Cha mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng có chủ đích vào con cái
Gần đây có một vụ việc về người con gái đánh đập mẹ già ở tỉnh Long An gây phẫn nộ trong dư luận. Tôi ngay lập tức chú ý đến bối cảnh trong đoạn clip ngắn này là một căn nhà tồi tàn với những bức tường gạch còn không được sơn cho tươm tất, ở ngay trước mắt chúng ta là một dãy bàn kê đủ thứ nồi niêu xoong chảo dành cho việc nấu nướng. Bên dưới bàn cũng để đủ thứ vật dụng nhà bếp, bên phải kê một chiếc giường gỗ, đây là nơi ngủ nghỉ của người mẹ già và cũng là “nơi” diễn ra hành động bạo hành của người con gái. Hành vi tàn bạo của người này giống như cách cô ta đối xử với một con vật bị hắt hủi vậy. Tuy nhiên chúng ta thường chỉ nhìn nhận sự việc theo hướng một chiều là lên án về sự bất hiếu của người phụ nữ mà ít khi nhìn về một khía cạnh các của sự việc: Đâu là nguyên nhân sâu xa khiến cho cô ta hành xử như vậy?
Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày ?
Những chuyện con cái ngược đãi cha mẹ già vốn không hề hiếm ở Việt Nam, trước đây đã có rất nhiều clip ghi lại cảnh một người con đánh đập người cha hoặc người mẹ già yếu đã không còn khả năng kháng cự. Điều mà tôi lưu ý ở các vụ việc như thế chính là bối cảnh diễn ra của nó: Những ngôi nhà tồi tàn lụp xụp. Mặc dù dư luận xã hội cố gắng né tránh điều này mà chỉ tập trung lên án sự bất hiếu của người con và nại ra câu nói muôn thuở: “Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” đã trở nên quá sáo mòn, nhưng rõ ràng cái bối cảnh nghèo nàn ấy chính là nguyên nhân cho thảm cảnh này.
Bạn sẽ khó tìm thấy một cảnh ngược đãi cha mẹ già kiểu đó ở một gia đình khá giả hoặc giàu có, bởi vì đơn giản là với một điều kiện kinh tế ổn thì người ta thừa sức chăm lo cho cha mẹ đang nằm liệt giường, nếu không làm được thì thuê người chăm sóc, dù có thể là họ sẽ cảm thấy lạnh lẽo khi không được đích thân con cái săn sóc nhưng ít ra thì họ vẫn được đảm bảo về các nhu cầu vật chất. Hơn nữa ở trong các gia đình như vậy, người ta thường có ý thức giữ sức khỏe tốt hơn nên ít khi làm phiền con cháu. Biết giữ gìn sức khỏe của mình cũng là một loại trách nhiệm với người thân. 
Chuyện này liên quan tới rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp chứ không chỉ đơn giản là chuyện “bất hiếu” hay “có hiếu”. Khi quan sát một số đoạn clip như vậy, tôi bắt đầu liên tưởng đến quá khứ cách đây hàng chục năm của những ông bà cụ bị ngược đãi ấy, và chúng ta có thể khẳng định được điều gì? Chắc chắn là họ cũng chẳng tốt đẹp gì hơn là người con đang đánh đập họ bây giờ, hay nói đơn giản là nhân nào quả nấy. Chúng ta có dám chắc là bà cụ ấy thời còn trẻ đã hết mực yêu thương con gái mình không? Hay có chắc là bà đã luôn cho con mình một cuộc sống no đủ, không thiếu thốn? Hay có chắc là bà đã hết lòng giáo dục con mình trở thành người tử tế? Nhắm mắt chúng ta cũng biết câu trả lời là zero. Bà đã không cho con mình cuộc sống no đủ và bà cũng không giáo dục con mình cho tốt, thậm chí có lẽ bà đã đánh đập con mình khi nó còn nhỏ. Tất cả những gì bà đã làm là sinh con ra theo quán tính, nghĩa là đến tuổi x thì phải có chồng, đến tuổi y thì phải có con, rồi đến tuổi z thì thúc giục con mình có cháu, với mục đích là về già có con cháu phụng dưỡng. Quả thật bà được con nuôi, nhưng đáng tiếc là cái sự phụng dưỡng mà bà gặt được không được hay ho gì cho lắm. 
Như vậy khi xét cái câu chúng ta hay lôi ra: "Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày", thì mệnh đề đầu tiên của câu này đã không đúng, cha mẹ nuôi con theo bản năng, theo kiểu thích thì đẻ, bắt con sống trong đói nghèo chứ không có bể hồ lai láng gì cả. Cho nên bắt buộc đứa con sau này phải tính tháng tính ngày khi nuôi cha mẹ thôi, nhân nào quả nấy. Nếu nó không tính, ắt phải gần hàng thánh nhân rồi. Còn trong trường hợp họ nuôi con bể hồ lai láng thật, cho con một cuộc sống đủ đầy, giáo dục con cái đúng đắn, thì những đứa con cũng ít có xu hướng tính toán khi phụng dưỡng cha mẹ. Mà chúng cũng đâu cần phải tính toán gì nhiều, vì những người cha người mẹ có kinh tế tốt, có trách nhiệm thì về già họ cũng tự chủ ít phải phiền đến con cái. Những người già tự chủ cộng với những đứa con tử tế, đó mới chính là đạo lý ở đời. Cái này tôi gọi đó là lợi ích kép, chứ còn bắt con sống nghèo khổ, không biết dạy con mà đòi sau này chúng có hiếu thì chỉ là chuyện viễn tưởng, đây là thiệt hại kép. Cho nên câu nói dạy đời ở trên về căn bản là sai bét. Tôi sẽ sửa lại câu này như sau: "Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi cha mẹ BẤT KỂ tháng kể ngày, VÀ NGƯỢC LẠI".
Người phụ nữ ngược đãi mẹ mình ấy chắc hẳn đã phải làm công việc chăm sóc người mẹ bệnh tật trong một thời gian dài, ban đầu ngày một ngày hai thì còn chịu đựng được, có khi còn vui vẻ nữa nhưng nếu quá trình ấy kéo dài hàng tháng rồi hàng chục năm trời thì không ai trong chúng ta dám chắc rằng mình còn giữ được sự điềm tĩnh mỗi khi đối mặt với bệnh hình hay trái gió trở trời của người già, hay đổ bô, lau dọn chất thải, đút ăn, dỗ dành, v.v… Ban đầu đâu có ai khen ngợi người phụ nữ vì đã bỏ công chăm sóc mẹ già, nhưng khi mọi sự chịu đựng đã vượt quá giới hạn, và nó đã bùng nổ khi cô quát tháo và đánh đập bà thì cô trở thành đối tượng bị xã hội nguyền rủa.
Cốt lõi của vấn đề chính là điều kiện kinh tế
Trong bối cảnh người già của VN không hề có hỗ trợ gì khi về già, dăm ba người thì có được khoản tiền hưu còm cõi không đủ mua thuốc uống, đó là chưa kể sức khỏe của họ bị bào mòn đến kiệt quệ do tuổi trẻ lao động quần quật để sinh tồn thì mọi gánh nặng để nuôi dưỡng họ đều trút lên đầu người trẻ. Với những ai giỏi kiếm tiền, có thể chăm lo tận răng cho cha mẹ thì không nói, còn những người gặp khó trong sự nghiệp, không đủ nuôi được bản thân thì lấy gì để chăm lo cha mẹ? Hậu quả nhãn tiền là bao nhiêu sự bức bối, sự đau khổ mà họ phải gánh trong cuộc sống mưu sinh đều chực chờ để một ngày nào đó trút lên đầu cha mẹ già, và trút lên những đứa con của họ nữa. Nó trút xuống không phải trong ngày một ngày hai mà bởi sự kiềm chế của họ, nó chỉ bộc phát sau nhiều năm.
Đó là cái nguyên nhân về mặt xã hội, còn cái nguyên nhân từ chính những ông bà cụ ấy chúng ta đã thấy: Sinh con đẻ cái theo quán tính + bỏ con cái lăn lóc trong đói nghèo + giáo dục con tệ hại là cái combo khiến cho họ gánh chịu hậu quả bị ngược đãi ngày hôm nay. Tất nhiên vẫn có những người hết mực hiếu thuận với cha mẹ bất kể tuổi thơ của họ có bất hạnh ra sao, điều này thật đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta sẽ tự hỏi trong xã hội có được bao nhiêu người như thế? Và cũng không ai dám chắc sự hiếu thuận ấy vẫn có thể giữ vững qua hàng chục năm trời.
Có con là một quyết định quan trọng trong cuộc đời, vì vậy khi chưa đảm bảo đầy đủ về kinh tế và chuẩn bị đầy đủ năng lực chăm sóc, giáo dục con cái thì không nên có con. Điều đáng buồn là tôi đã thấy rất nhiều gia đình sống trong túng thiếu nhưng đẻ tới ba bốn mặt con, họ chở nhau trên một chiếc xe máy cũ làm tôi cám cảnh cho gia đình của họ. Việc sinh ra một đứa trẻ trong túng quẫn là một điều thất đức, không biết cách giáo dục đứa trẻ trở thành người tử tế là điều thất đức thứ hai. Những người sinh con ra trong nghèo đói đang tạo ra một thế hệ bất hạnh trong tương lai cũng như đang gián tiếp biến họ thành nạn nhân của sự ngược đãi khi về già. Người ta có thể tự huyễn hoặc mình rằng rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn cho con cái mình, nhưng họ quên rằng hầu hết các trường hợp thành công đều là xuất thân từ một gia đình có nền móng kinh tế vững chắc ngay từ đầu, chứ nhà nghèo vượt khó chỉ là thiểu số. Tương lai đen tối này đã được thấy trước nhưng người ta vẫn thi nhau dấn thân vào một canh bạc đầy may rủi.
Nhiều cha mẹ sinh con ra rồi bắt đầu than vãn về chuyện lấy tiền đâu đóng học phí, khi con đòi mua đồ chơi thì ca thán bài ca “con phải biết ba mẹ rất khổ sở để kiếm tiền”, vậy họ sinh con ra để làm gì khi không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu đó của nó? Trái lại họ còn đặt thêm gánh nặng tâm lý và vật chất lên vai đứa con, luôn khiến nó cảm thấy như mình là kẻ có lỗi. Không hiếm những trường nhiều người mang danh cha mẹ đã biến con cái thành công cụ đi ăn xin, thỏa sức chửi mắng đánh đập, thật đáng ngạc nhiên nếu như sau này những đứa trẻ bị chăn dắt ấy vẫn đối xử tốt với cha mẹ chúng. Rõ ràng những người có điều kiện kinh yếu yếu kém không nên có con cái.
Bạn hãy tin tôi đi, những bậc cha mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng 3 thứ: vật chất, thể chấtkỹ năng nuôi dạy sẽ không bao giờ phải gặt hái những đứa con bất trị trong tương lai, nếu có chăng thì chỉ là những trường hợp hết sức cá biệt. Còn trong thực tế tôi thấy rằng phải có đến hơn 90% người VN hiện nay không hề chuẩn bị gì về 3 thứ này: Nghèo khó cộng với thể chất yếu đuối nhiều khi mang thai đã khó thì lấy sức đâu cho con bú, thức khuya để dỗ con? Những người cha thì rượu chè hàng đêm, tay lăm lăm điếu thuốc thì làm sao có thể chất? Còn kỹ năng nuôi dạy là con số không to tướng, hoặc giả thứ "kỹ năng" nuôi dạy mà họ có chỉ là những câu quát tháo thường gặp và một mớ lời răn dạy con nít sáo rỗng nhưng sai bét trong thực tế. Kỹ năng ở đây không chỉ là lời hay ý đẹp mà còn là cách sống, lối sống thực sự tốt giống như những gì người ta dạy trẻ. Hay nói cách khác, để quyết định sinh con, thì trước đó người ta phải thay đổi chính mình, biến mình thành một mẫu mực chứ không phải thích thì đẻ. Với tình hình tệ như vậy, thì chúng ta phải thấy những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên hiện nay đã hết sức cố gắng và kìm chế để không trở nên giống như người phụ nữ trong clip. Cô ta cũng đã cố gắng kìm chế mọi sự ức chế trong suốt một quá trình dài, và những gì diễn ra trong clip chỉ là giọt nước tràn ly.
Vì vậy, hai nguyên nhân chính là xã hội thiếu sự hỗ trợ cho người già và việc sinh đẻ bất chấp điều kiện kinh tế cho phép là nguồn cơn cho sự bạo hành người già, nhưng tại sao người ta lại phải sinh đẻ bất chấp điều kiện kinh tế? Là bởi vì xã hội không hỗ trợ cho người già nên người ta lo sợ tương lai già cả không ai nuôi nên phải sinh con. Đó là cái vòng luẩn quẩn không có hồi kết tạo nên mọi thảm kịch.
Hung Le