KHI BẤT ĐỘNG SẢN KHÔNG CÒN LÀ MỎ VÀNG
Khi thói quen xem bất động sản là tài sản ăn sâu vào góc nhìn lối sống, thì liệu một nơi đáng để sống có còn được quan tâm.
Thành ngữ “Tấc đất tấc vàng” ám chỉ khả năng sử dụng đất trong nông nghiệp của ông cha ta từ ngàn xưa, ngày nay thành ngữ này lại thường được hiểu theo ý nghĩa kinh tế, kinh doanh sinh lời.
Việc xếp đất đai như một kênh đầu tư có giá trị bằng thậm chí còn cao hơn việc đầu tư vàng hoặc các loại tài sản sinh lời khác thường do những tính chất rất đặc trưng của bất động sản như tính bền vững, ổn định, tính khó bị đánh cắp, dễ kiểm kê, tự do trong việc sử dụng và quan trọng nhất là khả năng lợi nhuận cao.
Dù là một miếng đất thổ cư, hay một miếng đất canh tác, khả năng sinh lời từ quá trình giao dịch mua bán đất luôn là điều được nhắc đến bởi các chủ sở hữu. Một miếng đất không thể vắt chân lên cổ chạy khỏi người sở hữu, không thể bị cướp đi chỉ trong một đêm, tuy nhiên cũng chính miếng đất ấy cũng có thể tăng giá chỉ trong một ngày, biến thành một căn nhà trong một tháng, và trong một lúc làm mất đi sự gắn kết của các những mối quan hệ chòm xóm, gia đình chỉ vì sai lệch, tranh chấp.
Bất động sản (BDS) mang trong mình sự thay đổi khôn lường về giá trị, nhưng lại luôn bền vững về diện tích, và mức độ tăng trưởng trên thị trường.
BDS là kênh đầu tư chính thống, tuy nhiên, BDS chỉ là một trong những kênh đầu tư trong vô vàng các kênh khác như: chứng khoán, tiền ảo, giáo dục, công nghệ, khoa học,… các kênh này có những tính chất rất riêng cũng sinh lời lớn thế nhưng so với BDS thì cũng phải dè chừng bởi khó có kênh nào mà khả năng bền vững, sinh lời cao và nhanh như BDS.
Trong lịch sử biến động về BDS chúng ta chứng kiến sự tăng giá liên tục với liên tiếp từ 1990 đến 2003, 2006- 2007, 2013-2019, khủng hoảng chỉ đến vào những thời kỳ 2004-2005 (tài chính châu Á), 2008-2012(suy thoái kinh tế 2008), 2020-2022 (Covid-19) tuy suy thoái nhưng giá BDS chưa bao giờ giảm dẫn đến thua lỗ, giá trị gốc của BDS trong thời kỳ này thường nằm ngang ít giảm và sau đó luôn lấy đà tăng mạnh trở lại, thậm chí tăng 2-3 lần.
Việc tăng giá của BDS trong thời gian dài tạo nên một thói quen đầu tư BDS ăn rất sâu vào trong lối sống, cộng với nhu cầu về chỗ ở tăng cao nên việc nơi ở đôi khi bất giác cũng trở thành một BDS kinh doanh. Khi việc kiếm lời từ BDS trở thành một thói quen khó bỏ, một quan niệm hợp thời củng cố thêm bởi “tấc đất tấc vàng” thì không ai bảo ai mọi người đều xem giá trị kinh tế của BDS là trên hết cao hơn giá trị về một nơi sinh sống ấm cúng. Trong khi giá trị về nơi ăn chốn ở của BDS là một giá trị vốn có và luôn tồn tại của BDS.
Khi cán cân về giá trị lệch đi chúng kéo theo sự đi lên về giá cũng như đi xuống về chất lượng cuộc sống, ai ai cũng mong làm kinh tế trên BDS, ai ai cũng coi đất là vàng, chúng ta quên đặc tính khác của BDS, chúng ta đầu tư vào BDS kinh doanh ồ ạt và thiếu tính lâu bền. Sự thiếu bền vững đó thể hiện qua các dự án thiếu về tiến độ, thiếu về chất lượng, thiếu về nguồn lực, thiếu về tình người… điều này làm mất đi giá trị vốn có của BDS là phục vụ con người về mặt bền vững tinh thần “an cư lạc nghiệp”.
BDS ngày nay mang cho người sở hữu nhiều âu lo hơn là hạnh phúc tận hưởng về một nơi ở thuần túy, chúng ta lo về chất lượng công trình, lo về giá, thậm chí sợ phải mất đi căn nhà nếu là dự án bị thế chấp, chung cư bị cầm cố ngân hàng, nhiều chủ, chất lượng kém... Nhưng thật sự mấy ai đặt cả 2 giá trị về kinh tế và sống của BDS lên để cân khi những giá trị đó vốn bị các kênh quảng cáo vắt kiệt, lâu dần tính sáo rỗng , nhàm chán của những thông điệp đó được gắn lên sự “an cư lạc nghiệp” của nhiều dự án làm ta có thoái quen bỏ qua những lời chào mời hoa mỹ đó.
Chúng ta đã từng quen với việc những khu đất vàng sinh lời, những người kiếm tiền từ kinh doanh cho thuê đất, cho đến khi Covid-19 và luật BDS 2025 ra đời. Những dư luận lo ngại, trái chiều, những dòng người đi gia hạn đất đai, cơ quan đầu tư đất nện lo ngại, người dân hoang mang về bảng giá đất 2024,… Mọi người hóng chờ thông tin về luật, những bàn cãi xung quanh việc giá đất tăng hàng chục lần so với bảng giá đất cũ liên tục là chủ đề được nhắc đến, hoang mang khi giá đất có thế tăng cao dựa theo thực tế.
Việc luật ra đời là nhằm tháo gỡ những vướng mắc có từ trước đó, hạn chế nạn đầu cơ đất, quản lý thị trường BDS thế nhưng những lời công nhận thì khó có thể được tìm thấy và tràng ngập sự khó chịu, chúng ta đang phản ứng với một thói quen kinh doanh đang bị bắt phải thay đổi. Thói quen làm kinh tế trên BDS bị làm khó bằng việc quản lý về diện tích, giá cả, bị đánh thuế, làm thói quen này bắt buộc phải thay đổi, có khi bị mất đi.
Sự khó chịu đó thể hiện rõ quan sự quan tâm của mọi người xung quanh những bức xúc về luật, đây là phản ứng thường thấy do thay đổi những thói quen đã ăn sau vào lối sống của mỗi con người.
Nhưng như đã nói giá trị của BDS không phải chỉ ở giá trị kinh tế, khi “tấc vàng” không thể sử dung mà chỉ có thể sinh lời, còn “tấc đất” thì không những có giá trị kinh tế mà còn mang trong mình nhiều giá trị khác, mà quan trọng bậc nhất vẫn là giá trị về nơi chốn, một tổ ấm mà bất cứ gia đình nào cũng nên được sở hữu. Có lẻ đến đây chính là thời điểm chúng ta nên đem giá trị kinh tế và nơi ở của BDS ra và làm chúng cân bằng lại.
Bên cạnh đó chúng ta nên xem lại những hậu quả của việc phát triển BDS ồ ạt đã đẩy vấn đề về nơi ăn chốn ở đến những bất cập ra sao. Chúng ta chưa bao giờ thật sự giải quyết được ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm tiếng ồn, chúng ta còn gây ra sự ô nhiễm không gian sống, những vấn đề này bộc lộ nổi cộm ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội,… Dù chúng ta có chối bỏ, hay làm ngơ thì những căn nhà với diện tích siêu nhỏ, những khu chung cư xuống cấp, thiếu nơi ở dành cho người thu nhập thấp, dự án bỏ hoang gây lãng phí,… tất cả đều là những ô nhiễm cho BDS mà chính chúng ta bỏ qua, ít quan tâm. Gây nên những bất cập khó tháo gỡ mà bản chất là do chính sự mất cân đối trong giá trị của BDS khiến ai ai cũng lo giữ “vàng” bên mình mà quên đi công năng quan trọng của loại “vàng” này là ở đâu.
Khi Covid-19 ập đến, kéo chúng ta khỏi công việc ở công ty, bắt buộc phải sống trong tổ ấm của gia đình, nhà trọ, trong một không gian nhỏ, đấy là chính nơi mà chúng ta hàng ngày luôn tiếp xúc, nhưng tại sao nhiều người lại chọn bỏ phố về quê, bỏ lại tổ ấm này rồi tìm về tổ ấm khác, không phải họ lên các thành phố để xây dựng tương lai, xây dựng một tổ ấm hay sao, mà khi chúng ta bị bắt phải ở trong cái tổ ấm đó chính chúng ta lại phản đối, trầm cảm, stress,… Tổ ấm ngày nào giờ đây với nhiều người không khác gì cái nhà tù mà họ luôn đối diện, dù hàng ngày họ vẫn ở đấy.
Chúng ta nhận ra vấn đề của tổ ấm không còn đáp ứng đủ nhu cầu của con người về tinh thần, dù chúng ta có mạng xã hội, có thế giới phẳng, có tin tức âm nhạc, và lượng nội dung đủ để có thể sống về tinh thần nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thốn ngay trong cái tổ ấm của mình, chúng ta đòi thoát ra bằng mọi giá.
Khi giá trị về nơi ở của BDS bị giảm xuống quá thấp, chúng ta nhận ra thì đã quá muộn và chính chúng ta cũng không đủ trang bị về mặt tâm lý để đối diện với điều đó.
Khi nhìn nhận về BDS một cách đầy đủ thì việc xây dựng một tổ ấm cũng quan trọng như giá trị kính tế của nó đó trên thị trường, thì có lẽ mọi thứ sẽ tốt hơn. Cho dù có một đại dịch thứ 2, thứ 3 diễn ra, dù có bị bắt phải ở nhà lâu dài, thì việc sinh sống trong một không gian ấm cúng vẫn sẽ ổn hơn cho chúng ta về mặt tâm lý.
Có lẻ khi con người xem “mỏ vàng” BDS không còn quý giá thì việc giá đất lên hay xuống, xây dựng những nhà ở Xã Hội nhiều hay ít sẽ không thật sự là vấn đề, từ đó có khi chúng ta sẽ ổn định hơn khi giá trị tinh thần, việc bán một căn hộ, ngôi nhà, cũng không nhất thiết phải đem những giá trị lợi nhuận ra để đảm bảo quản bá quá mức.
Việc thay đổi một thói quen “tấc đất tấc vàng” theo lối suy nghĩ hiện đại ngày nay có thể không phải một sớm một chiều, nhưng việc nhìn nhận lại sự khó lường của thị trường, sự mất cân bằng trong cách nhìn về không gian sống hợp lý, đầy đủ, ấm cúng có thể mang lại những thay đổi tích cực cho BDS, chữa lành cho giá trị kinh tế BDS mà còn có thể khuyến khích các BDS phục hồi, bên cạnh đó phục vụ tốt hơn cho mục đích “an cư lạc nghiệp” của đại bộ phận người dân lao động.
Đôi khi chỉ cần giảm được độ chênh lệch tỷ giá giữa thu nhập và BDS thôi cũng đã giúp nhiều gia đình có căn nhà mơ ước hơn. Thậm chí có thể từ đó xuất hiện những loại hình mới giúp tạo dựng không gian sống hợp lý cho nhiều bộ phận người giúp sức khỏe của xã hội ổn định hơn, sẵn sàng cho nhiều sự biến động tương lai khó lường.
Có lẻ chính chúng ta có thể thay câu “ăn chắc mặc bền” thành câu “ăn đầy mặc đủ” khi một bữa ăn gia đình ấm cúng đầy ấp tình cảm, với sự có mặc đầy đủ thành viên trong gia đình, vui vẻ trong không gian sống hợp lý, ấm cúng là điều luôn được hiện diện như một truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam.
Mỗi “tấc đất” sẽ là một “tấc vàng” đúng nghĩa.
ThS.Kts.Châu Minh Trí
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất