“Hãy chú ý nơi bạn đặt chân. Đọc xong cuốn tiểu thuyết này rồi, bạn sẽ không còn nhìn thực tế theo cách hiện giờ nữa”.
     Đã từng có cuốn sách nào cho bạn biết rằng:
          - Khi dân số thế giới đạt mốc 5 tỷ người thì số kiến trên Trái đất ước chừng 1 tỷ tỷ cá thể?
          - Kiến không thể nói, chúng giao tiếp bằng các pheromon, nói một cách dễ hiểu là các phân tử mang mùi hương khác nhau truyền tải những thông điệp khác nhau, con người cũng có pheromon, nhưng con người sử dụng pheromon như thế nào?
          - Kiến đực được thụ thai từ những quả trứng không thụ tinh. Chúng là những cái noãn lớn, hay đúng hơn là những tinh trùng lớn sống ngoài trời?
          - Kiến đỏ hung giết những kẻ thù có kích thước lớn hơn mình gấp nhiều lần bằng cách chui vào trong cơ thể chúng qua những lỗ tự nhiên, sau đó bắn axit fomic vào nội tạng, giết chết chúng từ bên trong?
          Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm kiến thức mới mẻ mà cuốn sách có cái tên cực ngắn: “Kiến” của tác giả Bernard Werber mang đến cho người đọc. Cuốn sách mở đầu bằng một đoạn trích trong “Bách khoa toàn thư kiến thức tương đối và tuyệt đối” - tác phẩm mà nhà khoa học Edmond Wells đã dành cả đời mình để nghiên cứu, trong đó có ghi: “Trong vài giây mà bạn sẽ cần để đọc hết 04 dòng này: 40 con người và 700 triệu con kiến đang được sinh ra trên Trái Đất; 30 con người và 500 triệu con kiến đang chết đi trên Trái Đất…”. Phép so sánh thú vị chính là cách mở đầu hoàn hảo cho một cuốn sách khiến người đọc bị hấp dẫn từ đầu đến cuối. “Kiến” là câu chuyện kể song song về hai thế giới: con Người (hay chính xác hơn là của những người sống trong căn hộ số 3 phố Sybarites) và con Kiến (cụ thể hơn là của những cư dân trong Liên bang Bel-o-kan - Liên bang Kiến với tổng cộng 65 tổ và hàng triệu cư dân). Jonathan cùng vợ và con trai được thừa kế căn hộ số 03 phố Sybarites sau khi bác Edmond - một nhà khoa học thiên tài nhưng bí ẩn qua đời vì bị ong vò vẽ tấn công, đã quyết định dọn vào căn hộ do bác để lại và tình cờ phát hiện một kho chứa đồ “không đáy”, bất cứ ai đi vào đó đều biến mất không có dấu vết. Vậy là thay vì làm một người đàn ông luôn bỏ cuộc như bao năm vẫn vậy, Jonathan quyết định một lần duy nhất trong đời, anh sẽ dấn thân và khám phá đến tận cùng bí ẩn trong chiếc kho chứa và tìm lại bản thân bị đánh mất bấy lâu. Trong khi đó, con số 327 (một con kiến đực trong tổ chính Bel-o-kan) trong một lần đi săn mồi đã phát hiện một loại vũ khí bí mật khiến 28 nhà thám hiểm của tổ chết trong nháy mắt mà trên cơ thể không hề lưu dấu một vết thương. Vũ khí ấy là gì, nó đến từ tổ của bọn kiến lùn hay từ tổ mối phía đông? Cuốn sách chính là cuộc hành trình khám phá những bí ẩn của con Người và con Kiến để rồi tài tình gắn kết hai thế giới ấy với nhau trong một hoàn cảnh bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng.
    Chưa từng có bất cứ cuốn sách nào viết về loài Kiến lại thú vị và chi tiết đến từng đốt râu, từng phân tử pheromon  đến thế. Bernard Werber không xây dựng một câu chuyện về Kiến như “A Bug’s Life” của Pixar mà chân thực hơn gấp nhiều lần. Nếu không phải một người có niềm đam mê, hứng thú nghiên cứu về Kiến cùng trí tưởng tượng phong phú thì hẳn cuốn sách này sẽ không khác gì một chuyện kể cho trẻ em 5 tuổi hoặc một chương sách trong cuốn Bách khoa thư về thế giới động vật. Cái hay của “Kiến” nằm ở việc tác giả đưa đến những thông tin thật thông qua một câu chuyện kể hư cấu với khả năng lôi cuốn hàng triệu người ở mọi lứa tuổi. Ngoài việc đem tới những thông tin thú vị, “Kiến” cũng tạo ấn tượng bởi những bài học sâu sắc từ chính lịch sử phát triển hàng triệu năm của Kiến và hàng nghìn năm của Người, mà bài học về bộ xương chính là một ví dụ. Liệu một lớp vỏ kitin bọc ngoài cơ thể như Kiến sẽ tốt hơn, hay ngược lại, một khung xương vững chắc bên trong thân thể như Người sẽ tốt hơn? Chúng ta nên dùng lớp áo giáp cứng chắc để đối diện với thế giới, hay nên giữ sự mạnh mẽ ấy chỉ dành cho những lúc thực sự cần thiết?