.
Một công ty lớn như là một con tàu gỗ khổng lồ được chèo lái bởi cả ngàn người. Có hai thứ khiến tàu gỗ đi chậm. Thứ nhất đó là các cá nhân thấy rằng nếu họ có cố gắng lái nhanh hơn thì tàu cũng không đi nhanh hơn. Và lý do thứ hai đó là trong một nhóm cả nghìn người, phần lớn người chèo chỉ dừng ở trình độ trung bình, không phát triển thêm.
Nếu bạn bốc 10 người từ con tàu khổng lồ đó và đặt họ vào một chiếc thuyền, họ gần như chắc chắn sẽ chèo nhanh hơn. Họ sẽ vừa có động lực vừa có nỗi sợ để thúc đẩy họ chèo nhanh. Một người chèo thuyền nhiệt huyết sẽ cố gắng chèo nhanh vì anh ta thấy được trực tiếp đóng góp của mình lên tốc độ thuyền. Và nếu ai đó mà lười, những người khác sẽ thấy và phàn nàn.
Nhưng lợi thế lớn nhất mà bạn có thể tạo ra cho đội thuyền 10 người của bạn đó là bạn bốc 10 người chèo giỏi nhất từ con thuyền bự và cho họ chèo cùng nhau. Khi ở trong nhóm nhỏ, những người giỏi nhất này sẽ có thêm động lực. Họ sẽ thấy rằng tất cả bọn họ đều trong top 1%, họ sẽ thấy công sức của họ được đo chung với những người giỏi nhất.
Đó là điểm cốt lõi của Startup. Nói một cách lý tưởng, bạn đang tạo ra một nhóm người muốn làm việc chăm chỉ hơn, và được trả nhiều hơn mức lương họ đang có hiện nay ở công ty lớn của họ. Và bởi vì startup thường được tạo ra bởi những người đầy tham vọng quen biết nhau (hoặc biết danh tiếng của nhau), họ có thể đo được kết quả làm việc của nhau tốt hơn là khi bạn chọn ngẫu nhiên 10 người vào làm. Một startup không chỉ là một nhóm 10 người, mà đó là 10 người giỏi giống nhau.
Steve Jobs từng nói rằng sự thành bại của một startup được định đoạt bởi 10 người làm đầu tiên. Tôi đồng ý. Nếu nói chặt hơn thì đó là 5 người đầu tiên. Yếu tố giúp startup hóa rồng không phải là vì nó nhỏ, mà là những ai trong cái nhóm nhỏ đó. Bạn không muốn một startup nhỏ với nhiều loại người khác nhau, mà bạn muốn một đội toàn ngôi sao trong đó.
Nhóm càng lớn thì trình độ trung bình của cả nhóm càng bị kéo xuống. Do đó giả định rằng mọi yếu tố khác đều như nhau, một người tài giỏi làm trong một công ty lớn thì đang bị thiệt, bởi vì năng suất của anh ấy bị kéo xuống bởi nhóm của anh ấy. Tất nhiên rõ ràng ngoài thực tế nó khác, có người giỏi chẳng quan tâm về tiền hoặc thích sự ổn định mà công ty lớn mang lại. Nhưng một người rất giỏi mà quan tâm đến tiền thì tốt hơn hết nên rời công ty và làm chung với một nhóm nhỏ người giỏi khác. 

Công nghệ = Đòn bẩy

Startup cho mọi người cơ hội vừa có được số đo vừa có đòn bẩy. Họ có số đo vì quy mô họ nhỏ, và họ tạo ra đòn bẩy bởi vì họ đang tạo ra tiền từ việc tạo ra công nghệ mới.
Thế công nghệ là gì? Đó là một phương pháp. Nó là cách chúng ta làm mọi thứ. Khi bạn khám phá ra một cách làm mới, giá trị của phương pháp đó bằng số người sử dụng nó. Bạn còn nhớ câu hãy dạy một người cách câu cá thay vì cho anh ta cá chứ? Đó là sự khác nhau giữa một startup và một nhà hàng hay là một tiệm làm tóc. Ở hai chỗ đó bạn đi chiên trứng hay cắt tóc cho từng khách hàng. Trong khi đó nếu bạn giải quyết một vấn đề kỹ thuật rất phức tạp mà có rất rất nhiều người quan tâm, bạn tạo ra phương pháp cho cả trăm triệu người dùng. Đó là đòn bẩy.
Nếu bạn nhìn về lịch sử, bạn sẽ thấy rằng phần lớn những ai giàu có nhờ tạo ra của cải tài sản đều làm được nhờ tạo ra công nghệ mới. Bạn không bao giờ cắt tóc hay chiên trứng đủ nhanh để giàu được. Thứ khiến những người vùng Florientines trở nên giàu có trong những năm 1200 là nhờ khám phá ra phương pháp sản xuất sản phẩm công nghệ cao lúc bấy giờ, đó là cách mới để may quần áo lụa. Thứ khiến người Hà Lan trở nên giàu có trong những năm 1600 là công nghệ đóng tàu và xác định phương hướng mới giúp họ thống trị vùng biển viễn Đông.
May mắn thay trong tự nhiên có sự liên quan mật thiết giữa quy mô nhỏ và giải quyết vấn đề khó. Những công nghệ mới nhất luôn thay đổi nhanh. Công nghệ hiện đại hiện nay có thể trở nên vô dụng trong vài năm tới. Và các công ty nhỏ thì hưởng lợi thế từ điều này bởi vì họ không bị kéo chậm lại bởi những quy trình rườm rà phức tập. Thêm nữa sự phát triển công nghệ luôn đi kèm với những phương pháp tiếp cận đột phá và các công ty nhỏ thì ít bị ràng buộc bởi cách làm truyền thống.
Các tập đoàn lớn có thể tạo ra công nghệ mới. Chỉ là họ không thể làm nhanh được. Kích cỡ lớn khiến họ chậm và khiến họ không tặng thưởng xứng đáng cho những nhân viên có đóng góp vô cùng to lớn. Do đó các công ty lớn chỉ có thể phát triển được công nghệ mới ở các lĩnh vực cần rất nhiều vốn mà startup không có đủ để cạnh tranh, như là nghiên cứu sản xuất vi xử lý, xây nhà máy điện hay là lĩnh vực hàng không. Nhưng ngay cả ở những lĩnh vực đó, họ vẫn phải dựa rất nhiều vào các startup để cung cấp các bộ phận nhỏ và ý tưởng.
Rõ ràng các startup công nghệ sinh học hay phần mềm tồn tại để giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp, nhưng tôi nghĩ điều này cũng đúng ở những tập đoàn không liên quan gì đến công nghệ cả. Chuỗi thức ăn nhanh McDonald là một ví dụ. Họ phát triển mạnh là nhờ họ thiết kế được một hệ thống kinh doanh tốt, đó là hệ thống nhượng quyền McDonald, giúp họ có thể có mặt ở khắp mọi nơi trên địa cầu. Một cửa hàng McDonald nhượng quyền được kiểm soát bởi các quy định chặt chẽ đến mức nó giống như là một phần mềm máy tính vậy. Xây ở một nơi, hoạt động y chang nhau ở mọi nơi. Và Wal-Mart cũng thế. Ông chủ của họ Sam Walton trở thành tỷ phú không phải là nhờ một người bán hàng lẻ mà nhờ thiết kế được một chuỗi siêu thị kiểu mới. 
Hãy dùng mức độ khó khăn để đặt ra mục tiêu cho công ty, đồng thời giúp làm thước đo cho các quyết định lúc vận hành. Ở công ty Viaweb, một trong những nguyên tắc hằng đầu tôi đặt ra là chạy lên. Giả sử bạn là một người nhỏ con chạy nhanh đang bị đuổi bởi một thằng mập đô con thích bắt nạt người khác. Bạn mở một cánh cửa và thấy có cầu thang đi lên và đi xuống. Bạn sẽ đi lên hay đi xuống? Tôi nói là đi lên. Thằng mập đô con đó có thể chạy xuống cũng nhanh như bạn. Nhưng chạy lên thì nó sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Bạn chạy lên bạn mệt, nó chạy lên còn mệt hơn nữa.
Điều này có nghĩa là trên thực tế chúng tôi chủ động tìm kiếm các vấn đề khó để giải quyết. Nếu có hai tính năng chúng tôi cần phải thêm vào sản phẩm, cả hai đều mang lại giá trị tương xứng với độ khó của chúng, chúng tôi sẽ làm cái khó hơn. Không phải là vì cái tính năng đó kiếm được nhiều tiền hơn, mà vì nó khó hơn. Chúng tôi rất thích ép các công ty to hơn, chậm hơn phải chạy theo chúng tôi. Giống như lính du kích, các startup thích đi ngõ ngách, thích địa thế rừng núi hiểm trở mà quân chính phủ không thể đuổi theo kịp. Tôi vẫn còn nhớ cái khoảng thời gian cả nhóm chúng tôi kiệt sức sau một ngày vật lộn với một vấn đề kỹ thuật vô cùng khó khăn. Và tôi rất mừng bởi vì cái thứ đó còn gây khó khăn cho chúng tôi thì chắc chắn đối thủ to lớn sẽ không giải quyết được.
Đây không chỉ là một trong nhiều cách mà một startup có thể vận hành. Đây là cách duy nhất mà startup phải vận hành. Các nhà đầu tư mạo hiểm biết điều này và gọi thứ này là: rào cản thị trường. Nếu bạn đến gặp một nhà đầu tư mạo hiểm (VC) với ý tưởng của bạn và nói anh ta hãy đầu tư vào ý tưởng đó, một trong những câu hỏi anh ta sẽ đặt ra đó là vấn đề bạn muốn giải quyết khó như thế nào với các đối thủ hiện tại? Đó là, bạn và đối thủ tiềm năng của bạn đang ở cách xa nhau bao nhiêu? Và bạn phải có một lời giải thích rõ ràng rằng tại sao công nghệ của bạn lại khó bị đánh bại được. Nếu không thì ngay khi một công ty to bự với tên tuổi máu mặt trên thị trường nghe được, họ sẽ lập tức làm điều tương tự, và với danh tiếng, vốn liếng cũng như mạng lưới sẵn có của họ, họ sẽ nghiền bạn ra như cám. Lúc đó bạn như lính du kích đi ra giữa nơi lộ thiên và bị quân chính phủ tóm cổ.
Có một cách để tạo ra rào cản thị trường đó là qua việc bảo hộ tài sản trí tuệ. Nhưng bằng bảo hộ này cũng không thực sự an toàn. Các đối thủ luôn biết tìm cách moi được thông tin của bạn mà không vi phạm luật. Và nếu họ không làm được điều đó thì họ chỉ đơn giản đó là vi phạm luật và mời bạn đi kiện họ. Một công ty to bự không bao giờ sợ bị kiện, họ chơi xấu vô số người và bị kiện như cơm bữa. Họ sẽ chỉ đảm bảo rằng vụ kiện sẽ vô cùng đắt đỏ và kéo dài. Bạn có bao giờ nghe đến Philo Fansworth chưa? Ông ta phát minh ra TV đấy. Lý do mà bạn không nghe đến tên ông ấy vì công ty của ổng không kiếm được tiền từ việc bán TV. Công ty kiếm được tiền là RCA, và Fansworth được đền bù cho nỗ lực của mình bằng một vụ kiện kéo dài cả thập kỷ.
Do đó cách phòng thủ tốt nhất là cách tấn công tốt nhất. Nếu bạn tạo ra được công nghệ mới quá khó cho đối thủ để bắt chước, bạn hầu như không cần các biện pháp phòng thủ khác. Hãy bắt đầu bằng cách chọn một vấn đề khó để giải quyết, sau đó mỗi lần đưa ra quyết định hãy cân nhắc chọn quyết định khó hơn.

Những khó khăn

Nếu vấn đề chỉ đơn giản là làm việc chăm chỉ hơn người khác và được trả công xứng đáng thì hiển nhiên ai cũng nên đi làm startup. Họ sẽ thấy vui đến một lúc nào đó. Tôi không nghĩ rằng có ai thích sự chậm chạp của các công ty lớn, những buổi họp triền miên, những lần tán dóc lúc lấy nước hay là mấy ông quản lý không biết gì đang xảy ra.
Nhưng không may là đi làm startup cũng có nhiều sự khó khăn. Một đó là bạn không thể chọn được việc bạn phải siêng hơn bao nhiêu lần. Bạn không thể quyết định là mình chỉ làm việc chăm chỉ hơn gấp 2, 3 lần và được trả lương cao hơn gấp 2,3 lần. Khi bạn làm cho một startup, đối thủ là kẻ quyết định bạn phải siêng hơn bao nhiêu lần. Và những đối thủ đó cũng đưa ra các quyết định như bạn: họ sẽ chọn các quyết định khó.
Khó khăn thứ hai đó là mức thu nhập của bạn nhiều lúc không phụ thuộc vào năng suất của bạn. Như tôi đã nói ở trên, có rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên quyết định sự thành bại của startup. Do đó trên thực tế nếu bạn làm siêng năng gấp 30 lần thì chưa chắc bạn đã được trả công cao thêm 30 lần. Nếu năng suất của bạn tăng gấp 30 lần, thu nhập của bạn có thể giảm về không hoặc tăng lên cả nghìn lần. Có rất nhiều startup đã thất bại, ngay cả khi đó là startup giỏi chứ không chỉ là mấy startup nhảm nhí thời bong bóng Dotcom. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên, một startup có thể phát triển một sản phẩm vô cùng tốt, nhưng do làm hơi chậm mà họ đã mất hết tiền và phải đóng cửa.
Một startup như là một con muỗi vậy. Một con gấu có thể chịu được một cú đấm và con cua thì có lớp vỏ cứng bảo vệ nó, còn con muỗi thì cả cơ thể nó được thiết kế cho đúng 1 việc: tấn công. Không có bất kì một calo năng lượng nào được dồn cho việc phòng thủ. Nếu nhìn ở mức độ loài thì khả năng phòng thủ duy nhất của loài muỗi đó là chúng đông như châu chấu, nhưng điều đó chẳng giúp từng con muỗi cảm thấy khá hơn.
Startup cũng như mấy con muỗi vậy, nó luôn nằm trong tình cảnh được ăn cả ngã về không. Bạn thường không thể biết được bạn hay đối thủ ai sẽ tắt thở trước cho đến phút cuối cùng. Viaweb đã nhiều lần rơi vào tình cảnh tưởng chừng phá sản. Đồ thị tăng trưởng của chúng tôi như là đồ thị hình sin vậy. May mắn là chúng tôi được mua lại khi còn đang ở đỉnh của chu kì, và đó là vô cùng may mắn, chậm chút nữa chắc chúng tôi đã tiêu. Khi chúng tôi đi thăm Yahoo ở California để đàm phán về việc bán mình cho họ, chúng tôi phải mượn một phòng họp để trấn an một nhà đầu tư đang rất lo lắng và đã sẵn sàng ngừng cung cấp vốn cho vòng gọi vốn sau, chúng tôi đã nói với nhà đầu tư đó rằng chúng tôi cần sống sót.
Chúng tôi quyết định bán vì việc sống hoặc chết là thứ chúng tôi không muốn. Các lập trình viên ở Viaweb vô cùng ngại gặp rủi ro. Nếu có cách nào mà chúng tôi có thể làm việc siêu chăm chỉ và được trả tiền, mà không có yếu tố may mắn ở rong đó, thì chúng tôi đã rất vui. Chúng tôi thà chấp nhận lựa chọn 100% được nhận 1 triệu USD hơn là lựa chọn có 20% được nhận 10 triệu USD, dù lựa chọn thứ hai có giá trị cao cấp đôi. Thật tiếc thay, hiện nay trong giới kinh doanh không ai cho bạn lựa chọn số 1 cả.
Thứ duy nhất bạn có thể đạt cho gần giống lựa chọn số 1 đó là bán startup của bạn ở giai đoạn đầu, như thế từ bỏ toàn bộ lợi nhuận tiềm năng khổng lồ (cũng như rủi ro) để đổi lấy một khoản tiền nhỏ nhưng chắc chắn. Chúng tôi từng có thời gian làm như thế nhưng ngu ngốc thay chúng tôi đã bỏ qua nó. Sau đó chúng tôi liên tục rao bán mình. Trong những năm sau, nếu ai đó chỉ cần quan tâm một chút đến Viaweb chúng tôi sẽ lập tức cố gắng tiếp cận và bán thân cho họ. Nhưng nếu không ai hào hứng cả thì chúng tôi cứ phải làm tiếp thôi. 
Giá mua một startup giai đoạn đầu khá là rẻ, nhưng mà mấy công ty quan tâm đến việc mua startup thì không quan tâm đến chuyện rẻ. Một công ty đủ lớn để bỏ tiền ra mua startup thì cũng thường sẽ rất là cẩn trọng, và những người lãnh đạo cấp trên có quyền quyết định có nên mua lại hay không là cẩn trọng nhất do họ thường tham gia vào công ty sau này sau khi tốt nghiệp khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh ở đại học. Mấy người này sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua sự chắc chắn. Do đó các startup sẽ dễ bán mình khi đã trưởng thành hơn là giai đoạn đầu, cho dù giá lúc đó có mắc hơn nhiều.

Kiếm được người dùng

Tôi nghĩ sẽ là một ý hay nếu bạn bán công ty của bạn đi nếu có thể. Vận hành một công ty thì khác rất nhiều so với phát triển nó. Bạn nên để một công ty khác đảm nhiệm việc vận hành công ty của bạn sau khi bạn đã đưa nó phát triển hết mức. Về mặt tài chính nó cũng tốt hơn bởi vì bán đi giúp bạn đa dạng hóa nguồn tài chính cá nhân. Bạn sẽ nghĩ gì khi thấy một nhà đầu tư bỏ hết tiền của khách hàng vào đúng một cổ phiếu?
Mà làm sao bạn có thể khiến tập đoàn lớn mua được bạn? Bằng cách làm những thứ mà bạn vẫn thường làm khi chưa có ý định bán. Ví dụ như là kiếm được lợi nhuận. Nhưng thuyết phục được người khác mua công ty của bạn cũng là một nghệ thuật và bạn phải dành rất nhiều thời gian để làm chủ được bộ môn này.
Những người mua tiềm năng sẽ luôn có gắng làm chậm thương vụ này nhất có thể. Việc khó nhất trong thương vụ mua bán là khiến người mua đưa ra được hành động. Đối với các nhà đầu tư, động lực mạnh nhất khiến họ quyết định mua không phải là hi vọng thu được lời mà là nỗi sợ bị mất. Các bên mua luôn sợ rằng đối thủ sẽ mua công ty của bạn. Đấy là cái thứ mà theo kinh nghiệm của chúng tôi khiến tóc CEO bạc đi. Mối lo lớn nhất thứ hai mà họ có đó là họ sợ nếu họ không mua bạn bây giờ, bạn sẽ cứ phát triển nhanh chóng và giá trị công ty bạn sau này sẽ tăng cao hơn nữa. 
Trong cả hai trường hợp, mọi vấn đề là về số lượng người dùng. Bạn sẽ thường nghĩ rằng một công ty muốn mua bạn sẽ nghiên cứu rất nhiều về bạn và quyết định xem giá trị công nghệ bạn có là bao nhiêu. Không phải đâu. Họ chỉ quan tâm xem bạn có bao nhiêu người dùng. 
Trên thực tế, những nhà đầu tư đều đặt ra giả định đó là khách hàng luôn lựa sản phẩm tốt nhất cho họ. Điều này nghe thì ngu ngốc nhưng không phải vậy đâu. Người dùng là bằng chứng duy nhất cho thấy bạn đã tạo ra một thứ của cải tài sản có giá trị. Của cải tài sản là thứ con người muốn, và nếu mọi người không dùng sản phẩm của bạn, đôi lúc đó không phải là vì bạn làm marketing dở. Đôi lúc đó là vì thứ bạn tạo ra không phải là thứ người dùng muốn. 
Mấy nhà đầu tư mạo hiểm có một danh sách dài các dấu hiệu ở một startup mà họ cần phải né. Đứng gần đầu danh sách là mấy công ty tạo ra bởi mấy tay mê kỹ thuật muốn giải quyết một vấn đề kỹ thuật hóc búa nhưng chẳng có ích gì cho người dùng. Trong một Startup bạn không chỉ đang giải quyết một vấn đề. Bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề mà người dùng quan tâm
Do đó tôi nghĩ bạn nên cho người dùng xài thử sản phẩm, giống như bạn cho phép những người muốn mua bạn thử vậy. Hãy coi startup như là một bài toán tối ưu trong đó tham số quan trọng là số lượng người dùng. Bất cứ ai cố gắng tối ưu phần mềm máy tính đều biết, điểm cốt lõi là số đo. Khi bạn cố gắng đoán xem phần mềm của bạn chậm chỗ nào hay điều gì sẽ làm nó nhanh, phần lớn sự phán đoán của bạn đều là sai.
Số lượng người dùng không phải là phép thử tốt nhất nhưng gần như là vậy. Đó là thứ nhà đầu tư quan tâm. Đó là thứ doanh thu phụ thuộc vào. Đó là thứ khiến đối thủ mất ngủ. Đó là thứ gây ấn tượng với truyền thông và người dùng tiềm năng. Rõ ràng đó là phép thử tốt hơn nhiều so với danh sách các về bạn sẽ giải quyết, cho dù trình độ công nghệ của bạn tốt thế nào.
Ngoài ra việc coi startup là một bài toán tối ưu giúp bạn né được một sai lầm mà các VC luôn lo lắng một cách hợp lý: dành quá nhiều thời gian để phát triển sản phẩm. Bây giờ chúng tôi đã hiểu được điều này. Hãy tung ra phiên bản 1.0 càng sớm càng tốt. Nếu bạn không có đánh giá từ khách hàng, bạn đang tối ưu dựa trên sự đoán mò.
Điều quan trọng nhất mà bạn phải luôn quan tâm đó là của cải tài sản là thứ mọi người muốn. Nếu bạn muốn giàu bằng cách tạo ra của cải tài sản, bạn phải biết người dùng muốn gì. Có quá ít doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc làm khách hàng hài lòng. Bao nhiêu lần bạn bước vô một cửa hàng, hay gọi điện đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty, với một sự lo lắng trong đầu? Khi bạn nghe câu nói "cuộc gọi của bạn rất quan trọng với chúng tôi, xin hãy giữ máy", bạn có cảm thấy rằng: ồ giờ thì chắc mọi chuyện ổn thôi.
Một nhà hàng phục vụ cả nghìn người đôi lúc sẽ làm cháy một món. Nhưng trong công nghệ, bạn chỉ nấu có đúng một món và tất cả người dùng đều ăn món đó. Do đó sự khác biệt giữa những gì người dùng muốn và bạn làm ra nó tăng theo cấp số nhân. Hoặc là bạn làm hài lòng phần lớn, hoặc là bạn khiến phần lớn bỏ bạn. Bạn càng đi đến gần việc tạo ra thứ họ muốn thì bạn càng tạo ra nhiều của cải tài sản. 

Của cải tài sản và quyền lực

Tạo ra của cải không phải là cách duy nhất để trở nên giàu có. Phần lớn trong lịch sử loài người, đây không phải là cách làm phổ biến. Chỉ vài thế kỷ trước, nguồn gốc của cải đến từ các hầm mỏ, nô lệ, nông nô, đất, súc vật và cách để mà mọi người chiếm lấy những thứ này đó là thông qua sự thừa kế, hôn nhân, chinh phục hoặc là chính quyền tổ chức tịch thu. Nói chung của cải và tài sản là thứ không có gì tốt lành.
Có hai thứ thay đổi. Thứ nhất đó là chế độ pháp trị. Xuyên suốt lịch sử loài người, nếu bạn vì lý do nào đó tìm ra cách tích lũy của cải, thì mấy người cai trị hoặc tay sai của hắn sẽ tìm cách lấy đi của bạn. Nhưng ở châu Âu thời trung cổ có một chuyện đã xảy ra. Một nhóm người thương nhân và chủ nhà máy sản xuất đã tập trung vào các thị trấn. Hợp lực với nhau họ chống lại được các địa chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử những kẻ chuyên bắt nạt đã không thể ăn cắp tiền của những người khác. Và như một lẽ hiển nhiên, điều này lan rộng ra và trở thành yếu tố chính thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp, sự thay đổi lớn thứ hai.
Đã có rất nhiều tài liệu nói về cuộc Cách mạng Công nghiệp. Nhưng điều cốt lõi nhất mà chúng ta cần nhớ đó là những người làm ra của cải tài sản bây giờ đã có thể thoải mái tận hưởng chúng. Đây là điều kiện bắt buộc để xã hội phát triển. Một bằng chứng cho điều này đó là những gì đã xảy ra ở các quốc gia cố gắng tịch thu của cải của người dân, ví dụ như Liên Bang Xô Viết, hay ở mức độ thấp hơn là Liên hiệp Vương quốc Anh vào những năm 1960 đến đầu thập niên 1970. Tước bỏ đi động lực tích lũy của cải tài sản, sự phát triển công nghệ hoàn toàn bị chững lại. 
Hãy nhớ rằng một startup, nếu nhìn về mặt kinh tế, là một nơi để cho bạn làm việc nhanh hơn. Thay vì tích lũy tiền bạc của cải một cách chậm chạp nhờ tiền lương suốt 50 năm, bạn muốn đẩy tốc độ đó lên càng nhanh càng tốt. Do đó khi chính phủ cấm bạn tích lũy tài sản thì không khác gì việc họ nói rằng bạn hãy làm việc chậm lại. Họ cho phép bạn kiếm 3 triệu USD trong 50 năm nhưng không cho phép bạn kiếm từng đó tiền trong 3 năm nếu bạn làm việc chăm chỉ hơn. Họ giống như mấy sếp trong các tập đoàn lớn mà bạn không thể đến gặp và nói: tôi muốn làm việc chăm chỉ gấp 10 lần, hãy trả lương cho tôi cao gấp 10 lần. Có điều là ông chủ này không cho bạn trốn thoát và lập công ty mới.
Vấn đề với việc làm việc chậm đó là nó không chỉ làm sự phát triển của công nghệ chậm lại. Nó khiến cho công nghệ dừng phát triển hoàn toàn. Chỉ khi nào bạn thực sự chủ động cố gắng giải quyết một vấn đề khó khăn như là cách tận dụng tốc độ làm lợi thế lớn nhất, thì khi đó bạn mới làm những dự án kiểu này. Phát triển công nghệ mới đem lại đủ thứ đau khổ, nỗi buồn, dằn vặt cho người làm. Edison từng nói rằng để làm được điều đó cần 1% niềm tin và 99% mồ hôi. Nếu không có động lực thu lợi lớn từ tài sản của cải, không ai sẵn sàng chấp nhận chịu từng đó đau khổ. Các kỹ sư sẽ phát triển các công nghệ lớn nghe ngầu như máy bay chiến đấu hay tàu vũ trụ nhưng những công nghệ bình thường hơn như bóng đèn hay chíp bán dẫn rất cần những doanh nhân bắt tay vào làm.
Startups không chỉ là thứ chỉ xảy ra ở Silicon Valley trong các thập kỷ qua. Kể từ khi mọi người thấy rằng họ có thể làm giàu từ việc tạo ra của cải, những ai cố gắng làm đều theo một công thức: số đo và đòn bẩy, trong đó số đo đến từ công ty quy mô nhỏ và đòn bẩy đến từ công nghệ mới. Công thức này giống như là cách người Florence làm những năm 1200 và Santa Clara làm hiện nay.
Hiểu được điều này sẽ giúp giải đáp được các câu hỏi lớn hơn: tại sao châu Âu lại phát triển mạnh như thế. Có phải là vì vị trí của lục địa này? Hay đó là do người châu Âu thông minh hơn? Hay là do tôn giáo của họ? Câu trả lời (hay là thứ gần đúng với sự thật nhất) có thể là vì người châu Âu đã vươn lên từ một quy định: cho phép những ai kiếm được nhiều tiền giữ số tiền ấy.
Khi bạn cho phép mọi người làm điều đó, những người muốn trở nên giàu có sẽ tạo ra tài sản thay vì đi ăn cướp. Kết quả đó là sự phát triển công nghệ không chỉ giúp tạo ra nhiều của cải mà còn giúp thúc đẩy công nghệ quân sự phát triển. Đã có giả thiết đặt ra rằng các nhà toán hoặc Xô Viết là người tìm ra cách sản xuất máy bay tàng hình. Nhưng Liên Bang Xô Viết không có ngành công nghiệp máy tính, do đó đối với họ nó mãi chỉ là lý thuyết, họ không có các thiết bị điện tử hiện đại đủ mạnh và nhanh để giúp tạo ra thiết kế cho một chiếc máy bay thực.
Nhìn theo góc độ đó, Chiến Tranh Lạnh dạy chúng ta bài học giống như Thế Chiến Thứ Hai. Đó là đừng để một nhóm quân sự và chính trị gia đè bẹp các doanh nhân. Công thức giúp những cá nhân trở nên giàu có cũng sẽ giúp quốc gia đó giàu có theo. Hãy để những doanh nhân giữ tiền của họ, và bạn sẽ thống trị thế giới.
Paul Graham

Ủng hộ tác giả

Nếu bạn đọc hài lòng với bài viết/bài dịch, bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả qua địa chỉ:
Số tài khoản: 152613748
Ngân hàng: VPBank
Chi nhánh: TP. Hồ Chí Minh