Bạn có thể tìm thấy một chiếc link Youtube bé xink ở cuối bài ^^
Hội chứng về nhà được nhắc đến trong cuốn “Hai mặt của gia đình”, tác gia Choi KwangHuyn. Ông là Trưởng khoa Khoa Tham vấn Gia đình, Đại học Hansei. Đây là tác giả Hàn Quốc thứ hai mà mình đọc. Không biết do khả năng dịch thuật hay do văn phong mà sách của họ có lối viết khá dễ hiểu và cách tiếp cận vấn đề rất gần gũi. “Hai mặt của gia đình” nói đến các tổn thương của đứa trẻ trong mỗi người lớn. Nghĩa là, dù bạn 20, 30, 40 thì bạn vẫn có những tổn thương đã hằn sâu từ ngày còn là một đứa trẻ bé tẹo 3 tuổi, 5 tuổi hay lớn tướng lúc 15 tuổi. “Hai mặt của gia đình” sẽ hơi lan man nếu trước giờ bạn không thấy mình đau buồn gì trong tâm trí=)))). Nhưng cũng sẽ thật hữu ích, thấy đồng cảm nếu bạn gặp, dù ít dù nhiều, những vấn đề trong cuộc sống.
Hội chứng về nhà là gì? Hội chứng xảy ra khi chúng ta lựa chọn bạn đời giống với phụ huynh của mình. Con gái thì chọn chồng giống ba, con trai thì chọn vợ giống mẹ. Và bằng một cách nào đó chúng ta lặp lại y chang cuộc hôn nhân của ba mẹ năm xưa. Hoặc là lặp lại một phần. Hoặc là lặp lại toàn bộ kể cả kết cục. Vậy là lựa chọn của chúng ta đưa ta “trở về nhà”.
Một số trường hợp điển hình “hội chứng về nhà” được trích dẫn trong cuốn sách cũng là các trường hợp mà tác giả tư vấn tâm lý:
- Trường hợp đầu tiên: Cô gái có một người ba tài giỏi, đào hoa nhưng lại ngoại tình. Vì thế mẹ cô rất cô đơn trong cuộc hôn nhân. Khi lớn lên, cô quyết định bỏ qua tất cả các chàng trai cực phẩm để lựa chọn một chàng trai vô cùng bình thường. Kiểu như không nhan sắc, không sự nghiệp đỉnh cao, không giỏi ăn nói. Kết cục là người đàn ông bình thường bằng cách nào đó đã lại ngoại tình giống ba cô.
- Trường hợp thứ hai: Vợ tác giả sinh trưởng trong một gia đình mà mẹ cô là trụ cột chính đồng thời cũng quyết định tất cả mọi việc trong nhà. Ba cô dường như là một người khá yếu đuối và không có tiếng nói nào cả. Và lý do vợ tác giả lựa chọn ông là vì ông có dáng vẻ cô đơn, cần được bảo vệ, khá giống với ba cô.
Trong 2 trường hợp trên, cô gái đầu tiên không thấy tác giả nhắc đến kết quả của cuộc hôn nhân. Trường hợp hai, mình sẽ đọc lại nguyên văn một đoạn mà tác giả đã viết: “Sự vô thức muốn tái hiện gia đình thuở nhỏ đã khiến vợ tôi chọn tôi làm người bạn đời, thế nhưng sau khi kết hôn, cô ấy đã có đủ dũng cảm để thừa nhận sự thật rằng không nên xây dựng một mối quan hệ như bố mẹ vợ. Vợ tôi đã thoát khỏi “hội chứng về nhà”. Đây có lẽ là một kết cục tốt đẹp, phải không các bạn?
Thú thực mà nói hội chứng về nhà này khiến mình suy nghĩ khá nhiều. Trong thực tế, mình chứng kiến hội chứng này diễn ra xung quanh. Đối với bạn bè, là người thân, v.v… Và đương nhiên không phải cuộc hôn nhân nào có “hội chứng về nhà” đều kết thúc tốt đẹp. Tác giả có nói lựa chọn của chúng ta lặp lại chẳng qua là vì chúng ta muốn sửa sai. Đúng vậy, chúng ta không muốn đi vào con đường mà ba mẹ đã đi vào. Chúng ta muốn sống khác. Tuy nhiên, kết quả đôi khi vẫn là như vậy. Nhưng kết quả vẫn như vậy thì tốt hay xấu?
Mình cũng không rõ. Đã kết hôn bao giờ đâu mà biết, he he. Nhưng mình biết một điều. Những thứ lặp lại là để bản thân chúng ta học những bài học của sự trưởng thành, hành xử khác đi và không rơi vào vòng luẩn quẩn đó nữa. Vậy thì phải chăng ta nên thay đổi cách nhìn của bản thân cũng như cách đối mặt, giải quyết trước cùng một vấn đề?