Vì sao tôi bênh Trấn Thành
Trấn Thành có vẻ to trong thế giới của các bạn. Hoặc thế giới của bạn quá nhỏ?
Đầu tiên tôi muốn nhắc một chút về chuyện của Binh Bot Bot. Cũng chuyện một business-man bro kiếm tiền và fame từ chén thánh "Lịch sử Việt Nam", hôm nọ vừa lên xin lỗi kèm tuyên bố xóa Facebook vì các sai lầm của mình. Hôm đó có người bạn nhắn trong group chat hỏi, tôi ghi đại để thôi nhé, "Trỏng thiếu người giỏi quá hay sao mà phải dùng thằng đó hoài vậy?". Tôi trả lời nguyên văn thế này:
"ở trong này được cái người ta ko có quan tâm
ai làm gì làm
kệ mẹ tụi này thôi
chính ra ko quan tâm thì sẽ có cạnh tranh tốt hơn, chứ kiểm duyệt kiểu ở ngoài đó thì mấy bố kiểm duyệt đi kiểm soát người ta xong rồi lại chìm
thấy ai làm gì đó không ổn lên đấm cái đã, xong bản thân cũng chả làm gì
mà con người ai chả có sai lầm và cần thời gian để phát triển
lọc kiểu đó đâu phải chỉ lọc được người xấu :v
một là bạn có thể lọc đi bớt người tốt nhưng chưa phát triển và dễ nản lòng, hai là bạn chả lọc tốt tới mức có thể lọc hết người xấu được
và ba là bạn đéo có cản được tụi bất cần, bất chấp và mặt dày, thậm chí làm bọn nó mạnh hơn
dăm ba cái sử xiếc này
nói đúng nói sai nói nhảm nói trật gì kệ mẹ bọn nó thôi
có phải sai lầm dạng hệ thống hay cơ sở hạ tầng đâu, quan tâm chi"
(Tôi paste cách dòng vậy luôn cho nguyên văn, để các bạn hiểu context ở đây không quá nghiêm túc, phiếm chuyện chat từng dòng rồi enter thôi).
Thế giới quan của tôi là vậy, bạn đọc mớ trên chắc cũng tự hình dung được. Căn bản tôi nhìn vào xã hội rộng lớn với rất nhiều thứ tôi không thể thấy và rất nhiều người tôi không thể gặp. Thế nên, khi người ta hỏi, "Bạn nghĩ những người hôm nay vừa mắc sai lầm và gây thiệt hại, cuối cùng đa số họ sẽ là người có ích hay gây hại cho xã hội?", tôi sẽ kiểu, điều duy nhất có thể kết luận chắc chắn là chúng ta không thể dự đoán được câu trả lời.
Vì vậy, đôi lúc hậu quả của các sai lầm cộng lại chưa chắc lớn bằng hậu quả của việc người ta cố gắng tránh sai lầm. Chắc gì việc cố gắng tránh sai lầm không phải một sai lầm? Tóm lại, đã là người, bạn nên sớm chấp nhận tiên đề "sai lầm là thứ không thể tránh khỏi" trước khi ngồi suy tư triết học gì gì. Thế nên, tôi luôn cảm thấy khó hiểu khi người ta biện luận: "Bởi nó mắc sai lầm, nên tao được phép trừng phạt nó". Họ nghĩ họ đã rất quân tử khi làm vậy rồi.
Trước tiên để tôi nói cho nghe, bạn đi đánh cược với bất kỳ ai rằng "nếu mày mắc sai lầm thì tao thắng" thì bạn khôn quá. Thứ duy nhất trong thế giới logic không mắc sai lầm là Chúa, còn con người, vâng rất tuyệt vời, được tạo ra chính từ sự sai lầm, hay nói cách khác con người và sự sai lầm có thể xem là một. Adam và Eva ăn trái cấm chứ không phải trái lẽ phải hay trái ác quỷ (tới từ "trái" trong văn cảnh này còn...). Chúa chết để chuộc lỗi cho con người. Thế nên, có gì tài giỏi ở chuyện chỉ ra ai đó mắc sai lầm? Bạn chỉ cần tới cạnh ai đó, rồi ngồi chờ, rồi bạn sẽ được thấy họ mắc sai lầm.
Thế nên, bố mẹ tốt không phải kiểu trong đầu luôn thấy mình đúng thế nào và con mình sai thế nào. Bố mẹ lom dom cũng phải chuẩn bị trước rằng, nuôi dạy một đứa trẻ cũng là sống cùng một thí nghiệm tự vận hành cỡ đại với các sai lầm liên tục nổ lốp đốp, và bạn sẽ không bao giờ biết, vào cuối ngày, nó có tự dưng nổ đùng một phát hay không. Giáo viên tốt không phải là những người tự hào vì mình giỏi hơn học trò cỡ nào, phải là những người biết họ đang liên tục biến kẻ không biết gì thành biết gì đó. Tương tự với sếp tốt, bạn tốt, đồng nghiệp tốt... đều biết rằng người khác có sai lầm và có phương án để sống cùng với sự thật không thể chối cãi đó, chứ không đơn giản chỉ cần "tao đúng mày sai" là xong.
Ở quy mô xã hội, tôi không nghĩ xã hội tốt là nơi người ta trừng trị nghiêm khắc sai lầm hay kiểm soát gắt gao sự sai lầm. Vì kiểm soát kiểu gì? Sai lầm nó spawn liên tùng tục, toàn map. Bạn chắc chắn chết chứ mấy thằng bạn nghĩ là ngu chắc chắn được sinh ra hoài luôn đó. Tôi nghĩ xã hội xịn sẽ kiểu, ờ bọn mày cứ sai lầm đi, tao thách thằng nào làm được trò gì gây được tiếng vang ở đây đấy. Nó phải xịn tới mức không biết sợ sai lầm là gì, tới mức con người phá bỏ mọi giới hạn biết giới hạn có thật hay không, vẫn sống sót quay trở lại. Nó phải như game, như chuyển sinh, như thiên đường với sự khoan dung cực đại dành cho mọi kiểu sai lầm.
(Nhân tiện, trong một dự án của Monster Box liên quan đến game hóa, tôi cũng đề cập tới lý do quan trọng khiến game hóa việc học hiệu quả: người chơi game không sợ sai lầm và sẵn sàng chơi lại, họ vẫn bị phạt nhưng đồng thời cũng liên tục được "hồi sinh" và thử cách khác cho đi khi giải quyết xong vấn đề).
Và, nếu chúng ta không thể có thế giới xịn đó, ta cũng nên hình dung về xã hội là nơi đủ an toàn để con người khám phá khả năng thực sự mình, của nhân loại.
Ít nhất đừng để những người khởi nghiệp thất bại một lần, hai lần, đã phải lâm vào cảnh khốn cùng.
Đừng để những tuổi trẻ lạc lối vì sự nông nổi của mình, phải gánh chịu cả một đời nghiệt ngã.
Đừng để tất cả mọi thứ phải mất đi, chỉ với một sai lầm.
Một thế giới như vậy quá kém khoan dung và quá thiếu hiệu quả. Con người chôn vùi lẫn nhau trong các sai lầm thay vì học hỏi từ nó. Đó là thế giới thiếu vắng sự thịnh vượng, khiến mọi người cạnh tranh gay gắt tới mức chỉ muốn loại bỏ người khác khỏi xã hội để có được nhiều thứ hơn cho mình. Một thế giới đấu tố, căng thẳng, cực đoan và bạo lực.
Tôi thường không nghĩ thế giới mình sống nên là nơi như vậy, nên tôi thường không hoảng khi người khác mắc sai lầm. Sao bạn lại hoảng, bạn chưa chuẩn bị gì à? Nếu bạn có làm việc liên quan tới kỹ thuật hoặc tiền bạc, bạn sẽ học được rằng, sự sai lầm của con người là tuyệt đối, và việc của bạn là chuẩn bị cho sự tuyệt đối ấy từ đầu.
Bạn build một hệ thống, mà bạn sợ người khác dùng sai sẽ khiến nó phát nổ, vậy hệ thống của bạn quá tệ. Bạn làm xe điện nhưng lại sợ nó bị để ở trời mưa, xe bạn chỉ đáng vứt. Bạn xây dựng một xã hội và phát hoảng khi thấy cái áo có 6 cái nút thay vì 5, nghĩa là phim này lật sử, khiến giới trẻ bị đầu độc, chế độ bị lật đổ, xã hội rối ren... vậy đó là kiểu xã hội gì?
Thế nên lần này tôi bênh Trấn Thành, không phải vì anh ta không sai gì cả, mà bởi chuyện anh ta sai chẳng có gì nghiêm trọng như cách người ta nói ra rả. Tôi thấy cách người ta phản ứng với từng chuyện nhỏ nhặt trong xã hội, thực ra nguy hiểm cho xã hội hơn nhiều. Tôi nghĩ người Việt Nam nên thực tế hơn chút, rồi cho người khác một con đường rộng rãi hơn để đi, vậy đất nước mới phát triển được. Bởi cùng lý lẽ, cùng cách chửi bới và cùng lời kêu gọi tẩy chay hết sức khảng khái các bạn dành cho Trấn Thành, tôi đem nó đi giết hết 99% các dự án khác trong cái xã hội tồi tàn này còn được.
Chỉ ra sai lầm của người khác rất dễ, ngồi nghiêm túc nói về sai lầm ấy một cách cẩn thận mới khó. Thực ra, sự kiểm duyệt, sự khắt khe, sự sợ hãi chúng ta có với các sai lầm vốn đã giết rất nhiều thứ rồi. Dịch bệnh cùng đợt cách ly lịch sử đã giết biết bao doanh nghiệp? Bê bối của giới tài chính ngân hàng và bất động sản vừa rồi khiến thu hẹp tín dụng, giảm cấp vốn cho doanh nghiệp, đã giết bao doanh nghiệp nữa? Cuộc "đốt lò" lịch sử và sự dừng lại của bộ máy công quyền cả nước, khiến chậm giải ngân, đã giết bao nhiêu tiềm năng phát triển của đất nước? Cực chẳng đã người ta mới phải chọn những cách bóp nghẹt các mạch máu giao thông/tiền/thông tin/sức sống của xã hội, và cứ mỗi đợt phải dừng lại để giải quyết vấn đề nghiêm trọng nào đó, người ta phải biết điều giữ yên lặng mặc niệm cho sự hy sinh của những người vô tình bị ảnh hưởng.
Ở phương diện tư tưởng và văn hóa, tôi thấy cãi nhau đủ thứ chuyện từ đạo đức lễ nghi thuần phong mỹ tục luân thường đạo lý đã mấy chục năm nay, thế đã làm được chưa? Sách? Truyện? Tranh? Nhạc? Phim? Game? Anything?
Cái thứ cao siêu đẹp đẽ ngời ngời đức cao vọng trọng siêu cấp vũ trụ của các bạn đâu, sao tôi vẫn chưa thấy?
Ngặt một nỗi, trong lúc bảo vệ con của bạn khỏi nghệ sĩ trong nước, nó đang xem đủ thứ giời ơi đất hỡi của thế giới ngay trong nhà của bạn. Thế nó đã phát rồ chưa, hay bạn vẫn chưa nhận ra điều gì bất thường? Bạn có lái máy bay đâm vào nước Mỹ được không, hay chỉ lên mạng chửi Trấn Thành thôi, bởi thông tin thời nay toàn cầu hóa kiểm duyệt chi mỗi mấy cái tiếng Việt?
Than ôi.
Chắc cũng có nhiều người thấy lấn cấn vì tôi kể chuyện dịch bệnh tín dụng nó kia. Thực ra, trong lúc người ta hạch sách, quản lý, kiểm duyệt văn hóa, họ cũng đang bóp nghẹt sự lưu thông của tiền và sức lao động trong xã hội này thôi. Một thằng lên mạng chửi tất cả mọi phim Việt Nam, tuyên bố "Tao đéo ra rạp để xem phim Việt Nam", nghĩ rằng điều đó tốt cho lũ oắt con đang làm phim indie gần khu phố nhà nó? Em ơi, nếu không chứng minh được tiềm năng thị trường, xưởng phim indie của em lập proposal xin đầu tư kiểu gì hả em?
Cái em cần là sự rác rưởi của Trấn Thành, như những gì em vẫn thường nói, bỗng dưng khơi ra cái ổ bánh siêu to khổng lồ của thị trường phim Việt, để em còn vẽ chart gửi nhà đầu tư thiên thần ở Singapore xem. Bởi Trấn Thành có thể đến rồi đi, nhưng thị trường ở lại với tất cả mọi người.
Cái em cần là giá thuê trang thiết bị làm phim chuyên nghiệp rẻ như cho, bởi bỗng dưng nhiều bên đầu tư vào thị trường sản xuất nội dung hình ảnh ở Việt Nam, do nhìn thấy tiềm năng của nó.
Cái em cần là lên mạng hỏi một câu chuyên môn, nhận được mười ý kiến đáng tham khảo, vì họ là những người đã sống với nghề được 10 năm tại thị trường này, và tích lũy ra những kinh nghiệm có thật.
Thế nên mình bênh Trấn Thành. Bởi cái mình cần không phải là dăm ba cái like hay comment hùa nhau như bọn trẻ con trên mạng xã hội mỗi khi đi chửi bới phê phán người khác.
Mình cần một xã hội tốt hơn, một xã hội mà dăm ba thằng Trấn Thành không phải thứ có thể cản bước được nó, nên ta chẳng phải lo.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất