Học hai ngôn ngữ Hàn - Trung, mình thấy gì về người Trung Quốc? Người Hàn Quốc?
Trên thế giới có hai kiểu người, đó là người tốt và người Tàu. Đấy là mình nghe người khác nói thế, còn mình thì xin khẳng định một...
Trên thế giới có hai kiểu người, đó là người tốt và người Tàu. Đấy là mình nghe người khác nói thế, còn mình thì xin khẳng định một câu chắc nịch và đầy trải nghiệm của bản thân với kiến thức về giải phẫu và sinh học rằng, thế giới có cả vạn loại người. Ở đâu cũng có người tốt và người xấu, đó là quan điểm của tác giả bài viết này. Nên nếu bạn tìm một bài viết bảo bạn rằng người Trung mưu mô, người Hàn thượng đẳng, đó sẽ không phải là bài viết này. Còn nếu bạn muốn biết thêm về tính cách, cách làm việc, nhận xét chủ quan qua lăng kính của người học đại học chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc + Hàn Quốc và có chút thời gian tiếp xúc với người cả hai nước là mình, thì bạn đọc tiếp nhé, hi vọng bạn sẽ nhận được chút thông tin gì đó.
Học tiếng Hàn thấy gì?
Người Hàn Quốc với kỳ tích sông Hán đã chứng minh sự chăm chỉ nỗ lực của mình và cách mà họ đánh đổi lấy nền kinh tế phát triển. Họ nỗ lực làm việc, nghiêm khắc với chính bản thân để có được tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người không biết rằng Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo rất nhiều và khi nói về các vấn đề của xã hội Hàn Quốc bức bối hiện nay như mất bình đẳng giới tính,quan hệ tiền bối hậu bối, bằng cấp,... có nhiều ý kiến cho rằng, xã hội Hàn Quốc còn chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc hơn cả chính đất nước Trung Quốc. Có lẽ vì quá nhiều áp lực từ đời sống nên họ rất thích âm nhạc hay tiệc tùng, những thứ để giải tỏa cảm xúc của mình hết mức. Tất cả người Hàn Quốc mình quen từ giáo sư đến giám đốc, quản lý đều làm việc rất nghiêm túc nhưng ẩn sau dáng vẻ nghiêm túc đó là những điệu nhảy (kinh dị) hết mình khi dòng nhạc Trot của Hàn Quốc bật lên. Mình nghĩ đây hẳn là phương pháp để họ cân bằng lại sau những áp lực vì luôn phải nỗ lực hết mình. Người Hàn Quốc trọng hình thức, đừng nói là đi làm, ngay cả đi ra ngoài đường cũng cần một sự chỉnh chu từ đầu đến chân. Đây cũng là một điều mà mình được khai sáng khi học tiếng Hàn. Mình không phải người xuề xòa khi ăn mặc nhưng dấu mốc học tiếng Hàn khai sáng thêm về cách mình chăm sóc bản thân, ý thức về hình tượng và cách ăn mặc. Một bạn người Hàn mình quen từng bảo với mình rằng trung bình một người trẻ Hàn Quốc có thể tiêu đến 50% lương tháng vào tiền quần áo phụ kiện vì không ai muốn bỏ lỡ trend mới để lạc lõng giữa cộng đồng cả. Và đến cả một giáo sư người Hàn trường mình còn từng vui sướng bảo bọn mình thầy thích ở Việt Nam vì ở đây không ai quan tâm thầy mặc gì hay trông như thế nào, ở Hàn Quốc quá ngột ngạt với thầy. Cảm giác của mình là thở phào tự thấy may mắn vì mình đang ở Việt Nam, mình có thể chỉ đánh son rồi ra đường hay mặc gì mình thấy ổn mà không cần theo trend hay mua đồ hiệu nếu mình không có nhu cầu. Nhưng mình cũng băn khoăn, có khi nào chục năm sau, người Việt cũng sẽ phải căng thẳng như vậy nếu việc trọng hình thức diễn ra như một sự chọn lọc?
Đọc thêm:
Lễ nghi trong công ty Hàn Quốc khá nhiều nếu bạn có ý định tìm hiểu làm quen trước khi vào công ty. Ví như dù đã ngồi vào bàn làm việc, bạn vẫn nên đứng lên chào hỏi trước khi các anh chị đi vào phòng, đưa hai tay khi đưa đồ và lắng nghe sếp nói hết và vâng cái đã dù bạn đồng ý hay không ( “nae”) rồi mới nói gợi ý của mình. Mình cho rằng việc mình tuân theo văn hóa làm việc của Hàn Quốc khi làm việc khiến công việc của mình dễ thở hơn xíu, dù thật sự sếp Hàn của mình cũng có tính cách như tất cả sếp Hàn khác, rất thích cáu gắt và đã quát thì có thể quát liền tù tì 30 phút - 1 tiếng. Tất nhiên, mình lựa chọn như vậy vì mình có con đường mà mình đã hoạch định và mình chấp nhận tuân theo quy tắc vì mình tin vào những lợi ích đạt được lớn hơn. Còn không thì mình nghĩ sẽ khá khó thở cho nhiều bạn khi vào doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng gặp phải trường hợp trên và chịu đựng mà không có ý nghĩa nào.
Học tiếng Trung thấy gì?
Tua nhanh qua kiến thức sách vở về đất nước Trung Quốc, mình chủ yếu muốn nói những ý kiến qua lăng kính cá nhân mình. Với phương diện là bạn bè, mình thấy rất dễ để hòa nhập và yêu quý những người bạn Trung Quốc của mình. Người Trung Quốc và Việt Nam có khá nhiều tương đồng về văn hóa, và đặc biệt, khi bạn là 8x hay 9x và từ bé đã cày đủ các series từ Tây Du Ký, Bao Thanh Thiên, truyện Kim Dung đến phim cảnh sát Hồng Kong của TVB thì khả năng là bạn sẽ thấy nói chuyện với bạn Trung Quốc không hề có tí cách biệt văn hóa nào vì các bạn ấy cũng lớn lên với chính xác những thứ như vậy đó. Người trẻ Trung Quốc mà mình quen đều rất văn minh, họ là những người xấu hổ với những tiếng xấu như ồn ào, bầy đàn mà thế hệ cha anh họ mang đi khắp thế giới nên hơn ai hết, người trẻ Trung đang cố gắng thay đổi những quan niệm này. Sự phân hóa giàu nghèo tại Trung Quốc cũng cực kỳ lớn, những thành phố lớn ở Trung Quốc con người học cách văn minh và lịch sự hơn, còn với những người già hay đến từ những thành phố nhỏ hay nông thôn Trung Quốc thì sự thật là có vẻ họ sẽ mất khá lâu hoặc không muốn thay đổi phong cách “mẹ thiên hạ” này đâu. Nguyên nhân của vấn đề này mình sẽ thảo luận kĩ hơn ở bài sau.
Đọc thêm:
Có rất nhiều người nhầm tưởng rằng người Trung Quốc ghét Việt Nam như cách người Việt Nam ghét Trung Quốc nhưng thật ra đa số người Trung Quốc chỉ mang lòng hận thù với Nhật thôi, còn họ “chẳng thế nào” với người Việt Nam cả. Chẳng thế nào có nghĩa là không có cảm xúc gì đặc biệt, cũng có nghĩa là họ không có kiến thức gì, chẳng biết gì về Việt Nam. Đừng cáu giận vội vì thật ra đây là điều bình thường của nước lớn với nước nhỏ bên cạnh, như cách người Việt Nam nhìn Lào vậy, chúng mình chỉ đơn giản là không quan tâm. Hồi còn là sinh viên, các bạn du học sinh Trung Quốc ở Việt Nam từng tâm sự với mình là các bạn đều cảm nhận được người Việt không có thiện ý với các bạn ấy, nhưng không biết tại sao lại vậy. Mình thật sự mong mọi người có cái nhìn cởi mở hơn, bởi vì vẫn là câu nói cũ, ở đâu cũng có người xấu người tốt và tạo ra nhiều tình yêu vẫn tốt hơn là hận thù . Tuy nhiên, đôi khi việc “mua vợ” Việt Nam cũng được người Trung Quốc mang ra làm trò đùa, nhưng nếu bạn là nữ thì cũng chẳng cần tức giận mà cứ kiêu lên, sang lên để tụi ấy biết gái Việt Nam cỡ nào.
Học hai thứ tiếng mình thấy gì?
Mình từng làm việc với một anh làm truyền thông, anh ấy nhận xét là khi tiếp xúc thì các bạn dịch giả tiếng Trung của báo anh ấy đều mang lại cảm giác kiểu trầm trầm bí ẩn, không muốn lộ quá nhiều cảm xúc của mình trong khi các bạn dịch giả Tiếng Anh lại sôi nổi và tự tin khoe cá tính rất nhiều. Mình hoàn toàn đồng ý vì khi học tiếng Trung, mình cũng cảm nhận được mình cùng các bạn cùng khóa đều khá chậm rãi, thư thái... Mình thường sống với quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương”, rồi không quen với việc hay thể hiện mình vì “thiên cơ bất khả lộ”, cảm giác ai “lộ” nhiều quá thì cũng hơi đáng kỳ thị… Và rồi khi học tiếng Hàn, mình được tiếp xúc với phong cách làm việc khác hẳn, đúng nghĩa là làm tới bến và chơi tới bến. Làm việc học tập điên cuồng và xả stress bung lụa không phân thù bạn. Người Hàn coi trọng năng lực, và năng lực cần thể hiện bằng những bằng cấp giấy tờ cụ thể. Không còn những hữu xạ tự nhiên hương, mình học cách phát triển bản thân với đủ loại kĩ năng và thể hiện nó với chứng chỉ hoặc thành tích cụ thể. Ở Hàn độ cạnh tranh khi ứng tuyển vào công ty rất cao, các doanh nghiệp đã quen với việc ứng viên tự sales mình , nên kinh nghiệm của mình khi phỏng vấn ở doanh nghiệp Hàn là hãy biết sales bản thân, tự tin thể hiện khả năng của mình.
Sếp người Trung không quá xét nét về cấp bậc hay lễ nghĩa, phong cách làm việc khá giống người Việt nên khi làm việc tại công ty Trung Quốc, bạn không cần quá lo lắng khi bạn chọn một công ty đàng hoàng. Trái lại nếu đi đọc review về công ty Hàn Quốc, chắc hẳn bạn đã đọc rất nhiều phàn nàn về sếp khó tính, sếp cáu gắt, sếp chửi thẳng mặt nhân viên, sếp về muộn, sếp bảo thủ. Trải nghiệm cá nhân của mình thấy một điều rất thú vị là nếu tìm việc tiếng Trung người ta chỉ có thói quen hỏi lương, đãi ngộ của công ty thì khi sang các group làm việc tiếng Hàn, mình còn thấy các bạn hay xin thêm review về sếp, đặc biệt, các dòng “sếp hiền, không chửi mắng nhân viên” trong tin tuyển dụng như kiểu dấu điểm cộng to đùng trong các bài tuyển dụng trong group tiếng Hàn. Đó là sự khác biệt khá lớn khi người Hàn Quốc luôn mặc định với văn hóa công sở của họ và áp nguyên nó sang Việt Nam còn người Việt cũng phải loay hoay để học cách làm quen với nó hoặc bỏ cuộc.
Dù sao thì, sau tất cả, mình vẫn luôn ghi nhớ và nhắc nhở mình với câu nói của cô giáo môn Giao tiếp liên văn hóa rằng những mâu thuẫn văn hóa chẳng qua bắt nguồn từ việc con người ta không hiểu nhau. Nếu bạn hiểu rằng không thể phán xét họ bằng thế giới quan, bằng nền văn hóa hay tư duy của mình, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt đó, thì sẽ không có mâu thuẫn nào cả. Thế giới này đâu có ai thượng đẳng hơn ai, đâu có ai hạ đẳng hơn ai.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Trần Lĩn
Tớ ở Nha Trang và có gặp 1 gia đình đi dạo biển rồi ngồi ăn hủ tiếu chung dãy bàn, cái cách họ nhìn người khác ăn rất hiếu kỳ, có vẻ họ cũng rất chú ý đến cách mà người Việt nhìn họ với vẻ mặt khó chịu. Thử chào 2-3 câu tiếng anh (bởi vì ngoài xia-xịa ra thì chã biết nói gì), bất ngờ cô gái ngồi đối diện cũng chào lại, mình và cô ấy có trò chuyện qua lại, bác trai thì nói được vài câu, bác gái thì ậm ừ tới hết chuyện, được biết là gia đình họ được chính phủ tài trợ đi du lịch mọi nơi (nơi nào cũng được - miễn nằm trong danh dách được đến) với cái kiểu trả góp từng đợt khi hết hạn đi du lịch trở về nước, họ tới Nha Trang nhiều đến mức sáng sớm đi làm thì nhìn kiểu như đang ở 1 tỉnh nào đó ở Trung Quốc vậy. Họ tò mò, rất tò mò Việt Nam là đất nước như thê nào! Cái mà tớ biết được là 1 đi không trở lại chiếm đa số bởi vì nhiều người Việt tỏ ra không hề thích họ một chút nào. Và tất nhiên tớ đã làm việc với xếp Hàn ở Nha Trang trong lĩnh vực du lịch, tất cả được giao tiếp bằng tiếng anh (có 1 khóa tiếng hàn cơ bản cty bắt học da cty tài trợ), anh ấy sn 1986, hiện tại cty không hoạt động cũng chẵng thể nào về nước được. Tớ thấy làm việc với anh ấy rất thoải mái nhưng có những điều cảm thấy không thích cho lắm, khi hỏi ý kiến về 1 vấn đề nào đó, trong đầu anh ấy đã có đáp án rồi, chỉ là hỏi mọi người trước như thế nào thôi, tớ cũng cúi đầu chào thì anh ta nói không cần phải như thế, anh ta nói ở VN không cần phải kính lễ như vậy, cứ thoải mái như văn hóa của người Việt, lúc cấu gắt thì có thể chửi tiếng Hàn tận 1h lận, tớ không quan tâm bởi vì tớ không biết tiếng Hàn, anh ấy rất thích nghe nhạc Việt (Trúc Nhân ấy). Đi phố được mn chú ý, người Việt ít khi thành kiến với Hàn quốc trước khi vụ 20 du khách và ổ bánh mỳ xảy ra hồi tháng trước, tất nhiên không thể trách tất cả người Hàn được. Họ rất dễ mến và pha trò câu chuyện ngẫu hứng (có một thằng ất ơ nào đó gọi "oopa" với sếp khi năng nỉ uống hết lon bia vào dịp cuối tuần :">).
- Báo cáo

Hằngnote
Nếu như không làm công việc tiếp xúc trực tiếp người HQ thì hầu như người VN đều có thiện cảm cao với người Hàn, thấy họ "như phim" vì ảnh hưởng của Hallyu. Vụ bánh mỳ đó là lần đầu mình thấy người Việt có phản ứng tiêu cực với người Hàn như vậy, dù sao thì mọi thứ cân bằng như vậy vẫn là tốt nhất.
- Báo cáo

Đông Hạ
Bài viết rất hay ạ. Có rất nhiều quan điểm mình đồng tình với bạn, gần như là hết bài ý :))) Bạn nói mình mới để ý tới những khác biệt này đó, chứ trước giờ học tập hay làm việc với mấy bạn ngoại quốc mình đều chỉ áp dụng combo nhiệt tình+nghiêm túc+vui vẻ để chiến thôi =)))
- Báo cáo

Hằngnote
Cảm ơn bạn, combo của bạn chuẩn lắm rồi, thêm chút biết địch biết ta nữa thì có lẽ sẽ dễ hiểu nhau hơn ^^
- Báo cáo

Rachel
Cảm ơn bạn đã chia sẻ, mình cũng đồng ý với hầu hết quan điểm của bạn về TQ. Mình đang học và làm việc trong môi trường TQ, đa số bạn bè, đồng nghiệp người TQ mà mình tiếp xúc đều là nice và nhiệt tình. Khi mình đến Shanghai thì cảm nhận cuộc sống ở đó hiện đại, giới trẻ siêu năng động và nếp sống của họ rất là văn minh trật tự. Lúc đến TQ du lịch tự túc mình cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của họ: giúp trả tiền xe buýt khi mình không có tiền lẻ, giúp mình lấy lại được túi đồ bỏ quên trên xe buýt trong khi họ chỉ là người qua đường và sau đó nhờ khách sạn gửi về Việt Nam cho mình, chú an ninh ở bến tàu cao tốc và chị an ninh sân bay hỗ trợ mình cực nhiệt tình... Nói chung bỏ qua vấn đề chủ quyền thì mình có ấn tượng khá tốt về đất nước, con người TQ và cũng tìm hiểu khá nhiều về văn hóa của họ. Điều duy nhất làm mình không thích là cách sắp xếp điều hành công việc theo phong cách mà mình gọi là "đặc sệt mùi TQ", nếu bạn nào đã làm trong môi trường chuyên nghiệp theo phong cách Âu - Mỹ (thậm chí Taiwan hoặc Hongkong) thì sẽ rất có khó chịu và khó làm việc trong một cty TQ.
- Báo cáo

Hằngnote
Đúng là giữa công ty TQ và Đài Loan, Hongkong thì mọi người xung quanh mình cũng đều có xu hướng chọn công ty ĐL, HK vì đãi ngộ, chế độ của họ tốt và coi trọng nhân tố con người hơn.
- Báo cáo

alama10_
Bài viết rất hay ạ
- Báo cáo

Hằngnote
Cảm ơn bạn ạ
- Báo cáo

Chú Bé Đần
Bạn sn 97 à



- Báo cáo

Hằngnote
Bạn 23 tuổi à
:D

- Báo cáo

Chú Bé Đần
Đúng òi. huhu, mà công nhận bạn giỏi thiệt 

- Báo cáo