It's so funny it hurts!
Trong tiếng Anh có câu: " It's so funny it hurts. ". Không biết nên hiểu thế nào cho đúng. Cá nhân tôi thì cứ thích hiểu là: buồn cười...
Trong tiếng Anh có câu: "It's so funny it hurts.". Không biết nên hiểu thế nào cho đúng. Cá nhân tôi thì cứ thích hiểu là: buồn cười đến nỗi cười buồn.
Tuần trước, bạn tôi gửi cho tôi một truyện ngắn thất lạc của F.Scott Fitzgerald mới đăng trên New Yorker. Tôi thường nói mình có một mối quan hệ love-hate relationship với F., giống như tôi có một mối quan hệ love-hate relationship với Hemingway, bạn thân của F. vậy.
Gọi là love-hate relationship là bởi, tôi vừa thích sự thị thành diêm dúa của F. lại vừa căm ghét nó; tôi thích sự bi đát của F. và lại thấy sự bi đát ấy quá nửa là phóng đại, đối với tôi, một mặt nào đó, ca của F. cũng tương tự như tay nhân vật chính của Ba Gã Cùng Thuyền luôn đinh ninh mình mắc bệnh nan y, trong khi thực ra chỉ là hắn chán đời một tí.
Và tôi thích F. nói về tiền nhưng F. nói về tiền nhiều đến mức phát mệt. Tiền tất nhiên là một chủ đề (cực kỳ) thú vị, nhưng nếu lúc nào cũng tiền tiền tiền thì hệt như thể ăn mỳ gói, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc.
Trong truyện ngắn mới khai quật lại được của mình mang tên The I.O.U, F. lại nhắc tới tiền. Truyện kể về một người làm trong ngành xuất bản, với tuyên ngôn rằng "...họ nói tôi thèm tiền. Tôi thèm thật, thèm dữ dội. (...) Ai mà cho tôi tất cả tiền ở New York này thì còn lâu tôi mới từ chối. Tôi thà xuất bản một cuốn sách với 500.000 bản đặt trước còn hơn là phát hiện ra Samuel Butler, Theodore Dreiser, và James Branch Cabell trong cùng một năm. Bạn mà làm xuất bản thì bạn cũng vậy thôi.".
Đó là chuyện bình thường. Như Chuck Berry, cha đẻ của rock 'n' roll, người vừa mất ngày hôm kia, từng bảo:
"Tôi viết về ô tô vì quá nửa người dân có ô tô, hoặc muốn có ô tô. Tôi viết về tình yêu vì mọi người đều muốn tình yêu. Tôi viết những ca khúc mà người da trắng có thể mua, vì như vậy 10 đồng ăn được 9. Mục tiêu của tôi: nhìn vào tài khoản ngân hàng và thấy trong đó có một triệu dollar.".
Thì sao? Chuyện thèm tiền đâu có gì sai? Ở đâu cũng vậy, ở trong truyện của F. thì càng vậy.
- Ba mình là người giàu nhất hành tinh.
- Thật sao?
- Đến nay là người giàu nhất.
...
- Ông ấy hẳn là giàu lắm. Mình rất mừng. Mình thích những người giàu. Ai càng giàu thì mình càng thích.
Một đoạn hội thoại trong The diamond as big as the Ritz. Một đoạn hội thoại điển hình của F.
Nhưng tạm gác chuyện tiền bạc sang một bên, chuyện tiền là chuyện thường ngày, tôi muốn nói đến chuyện ít thường ngày hơn của F., chuyện cười.
The I.O.U, vâng, rất không mong đợi, là một truyện cười, cái thứ tiếng cười mà tôi xin phép mượn tên một tác phẩm của Nabokov, tiếng cười trong bóng tối. Hoặc đơn giản là:
It’s so funny it hurts. Buồn cười đến nỗi cười buồn.
Nhưng thế là thế nào? Thế nào là buồn cười đến nỗi cười buồn?
Tôi thì định nghĩa thế này:
Buồn cười đến nỗi cười buồn là khi nhân vật anh thợ cắt tóc người Do Thái trong The great dictator, ở đoạn đầu phim khi anh còn tại ngũ, gặp một toán lính tráng, họ nhìn nhau một hồi, mãi mới nhận ra đối phương là địch. Anh thợ cắt tóc vội vàng nói: “xin lỗi”, và bỏ chạy. Toán lính kia nổ súng đuổi theo.
Buồn cười tới nỗi cười buồn là khi bộ sậu chính trị Hoa Kỳ trong Dr.Strangelove họp nhau hội bàn nhằm ngăn chặn vụ ném bom hạt nhân vào Liên bang Xô Viết, để cuối cùng, bom vẫn nổ, còn họ lật bộ mặt hề của chính mình.
Buồn cười tới nỗi cười buồn là khi một vị giáo sư khả kính viết một cuốn sách dựa trên thằng cháu đã chết của mình, rồi bỗng dưng một ngày thằng cháu lù lù quay trở lại, đơn vị xuất bản liền khuyên giải cậu đừng xuất đầu lộ diện kẻo làm hàng ngàn độc giả thất vọng.
Đây cũng là cốt truyện của The I.O.U.
Đơn vị xuất bản khuyên giải cậu đừng lộ diện kẻo làm hàng ngàn độc giả thất vọng. Họ nhầm. Có một người không hề thất vọng: Chủ nợ của cậu. Nợ 3 đô la và 8 cent sau một ván poker. Giả sử cậu chết thì thôi đành chịu, nhưng vì cậu vẫn còn sống, cậu nhất định phải thanh toán món nợ này, đừng mong thoát được. Vậy đấy, nếu có kẻ nào luôn thực lòng mong cho bạn được bình an khỏe mạnh sống lâu, kẻ đó chính là chủ nợ của bạn. Chứ bạn còn mong gì hơn ở cái lòng tốt chết dẫm của cuộc đời này nào?
David Wallace Foster, trong một bài luận của mình, từng nói rằng, có một điều rất quan trọng ở Kafka người ta thường quên mất, đó là sự hài hước của ông. Tôi nghĩ nếu thay tên Kafka bằng F. thì điều đó cũng đúng. Và cũng như Kafka, đó là sự hài hước so funny it hurts. So funny it hurts.
F. viết không ít truyện cười. Trong A story for girls, F. viết về một nhóm nữ sinh định bày trò nghịch ngợm, treo cô hiệu trường của mình lên, sau đó phát hiện ra cô đã tự tay treo cổ. Trong A story of the frontier, họ định ăn thịt một người đàn ông, nhưng đến lúc lột quần áo ra mới biết rằng thịt của ông ta cháy đen vì bị phơi nắng lâu ngày. Còn trong Cedric the stoker, một thợ xúc than trên tàu thủy, vì thuyền trưởng truyền lệnh phải tăng tốc đi nhanh hơn trong khi tàu đã hết than, anh ta đã tự biến mình thành nhiên liệu. Kinh dị chứ buồn cười nỗi gì! Không, buồn cười chứ, buồn cười ở chỗ, thật ra người ta không bao giờ nên nghĩ đến chuyện làm hại một ai đó, không cần thiết phải làm như vậy, hãy yên tâm rằng con người luôn biết cách tự hại chính mình.
Và thực ra, khoảnh khắc khiến tôi yêu F. không phải là khi Dick trong Tender is the night nhận ra mình “không thể đem lại hạnh phúc cho ai được nữa”, mà là khi Hanson của Thank you for the light đã không dám đốt một điếu thuốc chỉ vì lề thói xã hội, và rồi không thể đem lại hạnh phúc cho bản thân nàng.
Tôi biết cuộc đời của F. là một cuộc vật lộn. Tôi luôn biết như thế. Nhưng tôi cứ có cảm giác thế này, rằng những The Great Gatsby, Winter dreams, Long way out, The icy palace, The Jelly-bean,... là sự gồng mình của F., là sự cố gắng tỏ ra đau khổ của F., bởi vì một cuộc đời bi kịch thì cần viết ra những điều bi kịch, để rồi cuối cùng F. lại không nhịn được cười, và tiếng cười là điều chân thật nhất của F.
Như một trò đùa, số phận không để F. viết hết tấn bi kịch cuối cùng của mình, The last tycoon. F. đã lên kế hoạch cho cái chết của nhân vật Monroe Stahr trong cuốn tiểu thuyết sau cùng, nhưng F. lại chết trước khi Stahr có thể chết. Không phải muốn chết là sẽ chết. Không phải cứ muốn bi kịch là sẽ được bi kịch. Buồn cười là buồn cười ở đấy.
Và tôi không còn gì để viết nữa, lại không biết kết lại thế nào, cũng không muốn để dang dở như The last tycoon, nên đành trích dẫn lại một câu trong Núi thần của Thomas Mann:
“Bà vừa mới cười vui đấy trong lúc ngồi trên giường, tưởng đâu bà ngả người xuống gối vì cười, nhưng kỳ thực bà lăn ra chết.”.
It’s so funny it hurts!
Tháng 3/2017
Hiền Trang
/sach
- Hot nhất
- Mới nhất