Tổng quan: Đây là quan điểm của tớ về 2 thái cực trong cách suy nghĩ của mọi người ở đợt dịch đầu tiên và ở thời điểm hiện tại. Luôn có những điều bí ẩn nằm sâu trong tâm trí chúng ta, cụ thể ở đây là những sai lầm trong suy nghĩ mà mọi người thường không nhận ra. Bài viết dài, đồng nghĩa với việc nó sẽ có nhiều thông tin hữu ích về tâm lý học trong đời sống, đọc bài viết các bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn nhiều đấy. Mong rằng mọi người sẽ đón nhận nó.
_________
Đầu tiên thì hãy điểm qua một số khái niệm tâm lý được bọn tớ sử dụng trước:
 Cognitive Bias (Thiên kiến nhận thức): là một lỗi có tính chất hệ thống trong lối suy nghĩ, nó xuất hiện khi mọi người đang xử lý, tiếp nhận thông tin từ thế giới xung quanh và nó tác động trực tiếp đến việc đưa ra sự đánh giá hay các quyết định. Nói đơn giản hơn, Cognitive Bias giống như 1 lối tắt trong tư duy, thay vì đánh giá kĩ một vấn đề dựa trên nhiều yếu tố thì não bộ có xu hướng phớt lờ hay bỏ qua các yếu tố không có lợi cho niềm tin và trải nghiệm của bản thân (Thiên vị mà). Tại sao lại xảy ra chuyện này ? Vì não bạn lười lắm, nó cũng biết chọn đường tắt mà.
Negativity Bias (Thiên kiến tiêu cực): là xu hướng mà chúng ta không chỉ tiếp nhận các tác nhân kích thích tiêu cực nhanh hơn mà thậm chí còn chìm sâu vào những sự kiện này. Đây là một dạng của thiên kiến nhận thức. Ví dụ như bạn mắc phải một lỗi ngớ ngẩn ở nơi đông người, bạn thấy tất cả sự chú ý như thể dồn vào bạn, dù chỉ là một tiếng cười nhỏ thôi cũng khiến bạn nghĩ rằng họ đang đùa cợt chế giễu mình. Nghe quen không, Negativity Bias đấy.
Optimism Bias (Tạm dịch - Thiên kiến lạc quan): về bản chất là một dạng niềm tin sai lầm của con người, chúng ta tin rằng chúng ta sẽ ít gặp phải những sự kiện tiêu cực hơn so với thực tế. Đây cũng là một dạng của thiên kiến nhận thức.
Emotional Contagion (Tạm dịch - Sự lan truyền cảm xúc): Là hiện tượng mà cảm xúc và các hành vi liên quan của người này gây ra sự kích thích cảm xúc và hành vi tương tự ở những người khác.
Giờ thì mọi, giờ thì bắt đầu nhé.
________
1. Tại sao trong đợt dịch đầu năm nay, mọi người lại tỏ ra lo sợ đến thế?
Chúng ta đã trải qua một kì nghỉ tết dài không tưởng bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến từ dịch Covid-19, thời điểm đó cũng lúc xu hướng phản ứng thái quá của mọi người xuất hiện: thu gom nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chạy đua khẩu trang khiến cho giá trên thị trường tăng gấp 4 gấp 5 lần hay sốt hết cả lên mỗi khi có tin tức về ca nhiễm mới (Kể cả fake news, tí nữa tớ sẽ giải thích tại sao lúc ý mọi người dễ tin vào fake news đến thế). Theo bọn tớ thì có một vài lý do sau khiến mọi người có phản ứng như vậy với dịch bệnh
- Đầu tiên phải kể đến cảm xúc, để mà nói thì chiếm phần nhiều chắc chắn là lo sợ rồi.
- Tiếp theo là một khái niệm (có thể) mới mà bọn tớ vừa nhắc ở trên, Negativity Bias - sự thiên vị tiêu cực.
- Cuối cùng, một lý do hết sức đơn giản, bạn thấy nhiều người có vẻ lo sợ? Vậy thì bắt trend thôi, tôi sợ, bạn cũng thế. Còn để chỉ mặt gọi tên hiện tượng này thì đây: Sự lan truyền cảm xúc (Emotional Contagion), giờ thì nghe văn hoa hơn rồi đấy.
1.1 Sợ hãi - Nguồn cơn của mọi vấn đề?
Có bao giờ bạn đặt câu hỏi tại sao con người có cảm xúc? hay Mục đích của cảm xúc là gì? Trả lời một cách dễ hiểu thì cảm xúc sinh ra để giúp chúng ta tồn tại và phát triển, hiểu cơ bản thì đó là cách chúng ta phản ứng lại với tác nhân bên ngoài. Có tổng cộng 34.000 loại cảm xúc khác nhau nhưng chỉ có 8 loại cảm xúc cơ bản thường xuất hiện.
Một trong số 8 cảm xúc cơ bản sẽ được đề cập ở đây, đó là "Sợ hãi". Ù uôi nghe đã thấy hốt, thế tại sao con người lại sợ hãi? Nói dễ hiểu thì sự sợ hãi giúp con người nhận biết được các mối đe dọa và kích hoạt một số cơ chế bảo vệ, ví dụ như "Chiến hay Chạy" (Fight-or-Flight). Giờ thì bạn đã hiểu ý nghĩa thực sự của việc sợ rồi đấy, các cảm xúc khác cũng có những ý nghĩa tương tự và việc hiểu được nó là điều cần thiết, tớ không nói dối đâu.
Vùng não điều khiển cảm xúc này là Amygdala (Hạch hạnh nhân) và tiếc là nó cũng phụ trách luôn việc phát hiện những cái mới. Nó sẽ hoạt động mạnh khi chúng ta bắt đầu tiếp cận với thông tin về dịch Covid-19 - một dịch bệnh gần như hoàn toàn mới lạ, lần gần nhất chúng ta đối diện với một dịch bệnh tương tự là năm 2003, một khoảng thời gian quá dư thừa để đưa thông tin này đi vào dĩ vãng. Đối diện với một nguy cơ hoàn toàn mới, nỗi sợ được kích hoạt ngay lập tức và cường độ của nó có thể tăng cao và trở thành sự bồn chồn, lo âu (Nervousness or Anxiety) do đây là nỗi sợ đến từ một sự kiện trong tương lai (Future events).
Chính vì sợ, con người lại có xu hướng tìm kiếm thông tin về dịch bệnh và trong thời điểm đó, chẳng kiếm đâu ra được tí tin tức nào đọng lại chút tích cực trong đó cả. Và wow, cơ hội hoàn hảo cho sự thiên vị đã đến, một niềm tin rằng tình hình của chúng ta đang khá tệ rồi đấy, thông tin xung quanh giờ đã được phủ kín một màu tiêu cực, cảm xúc thì lại có vẻ đang hơi bận bịu, bảo sao mọi người lại phản ứng thái quá.
1.2 Negativity Bias - Ai lại đi thiên vị sự tiêu cực cơ chứ?
Như đã nói ở phần đầu bài viết, thiên kiến này sẽ khiến chúng ta tiếp nhận các kích thích tiêu cực mạnh hơn so với kích thích tích cực. Mà thật ra não bộ của ai cũng vậy, nó gần như đã trở thành bản năng rồi (Lúc con người còn ăn lông ở lỗ, ai tiếp nhận nhiều thông tin tiêu cực từ những mối đe dọa hơn thì càng dễ sống sót, kiểu vậy).
Niềm tin ban đầu rằng tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, thì những thông tin tiêu cực sẽ được tiếp nhận với tốc độ nhanh, chúng ta cũng trở nên nhạy cảm và dễ tin tưởng vào những thông tin đó hơn (Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thông tin tiêu cực luôn luôn đáng tin hơn). Bởi vậy fake news trong thời điểm đó mới trở nên nguy hiểm đến vậy, may là cơ quan chức năng kịp thời dọn dẹp đấy. Chứ không thì bây giờ lại vẫn có người tin là nước ta giấu dịch, nhiễm đến cả chục nghìn ca cũng nên.
Đáng buồn hơn nữa là tất cả các thể loại thiên kiến nói chung đều ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của con người, mà các bạn biết rồi đấy, cuộc đời là những lần lựa chọn, vậy thì còn gì đau đớn hơn một quyết định sai lầm? Quay ngược thời gian một chút, chúng ta đọc được một tin xấu, ồ vừa có vài chục ca tử vong ở Trung Quốc, niềm tin rằng tình hình sẽ rất tệ giờ lại càng trở nên mãnh liệt, rồi sao nữa ? Sự thật là nó sẽ lại thúc đẩy bạn đi tìm những tin xấu khác và thế là sự tiêu cực cứ thế mà gia tăng, chúng ta cứ thế mà đắm chìm, vòng lặp cứ thế mà tiếp diễn.
Sau đấy thì cái gì đến cũng phải đến, hàng loạt những quyết định sai lầm được đưa ra: Mua 4 thùng mì tôm cùng 1 lúc, order 100kg gạo đề phòng tận thế hay là rủ hết cả họ hàng hang hốc đi xếp hàng mua khẩu trang. Thế đấy, nhiều người có não để suy nghĩ chứ có phải không đâu, nhưng mà đến cả não bộ nó cũng biết lười thì phải làm thế nào bây giờ? Đôi khi con người thật là ngớ ngẩn.
1.3 Emotional Contagion - Liệu có thứ gì lây lan nhanh hơn cả dịch bệnh hay không?
Bạn tớ từng nói đùa một câu thế này: “Tao chỉ sợ dịch chưa về đến nơi thì dân mình đã chết vì lo từ đời nào rồi”. Thật ra thì nó nói cũng có phần đúng, cứ hình dung nếu dịch lây lan với tốc độ của tàu hỏa thì nỗi sợ nó phải đi bằng đường hàng không. Sợ một mình thôi chưa đủ, con người vốn thích sống tập thể mà, phải kéo nhau sợ cùng nó mới bõ. Không sợ dịch thì cũng sợ người ta lấy hết thực phẩm, sợ khẩu trang tăng giá, sợ không còn nước rửa tay. Nói tóm lại thì sợ vẫn hoàn sợ, tôi sợ anh cũng phải sợ.
Quay trở lại chủ đề, sự lan truyền cảm xúc này được mô tả giống như sự lây lan của virus vậy, bất kể là cảm xúc tiêu cực hay là tích cực, con người đều có thói quen bắt sóng cảm xúc của người khác khi cùng hoạt động trong một cộng đồng, cùng làm việc trong một nhóm, tổ chức,...
Về bản chất thì nó là sự ảnh hưởng qua lại giữa người với người và theo các nghiên cứu thì nó thường xuất hiện ở mức khó để nhận thức rõ ràng bởi sự lan truyền này hoạt động 1 cách âm thầm dựa vào cơ chế xử lý và phản ứng sinh lý tự động. Chính vì sự hoạt động âm thầm này mà chúng ta không để ý tới việc nỗi sợ của cộng đồng đang ngày một gia tăng, nó trở thành một đại dịch tinh thần vô hình, tấn công từ bên trong mà chẳng một ai hay biết.
Không chỉ đơn giản là việc chúng ta sợ giống nhau, có một thành phần trong cảm xúc gọi là xu hướng hành động, tức là cảm xúc luôn thúc đẩy hành vi nào đó (Vì cảm xúc là sự phản ứng của cơ thể với tác nhân bên ngoài mà). Vậy tức là khi bạn bắt sóng cảm xúc của người khác, bạn cũng có xu hướng thực hiện hành vi giống như họ. Điều này khiến cho tình hình càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Giờ mọi người cũng hiểu được phần nào nguyên do tại sao chúng ta lại từng trở nên lo sợ và hành động như thế rồi. Vậy thì quay trở lại hiện tại thôi.
2. Từ lo sợ đến lạc quan, sai lầm nối tiếp sai lầm:
Lần này khởi động bằng một câu hỏi đi, “Nếu quay trở lại thời gian khoảng đầu tháng 8 khi Hà Nội đã có ca nhiễm và bạn là một người trẻ, trong người không có bệnh nền nào cả, liệu bạn có sẵn sàng hủy 1 chuyến du lịch hay bỏ một buổi tụ tập đi chơi để ngồi nhà phòng dịch hay không?”
Các bạn sẽ tự có câu trả lời cho mình, còn bọn tớ muốn đưa ra một thực tế rất rõ ràng: đa số câu trả lời đều là không. Ở thời điểm ấy, có một yếu tố bất định xuất hiện, đó là mọi người chưa biết dịch bệnh có bùng phát trở lại hay không, và việc chúng ta liệu có thể bị nhiễm bệnh rồi làm ảnh hưởng tới cộng đồng chưa chắc sẽ xảy ra.
Đứng trước một tương lai mù mờ cộng với việc nước ta đã xử lý dịch rất tốt trước đó, mọi người đều tự tin bỏ qua hoàn toàn nguy cơ có thể xảy ra và đưa ra một quyết định tuyệt vời: Cứ chơi đi vì cuộc đời cho phép. Một biểu hiện trong vô vàn của sự lơ là phòng dịch. Sự lỏng lẻo trong ý thức này từ đâu mà đến?
- Đầu tiên, vẫn kể đến là cảm xúc của chúng ta, lúc này nhiều người đã không còn lo sợ nữa rồi, dần dần mọi người trở nên lạc quan hơn.
- Optimism Bias - giờ đây lại là một sự thiên vị khác, sự thiên vị lạc quan.
- Emotional Contagion - chắc không phải nói lại nữa đâu nhỉ
2.1 Lạc quan - Liệu chúng ta đã tìm thấy điểm dừng ?
Ở đợt dịch đầu tiên, nếu phải dùng một từ ngữ để diễn tả những nỗ lực của nhà nước và các y bác sĩ trong công tác chống dịch thì đó là ”Xuất sắc”. Tất nhiên cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực ngồi nhà của mọi người (thực ra là do sợ quá), chúng ta đã làm quá tốt khi không ghi nhận bất kì một ca tử vong nào, đất nước bước vào kì nghỉ hè rực rỡ dù có hơi chậm tiến độ với hơn 90 ngày không có ca mắc mới. Một thành quả xứng đáng cho những công sức bỏ ra.
Đây là thời điểm mà nỗi lo sợ biến mất, từ một dịch bệnh hoàn toàn mới thì giờ chuyển thành cũ, chúng ta đã vượt qua được một lần, bởi vậy sự đe dọa dần tan đi khi mà những tín hiệu tích cực cứ thế nối đuôi nhau mà đến. Cái quả hạnh nhân trong đầu của chúng ta cũng biết rằng đã đến lúc gạt bỏ dần thứ sợ hãi đó đi và thay vào đó là một cảm xúc mới. Sự phấn khởi và lạc quan được ra đời.
Tất nhiên vẫn có người giữ cảm xúc lo sợ đến tận bây giờ, nhưng chắc chắn là nó mờ nhạt đi rất nhiều rồi. Còn đa số người trẻ thì đã chuyển sang lạc quan quá đà và bắt đầu đánh mất cảnh giác. Sự đề phòng của người trẻ bây giờ (kể cả những người lớn tuổi hơn) giống như hàng thủ của Barca trong trận bán kết Champions League vừa rồi vậy, có mà cũng như không.
Lạc quan là tốt, một cảm xúc tích cực, thậm chí nhiều người tin tưởng rằng lạc quan là chìa khóa của thành công. Nhưng cái gì quá cũng không tốt, chính vì nó mà chúng ta đã phải nhận vài thất bại đáng buồn, còn thất bại trong việc gì thì mình cùng nhau tìm hiểu tiếp.
2.2 Optimism Bias - Mối đe dọa vô hình
“x là con dao hai lưỡi” - Đây một cấu trúc câu so sánh phải nói là kinh điển của người Việt, phù hợp trong đa số tình huống, và giờ đây, nếu thay x = lạc quan thì ta có: 1 ca nhiễm thứ phát, hàng chục nghìn người không thèm đi xét nghiệm và cột mốc 1000 ca nhiễm. Cái kiểu lạc quan gì nghe có vẻ chết người thế? Một lần nữa, lại là sự thiên vị - Optimism Bias
Như đã nói ở đầu bài viết, nó khiến chúng ta nghĩ rằng khả năng chúng ta gặp phải những điều tồi tệ giảm đi kha khá. Ví dụ như khi được hỏi khả năng mà bạn sẽ mắc chứng bệnh ung thư là bao nhiêu %, tớ từng tự trả lời là chắc khoảng 4-5% gì đấy, trung bình của câu trả lời là 10% và tỷ lệ trung bình thực tế là 30%. God damn. Thế mới biết, những người sinh ra với sự lạc quan hơi cao 1 tí này thường ra những dự đoán hoặc quyết định khá là tệ đấy (Tớ là một ví dụ điển hình).
Điểm qua một vài yếu tố khiến cho sự thiên vị này xảy ra, chúng ta có 3 cái gạch đầu dòng này:
- Đầu tiên là những sự kiện hiếm khi xuất hiện. Ví dụ như bão (không phải mưa bình thường mà kiểu bão cuốn bay nóc nhà ý), lũ lụt,.... Yếu tố này chúng ta không xét đến vì dịch bệnh đang xảy ra mất rồi.
- Chúng ta sẽ trải qua nó khi nghĩ rằng sự kiện đó đã nằm dưới sự kiểm soát và ảnh hưởng của chính chúng ta. Ừ thì cũng kiểm soát được dịch 90 ngày liền không có ca nhiễm mới cơ mà, chủ quan là tất yếu rồi.
- Sự thiên vị này sẽ xảy ra nhiều hơn nếu sự kiện tiêu cực được nhìn nhận một cách không chắc chắn. Giống như ví dụ về khả năng ung thư ở trên, nó là một yếu tố bất định, có thể xảy ra hoặc không. Việc bạn bị nhiễm bệnh cũng giống như vậy. Bởi thế mới xảy ra hiện tượng vài chục nghìn người không thèm đi xét nghiệm như đã đề cập đấy (Nếu không phải do họ lười thì là do não họ lười).
Thêm một lý do bên lề cũng có thể kể đến, đó là việc công bố số liệu về tỷ lệ nhiễm virus và tử vong ở người trẻ và người lớn khỏe mạnh so với người già chênh lệch quá lớn khiến cho sự thiên vị trở nên mạnh mẽ hơn. Kết hợp cùng những thông tin tích cực - thứ bổ dưỡng nhất để nuôi lớn sự thiên vị này - thì việc mọi người (nhất là người trẻ) trở nên chủ quan là điều có thể hiểu được.
Vậy thì những ảnh hưởng mà nó gây ra là gì? Nếu như trước kia mỗi khi muốn bước ra khỏi cửa nhà phải cân đo đong đếm từng ly từng tí một thì bây giờ câu chuyện sáng đá cà phê tối lên Tạ Hiện diễn ra có phần thường xuyên hơn. Những quyết định “sáng suốt” tương tự xuất hiện cũng nhiều hơn. Và đặc biệt là đa số chẳng ai thèm quan tâm cái khẩu trang cả. Từng sống chết phải mua bằng được khẩu trang, tranh giành nhau từng bịch một, giờ cũng vứt xó hết. Khẩu trang không phải là một xu hướng hay món đồ thời thượng để đeo theo trend, nó là lớp phòng vệ đầu tiên của chúng ta đấy.
2.3 Lấy lại sự cảnh giác đã mất
Sau cùng, tớ chỉ muốn nhắn gửi tới mọi người một thông điệp quan trọng: “Đừng lơ là phòng dịch nữa, tình hình của chúng ta tệ hơn nhiều rồi đấy”. Ai chưa tải Bluezone thì tải ngay nhé, nhớ chấp hành tốt các quy định nữa.
Toàn bộ bài viết là những giải thích theo quan điểm của tớ, bài này được viết ra cũng là bởi đây là một câu hỏi, một thắc mắc của chính tớ khi tớ chợt nhận ra mình đã trở nên mất cảnh giác. Bởi vậy mong rằng đọc xong bài viết này mọi người sẽ hiểu được cách mà thiên kiến vận hành để hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của nó ở thời điểm hiện tại cũng như trong cuộc sống sau này (Vì bạn sẽ gặp nó rất nhiều trong thực tế).
“Ở gốc rễ của nó, thiên kiến không phải là một nỗi sợ có thể loại bỏ hay chữa lành, đó là một tình trạng của con người mà chúng ta phải hiểu và sống chung với nó” (Eberhardt)
_________
Những điều cần lưu ý: Một vài cách để các bạn giảm thiểu sự thiên vị.
- Đừng để não bộ của bạn đánh lừa, giữ tỉnh táo và cân nhắc thật cẩn thận trước khi làm bất kì điều gì nhé. Hiểu về sự thiên vị có thể giúp chúng ta giảm sự ảnh hưởng đi 29% đấy.
- Tốt nhất là không ra quyết định dưới áp lực của thời gian.
- Thử chứng minh quan điểm của mình là sai.
- Cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của bạn (đặc biệt là cảm xúc).
_________
Có thể bạn chưa biết: Con người sinh ra cùng với sự thiên vị và đáng buồn hơn nữa, ít ai chịu thừa nhận điều đó (Cho đến khi nhận thức rõ về nó). Lý do là bởi vì nếu đi ngược lại với sự thiên vị này, con người sẽ có một cảm giác vô cùng khó chịu, giống như việc bị phản bội và điều đó có thể gây ra chấn thương về tâm lý (có thể thôi nhớ). Vậy nên cũng cần thời gian để chấp nhận nó.