Xin một phút trải lòng rằng tôi định viết bài này như một bài phản biện bài "Lịch Sử Ở Việt Nam Đang Được Giảng Dạy Như Một Tôn Giáo" của bạn Huskywannafly.
Nhưng mà sau khi xem xét nội dung thì tôi nghĩ bài của tôi chỉ như một bài viết nêu lên quan điểm của bản thân về các thực trạng vấn đề của Giáo dục Việt Nam hơn là một bài phản biện. Lưu ý là nền giáo dục tôi nói đến trong bài này là nền giáo dục bậc phổ thông trở xuống thôi nhé.
Đầu tiên, tôi muốn tóm gọn lại một vài ý trong bài của bạn Huskywannafly mà tôi sẽ đả động đến. Một, đó là môn Lịch Sử tại Việt Nam không dạy theo cách hiệu quả, làm hạn chế khả năng tiếp thu và mở rộng kiến thức, không thể ứng dụng vào thực tế, đồng thời tiêu diệt hứng thú của học sinh. Vì bạn ấy không nói rõ nên tôi tạm cho rằng bạn ấy đang nói đến môn Lịch Sử ở các bậc Phổ thông trở xuống. Hai, đó là lý do của việc dạy Lịch Sử theo kiểu đấy là do chính quyền dùng môn Lịch Sử như một công cụ củng cố uy tín và sức mạnh của chính phủ và thể chế cầm quyền. Ba, chính là cần dạy Lịch Sử theo cách mới, từ bỏ lối học vẹt nhồi sọ, tăng cường tư duy, khám phá và chấp nhận những lối suy nghĩ khác biệt.

Vấn đề của môn Lịch Sử hay vấn đề của cả nền giáo dục?

Như đã nói, môn Lịch Sử (các bậc dưới Đại học) hiện tại ở Việt Nam không được dạy theo cách tốt nhất để học. Điều này dẫn đến các thực trạng rất nhức nhối như: + Học đối phó, học vẹt, chỉ biết kiến thức chứ không thấu hiểu. + Gian lận thi cử: phao thi, quay cóp, "trợ giúp từ người thân",... + Không cảm thấy nội dung học có liên hệ với thực tế. + Không tạo được hứng thú cho người học.
Nhưng mà, nếu bây giờ tôi đổi tên môn Lịch Sử thành bất kỳ môn học nào khác, như Toán, Hóa, Sinh, Lý, Địa hay thậm chí là Tin học, thì những thực trạng nhức nhối kể trên cũng vẫn tương tự không thay đổi. Vậy thì có khả năng rằng các vấn đề đó không phải chỉ của mỗi môn Lịch Sử mà là của cả nền giáo dục.
Mà theo góc nhìn nhận của tôi thì các vấn đề của nền giáo dục đa phần do các nguyên nhân nội tại của nó hơn là ảnh hưởng từ chính phủ. Vì thật tình thì tôi cũng chưa biết chính phủ định dùng môn Hóa Học để củng cố uy tín và sức mạnh của mình thế nào luôn mà nó vẫn xuất hiện đủ các vấn đề như môn Lịch Sử đấy thôi. Ai biết thì cho tôi biết cùng với nhé. ^^
Có phải chỉ mỗi Lịch Sử đâu mà Hóa Học cũng khó nhằn vô cùng.
Có phải chỉ mỗi Lịch Sử đâu mà Hóa Học cũng khó nhằn vô cùng.
Vậy thì, nếu các vấn đề của môn Lịch Sử nói riêng và cả nền giáo dục nói chung là do lối dạy và học không hiệu quả thì liệu chúng ta có thể thay đổi bằng cách áp dụng các phương pháp dạy và học tân tiến hơn như bạn Huskywannafly đã nói hay không? Tạm thời thì theo tôi là không, hoặc ít nhất là không thể áp dụng trên toàn bộ nền giáo dục phổ thông được.

Giáo dục và bài học vẽ trứng

Có chuyện kể rằng, Leonardo đã được cha mình mời Verrocchio về dạy vẽ và người thầy này chỉ giao cho ông mỗi bài tập là vẽ trứng gà. Sau một thời gian vẽ, Leonardo chán nản muốn từ bỏ thì được Verrocchio chỉ bảo rằng :
Vẽ trứng không hề đơn giả, trong 1000 quả cũng không thể tìm ra 2 quả giống hoàn toàn. Thậm chí với một quả trứng, ở những góc độ khác nhau, chúng cũng sẽ trông khác nhau.
Leonardo sau khi nghe mới nhận ra ý nghĩa của bài luyện tập vẽ trứng. Sau đó, nhờ khổ công tập luyện vẽ trứng, ông đã nắm vững cảm quan của mình về mọi vật mà vẽ nên những kiệt tác để đời
Sidejoke: Leonardo, vẽ trứng và Mona Lisa ^^
Sidejoke: Leonardo, vẽ trứng và Mona Lisa ^^
Thực hư câu chuyện vẽ trứng của Leonardo ra sao thì tôi chưa rõ nhưng cách dạy vẽ trứng này rất hay đúng không?
KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG và KHÔNG.
Cái quan trọng tôi viết 4 lần nhé. Cách dạy này không hề hay chút nào càng không thể áp dụng vào giáo dục phổ thông. Sở dĩ Leonardo có thể học được theo cách này bởi đấy là Leonardo, một thiên tài mỹ thuật lại rất ham thích vẽ. Tức là vừa có tài năng lại có đam mê. Hãy thử đổi Leonardo với một người có tài năng và hứng thú vẽ tranh ở mức độ trung bình thì cách dạy này sẽ trở thành vô dụng. Với những người mà tài năng mỹ thuật thuộc dạng chạm tầng đáy như tôi thì cách học này đến muôn kiếp cũng không có tác dụng, vì tôi không có đủ khả năng lẫn sự kiên nhẫn cho nó. Đổi lại, tôi lại hứng thú nhiều với lập trình và sẵn sàng bỏ cả vài giờ để đọc rồi thực nghiệm một nội dung so sánh tại sao nên code theo cách A thay vì cách B ngắn hơn dù chúng giải quyết cùng một vấn đề.
Tóm lại, ý của tôi là mỗi người chúng ta là khác biệt nhau về tài năng và hứng thú. Cách dạy bằng cách tự tìm hiểu, trải nghiệm và suy ngẫm chỉ phù hợp với những người có tài năng và hứng thú với bộ môn đó mà thôi. Với những người không có, đây chỉ là một hình thức lãng phí thời gian và công sức của cả họ lẫn người dạy.
Quay lại việc giáo dục và cùng đối diện với thực tế, chúng ta phải thừa nhận rằng khá nhiều người có khả năng ghi nhớ và tư duy logic không tốt. Nói một cách vui vẻ thì là "Một nửa dân số có IQ dưới mức trung bình". Bị ép làm những thứ không có kết quả sẽ chỉ khiến ta thêm nản lòng. Phải học những thứ mà chúng ta không có khả năng học tốt thì chỉ khiến ta thêm chán học dù là học theo cách nào đi nữa. Học vào được hay không phụ thuộc một bộ phận không nhỏ vào khả năng của người học. Đổi mới cách dạy thì sẽ chẳng hiệu quả gì nếu khả năng của người học vẫn vậy.
Không cần nói đâu xa chính bản thân tôi đã trải nghiệm không ít khi cố gắng dạy cho các bạn học của mình hồi cấp 3. Tôi còn nhớ tôi đã dạy bạn mình công thức tính vận tốc như sau:
Vận tốc là đại lượng chỉ sự biến thiên của khoảng cách theo thời gian. Chính vì vậy, vận tốc chính là đạo hàm của hàm số khoảng cách theo thời gian. Tức là, v=s'(t).
Khá dễ hiểu nhỉ? Hoặc ít nhất là tôi thấy thế vì tôi có tài năng trong mảng này mà. Nhưng bạn tôi thì không. Họ không hiểu dù tôi đã nỗ lực giải thích rất nhiều. Cuối cùng, vì bạn tôi đã quá mệt mỏi và tôi cũng nhận ra họ rất khó lòng hiểu được nên tôi bảo họ cứ nhớ đơn giản v=s/t là được rồi.
Lưu ý nhé, tôi không hề đổ lỗi cho người học vì họ học không tốt. Tôi chỉ muốn nói rằng: Không phải ai cũng là thiên tài. Và nền giáo dục phải tương thích với người học chứ không phải ngược lại. Cách dạy vẽ trứng sẽ diệt hứng thú học hỏi ở những người không có tài năng nhanh hơn rất nhiều cách dạy vẽ thông thường. Mà trong xã hội thì những người không có tài năng gì thường là đa số.
Một lần nữa thôi, không phải ai cũng là thiên tài với đam mê bất diệt.

Giáo dục và cuộc hành quân triệu người

Ở phần trên tôi trình bày tương quan giữa loại hình giáo dục tân tiến với khả năng của người học. Nhưng đó chưa phải là rào cản duy nhất để đưa loại giáo dục tân tiến vào thực tế. Bên cạnh đó còn có định hướng chung của cả nền giáo dục nữa.
Thực tế, ta thấy rằng bất cứ việc gì dễ dàng thực hiện với 1 người cũng sẽ trở nên khó khăn khi tăng số người tham gia. Hãy xem giáo dục như một cuộc hành quân đi từ điểm A (không kiến thức) đến điểm B (có kiến thức). Cuộc hành trình này có 2 con đường: đường quốc lộ và đường rừng.
Đường quốc lộ tượng trưng cho lối dạy học cũ, là con đường được tráng nhựa, thẳng băng xuyên qua đồng bằng từ A đến B, đi nhanh, không vất vả nhưng ít trải nghiệm. Đường rừng thì tượng trưng cho cách học tân tiến, là con đường đất đi xuyên núi, có chút quanh co khúc khuỷu nhưng cảnh đẹp và cho người đi nhiều trải nghiệm thú vị (có khi còn là nhớ đời nữa).
Đường rừng có đẹp nhưng không dễ đi.
Đường rừng có đẹp nhưng không dễ đi.
Với 2 con đường trên, thoại nhìn đi đường rừng sẽ rất hay, không chỉ giàu tính trải nghiệm mà còn có thể học được nhiều kỹ năng đi đường hữu ích để sau này có thể sử dụng. Nhưng đó là vì bạn có thể đi nổi mà thôi. Còn nếu bạn không thể đi nổi thì đây không phải là một cuộc hành trình mà là một cuộc hành xác.
Đổi sang nhìn nhận từ góc độ của những người quản lý giáo dục thì con đường rừng là một hồi ác mộng thực sự. Thử tưởng tượng bạn dẫn một nhóm 100 người đi đường rừng xem. 10 đứa trong nhóm không có khả năng định hướng và có nguy cơ đi lạc. Bạn thì không thể ở bên cạnh chỉ dẫn mọi lúc cho chúng. Lỡ mấy đứa đó đi lạc mất tích thì bạn tính làm gì? Xem đó như rủi ro không mong muốn rồi quên đi hay sao? Lại nói nếu có 10 đứa khác không đủ sức leo núi thì bạn định bỏ tụi nó lại hay là kêu cả đoàn chờ? Dù là cách nào cũng vẫn không hợp lý.
Các vấn đề trên là mới chỉ với 100 người thôi nhé. Hãy thử nhân lên thành 1 ngàn người, 10 ngàn người, 100 ngàn người hay 1 triệu người xem. Mọi vấn đề lập tức tăng nhanh theo cấp số mũ ngay.
Đấy là lý do tại sao nền giáo dục phổ thông chọn con đường quốc lộ làm lộ trình, vì nó đảm bảo đa phần học sinh sẽ đến được điểm B (có kiến thức) dù khả năng của họ tốt hay tệ. Tức là, nó hướng đến một nền giáo dục công bằng cho tất cả. Tất nhiên, như vậy nền giáo dục cũng sẽ đè nén nhưng người có tài năng. Nhưng đành vậy rồi từ từ tháo gỡ gút mắc đó. Làm ngược lại chỉ càng khoét sâu vào sự bất công trong năng lực học hành mà tự nhiên đã ban cho mỗi người thôi.

Giáo dục và chạy đua với Usain Bolt

"Chạy nhanh hơn Usain Bolt thì bạn sẽ trở thành người nhanh nhất thế giới." Cái đấy thì tôi biết rồi. Tôi chỉ chưa biết làm điều đó như thế nào thôi.
"Nói" bao giờ cũng dễ hơn "làm". "Làm" bị giới hạn bởi bởi các khả năng thực tế.
"Nói" bao giờ cũng dễ hơn "làm". "Làm" bị giới hạn bởi bởi các khả năng thực tế.
Trước khi lập một kế hoạch bất kỳ bạn cần đánh giá được khả năng thực thi nó. Vì bất cứ ai cũng có giới hạn. Bất cứ kế hoặch nào có yêu cầu thực hiện nằm ngoài khả năng đều là vô lý và chỉ mang tính chất tham khảo. Tương tự, nếu bất cứ ai muốn áp dụng hình thức giáo dục tân tiến vào toàn bộ nền giáo dục phổ thông thì cần phải cân nhắc xem Việt Nam có thể thực hiện được nó không đã. Tức là phải cân đo đong đếm các giới hạn của con người - xã hội và các yêu cầu của kế hoạch để xem chúng có phù hợp với nhau không.
Nhìn chung thì tôi nhận xét là KHÔNG.

1) Giới hạn "chi phí khả thi"

Đầu tiên sẽ luôn là "Tiền đâu?". Bất cứ phương pháp, dự thảo, kế hoạch, điều luật nào cũng cần tiền để đi vào thực tế. Phương pháp giáo dục tân tiến không hề ngoại lệ. Loại hình giáo dục tân tiến phức tạp hơn nên sẽ yêu cầu nhiều hơn như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý chất lượng giáo dục,...
Mỗi một thứ đều là tiền. Trong khi đó, với nền giáo dục tối giản hiện tại thì chi phí giáo dục đã là một gánh nặng kinh tế với nhiều gia đình. Song song với đó, nhà nước ngoài chi tiêu cho giáo dục còn phải lo quốc phòng, xây cơ sở hạ tầng, y tế và trị an,...
Thực tế là nước ta còn chưa giàu, mọi khoản chi phí đều phải cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nên phàn nào đó tôi cảm thấy rằng giáo dục tân tiến nằm ngoài khả năng chi trả để có thể đưa vào thực tế.
Chỉ với giáo dục cơ bản hiện tại thì tiền đã là một vấn đề to bự rồi.
Chỉ với giáo dục cơ bản hiện tại thì tiền đã là một vấn đề to bự rồi.

2) Giới hạn "năng lực giảng dạy"

Khách quan thì năng lực giảng dạy trung bình của đội ngũ giáo viên từ bậc phổ thông trở xuống là không tốt. Tôi không có số liệu thống kê nhưng cảm nhận được rằng cao nhất chỉ có thể xem là "khá" chứ khó mà xem là "tốt" được, "xuất sắc" thì càng ngoài tầm. Mà loại hình giáo dục tân tiến kể trên sẽ rất cần đội ngũ giáo viên chất lượng.
Trong thực tế, để có đội ngũ giảng dạy đáp ứng yếu cầu thì nhanh nhất cần 10 năm chậm thì là vô định. Và nó đồng thời cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí. Điều mà như đoạn trên tôi đã trình bày rằng chúng ta hiện tại đang không có.

3) Giới hạn "thời gian dạy - học"

Hiện tại, học sinh bậc phổ thông đang học 8 môn cơ bản như Toán, Văn, Anh, Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa. Kiến thức chỉ là học thuộc rồi áp dụng theo mẫu từ những gì đã được tóm tắt. Dù vậy, bài ca "quá tải" vẫn được hát đều mỗi năm.
Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển tất cả sang học bằng hình thức tự nghiên cứu, viết luận và trình bày kiến thức theo góc nhìn cá nhân vì sẽ phù hợp với học sinh hơn. Ha ha. Phải thừa nhận là câu đùa trên khá hay, tôi sẽ giữ nó cho riêng mình.
Ngưng đùa và quay lại thực tế lần nữa, có vẻ bạn Huskywannafly quên mất số môn học sinh Việt Nam đang học. Nếu cứ chuyển sang cách học tân tiến này thì bọn trẻ sẽ không có đủ thời gian để học và nghiên cứu chứ đừng nói đến ăn uống, ngủ nghỉ. Chúng ta không cần thêm vấn nạn "tự vẫn vì áp lực học hành" vào bộ vấn nạn giáo dục hiện tại đâu. Tôi thích Nhật Bản và Hàn Quốc thật nhưng không muốn đi theo vết xe đổ của họ tí nào. Cái gì hay thì hãy lấy chứ.

Nhìn chung toàn cảnh giáo dục phổ thông Việt Nam hiện nay

Nhìn vào nền giáo dục "nhồi sọ" đang được áp dụng thì nó cứ bị chê bai bởi các khuyết điểm, những ưu điểm lại thường bị mọi người bỏ qua như: + Dễ dàng thực hiện với chi phí tối thiểu và đội ngũ nhân lực hiện tại + Công bằng, áp dụng được với mọi học sinh dù là những người có khả năng và hứng thú học tập thấp + Đảm bảo rằng tất cả mọi học sinh đạt được mức kiến thức "chấp nhận được" trước khi bước vào đời + Giới thiệu các môn học khác nhau ở mức tối thiểu để các học sinh có thể theo đuổi nếu có tài năng và đam mê
Tức là, giáo dục hiện tại hướng đến những thứ "cơ bản" nhất. Tất nhiên, với những học sinh có tài năng và đam mê thì đây sẽ là lối giáo dục gò bó. Để khắc phục, nền Giáo dục Việt Nam đã áp dụng lối giáo dục tân tiến ở một số trường lớp (trường chuyên, lớp chọn) hoặc các cấp độ giáo dục cao hơn Phổ thông (Cao đẳng, Đại học, Nghiên cứu,...). Trong lúc đó, cho đến khi những vấn đề bên trên được giải quyết, tôi tin rằng lối giáo dục kiểu cũ vẫn sẽ gắn chặt với nền giáo dục phổ thông cơ bản thôi.
Ngoài lề một tí, nếu bạn Huskywannafly muốn chọn môn học mà chính phủ đang dạy như một tôn giáo thì đó nên là môn Triết học.
Ngoài lề hai tí, tôi khá buồn khi không được tiếp tục học Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp 3 nhưng biết làm sao được? Chương trình học của Cấp 3 đã quá nặng rồi :<
Cảm ơn mọi người đã đọc