Từ khi chào đời, “miệng lưỡi thiên hạ” luôn bủa vây chúng ta với những tư tưởng kiểu như: “Đừng có học dốt như mấy bà lao công”, “Nhìn mấy thằng thợ xây chán không kìa”,… Nói cách khác, một số nghề nghiệp đã dần trở thành nơi “gửi gắm” những lời lẽ bôi nhọ, xúc phạm nhất từ công chúng.

Bạn có thể tự hào khi sống trong một căn biệt thự lộng lẫy, đeo một đôi Sneaker “tiền tấn” và thường xuyên mua sắm hàng hiệu ở Zara, H&M,…. Bạn tự “vỗ ngực” khi nghĩ mình đã sinh ở “vạch đích” và coi bản thân là chuẩn mực cho một khái niệm mơ hồ mang tên “THÀNH CÔNG”?
Không sai!. Sống trong “nhung lụa gấm hoa” là điều mà bất cứ bạn trẻ nào cũng mong muốn, kể cả tôi. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc ta tự cho mình là thượng đẳng và đánh giá người khác qua “lăng kính” của bản thân.

Xã hội ngày nay luôn tràn nghập những con người thích phán xét. Họ “lái” câu chuyện theo hướng mà mình tự tạo nên và cười hả hê khi thấy công chúng bị dắt mũi.
Chả cần đến những drama ồn ào của showbiz. Ngay trong cuộc sống thường ngày thôi, không hiểu lý do gì mà những nghề nghiệp có ích cho xã hội như lao công, thợ xây “được” so sánh với sự “vô học”, “thất bại”. Những định kiến này như một thứ “ngôn ngữ lập trình” được cài vào mỗi người trong vô thức để rồi họ chả có lý do gì phủ nhận nó.
TẠI SAO?

TÍNH CHẤT CÔNG VIỆC CỦA HỌ “BẨN”?

“Ôm” đống rác, khuân từng tấn xi măng,... là những gì mà người lao công, thợ xây phải làm để kiếm miếng ăn qua ngày.
Họ không có điều kiện để được làm đẹp, được soi gương hàng giờ. Họ không dám mơ đến một chiếc váy lộng lẫy, một bộ comple đắt tiền. Họ cũng chả dám bước chân vào những nhà hàng sang trọng để thưởng thức “sơn hào hải vị”. Nhưng đâu vì lẽ đó mà chúng ta có quyền sỉ nhục, bôi nhọ danh dự của họ.
Những người làm lao công, thợ xây rất “bẩn”. Đúng.
Nhưng đó là “bẩn” ở vẻ bề ngoài. Hàng ngày, hàng giờ sống chung với rác thải, xi măng, gạch vữa thì sao mà sạch?. Nghề của họ làm gì có chuyện đến văn phòng ngồi điều hòa mát rượi, tan làm về tắm rửa, ăn cơm. Họ muốn mặc một chiếc áo mới lắm đấy, họ muốn làm “đỏm” lắm đấy. Nhưng đâu có thể. Liệu bao nhiêu người hiểu được điều này và dành sự cảm thông cho họ?. Hay là chỉ đứng ngòai phỉ báng và miệt thị?

“Bẩn” ở bên ngoài nhưng “sạch” trong hành động và tâm hồn

Chúng ta luôn chăm chút cho bản thân thật sạch sẽ, cái gì cũng phải “trắng như Tide”. Tuy nhiên, khi đi ra bên ngoài, chúng ta lại chưa làm được gì “sạch sẽ” cho xã hội cả. Còn họ — những người lao công, thợ xây lúc nào cũng trong bộ dạng nhem nhuốc ấy?.
Từng mẩu rác bạn vứt xuống vỉa hè. Sẽ có người chấp nhận cúi đầu để dọn cho bạn. Từng công trình, hạng mục lớn trong thành phố. Cũng luôn có những người bất chấp sự nguy hiểm để “vun vén” lên. Nhiệm vụ duy nhất của bạn là: Ngồi, uống trà đá và tận hưởng thành quả lao động của họ. Vậy tôi muốn hỏi, lấy thân phận gì, tư cách gì để chúng ta xúc phạm những nghề nghiệp cao quý này?.
Lao công, thợ xây — Những con người không biết đến trang sức đắt tiền, không có vẻ ngoài hào nhóang, không được paparazzi săn đón ở mọi nơi. Nhưng cái đáng tôn trọng ở họ mà các bạn chắc chắn chưa thể làm được trọn vẹn, đó là “làm sạch” cho xã hội. Họ chạy đua với thời gian trong công việc của mình nhưng nhận thức được bản thân đang làm gì và cống hiền vì điều gì chứ không sống vội vã, vô tâm và vô tư như chúng ta.

Xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, biết đón nhận hơn. Đừng buông lời lẽ cay đắng trước những người vẫn đang âm thầm cống hiến cho đất nước. Đừng để những đứa trẻ có bố, mẹ làm lao công, thợ xây cảm thấy tự ti, sợ hãi và mất niềm tin vào cuộc sống. Muốn vậy, hãy thay đổi định kiến của bản thân và đừng bao giờ mang bất cứ ngành nghề nào để làm “thước đo” cho những thứ tiêu cực. Bạn luôn tin vào giá trị của những điều mình đang làm? Họ cũng vậy.