Mình vốn định viết 3 bài review cho 3 bộ phim ngôn tình mình đã xem tuy nhiên khi viết thì mình nhận ra rằng 3 bộ phim này về cơ bản là y hệt nhau, khi nhận xét cũng như lặp lại lời mình 3 lần vậy. Cơ mà những bộ phim này không những không gây nhàm chán mà còn được nhiều người ưa chuộng (thậm chí nghiện) Vì vậy, mình tự hỏi rằng, những tình tiết này có gì đặc biệt mà lại gây thích thú đến thế. Và bài viết này là để lí giải câu hỏi đó 😀

Đầu tiên, mình sẽ giải thích 3 điểm chung không phim ngôn tình nào không có và đó là lí do vì sao mình cảm thấy các bộ phim ngôn tình đều từa tựa nhau. 

Không biết có phải tình cờ hay không, nhưng mọi phim ngôn tình mình đã xem đều nói về mối tình đầu. Vì thế mình xin mạo muội nói rằng hầu hết các mối tình ngôn tình đều là tình đầu. Giang Thần và Tiểu Hi trong Gửi Thời Thanh Xuân Ngây Thơ Tươi Đẹp Của Chúng Ta là mối tình thanh mai trúc mã. Tiêu Nại và Vy Vy trong Yêu Em Từ Cái Nhìn Đầu Tiên học đã đến năm 4 đại học cũng lại là mối tình đầu. Đến Hàn Thương Ngôn trong Cá Mực Hầm Mật, đã 30 tuổi, sự nghiệp có, tiền có vẫn chưa yêu ai cho đến khi gặp Đồng Niên (quá ảo). Có vẻ như tình yêu lí tưởng của người Trung Quốc là tình đầu cũng sẽ là tình cuối.

Hiểu lầm chính là linh hồn của kịch bản phim ngôn tình. Không có phim ngôn tình nào không có những cuộc cãi vã, sự xuất hiện của người thứ ba, những pha chơi xấu của kẻ thù, vấp phải sự phản đối của phụ huynh... Hiểu lầm có thể là lí do đưa đẩy hai nhân vật chính gặp nhau, hiểu lầm cũng khiến họ cãi vã, và càng gắn bó với nhau hơn. Đây còn là thứ ‘nguyên liệu’ mà nếu biết khéo léo vận dụng thì có thể gợi nên mọi cung bậc cảm xúc, từ hài hước, thích thú, đến sâu lắng và trưởng thành hơn. Nói tóm lại là vô cùng lợi hại, một bộ phim rẻ tiền hay sâu sắc đều phụ thuộc vào cách biên kịch ‘chế biến’ loại ‘nguyên liệu’ này. 

Một điểm không thể thiếu trong phim ngôn tình đó là những pha ‘ngược’ - tức là nữ chính giận nam chính rất ghê, kéo dài tận mấy tập. Những tập phim này sẽ khiến người xem vô cùng ức chế vì nữ chính đã rất may mắn, người người nhà nhà ghen tị với cô ấy nhưng cô ấy dường như không hề biết mình may mắn thế nào. Điển hình cho tình huống loại này là trong phim Tại Sao Boss Muốn Cưới Tôi, khi nữ chính Hạ Lâm phát hiện ra rằng Lăng Dị Châu đã dàn dựng bệnh tình của cô và từ đó đưa đẩy hai người làm hợp đồng hôn nhân (tất nhiên vì boss muốn tìm cơ hội thả thính mà hơi đầu tư quá tay) đã cảm thấy tổn thương sâu sắc và bỏ nhà đi luôn. Trong những tình huống này mình luôn cảm thấy nữ chính thật quá đáng, chuyện bé xé ra to. Nếu mình mà là cô ấy, mình sẽ bỏ qua hết.
——
Ngôn tình là một thể loại vô cùng được ưa chuộng khắp cả châu Á, châu lục đông dân nhất thế giới. Được một số lượng lớn người yêu thích đến vậy, chứng tỏ, những điểm chung này đặc biệt được con người ưa chuộng. Vì vậy, nếu có thể học được điều gì từ phim ngôn tình, ấy là nằm ở công thức chung trên.
Tới đây các bạn sẽ tự hỏi, mọi việc trong phim không thể nào suôn sẻ hơn được nữa, tình yêu của đôi chính thành công ấy là do đạo diễn tạo điều kiện, thì có gì để học? Chúng ta đều cho rằng bản thân sẽ không bao giờ trở thành nhân vật chính vì tình yêu trong phim ngôn tình là thứ hoàn hảo, không tì vết nhất trần đời. Tuy nhiên, mình tin rằng, tình yêu có đẹp hay không, không phải nhờ yếu tố ngoại cảnh mà chính là nhờ cả vào bản thân chúng ta.

Quay lại đặc điểm đầu tiên: mối tình đầu. Sở dĩ, các nhà làm phim rất ưa chuộng mô típ này là vì nó toả ra một cảm giác đặc biệt, như là định mệnh vậy. Thế giới có tận 4 tỉ người, giỏi hơn tôi có, xinh đẹp, duyên dáng hơn cũng có vậy mà người ưu tú như anh lại phải lòng tôi, mà tôi còn là người đầu tiên nữa, chẳng phải rất đặc biệt hay sao? Xung quanh mô típ này thường đi cùng với những tiểu tiết như, nam chính lạnh lùng nhưng ấm áp với nữ chính, tình yêu sét đánh... Biên kịch ưu ái cho kịch bản này chính là vì người xem thích nó.
Con người luôn khao khát trở nên đặc biệt, không chỉ trong tình yêu mà còn trong quan hệ xã hội, công việc, bạn bè... Điều này được minh chứng qua các quan niệm xã hội: không phải tự nhiên mà ông bà lại đề cao tính chung thuỷ trong hôn nhân đến thế. Đọc thơ Hồ Xuân Hương sẽ biết cảm giác phải san sẻ tình yêu với một người khác khiến ta cảm thấy bản thân thật tầm thường, vô giá trị.
Điều này cũng không phải quan niệm riêng gì của người châu Á, trong phim ảnh nước ngoài cũng có một format tương tự đó là: người được chọn (the chosen one) mà ta bắt gặp trong Harry Potter, Percy Jackson, Twilight...
Vì vậy bài học thứ nhất từ phim ngôn tình đó là: mấu chốt của việc thể hiện tình cảm là khiến người ấy cảm thấy là duy nhất và không thể thay thế được. Chúng ta có thể không nói lời mật ngọt, không luôn kề bên được nhưng nhất định phải làm cho đối phương cảm thấy thật đặc biệt. Không phải, vốn dĩ tình yêu đẹp là vì trong mắt đối phương chỉ duy nhất có hình bóng một người hay sao?
nguồn: insta @quynhdino.99


Sẽ không có mối quan hệ nào lâu dài nếu không có hiểu lầm. Ghét của nào trời trao của ấy, tâm lý con người đều không thích những hiểu lầm, và khi vướng vào thì ta thường lờ nó đi, và hi vọng theo thời gian cả hai đều quên mất (mình không biết có bao nhiêu người đọc đồng cảm được với tâm lý này nhưng mình tin những cảm nhận của mình khá đại trà). Các cặp trong ngôn tình cũng có mâu thuẫn và cãi vã chứ, có điều để thêm phần lãng mạn thì cách phổ biến là người nam xin lỗi trước (dù có lỗi hay không), mình không ủng hộ điều này, nhưng điều đáng học hỏi ở đây là thái độ giải quyết những bất đồng đó: họ đều chủ động đề cập đến mâu thuẫn và giải quyết cho ra nhẽ nhất định không được lờ đi. Điều này rất quan trọng, quyết định hai người sẽ càng gắn bó sâu sắc hơn hay bắt đầu rạn nứt. Tất cả chúng ta đều sợ vế sau hơn, nhưng suy cho cùng, đó đâu phải cái giá quá đắt để biết được một người không phù hợp để bên cạnh ta cả đời 🙂

nguồn: insta @quynhdino.99


Cuối cùng là bài học đến từ nữ chính: một cô gái may mắn. Mọi người đều cảm thấy cô rất may mắn, cô cũng tự biết mình may mắn. Và đây chính là điều nguy hiểm. Người ta thường nói: ‘Con người không biết trân trọng những gì mình đang có.’ Tuy vậy ta lại quá cảm tính để biết được một người có đáng trân trọng hay không. Yêu một người đã là một điều dũng cảm vì khi đó, ta để một người từ xa lạ thành một phần không thể thiếu không đời mình. Buông bỏ một người càng dũng cảm hơn nữa vì khi đó ta đã buông bỏ một phần tâm hồn mình. Tiểu Hi trong Gửi Thời Thanh Xuân Ngây Thơ Tươi Đẹp của Chúng Ta, là một người con gái mạnh mẽ như thế. Mình còn nhớ những tập đầu, năm 17 tuổi Tiểu Hi dù biết không xứng nhưng vẫn kiên trì theo đuổi Giang Thần để rồi năm 22 tuổi cũng chính cô là người chủ động chia tay. Cô gái này không giỏi học hành, nhan sắc cũng tầm tầm nhưng cô ấy biết yêu thương bản thân, cô ấy dám theo đuổi giành hạnh phúc cho bản thân và cũng dám buông bỏ những điều khiến cô buồn khổ. Cuộc đời có thể không như là mơ nhưng nhất định phải sống thật hạnh phúc. Con người ai cũng có khuyết điểm, vì vậy không hoà hợp được cũng là chuyện bình thường. Mà đã không hoà hợp được thì đừng níu kéo. Con gái, à không, con người, đừng vì sợ cô đơn mà mặc kệ đúng sai.
Thiết nghĩ nếu nhân văn có nghĩa là những bài học dạy con người, thì ngôn tình nghĩa là dạy con người cách yêu. Tóm tắt lại bài viết dài dã man này, điều mình muốn nói là: chúng ta hãy đối xử với người thương như nam chính, giải quyết các mâu thuẫn như biên kịch và yêu thương bản thân như nữ chính. 💕
P/s: Thật ra bài viết này chính là một sự vớt vát cho mười mấy tiếng đồng hồ cuộc đời mình lãng phí vào việc cày phim. Dù gì thì mình cũng hi vọng đã đem lại những phút giải trí cho bạn đọc với bài viết này. 🙂
Đây là bài viết đầu tiên của mình trên spiderum nên chắc chắn còn nhiều sai sót, mong mọi người bỏ qua. Nếu thích, các bạn có thể xem thêm một số bài viết khác của mình trên trang wordpress: jennykryst.wordpress.com