Ở Giữa Thanh Xuân Trống Rỗng là tên tiếng Việt của quyển The Rules Of Attraction bởi tác giả Bret Easton Ellis, hoàn thành vào năm 1987, dựng thành phim năm 2002. Ở Giữa Thanh Xuân Trống Rỗng viết về một mối tình luẩn quẩn giữa ba sinh viên trường nghệ thuật tại New Hampshire: Lauren, Sean và Paul. Tác phẩm là sự đan xen giữa những hạnh phúc nửa vời của các nhân vật và sự chua xót khi đón nhận cái thể loại hạnh phúc đấy.
Mình nghĩ tiêu đề Tiếng Việt là một cái nhìn rất mới, nhưng cũng rất thực tế về tác phẩm. Tiêu đề này khác xa so với bản gốc nhưng lại nhìn câu truyện một cách bao trùm, tóm gọn được nó. Bởi khi nhìn vào chính giữa của một thứ vốn đã trống rỗng, ta mong chờ sẽ thấy gì? 
Kết quả hình ảnh cho ở giữa thanh xuân trống rỗng

Năm 1987, niềm vui ở tất cả mọi nơi. Nhưng cũng đồng thời không ở đâu cả:
Tác giả mở đầu câu chuyện của mình bằng hình ảnh của một bữa tiệc, thứ quá đỗi thường thấy trên khuôn viên mỗi trường đại học tại Mỹ. Tại trường nghệ thuật Camden, đấy cũng không phải ngoại lệ. Những bữa tiệc mang tên “Thứ Năm Khát” ("Thirsty Thursday") tại Camden cũng đầy ắp màn say xỉn, phê pha, để mắt rồi gạ gẫm.
Poster của phim được chuyển thể
Với Sean Bateman, mỗi bữa tiệc như một cơ hội để anh tiếp cận những đối tượng lang chạ mới, cũng như để điểm mặt lại những chiến tích cũ của bản thân mình. Sean là con người của sự trác táng. Và rồi nó trở thành một thói quen, một thứ định hình anh ta. Tuy rằng đã trải qua vô kể những tình một đêm, Sean đang thực sự cảm thấy một tình yêu nồng cháy dành cho Lauren. Sean luôn để tâm đến cái “hương vương trên gối”, cái “chuyển động châm điếu thuốc” của Lauren, cái cách mà Lauren làm cho Sean ghen tức lên. Lauren đã đem đến cho Sean những cảm xúc lần đầu, những cảm xúc của người đang yêu.
Ngược lại, ở Paul Denton lại có một chút gì đó khinh khi với các bữa tiệc. Paul nhìn ra được sự vô nghĩa, phù phiếm của việc chè chén hay động chạm. Paul mang một bản tính điềm đạm hơn, tính cách của một con người đã từng kinh qua nhiều thứ tréo ngoe. Thứ Paul tìm kiếm là một điều bền vững, nhưng lại bị cái nội tâm đầy mâu thuẫn ngăn cho đạt được điều đó. Paul đã từng hẹn hò với Lauren, nhưng bây giờ lại thích Sean. Paul thích việc Sean “đi rất nhiều nơi”, có một gu nhạc lãng mạn, thích việc Sean mang vẻ “nông cạn như một thư kí đại lý du lịch”, một “dải lông mày nhăn lại bối rối”. Paul thích đến nỗi tự huyễn hoặc mình ra Sean cũng cảm thấy tương tự, đến mức không hiểu ra rằng Sean lại đang yêu Lauren.
Nhưng Lauren, cô lại không nghĩ gì nhiều đến Sean, hay cả chuyện tình với Paul. Người cô nghĩ về lúc này lại là Victor, người tình cũ của cô. Cô vẫn không ngừng nuôi hy vọng nhỏ nhoi rằng một ngày nào đó Victor sẽ trở về từ Châu Âu. Cô vẫn “bơi trong ấn tượng” rằng hai người vẫn còn yêu nhau. Lauren vẫn đều đặn viết thư cho Victor. Với Lauren thì Victor như một nỗi đau đẹp đẽ, đáng để hy sinh. Cô chỉ coi Sean như một sự tạm bợ, để sao nhãng mình khỏi mớ suy nghĩ về Victor. Chỉ tiếc rằng Victor lại đang mải mê chạy theo những vui thú ngoài kia, không mảy may nhớ đến Lauren.
Tất cả nhân vật đều đóng một vai trò, không ít thì nhiều, trong việc làm cho bức tranh đấy toát lên một màu sắc châm biếm lẫn đau đớn, đồng thời toả ra mùi của khói thuốc, bia rượu tràn, mồ hôi và nước mắt. 
Câu chuyện kết thúc bằng cái kết mở, đó là hình ảnh những con đường chạy về New York. Thành phố đấy sẽ là nơi những sinh viên này tiếp tục cuộc sống của mình, không có gì làm hành trang ngoài chính bản thân mình. Sean lại gặp một cô gái khác trên đường, Paul và Lauren lại tiếp tục cuộc truy tìm niềm tin đấy. Thứ đọng lại trong đầu người đọc là cái cảm giác của sự vô định, của một nỗi đau mà mỗi người bước vào sự trưởng thành phải kinh qua.
Vậy niềm vui không tồn tại chăng?
Toàn bộ vấn đề trong tác phẩm có thể được gói gọn trong một câu nói của Paul: “Tôi nhìn gã. Gã thích hắn. Hắn mê nàng. Tôi nghĩ nàng lại yêu ai đó khác, có lẽ là tôi. Thế thôi, chả có logic gì.”
Ba nhân vật chính đều rơi vào một tình cảnh giống nhau. Đó là thích người không thích mình. Đó là cố gắng hiểu người không hiểu mình. Họ cứ mắc kẹt như thế trong cái lưới tình trớ trêu này. Nhưng mỗi người lại mang một mảng màu tối khác nhau khi đối mặt với sự trống rỗng. Có thể tự thân họ biết rằng chính giữa của sự mãn nguyện (fulfillmentphải luôn có hành động lấp đầy (fill). Thế là họ luôn được vây quanh bởi vô vàn cách khác nhau để quên đi nỗi buồn, nào là rượu bia, cần sa, thuốc phiện, tình dục, thì họ vẫn luôn thấy có một cái gì đó không ổn, không đủ. 
Bao nhiêu lần ăn nằm như một thói quen của Sean đã biết hắn thành một cỗ máy chuyên dụng cho việc đấy. Hắn đến quán rượu, hắn thấy đối tượng, hắn mời rượu, hắn mời về nhà và hắn làm tình. Về lâu dài thì mọi thứ trở thành một cái vòng lặp mà cái tâm của nó là hư vô hoàn toàn. 
Bao nhiêu cuộc truy tìm “tình yêu bền vững” của Paul cũng dần dà biến anh thành một kẻ chai sạn. Anh đã va chạm quá nhiều để nhận một kết cục không tương xứng. Thứ mà Paul đang chạy theo cũng chỉ là một khái niệm mơ hồ, không cụ thể, cả về ngoại hình, tính cách, giới tính. Nó cứ như thể Paul chỉ có thể tưởng tượng ra một tương lai có bản thân và một người đã bị làm mờ khuôn mặt. 
Bao nhiêu lá thư không hồi âm mà Lauren đang mong chờ từ Victor cũng đặt cô vào một vị trí tương tự như Paul. Cô xem tình yêu của mình và Victor như cái đích tối hậu của đời mình, để rồi sẵn sàng bán rẻ, đặt cược những thứ khác để đạt được mộng tưởng đó. Mỗi người đều trải qua một dạng cảm khái tuy khác nhau nhưng đều đồng nghĩa với hai từ “trống rỗng”.
Sean (do James Van Der Beek đóng) và Paul (do Ian Somerhalder thủ vai), một cảnh trong phim cùng tên năm 2002
Bi kịch chung cuộc của cả ba người có thể được truy về câu nói mà Sean nói với Paul: “Không ai bao giờ có thể hiểu được ai khác cả. Chúng ta phải học cách chấp nhận nó thôi.”  Tác phẩm kết lại với mức độ viên mãn, hạnh phúc của các nhân vật bằng không. Cái tâm thế mãi mãi không hiểu nhau đó, cơn khủng hoảng trong quan hệ, sự bất định về bản thân và tương lai, đã là một nét đặc trưng của lớp sinh viên thời đó, cho đến ngay cả hiện tại. 
Bởi vốn dĩ họ đã quên mất rằng khoảng trống nội tâm chỉ có thể được lấp đầy bằng chính nội tâm người đó. 
Phong cách tác giả:
Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất từ đầu đến cuối, thay đổi góc nhìn liên tục. Nó thể hiện cái nhìn chủ quan, hướng nội của từng người trong cuộc. Có khi những điểm nhìn này đối chọi nhau về cùng một vấn đề. Tác phẩm còn là một sự pha trộn của nhiều giọng văn, nhiều loại cảm xúc. Có nhiều đoạn được viết như được trích ra từ một tác phẩm lãng mạn đương đại. (“Ý tưởng của em về địa ngục chỉ gói gọn trong việc bị khoá kín vào một căn phòng cách xa anh nhưng vẫn có thể trông thấy anh, ngửi thấy anh.”) Lại có đoạn được tạo nên từ những từ đơn và ngắt quãng, thứ cảm xúc đứt đoạn. (“Lại một tối thứ Sáu nữa. Nó mang hai chai bia Beck sang và ít cỏ. Tôi thích Judy. Tôi không thích mẹ. Lúc trước mẹ gọi điện. Sau bữa tối.”) Nhưng biểu hiện của sự chua cay trong tác phẩm nằm ở chỗ không một cảm xúc nào là đáng tôn vinh. Bởi tất cả đều xuất phát từ những kẻ bị ám ảnh với chính bản thân, mắc kẹt mãi trong cái vòng tròn bao quanh mình.
Nếu có thể dùng một từ để diễn tả cái cảm giác đó, thì đó sẽ không phải là Anger, Pain, Sorrow, Depression, mà phải là Angst. Angst là từ để chỉ cảm giác lo âu, sợ hãi nhưng bị dồn nén tới mức hoặc là người chịu đựng sẽ trở nên vô cùng cực đoan, hoặc là họ sẽ không trở thành gì cả.
The Scream - Edward Munch. Một tác phẩm đại diện cho cảm xúc được gán với từ Angst
Quyển sách vẫn là một đề tài gây tranh cãi bởi một phần độc giả không nhìn thấy giá trị hay bài học gì được đúc kết ra từ nó. Người ta nhìn nó như thứ văn chương u ám, không lối thoát. Nhưng một cách nghịch lý thì đó lại chính là giá trị cốt lõi của truyện. Và văn phong của Bret Easton Ellis cũng đặc trưng ở chỗ đấy. Nó chỉ có thể đóng vai trò là một sự đồng cảm, chứ không là một giải pháp, cho những lúc lạc lõng của mỗi người. Có lẽ Ellis muốn ám chỉ rằng nó đã trở thành một thứ không thể tránh khỏi, và mỗi người chỉ có thể học cách hoà nó vào trong cuộc sống mà thôi.
Khi người đọc gấp lại quyển sách này, chính họ cũng sẽ phát hiện ra một sự trống rỗng đã, đang và sẽ ngự trong lòng mình. Dù là năm nào đi nữa thì cái cảm giác của năm 1987 đấy nó vẫn có thể nằm im đau đáu trong lòng. Thế rồi một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra nó sẽ là một phần tất yếu của mỗi quãng đời, và học cách chấp nhận nó thôi.
P/s: Bài review thứ 4 của mình. Mong được mọi người góp ý <'3