Nghe nói có ngôi chùa ở Đống Đa HN đã mở đón 14 vạn người dâng sao giải hạn. Nhà chùa thu 200K/1 suất. Làm trong 3 ngày 14-15-18. Nhà chùa thu về ít nhất 84 tỷ. Hãy khoan bàn tiền ấy được tiêu ra sao, với 84 tỷ trong 3 ngày, buôn ma túy cũng không nhanh đến vậy.
Xưa nay tôi không tin lễ bái có thể đem lại may mắn. Tôi chỉ tin vào nhân quả, nghĩa là làm gì thì hậu quả sẽ theo đó xảy ra. Tôi cũng tin là có may mắn nhưng không tin cầu xin sẽ có. Cầu mà có thì không còn là may mắn nữa. May mắn có 3 đặc điểm là TÌNH CỜ, BẤT NGỜ, KHÔNG QUY LUẬT.
Tìm hiểu về giáo lý Phật giáo nguyên thủy, tôi càng vững tin rằng cầu cúng không hề đem lại an lạc, không giúp cải thiện trí tuệ và không giúp đổi dời vận mệnh.
Nếu ta trồng và chăm cây xoài chu đáo, đủ nước, ánh sáng và dinh dưỡng thì tự khắc có quả xoài, lại cả gỗ làm nhà, cành và lá để nhóm bếp. Nhân quả là vậy, muốn hay không, nó vẫn xảy ra theo quy luật.
Các bạn nên đi chùa vãn cảnh và chơi bời giải trí. Đừng nên sa đà, cố sống chết để dâng hương và lễ vật. Nên đi những ngày ít người đi. Nên đến nơi ít người đến. Đó mới là đi để tìm lại chút bình an cho tâm hồn mình.
Thờ Phật Thích Ca hoặc treo ảnh ai đó không phải để cầu may, xin phù hộ. Mà là để nhắc nhở bản thân, soi gương người ấy hàng ngày.
Ta hãy nhìn vào chân dung Thích Ca để thú tội và hứa hẹn, cam kết.
Ví dụ:
Thưa thế tôn, hôm qua con đã làm hai việc không nên làm. Một là con đã dùng gậy đánh con chó quá đau. Hai là con đã mắng đứa con trai quá lời. Con hứa sẽ không làm như vậy nữa.
Thưa thế tôn, hôm qua con đã nghĩ hai điều ác. Một là con đố kị với anh đồng nghiệp vì anh ta được thăng chức mà con thì không. Hai là con chợt nửa đêm nhớ vợ thằng bạn. Hai ý nghĩ đó sẽ không xảy ra nữa, thưa thế tôn.
Soi gương biết mặt ta dơ bẩn nơi nào để rửa sạch. Soi vào chân dung Thích Ca để sửa nội tâm và hành vi của mình theo tứ chánh cần. Đó mới là đệ tử đích thực của ngài vậy.
Thầy Thích Nhất Hạnh luôn bài trừ lễ lạc quá đáng. Thầy chủ trương rằng Phật tử cần sám hối, thú tội và tu sửa chính mình trước Phật thế tôn (confession) mỗi lần hành lễ chứ không cần lễ vật dâng cúng.
Tôi cho rằng thầy ý kiến của Thích Nhất Hạnh rất hợp lý và khoa học. Như chính lời Như Lai từng nói:
Lễ cúng và cầu nguyện không hề đem lại an lạc giải thoát. Chỉ có tu học và chủ động sửa mình mới hoàn thiện được trí năng, tâm từ bi của ta, từ đó vượt thắng vô minh để đi vào cõi ánh sáng tỉnh thức. Ngài luôn chủ động bài trừ cúng bái và cầu nguyện.
Trong Phật giáo nguyên thủy, Thích Ca luôn coi nhẹ và nói không với tế tự. Ngài nhiều lần khẳng định không thể an lạc và giải thoát bằng cách cầu nguyện và tế lễ.
Có lần Ngài từng chỉ dòng sông Hằng mà hỏi thầy Ca Diếp: Làm cách nào để qua sông? Nếu tôi chỉ đứng bên này mà cầu nguyện, tế lễ thì có thể qua sông được không? Tôn giả Ca Diếp nói: Đương nhiên là không thể!
Phật cười nói:
Cũng như thế, tế lễ cầu nguyện không thể làm cho chúng ta thoát khổ đau và đem lại giác ngộ. Phải thực sự dấn thân vào học hỏi, tu tập, tìm tòi chuyên cần mới có thể đạt được sự tiến bộ.
Tiếc rằng, người đời thường hiểu sai về Phật giáo và quá chú trọng về tế tự. Những kẻ làm như vậy, nhất là các hòa thượng có tên tuổi, chính xác là đang hủy hoại Phật giáo.
"Muốn tôn kính Như Lai, hãy làm theo chánh pháp. Có thể làm theo chánh pháp thì dù ở xa Như Lai ngàn dặm, con vẫn như đang ở cạnh Như Lai. Không thể làm theo chánh pháp thì dù ở cạnh Như Lai, con vẫn như đang ở xa Như Lai cả ngàn dặm."
Muốn tỏ lòng tôn kính Phật thì hãy làm theo lời Phật dạy. Lễ bái và dâng cúng không phải điều Thích Ca trông đợi ở chúng ta.
........................
MỜI BẠN GHÉ THĂM FACEBOOK ĐỖ CAO SANG ĐỂ ĐỌC THÊM NHIỀU BÀI VIẾT HẤP DẪN! XIN CẢM ƠN!
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta