Mình từ lúc nhỏ đã luôn ý thức về trách nhiệm chị cả của mình.
Điều này khiến mình khi lớn lên cũng luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm sao để dạy em mình trở thành 1 đứa trẻ tự lập, hạnh phúc hơn?”
Và đây là những bài học mình luôn cố gắng truyền tải cho chúng nó:

1. Bố mẹ chẳng nợ em điều gì cả - Nobody owns you anything:

Năm mình học đại học, bố mẹ mình li dị.
Sự kiện đấy cứ tưởng như không hề hấn gì đến mình đã 1 phần ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Và như 1 dạng “trả thù” bố mẹ, mình bỏ bê bản thân, không dám nói chuyện thành thật với mẹ. Thế nên khi nghe những câu chuyện về những người bỏ bê bản thân, lao vào những mối quan hệ không tốt đẹp mấy, hay sống tệ hơn vì gia đình rạn nứt, mình hiểu điều đấy. Cảm giác cứ như 1 con thú bị thương âm ỷ vậy.
Sự trả thù đấy chấm dứt khi mình nhận ra mẹ mình bị đả kích rất nhiều sau vụ li hôn đấy, từ những câu nói ám chỉ, cà khịa, họ đứng trên cái bục xem bản thân họ tốt đẹp hơn, gia đình họ tốt đẹp hơn mà nhìn xuống. Điều đó xảy ra nhiều đến đau lòng. Mình đã nghĩ điều này chẳng công bằng với mẹ chút nào. Nhưng rồi mình nhận ra mình chả khác gì họ cả. Mình đem sự “xấu hổ” của bố mẹ thành cái cớ để sống tệ với bản thân.
Mình sau đấy nhận ra bố mẹ mình cũng đã cố gắng rất nhiều. Và việc li dị chỉ là họ không hợp chung sống với nhau nữa thôi. Và sự điều chỉnh góc nhìn này thật sự đã giải phóng tư tưởng cho mình rất nhiều.
Lúc này chúng nó còn "bé" mình còn chở chung 1 chiếc xe được =))
Lúc này chúng nó còn "bé" mình còn chở chung 1 chiếc xe được =))
Thế nên bố mẹ chẳng nợ mình điều gì cả. Họ đã cố gắng hết sức mình rồi. Nên hãy trân trọng họ và đừng xấu hổ vì điều đó. Hãy ngẩng cao đầu, sống tốt và bảo vệ họ.
-

2. Hãy biết bày tỏ quan điểm của bản thân:

Đứa em trai của mình từng là 1 đứa sợ người lớn.
Hắn sợ những người lớn tuổi hơn, có thẩm quyền hơn như thầy cô giáo. Và dần dà điều đó nảy sinh những vấn đề dở khóc dở cười.
Một hôm hắn về nhà nói bị cô giáo đì và nhất quyết xin nghỉ học lớp học thêm đấy. Đầu kia thì cô giáo có vẻ rất giận và mẹ tôi phải gọi điện giảng hòa cho cô. Cô bảo rằng không thể để một đứa học sinh khinh thường cô giáo ngồi trong lớp được.
Tôi nghe tiếng mẹ kể mà trong đầu mà tự dưng thấy sai sai. Khinh thường á? Ai cơ? Thằng em mình nhát người lớn kinh dị cơ mà.
Lúc đấy cảm thấy không ổn nên mình đã lôi hắn ra hỏi cho ra lẽ hẳn 1 tiếng. Hỏi rằng hắn đã làm điều gì với cô, tại sao hắn lại làm như vậy, hỏi hắn đã cảm thấy như thế nào mà lại làm như thế. Xâu chuỗi 1 lúc thì mình nhận ra: hắn quá sợ để nói với cô giáo rằng mình đang gặp khó khăn trong bài toán này, và cứ ngồi mãi loay hoay với bài toán đó trong khi cô báo hãy chuyển sang bài tập tiếp theo.
Về thái độ khinh thường mà cô giáo thấy thì tôi đoán rằng thằng em cấp 2 của tôi với tính cách ù lì ít nói, với chiều cao khổng lồ gần 1m8 đó khiến người lớn dễ nghĩ rằng hắn lẽ ra phải hành xử “cho giống với người lớn hơn”, chứ không hề nghĩ rằng nó đang rất sợ và không dám cất lên tiếng nói của chính mình.
Hôm đấy mình đã nói với hắn phải biết cất tiếng nói của bản thân, ít nhất là trong trường hợp để dành quyền lợi của chính mình, và đồng thời cũng phải biết tôn trọng người khác.
“Nam không cần phải sợ người lớn, Nam không cần phải sợ ai hết. Nam đi học và Nam có quyền cất tiếng nói khi mình gặp khó khăn, và họ là giáo viên thì họ sẽ phải có trách nhiệm giúp đỡ Nam xử lý vấn đề đó. Tương tự như khi Nam đi gặp bác sĩ với mẹ và Nam đang bị đau tay chẳng hạn, hãy nói với họ rõ vấn đề của mình và trò chuyện bình đẳng với họ.
Tuy nhiên không sợ không có nghĩa là mình sẽ khinh thường họ, mà mấu chốt ở đây là hãy tôn trọng mọi người. Khi cô giáo hỏi tại sao Nam làm như thế thì Nam phải tôn trọng cô và đáp lại một cách chính đáng. Sự im lặng cũng hệt như 1 sự khinh thường vậy. Nên là Nam phải biết sử dụng sự im lặng đó cẩn thận và biết nó mang ý nghĩa gì khi sử dụng được chưa.”
Từ sự cố đấy, em tôi dần thay đổi hẳn. Hắn chủ động hỏi người lớn đủ thứ. Nếu gặp khó khăn trong môn gì thì hắn sẽ tự hỏi bạn bè hoặc thầy cô, đến gần thi mà chưa hiểu phần nào trong tiếng Anh thì cũng sẽ nhắn nhờ mình chỉ, mặc dầu là sẽ bị mình chửi banh đầu là gần thi rồi mà chưa biết khái niệm này hả. Nhưng mà mình rất vui vì hắn không còn sợ người lớn 1 cách vô lý nữa.
Mình nhận ra rằng, khi chúng ta dạy cho trẻ biết cách hình thành tiếng nói của bản thân hơn, chúng đang dần tiến tới sự hình thành “sự tự tôn trọng bản thân mình” nhiều hơn (self-esteem). Và một khi trẻ đã có self-esteem cao. Mình tin rằng chúng có 1 nền tảng rất vững chắc để có thể học cách vượt qua các vấn đề của chính mình.
Mình rủ thằng em chơi xếp hình loại siêu cấp khó vì mua nhầm =))) nhưng mà cũng xếp được hẳn viền xung quanh và 1 số mảng của nó.
Mình rủ thằng em chơi xếp hình loại siêu cấp khó vì mua nhầm =))) nhưng mà cũng xếp được hẳn viền xung quanh và 1 số mảng của nó.
-

3. Chị hai luôn ở đây - I got your back:

Câu chuyện “mẹ tôi xử lý đứa bắt nạt em gái tôi” dần trở thành 1 câu chuyện hài thường được kể đi kể lại trên bàn ăn.
Năm em gái mình học cấp 1, hắn bị 1 con bé bắt nạt. Cứ mỗi lần ra chơi là con bé đấy lại lôi em mình ra 1 góc đòi tiền tiêu.
Và mọi người biết rồi đấy, câu chuyện bị bắt nạt là 1 câu chuyện trẻ con thường giấu tịt và không dám kể cho người lớn. Có thể là do chúng quá sợ, có thể là do chúng sợ người khác nghĩ rằng chúng yếu đuối. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chuyện bắt nạt là 1 chuyện rất tồi tệ.
Bằng một cách nào đấy, mẹ mình phát hiện ra. Và mẹ đã tức tốc lên trường, cầm tay con bé đấy và bảo: “Con là đứa bắt nạt con cô à? Cô đã báo bố mẹ con rồi. Bây giờ con có muốn lên đồn công an không?”
Khỏi phải nói mặt con bé tím ngắt, khóc quá trời. Nó từ đấy tuyệt nhiên không dám bắt nạt em tôi nữa 💀. Tôi thì chả biết mẹ tôi dọa con bé đấy như vậy có đúng không. Nhưng việc đấy lại được chúng tôi kể đi kể lại 1 cách hài hước với nhau, với 1 điều ám chỉ rằng, chẳng ai có thể bắt nạt chúng tôi được hết, vì chúng tôi có mẹ hổ haha =))
Năm thằng Nam lên cấp 2, đến lượt hắn ta bị bắt nạt. Điều đấy được 1 phụ huynh khác kể cho mẹ mình nghe. Sau đấy mẹ kể cho mình nghe, và mình kể cho Ka nghe nữa (gia đình nhiều chuyện=))). Ka và mình đều rất tức và lên kế hoạch để triển.
Trưa hôm đấy nhà mình đang ngồi ăn cơm và mình nhắc đến chuyện Nam bị bắt nạt với 1 tông giọng nhẹ nhàng. Mình lái khéo sang chuyện ngày xưa Ka cũng bị bắt nạt để hắn trở nên nhẹ nhõm hơn. Và ngay lúc đấy mình và Ka nói với hắn rằng, chúng tôi sẽ lên trường và xử thằng nhóc đấy 💀.
Trong gia đình, việc anh chị em chọc nhau hay bắt nạt nhau có vẻ là 1 thứ khá bình thường. Việc chúng có thể cà khịa (roast) lẫn nhau (miễn là không gây tổn hại) có thể là 1 dấu hiệu khỏe mạnh của tình thương anh chị em. Nhưng một khi 1 người trong đám anh chị em đấy bị bắt nạt bởi 1 người ngoài gia đình, tôi cá rằng 1 gia đình khỏe mạnh sẽ đứng dậy đoàn kết và bảo vệ nhau.
“Tao có thể chọc em tao vì nó là em tao đấy. Nhưng mày thì không có quyền bắt nạt em tao nhé.”
-
Nói chung là, việc sinh ra trong 1 gia đình có anh chị em rất vui ạ!
Hôm nào lại ghi phần 2 ạ. Kể phần 1 cũng dông dài quá ahaha xin lỗi mọi người :)))