Ảnh từ Teipei Times
Ảnh từ Teipei Times
Mình vẫn nhớ đó là một ngày tháng 8 năm 2018, lúc đó mình mới về nước đi làm được 2 tháng. Chiều hôm đó bạn mình nhờ mình đến đón bạn về từ khách sạn Continental cạnh Nhà Hát Lớn ở trung tâm Sài Gòn. Bạn mình tham gia một buổi hội thảo ở trong đó, và trong lúc mình đứng chờ thì mình đi vòng quanh khách sạn.
Trong lúc chờ buổi hội thảo kết thúc thì mình đi lòng vòng trong khách sạn và vô tình thấy một buổi diễn thời trang đang được tổ chức. Đó là sự kiện ra mắt bộ sưu tập mới của một nhà thiết kế nổi tiếng và người dẫn chương trình bảo rằng sắp tới bộ sưu tập này sẽ được đem qua châu Âu trình diễn.
Đó thực sự là một sự kiện xa hoa với các ca sĩ nổi tiếng được mời đến đế tạo ra một sự kiện nghệ thuật ấn tượng. Những người tham dự đều là những cái tên quen thuộc và họ đều mang theo mình những đồ hàng hiệu nổi bật nhất. Vì không gian ở bên trong khách sạn khá nhỏ nên tuy mình chỉ đứng ở hành lang nhìn buổi biểu diễn từ xa, mình vẫn dễ dàng thấy được ai là ai ở bên trong khuôn viên buổi tiệc.
Khuôn viên bên trong khách sạn Continental
Khuôn viên bên trong khách sạn Continental
Trong lúc đứng xem buổi biểu diễn thì một người bạn khác nhắn tin báo mình rằng bạn đang học chính trị Marx-Lenin ở trường Đại học Kinh Tế, ngay cạnh Hồ Con Rùa gần đó và một lát nữa có thể đi ăn với hai đứa mình. Bạn cũng nói nửa đùa nửa thật rằng lớp học thì chán chết, mấy đứa cuối lớp chỉ canh điểm danh rồi về và bạn mà trốn đi được thì sẽ ra chơi sớm với tụi mình.
Như vậy trong cùng một thời điểm, ở trường Đại học Kinh tế, các sinh viên đang học về các bất công xã hội dưới chủ nghĩa tư bản và những sự ưu việt của chế độ cộng sản, thì cách đó chưa tới một cây số, một buổi tiệc xa hoa lộng lẫy dành cho các nhà đại tư sản đang diễn ra.
Những cảnh tượng tương phản giống thế này diễn ra khắp nơi ở Việt Nam và mình nghĩ đó là một hiện tượng rất đáng để các nhà xã hội học nghiên cứu sâu vào.
-----------------------------------------------
Mình nghĩ rằng văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay đang khuyến khích con người sống đa nhân cách, một nhân cách phải tồn tại như là bộ mặt bên ngoài, một nhân cách thật bên trong.
Ví dụ như mình thấy rằng xã hội Việt Nam là một xã hội rất thực dụng và mê tiền cho dù bản chất của xã hội chủ nghĩa là hạ thấp tiền bạc, vật chất. Hẳn nhiều người sẽ phản đối điều này với các dẫn chứng liên quan đến "người tốt việc tốt", về "đạo đức dân tộc", "văn hóa lịch sử". Còn mình thì nói ra điều này dựa trên dòng tiền. Cách một người chi tiền phản ánh rất thật con người đó, và những nơi dòng tiền trong xã hội chảy đến phản ánh rất thật bản chất xã hội đó. Quốc gia nào đam mê đầu cơ kiếm tiền bằng tiền mã hóa điện tử (cryptocurrencies) hàng đầu thế giới? Đó là Việt Nam, phản ánh qua thống kê về việc tỷ lệ người Việt sở hữu tài khoản crypto để giao dịch cao thứ 2 thế giới theo thống kê từ GoBankingRates, bất chấp việc chính phủ và báo chí liên tục "hù dọa" về vấn nạn lừa đảo trong lĩnh vực này.
Trên thị trường chứng khoán hay bất động sản, mọi người đều thích đầu cơ hơn đầu tư, ai cũng coi Sàn Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HOSE) là một chiếu bạc hợp pháp. Ai cũng hóng các tin đồn rồi mua đất với ước mơ tài sản tăng gấp 3, gấp 5 lần để được đổi đời. Rất nhiều người thậm chí còn không muốn đầu tư vào miếng đất để giúp nó tạo ra thêm giá trị, họ cứ để trống không ở đấy và chỉ đến thăm miếng đất khi cần gặp người mua.
Nhiều người sau khi bán đất, "trúng crypto" xong thì sẽ lên truyền thông chia sẻ về nhà, về xe, về sấp sổ đỏ họ đang nắm giữ. Trên truyền thông đầy rẫy câu chuyện về các đại gia trẻ tuổi mua nhà chục tỷ, mua xe vài tỷ.
Bản thân mình thì thấy đây không phải là vấn đề, dù sao thì những bài báo thấm đẫm chủ nghĩa vật chất này là một phần không thể thiếu của những xã hội tư bản, và nó góp phần tạo ra động lực cho mọi người làm việc, vươn lên kiếm tiền.
Mình chỉ thấy lạ rằng tại sao mọi người đều phải giả vờ rằng đất nước chúng ta không phải là một quốc gia tư bản, không mê tiền?
Trong các cuộc nói chuyện hay trên các diễn đàn bàn luận chuyện chính trị, khi nhắc đến các tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư thêm vào Việt Nam như Samsung, LG, mọi người đều gọi đó là các công ty tư bản. Nhưng khi nhắc đến Vingroup, Vietjet, Techcombank, ai cũng bảo đó là doanh nghiệp tư nhân. Thậm chí mình đã thấy một bình luận khá là buồn cười trên Facebook đại ý rằng:
- VinFast đã chuyển địa chỉ đăng ký sang Singapore rồi. Thôi thì muốn gọi được vốn của tư bản thì phải chơi theo cách tư bản thôi?
Huh? Vậy suốt mấy năm nay Vinfast và tập đoàn mẹ Vingroup không phải là công ty tư bản sao?
Chính cái sự vừa mê tiền vừa phải giả vờ coi thường vật chất dẫn đến những tình huống ái oăm, ví dụ như vụ bê bối chất lượng bộ xét nghiệm của công ty Việt Á hay các chuyến bay giải cứu của Bộ Ngoại Giao. Rõ ràng toàn bộ cái nhóm người hoạt động để đưa bộ xét nghiệm ra ngoài thị trường đó chỉ quan tâm lấy được càng nhiều tiền càng tốt, nhưng khi lên báo đài họ vẫn phải nói về "lòng yêu nước", "bộ xét nghiệm giá rẻ", "tinh thần dân tộc". Hoặc là về các chuyến bay "giải cứu", "nhân đạo", đầy bất nhân, đối với nhiều người thì nỗi khổ của người khác là cơ hội để kiếm thật nhiều tiền cho bản thân.
Tại sao mọi người lại bất ngờ khi nhiều lãnh đạo thuộc Bộ Ngoại giao bị bắt, khi mà việc hối lộ cho nhân viên đại sứ, lãnh sự ở nước ngoài là chuyện xảy ra như cơm bữa? Ai đi du học hoặc lao động ở nước ngoài đều biết rằng muốn làm giấy tờ thì phải kẹp tiền vào hồ sơ, những cái đó phải tự biết không cần nhắc. Năm nào nhân viên đại sứ quán cũng đi chúc Tết lì xì kiều bào, còn kiều bào thì quanh năm đưa đút tiền cho họ để được xử lý hồ sơ. Cái sự hối lộ nó rành rành suốt cả chục năm, nên mình nghĩ mấy người bị bắt hẳn họ cũng bất ngờ. Sao mấy năm qua nhận hối lộ có bị sao đâu, sao giờ tự nhiên lại bị bắt? Chắc là do những lãnh đạo ở trên không còn giả vờ nữa mà họ không biết, vẫn cứ tiếp tục diễn, nên họ bị loại.
Cách đây nhiều năm có một cô bé tên là Linh Ka, trong một lần trót dại cô lỡ nói rằng điểm thi tốt nghiệp có gì đâu ghê gớm, điểm đó mua cũng được. Câu nói buột miệng đó khiến cô bé bị chỉ trích dữ dội, phải khóc lóc xin lỗi những người yêu nước cảm thấy bị xúc phạm. Ấy thế mà vài năm sau Bộ Công An điều tra và bắt mấy chục giáo viên ở nhiều tỉnh ngoài miền Bắc vì tội nhận hối lộ để nâng điểm cho học sinh thi tốt nghiệp, thì lúc đó mọi người lại lên tiếng thất vọng cho nền giáo dục nước nhà.
Phản ứng như vậy của dư luận khiến mình thấy nó như một vở hài kịch, và nó làm mình nhớ tới một câu nói đùa thời Liên bang Xô Viết: "Họ tiếp tục giả vờ trả công và chúng tôi tiếp tục giả vờ làm việc". Vấn đề mua bán điểm nó đã trở thành một phần không thể thiếu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa này, ngay từ thời cấp 1, cấp 2 mình đã nghe đầy các trường hợp mua bán điểm trong khu mình sống. Bạn mình chuyển nhà từ quê lên Sài Gòn học, để được vô trường chuyên học thì gia đình cũng phải chi tiền cho giáo viên chấm bài thi tốt nghiệp đầu vào. Và mình chắc chắn cái hành vi đó chẳng xa lạ gì với mọi người ở mọi tầng lớp, đến lúc mà Bộ Giáo dục tuyên bố bỏ thi đại học và chỉ lấy điểm thi tốt nghiệp ở các địa phương, mọi người đều đã lên tiếng lo sợ tiêu cực, chứng tỏ mọi người đều thấy điều đó.
Bài báo từ năm 2013
Bài báo từ năm 2013
Ấy vậy mà khi một cô bé công khai nói rằng điểm tốt nghiệp có thể mua bán được, mọi người lại chỉ trích. Có vẻ như mọi người chỉ trích cô không phải vì cô phát ngôn xằng bậy, mà vì cô không còn giả vờ như mọi người nữa, nó khiến mọi người xấu hổ vì họ nhìn thấy vai của mình trong vở kịch chăng?
Hay là một vấn đề khác cũng nổi bật lên gần đây là vấn đề quản lý lỏng lẻo đất đai, để nạn đầu cơ hoành hành và người dân gặp muôn vàn rắc rối, khốn khổ vì đất đai. Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, theo hiến pháp bắt chước từ Trung Quốc và Liên Xô thì ở quốc gia này người dân không được phép tư hữu đất đai, mà đất đai là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. Người ta tin rằng cách quản lý đất đai này văn minh hơn, tân tiến hơn ở các quốc gia tư bản và đảm bảo người dân được bình đẳng trong việc sử dụng đất.
Trên thực tế chúng ta đều thấy rốt cuộc tình trạng quản lý đất đai và bất công xã hội do luật pháp mơ hồ gây ra tệ thế nào, và cuối cùng thì ai có quyền có tiền thì có đất. Thế nhưng mỗi khi có đề xuất sửa đổi về đất đai, người ta sẽ giả vờ như vấn đề này nằm ở nạn đầu cơ, do doanh nghiệp, nằm ở trình độ dân trí. Người ta sẽ bảo rằng khoan siết chặt quản lý đất đai vì hiện giờ giá đất chưa cao, và giả vờ như lý do chưa siết đất đai là vì yếu tố kinh tế chứ không phải vì nó đụng chạm đến lợi ích của nguyên một hệ thống đồ sộ ăn bám trên đó.
Sẽ chẳng ai từ bỏ khái niệm mù mờ đất đai sở hữu toàn dân và liên tục "khẳng định tính ưu việt" của nó, bởi bỏ đi khái niệm đó là coi như bỏ đi sự giả vờ bấy lâu nay, chả khác nào nói rằng họ sẽ chuyển qua quản lý đất đai giống mấy nước tư bản, hiệu quả hơn, tốt hơn, minh bạch hơn, nhưng không còn tính chất cộng sản nữa.
--------------------------------------
Bạn đã nghe đến chuyện "Chỉ hươu bảo ngựa" chưa? Thời Tần Thủy Hoàng có một viên quan tên là Triệu Cao, có âm mưu làm phản. Lúc bấy giờ ông đã thâu tóm được rất nhiều quyền lực và đã định lật đổ ngai vàng. Tuy nhiên ông cần biết ai là người trung thành với mình. Một hôm nọ ông sai người dắt một con hươu đến sân chầu trước bá quan văn võ, và nói rằng ông dắt ngựa hiếm đến đây để dâng hiến cho vua.
Một vị quan đã thốt lên rằng đó là con hươu chứ không phải ngựa, và nhìn chung quanh xem có ai đồng tình không. Tuy nhiên đáp lại lời nói ấy là một sự yên lặng. Những kẻ xu nịnh thì chọn hùa vào và khen con ngựa đẹp. Còn nhiều người khác thì không nói gì.
Triệu Cao đã cho giết người nói rằng đó không phải là con ngựa, và đồng thời giết luôn những người im lặng vì họ đã không lên tiếng ủng hộ ông. Đối với ông đó là một bài kiểm tra gắt gao, chỉ có những kẻ trung thành tới mức nói ra những điều ngu xuẩn, đóng kịch chung với ông là những kẻ đáng tin tưởng.
------------------------------
Mình nghĩ nhiều về câu chuyện này và quả thật nó là một bài kiểm tra thú vị, giúp hiểu rõ về tâm lý con người. Khi mình đọc thấy một vài phát biểu kỳ quặc đến mức ngu ngốc trên phương tiện truyền thông, mình nhận ra rằng nó chẳng liên quan gì đến trình độ học vấn của người nói. Cái quan trọng là người phát ngôn đó không phải nói để chúng ta nghe, dù họ giả vờ như thế, họ nói để một người khác ở xa hơn nghe, để làm hài lòng người khác.
Ví dụ như chuyện ở đầu bài, người thầy dạy chủ nghĩa Marx-Lenin kia sẽ được trường trả công với cách tính công mà mọi công ty tư bản áp dụng, chứ không phải tính theo "giá trị thặng dư" mà thầy dạy cho các sinh viên trong giảng đường. Thầy có biết điều đó không? Thầy có biết. Nhưng thầy vẫn sẽ lên lớp nói về sự bóc lột thặng dư của chủ nghĩa tư bản, bởi vì nếu người ta vẫn trả công cho thầy để làm điều đó, thì thầy vẫn sẽ làm. Và sẽ có người ở xa hơn, nhìn vào những lớp học giả vờ ấy, và an tâm rằng họ sẽ có một thế hệ sinh viên trung thành với mình.
Cuộc sống cứ thế cứ diễn ra, người ta giả vờ dạy sẽ có người giả vờ học, rồi thì giả vờ đi làm, giả vờ yêu nước, rồi cũng giả vờ bất ngờ, và giả vờ thất vọng. Hoặc là có thể người ta đóng kịch nhập tâm quá họ quên mất họ đang đóng kịch, nên họ bất ngờ với thất vọng thật.
Sài Gòn, 08/02/2022
---------------
Gửi mọi người một bài đọc thú vị từ Bloomberg: