Hyouka - Anime do Kyoto Animation sản xuất
Hyouka - Anime do Kyoto Animation sản xuất
Giải thích về kết thúc trong Hyouka – Một Tuyệt Tác Nghệ Thuật Của Nền Anime Hiện Đại
Hyouka là số ít những tác phẩm mình cho là tuyệt tác của Kyoto Animation nói riêng, và cả trong nền anime hiện đại nói chung. Tác phẩm như bình rượu hảo hạn, càng để lâu, càng nhâm nhi, dư vị mang lại cho người “thưởng thức” sẽ càng sâu đậm hơn.
Bề ngoài thì tác phẩm chỉ trông như câu chuyện tình cảm lãng mạn và hài hước, pha lẫn chút yếu tố kỳ bí, trinh thám, có phần hình ảnh hào nhoáng được tinh chạm qua đôi tay của Kyoto Animation. Thế nhưng, dưới lớp bình phong tráng lệ là những chi tiết về nét truyền thống giữa hiện đại và cổ xưa, những trắc trở về con người và xã hội Nhật Bản được ẩn sâu qua nhiều tầng nghĩa, mà để cảm thụ thì cũng đòi hỏi người xem phải chịu khó nghiên cứu đào sâu, chăm chú theo dõi, và từng trải trong cuộc sống ở một chừng mực nào đó. Hyouka là tác phẩm dễ xem, nhưng lại rất khó để cảm thụ hết, vì mỗi lần xem lại, mình tin ai cũng sẽ khám phá ra điều gì đó mới mẻ.
Bài viết này mình sẽ phân tích về ý nghĩa cái kết trong Hyouka – số ít tác phẩm anime có một cái kết thỏa mãn bậc nhất, và lí do vì sao mình lại đề cao Hyouka đến vậy. Hyouka có bị đề cao quá không (overrated) ? KHÔNG HỀ!
--o0o--
¤ 1/ Nét tinh tế trong việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ để miêu tả nhân vật.
Nếu bạn vẫn còn nhớ, Eru được Oreki gán cho biệt danh “Gã Khờ” trong bộ bài tarot. Cũng dễ hiểu vì Eru được miêu tả là cô gái năng động, đầy tính tò mò xuyên suốt tác phẩm. Cô không để yên và luôn lôi kéo Oreki vào những vụ án kỳ bí, dưới con mắt nhiều người thì có vẻ Eru chỉ là cô gái mềm yếu, cần sự giúp đỡ để giải quyết các vấn đề. Nhưng Eru có thật sự là người như vậy?
Trong arc cuối “Búp Bê Đi Đường Vòng”, Eru vào vai nữ hoàng. Hình ảnh nữ hoàng gắn liền với quyền lực và trách nhiệm, ta cũng đã biết Eru là con gái của một dòng tộc nghề nông danh giá. Nhưng đây có phải là sự quay ngược 180 độ trong tính cách? Cũng không hẳn, tác phẩm đã rải khá nhiều “vụn bánh mì” hé lộ với người xem về nhân cách của Eru: cô giỏi nấu ăn (vì cớ sao lại cần nấu ăn trong gia đình lớn với nhiều người làm?), quan tâm lo lắng đến người khác, đạt thứ hạng 6 toàn trường trong năm học... Những điều trên chứng tỏ một sự cố gắng không ngừng nghỉ nơi Eru để gìn giữ thể diện – hình ảnh người con gái của dòng tộc “danh giá”. Và lần đầu tiên trong tác phẩm ở tập 15, ta thấy Eru than phiền mệt mỏi, ám chỉ rằng cô đã phải chịu đựng với thứ trách nhiệm nặng nề này từ rất lâu, ngay khi còn nhỏ.
Hình ảnh một Eru năng động, vui vẻ chúng ta thấy bấy lâu thực chất chỉ là vỏ bọc bên ngoài (cũng như là hình ảnh của “Gã Khờ”), Eru cũng chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống học đường vui vẻ, lạc quan mà không phải bận tâm lo lắng đến bất kì điều gì khác mà thôi. Một nét thú vị nữa là Oreki chấp nhận vai diễn của “kẻ hầu”, đi theo hầu hạ “nữ hoàng”, một lần nữa ẩn ý cho định mệnh gắn liền của cả hai con người.
Tất nhiên, đấy không chỉ là hình ảnh duy nhất mà còn khá nhiều các hình ảnh khác trong tác phẩm (như là cái tên Hyouka vậy).
.
¤ 2/ Không chỉ là câu chuyện riêng của hai người.
Tác phẩm kết thúc trong đoạn cảnh Eru trải lòng với Oreki trên con đường rải đầy những đóa hoa anh đào. Đấy là thời khắc xế chiều trong ánh sắc hồng thắm được Kyoto Animation chủ ý sử dụng.
Bạn sẽ dễ nhận ra khung cảnh rất màu hồng đối lập với hình ảnh “xám xịt” của Oreki ở đầu tác phẩm mà ai cũng thân quen. Có thể xem như ta đang chứng kiến câu chuyện diễn ra dưới góc nhìn của Oreki - lần đầu tiên trong cuộc sống - anh cảm nhận được sắc hồng thay cho gam màu xám xịt vốn tưởng như đã quen thuộc. Oreki mong muốn có cuộc sống nhuộm màu hồng! Anh muốn có Eru trong cuộc đời, bởi lẽ đơn giản, chính cô đã mang lại sắc màu hường phấn để tô điểm cho cuộc đời xám xịt của anh!
Hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, hình ảnh nở rộ của chúng là biểu tượng truyền thống tương trưng cho sự khởi đầu mới, một cuộc sống mới mang đầy sự lạc quan. Mà ở đây là đánh dấu một sự chuyển giao, từ cuộc sống “xám xịt” sang đầy ánh sắc hồng ấm, hình ảnh lặp lại của hoa anh đào một lần nữa làm nổi bật hơn sự thay đổi và trưởng thành trong tính cách Oreki, lẫn phương châm và niềm tin trong lối sống của anh so với trước đó. Anh không còn là anh chàng “kiệm năng lượng” như hồi đầu, mà đã biết quan tâm và tức giận vì bạn bè. Và đặc biệt hơn, anh đã muốn nhìn trọn vẹn gương mặt của Eru trong buổi lễ “Búp Bê” diễn ra trước đó, không phải anh đã quá thân quen với những đường nét trên khuôn mặt của Eru rồi sao? Đấy là lần đầu tiên Oreki “muốn”, bằng cả con tim và lý trí của bản thân mà không chịu sự tác động của bất kì yếu tố nào bên ngoài. Anh muốn quan sát, biết rõ hơn về Eru.
Nhưng đấy chưa phải là tất cả. Hoa anh đào có mùa nở nhanh, do đó chúng còn tượng trưng cho sự ngắn ngủi của cuộc sống. Ngụ ý ở đây, sau niềm vui nhỏ nhoi chóng qua nhanh là một điều gì đó tăm tối chờ đợi trước mắt. Thời điểm trong tác phẩm cũng củng cố hơn cho sự trắc trở sắp chờ đợi hai người, sau buổi chiều tà lúc hoàng hôn buông xuống, sẽ là một màn đêm phủ kín khắp mọi nơi. Bối cảnh báo hiệu một tương lai chờ đợi không thật sự mấy tươi đẹp như ai cũng nghĩ, và điều này lại càng rõ hơn qua đoạn hội thoại giữa Eru và Oreki.
Khi bạn đang ở tuổi 16, tuổi của những giấc mơ, dự định, cái tuổi đẹp nhất đời người, và tương lai với bao nhiêu khả năng xảy ra ... tuy nhiên, cũng có lúc, bạn cảm thấy cả thế giới như đổ sập lên người, lên đôi vai của mình. Eru cũng như vậy, ko có sự chọn lựa, cô bị buộc phải đi trên một con đường dù có muốn hay không. Dù có học xa ở nơi đâu, giấc mơ to lớn hoài bão đến dường nào, cô cũng sẽ phải quay trở lại đây. Nơi này chính là thế giới của cô, đã, đang và sẽ - mãi mãi – là nơi cô thuộc về. Khi chia sẻ với Oreki, nếu anh muốn cạnh cô, thì đấy là những gì anh có được, một cuộc sống chỉ có “đất, đá và những con người già đi”...
(Bài viết của: A Lonely Comet - An Anime Blog )
CÒN TIẾP . . .
Đọc tiếp tại Facebook
Đọc thêm: