Thế vận hội mùa hè - Paris 2024 - khai mạc với nhiều kì vọng, mong chờ.
Thế vận hội mùa hè - Paris 2024 - khai mạc với nhiều kì vọng, mong chờ.
Trái ngược với những gì ngài tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố trước đó về mong muốn tổ chức một thế vận hội không nhuốm màu chính trị, những khán giả của buổi lễ Khai mạc Thế vận hội mùa hè 2024 lại phải chứng kiến một sân khấu chính trị được dàn dựng công phu đậm chất Pháp, với chiều dài hơn 6km dọc bờ sông Seine hoa lệ.
Tuy nhiên, để bắt đầu bài viết này, hãy sử dụng đúng cái cách mà người Pháp vẫn thường làm khi phê bình, chỉ trích một người, một điều gì đó, bằng việc trước hết đề cập tới điểm cộng của buổi lễ Khai Mạc:
-    Một sân khấu khai mạc chưa từng có trong lịch sử: Lần đầu tiên một buổi lễ khai mạc được tổ chức bên ngoài SVĐ, một sân khấu thực cảnh diễn ra tại trái tim của thủ đô Paris, cả trên cạn lẫn dưới nước, với chiều dài hơn 6km từ cầu Austerlitz tới tháp Eiffel. Buổi lễ là minh chứng không thể thuyết phục hơn về tinh thần, tư tưởng và quan điểm của nước Pháp, của người Pháp: luôn hướng tới những điều độc đáo khác lạ, thậm chí vĩ cuồng. Cũng bởi lẽ đó mà trong cuộc trao đổi giữa hai người “cha đỡ đầu” của buổi lễ khai mạc, Thomas Jolly và Thierry Reboul, cả 2 đều nhắc tới từ “quyền lực mềm” và nhấn mạnh: thử thách của sự kiện thế kỉ này mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là kĩ thuật sân khấu thông thường.
Sân khấu thực cảnh giữa trung tâm khiến "khán đài" cũng trở nên khác thường: là hè phố, là ban công, mái nhà...
Sân khấu thực cảnh giữa trung tâm khiến "khán đài" cũng trở nên khác thường: là hè phố, là ban công, mái nhà...
-  Một chương trình nhiều nội hàm: Người Pháp vốn là một dân tộc giàu văn hóa, duy mỹ và triết học. Họ quan tâm nhiều tới “ý nghĩa ẩn tàng” của sự vật, sự việc. Người Pháp đam mê phê bình, lý luận và những cuộc tranh luận hàn lâm. Điều này cũng được thể hiện rõ thông qua hàng loạt những soi chiếu về văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ….xuyên suốt buổi lễ Khai mạc. Từ những soi chiếu có phần dễ nhận ra như hình ảnh về Vương hậu Marie Antoinette xuất hiện cầm thủ cấp của chính mình đứng bên cửa sổ phòng giam tại La Conciergerie, nữ chiến binh Jeanne d’Arc huyền thoại cưỡi ngựa sắt phi nước đại trên sông Seine; hình ảnh khinh khí cầu tôn vinh anh em người Pháp Montgolfier,…tới những tầng nghĩa ẩn tàng nhiều hơn như hình tượng những nhân vật bước ra từ tranh họa của bảo tàng Louvre, tất cả tập trung phía ngoài cửa sổ để “chiêm ngưỡng” sân khấu Olympics vô tiền khoáng hậu – một sự ngược đời khi lẽ thường, họ mới là những người “được chiêm ngưỡng”. Sự lựa chọn âm nhạc, ca từ trong từng tiết mục, từng lần xuất hiện cũng không hề đơn thuần chỉ để thỏa mãn sự vui thú về mặt âm thanh. Hình ảnh nữ ca sĩ da màu Aya Nakamura – hiện thân của một “nước Pháp 2.0” – một nước Pháp không chỉ của riêng những người da trắng, mà ở đó có cả thế hệ những người con nước Pháp với cội nguồn từ khắp nơi trên thế giới, đa chủng tộc, đa văn hóa. Bản nhạc với nội dung trữ tình bỗng chốc trở thành lời tuyên ngôn có phần đanh thép, đầy tính chất chính trị “Je ferais mieux d'aller choisir mon vocabulaire, pour te plaire, dans la langue de Molière – Đáng ra tôi đã có thể làm bạn vừa lòng hơn nếu lựa chọn ngôn ngữ của Molière – một lời thách thức và mỉa mai những tư tưởng bài xích, phân biệt chủng tộc chia rẽ sâu sắc nước Pháp trong nhiều thập kỉ.
Hình ảnh về một nước Pháp rất khác so với những "cliché" thường thấy với nữ ca sĩ Aya Nakamura thể hiện những ca khúc sôi động, phía sau là tòa nhà Académie Francaise.
Hình ảnh về một nước Pháp rất khác so với những "cliché" thường thấy với nữ ca sĩ Aya Nakamura thể hiện những ca khúc sôi động, phía sau là tòa nhà Académie Francaise.
-  Duy mĩ tất nhiên là tính từ không thể thiếu nếu nhắc tới sự kiện lần này. Với “nhà bảo trợ” nhân lực và vật lực là tập đoàn LVMH hùng mạnh, Pháp cũng là cái nôi sinh dưỡng nhiều NTK bậc thầy; nước Pháp vì vậy thừa đủ tiềm lực kinh tế và năng lực sáng tạo để tạo nên một kì thế vận hội duy mỹ bật nhất tới thời điểm hiện tại.

Vậy tại sao, với tất cả những điều tuyệt vời kể trên, buổi lễ Khai Mạc Olympics năm nay vẫn không thể trở thành “bất hủ” – như cái cách Olympics Bắc Kinh 2008 đã từng làm được cách đây gần 20 năm trước?

-   Sự vỡ vụn: Chính tham vọng làm nên điều chưa từng của những người đứng đầu BTC đã khiến cho sân khấu “mang tính cách mạng” này trở nên gần như vỡ vụn, tản mạn và có phần “hỗn loạn” ở một vài thời điểm. Quãng đường 6km được chia làm nhiều sân khấu hoạt cảnh nhỏ, ở đa dạng địa hình với cao độ khác nhau. Từ dưới mặt nước, bên bờ sông, trên cầu, trên mái nhà, trên bầu trời… Ngần ấy yếu tố khiến trải nghiệm “xem” của khán giả trở nên khó theo dõi, ngay cả đối với khán giả qua màn ảnh nhỏ. Đối với những khán giả đội mưa và có mặt tại hiện trường, chắc chắn trải nghiệm sẽ không mấy dễ chịu (thứ cứu vãn nếu có là không khí lễ hội tại địa điểm tổ chức).
Một tài khoản than phiền đã chi 1.600 euros để mua vé xem buổi khai mạc, chỉ để nhận lại những trải nghiệm không mấy "đáng giá"
Một tài khoản than phiền đã chi 1.600 euros để mua vé xem buổi khai mạc, chỉ để nhận lại những trải nghiệm không mấy "đáng giá"
-  Sự nặng nề về "tính chính trị": có lẽ việc "phi chính trị hóa Olympics" chỉ thể hiện ở phương diện ngoại giao mà sự trở lại của đoàn Triều Tiên sau hai kì Olympics bị cấm là một ví dụ.

Ngược lại, nếu nhìn kĩ hơn vào những gì diễn ra tại buổi lễ, hoàn toàn có thể xem sự kiện như một lời tuyên ngôn đanh thép của Chính phủ cầm quyền đối với người dân và các Đảng đối lập về những vấn đề trong nước.  

Từ hình ảnh chiếc voan chùm đầu, tới sự phân biệt giữa những người Pháp da trắng và những người Pháp gốc Phi,...tới kì thị người đồng giới, hay cả sự khác biệt trong đức tin tôn giáo,...tất cả được lồng ghép và ẩn ý đâu đó, thậm chí một vài điều đã tạo nên những làn sóng phản đối, ý kiến trái chiều gay gắt. Hãy quay lại ví dụ trước đó về phần biểu diễn của Aya Nakamura.

Mặc cho thông điệp của phần trình diễn đó có ấn tượng và sâu sắc cỡ nào, thì liệu những người xem trên toàn cầu, từ châu Á cho tới châu Mỹ, những khán giả Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi hay Peru xa xôi, họ sẽ nhận được giá trị gì tự nó?

Phải kể thêm rằng, việc nữ ca sĩ nhập cư gốc Phi vốn nổi tiếng với những bài hát Pop sôi động cùng ca từ có nhiều tiếng lóng, quen thuộc bởi 1 bộ phận giới trẻ tại Pháp, đặc biệt bởi thế hệ những người Pháp trẻ gốc Phi giống cô; biểu diễn trước tòa nhà của Viện hàn lâm Pháp – là cơ quan quốc gia với mục đích tối thượng gìn giữ vẻ đẹp ngôn ngữ Pháp – thứ “ngôn ngữ của Molière như lời bài hát mà Aya Nakamura thể hiện – không thể là sự đặt để ngẫu nhiên hay “vô hại”. Đó là một hành động mang tính chất chính trị được thể hiện tinh tế, khôn khéo nhưng vô cùng sắc bén, nếu không nói có phần đả kích trực diện.
Hay câu chuyện gây tranh cãi bậc nhất xung quanh việc có hay không ẩn ý phía sau phần dàn dựng làm nhiều người gợi nhớ tới bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa” mà sau đó Thomas Jolly đã đính chính trên truyền hình, rằng cảm hứng của anh tới từ bức tranh ít người biết tới hơn “Bữa tiệc của những vị thần”. Nhưng dẫu vậy, thật khó để tin rằng những con người lão luyện và am tường đứng sau buổi biểu diễn lại không mường tượng được viễn cảnh người xem đại chúng sẽ liên tưởng đầu tiên tới bức tranh có phần nổi tiếng hơn – Buổi tiệc ly của da Vinci.
Mặc cho sự chối bỏ trước đó của Thomas Jolly về việc không lấy cảm hứng từ bức tranh The Last Supper, trong một lá thư phúc đáp báo giới, BTC lại khẳng định, bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của Chúa là nguồn cảm hứng trong quá trình sáng tác. Rõ ràng, sự bất nhất này đã cho thấy những bất ổn tiềm ẩn phía sau.
Mặc cho sự chối bỏ trước đó của Thomas Jolly về việc không lấy cảm hứng từ bức tranh The Last Supper, trong một lá thư phúc đáp báo giới, BTC lại khẳng định, bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của Chúa là nguồn cảm hứng trong quá trình sáng tác. Rõ ràng, sự bất nhất này đã cho thấy những bất ổn tiềm ẩn phía sau.
Trong bài phỏng vấn với tạp chí Le Monde, tổng đạo diễn Thomas Jolly chia sẻ: mục đích của buổi lễ khai mạc nhằm tôn vinh những giá trị của nền cộng hòa, sự bình đẳng không phân biệt (inclusion), lòng hiếu khách, sự hào phóng và đoàn kết. Nhưng hãy tự hỏi, chẳng phải trong những gì liệt kê phía trên hẳn đang thiếu đi tính tôn vinh tinh thần thể thao, tính kỉ luật để vượt lên chính mình, hay sự hòa hợp và gắn kết giữa các con người, dân tộc khác nhau, dưới 1 ngọn cờ thể thao chân chính? Tại sao giá trị của nền cộng hòa lại là thứ được nhấn mạnh đầu tiên cho một sự kiện thể thao “phi chính trị”?
Một phân cảnh gây tranh cãi tại buổi lễ.
Một phân cảnh gây tranh cãi tại buổi lễ.
-  Nhưng điều đáng băn khoăn hơn là từ inclusion được nhắc đến trong luận điểm này. Bởi lẽ, để đề cao giá trị về “inclusivity”, BTC thể hiện dày đặc những hình ảnh và hành động có phần táo bạo, thậm chí là đoạn video mập mờ ám chỉ về một cuộc “truy hoan của ba người”… Những hình ảnh này, liệu có đang thực sự đúng với từ inclusion mà BTC muốn truyền tải hay không? Việc đưa ra những hình ảnh táo bạo như vậy trong một buổi khai mạc Thế vận hội vốn dành cho mọi độ tuổi, mọi thành phần xã hội,..có đang khiến thu hẹp thành phần khán giả, để trở thành một chương trình được cộp mác 13+, 16+ hay thậm chí 18+?
Liệu những người xem khắp thế giới, mọi lứa tuổi; có cần thấy hình ảnh này trên truyền hình, trong buổi lễ khai mạc kì Thế vận hội thể thao tầm cỡ quốc tế?
Liệu những người xem khắp thế giới, mọi lứa tuổi; có cần thấy hình ảnh này trên truyền hình, trong buổi lễ khai mạc kì Thế vận hội thể thao tầm cỡ quốc tế?
-  Có lẽ điều đi ngược lại tôn chỉ của buổi khai mạc nhất, chính là cảm xúc mà BTC muốn "gieo trồng" trong tâm trí người xem. Thay vì những cảm xúc tích cực như vui vẻ, vỡ òa xúc động; phần đông những khán giả trong và sau chương trình lại cảm thấy lúng túng, khó hiểu hay thậm chí tức giận, tiêu cực. Từ góc độ này, thật khó để đánh giá đây là một buổi lễ khai mạc thành công – đúng như những gì người ta mong đợi, hoặc chí ít là như đáng lẽ nó phải vậy.  
Quay lại mệnh đề đầu tiên được đưa ra trong bài viết này, có lẽ, điều có thể sẽ khiến cho buổi lễ khai mạc trở nên tốt hơn, chính là việc nước Pháp cần gạt bỏ tư duy: Những vấn đề của nước Pháp cũng là những vấn đề của Thế giới, để buổi lễ khai mạc sự kiện thể thao trở về với đúng ý nghĩa thường thức của nó.
Ở đó, nước chủ nhà tôn vinh văn hóa quốc gia, tự hào giới thiệu với thế giới; tạo nên những phút giây thư thái, tích cực, tôn vinh tình đoàn kết và hòa hợp quốc tế. Những người tổ chức Pháp đã nghiên cứu rất kĩ những gì người Anh làm được ở Olympics London 2012 với văn hóa Pop Culture được đẩy lên cực thịnh và họ tham vọng biến văn hóa kịch nghệ Pháp trở thành tâm điểm ở sự kiện lần này. Chỉ tiếc rằng, sự "đề cao quan điểm" và có phần hơi tự phụ của người Pháp đã khiến cuối cùng sự thất vọng hoán ngôi cho kì vọng ban đầu. Những cái lắc đầu ngao ngán, khó hiểu hay giận giữ, chắc chắn đã xảy ra với những ai theo dõi buổi lễ trông suốt hơn ba giờ đồng hồ.
Và để khép lại, dù tất cả những điều tuyệt vời đã được liệt kê trước đó, vẫn không thể giúp Olympics Paris trở thành kì thế vận hội ấn tượng và đáng nhớ. Đối với nhiều người, thậm chí là đáng quên.