[Học được gì qua 10 năm bôn ba xứ người] - Phần 4: Về UK
Lời tựa : Chuỗi bài mình sẽ viết chia sẻ với các Nhện về vài thứ mình học được trong 10 năm du học + đi làm ở UK. Nếu bạn muốn biết...
Lời tựa: Chuỗi bài mình sẽ viết chia sẻ với các Nhện về vài thứ mình học được trong 10 năm du học + đi làm ở UK. Nếu bạn muốn biết điều gì thì để lại comment cho mình nhé, nếu đủ ý thì mình sẽ viết bài, còn không sẽ trả lời trực tiếp trong comment.
Bài cuối này, mình muốn nói vài thứ về UK.
Vốn là một đứa yếu ớt từ nhỏ, say xe chết thôi, nên đi du lịch trong nước mình còn chẳng ham chứ đừng nói đi nước ngoài.
Vậy nên, phải thú thật là lần đầu đến UK mình thực sự bị ngợp.
London, có lẽ sẽ khiến ngay cả đứa khó tính nhất cũng phải xiêu lòng với nó (nếu chỉ đến thăm quan mà thôi). Cái chất cổ kính vẫn lưu lại nơi những góc phố, những con đường nho nhỏ, những quán pub cổ xiêu vẹo, hay cả những tòa nhà hoàng gia từ những năm 1800 1900 ngày ấy.
Và hiển nhiên, như bao bạn Việt Nam khác, mình háo hức như đứa trẻ trong lần đầu tiên thấy ... tuyết.
Nhưng đặc biệt nhất, London mùa giáng sinh thì ...
Nhưng, cũng giống như sự pha trộn giữa nét cổ kính quý phái hoàng gia với những tòa nhà chọc trời trụ sở tài chính ngân hàng, thì cuộc sống ở London có thể nói là khá … tạp nham. Thủ đô của cả UK, mảnh đất hứa cho người trẻ với hàng ngàn cơ hội việc làm mỗi ngày, lại đang mất đi cái chất văn hóa của riêng nó. Con người mang sắc lạnh và vô tình - nhiều lúc đến gai người.
Nhưng nếu về các tỉnh, bạn sẽ gặp một hình ảnh UK hoàn toàn khác.
Hai thành phố mà mình ấn tượng nhất là:
(1) York - một thành phố rất nhỏ ở miền Trung nước Anh
Và (2) Edinburgh - thủ đô của Scotland.
Khi về tỉnh, cảm giác sẽ rất khác. Giống như về những miền quê của Việt Nam vậy, bạn sẽ thấy nhiều công viên, cây cối, cảnh sắc tự nhiên hơn.
Và con người cũng thân thiện hơn rất nhiều. Kiểu khi thấy bạn đi bộ trên đường, cả những người đi ô tô cũng sẽ thường đi chậm lại, hạ kính và nói lời chào bạn.
Và mình đã bắt đầu tình yêu với con người bản địa nơi đây như thế đấy!
Nhưng có một điểm khá đặc biệt: đó là sau khi biết đến Stoicism, mình đã không còn bị cuốn theo cái khát khao có bạn, mà thay vào đó bình thản chấp nhận việc cô độc một mình, chờ đợi, quan sát đúng người mình muốn kết bạn.
Và một trong những người mình biết ơn nhất khi được quen biết: Austin - một cụ ông đẹp lão thì thôi.
Ông chính là người đã giới thiệu mình với rất nhiều những người dân bản địa ở Bắc Ailen này. Đầu tiên ông mời mình đến buổi lễ tối chủ nhật ở một nhà thờ gần chỗ mình. Sau đấy, ông mời mình về thăm ngôi nhà 200 năm tuổi cực kỳ hoành tráng của ông ở một vùng rất rất đẹp gần biển, nơi ông vặt táo trong khuôn viên vườn nhà cho mình ăn, và cho mình ngắm những bức tranh mà ông sưu tầm được. Rồi thậm chí ông còn giới thiệu mình với vợ chồng chị gái ông, 2 người vừa trở về Bắc Ailen nghỉ ngơi hưu trí sau 43 năm sống và dạy học ở Oxford - những người mà từng cuộc hội thoại đều thực sự rất thú vị và mình học được thật nhiều.
Mình nhớ lần đầu tiên đến thăm Catherine và Norman, Catherine mở đầu cuộc hội thoại một cách rất vô tư: "Andy, we have a lot of questions for you today", rồi cười rất tươi. Và cứ thế, họ để mình thoải mái thao thao bất tuyệt về Việt Nam, về những thứ mình học được, cảm nhận được về cuộc sống bên này. Lâu lắm mình mới nói nhiều như thế, một cách cực kỳ tự nhiên. Thậm chí đến khi về nhà mình mới nhận ra cả hai ít nói về bản thân thế nào. Để đến lần thứ hai đến thăm họ mình mới được biết Norman không chỉ là một thầy giáo toán, mà là trưởng viện (Head of department) của một trường như trường năng khiếu ở Việt Nam vậy, và ông có rất rất nhiều học sinh sau này đều vào Oxford Cambridge cả.
Túm lại thì, những hành động, kết nối nho nhỏ mà cực kỳ tinh tế ấy của Austin, sao càng ngày mình càng trân trọng nó đến thế ...
Và có rất, rất nhiều những người bản địa như thế, họ làm nhiều lắm, nhưng chẳng bao giờ kể về họ. Những người, mà quan sát cách sống của họ khiến mình hiểu được rằng: chỉ cần sống tốt là đủ rồi, cần gì quan tâm ai biết, tiếng tăm ra sao.
Nói thêm một chút về văn hóa bên này:
_ Mình cực kỳ, cực kỳ thích cái truyền thống cả nhà cùng nhau đi xem bóng đá cuối tuần, kiểu cổ vũ cho local football club ấy. Nếu là tối chủ nhật thì sau đấy họ thường ra nhà hàng ăn một bữa Sunday Roast truyền thống với thịt nướng và tí cồn cho ấm bụng. Cảm giác đây là một trong những nét văn hóa đẹp nhất mình cảm nhận được.
_ Thứ hai, hiển nhiên là văn hóa pub rồi. Pub bên này thực ra giống với mấy quán bia hơi ở Việt Nam vậy, có chăng khác biệt chỉ là vì xứ lạnh nên thường ở trong nhà với sưởi thay vì ngoài trời (dù cũng có sân vườn cho ai hút thuốc). Nhưng được cái ở đây họ tôn trọng nhau lắm, nên nói năng thường nhỏ nhẹ, chứ không chửi bậy um sòm tùm lum như VN. Cảm giác cuối tuần ra pub, nghe chút nhạc phát từ cái loa nhỏ đặt trên vách, và uống lấy 1 vại bia, nó thực sự giải tỏa rất nhiều căng thẳng luôn ấy. Và mình cực yêu những hình ảnh mấy cụ ông vào pub, với cốc bia trên bàn, ngồi giải đố chữ hay chơi Sudoku trên báo ngày như này.
Cuối cùng là một chút về lịch sử UK. Thực ra mình mù tịt, nhưng đợt rồi vì một kỳ thi bắt buộc về giấy tờ nên mình mới phải lăn vào cày một cuốn sách gần 200 trang về lịch sử UK.
Nhưng mình không thể ngờ là nó khiến mình hiểu biết thêm được nhiều đến thế về đất nước này. Có vậy mới thấy, thực sự một người cực nên tìm hiểu về lịch sử của một đất nước, nếu muốn có thể sống và cảm nhận được cuộc sống nơi đó.
Dưới đây là vài thứ khá thú vị về lịch sử UK mà thi xong hơn tháng rồi mình vẫn nhớ như in:
_ Thực ra không chỉ các nước đang phát triển, mà cả các nước phát triển cũng đều có một lịch sử đấu tranh xâm lược đầy rẫy những đau thương. UK đã bao lần bị đế chế La Mã thôn tính, rồi đến Anglo-Saxon thực ra là người từ Bắc Âu sang xâm lược rồi ở lại UK. Nội chiến, chiến tranh với nước láng giềng Pháp, rồi chiến tranh thuộc địa, cả lịch sử UK cũng là hàng ngàn năm chiến tranh, trước khi đến với thời kỳ công nghiệp hóa - thứ đến tận năm 1952 vẫn để lại rất nhiều hậu quả ô nhiễm môi trường cực kỳ tai hại cho UK. _ Khi một vị vua xung đột với tôn giáo, một cách để giải quyết tình hình là ông ta ... tự lập nên một tôn giáo mới. Khi công giáo chính thống không cho Henry VIII ly dị và cưới vợ mới để có con trai thừa tự (bà vợ đầu chỉ đẻ cho ông được con gái và đã quá già), ông lập cmn ra nhà thờ Anh Quốc (Church of England) để được nhà thờ chấp nhận cho ông ly dị vợ mình. _ Dòng dõi hoàng gia của UK cũng đã trải qua thôi rồi lắm chuyện ly kì. Nào là người trước theo Công Giáo (Catholic), người sau lại theo Tin lành (Protestant), thế là khi người sau lên ngôi thảm sát kinh hoàng diễn ra trên cả đất nước. Rồi thì chị em với nhau nhưng khi dính đến quyền lực (nữ hoàng Anh và nữ hoàng Scotland), có thể giam nhau 20 năm trong ngục rồi cuối cùng đem ra xử chém ngon ơ. Hay ông vua vì thua trận mà trốn trong cái cây, để rồi phải lưu đày sang Hà Lan, rồi trở về quyết giành lại ngôi báu với sự trợ giúp của ngoại binh (thế mới biết, đọc lịch sử thì hơi khó để thiếu ý tưởng làm phim luôn). Và vì những âm mưu thủ đoạn ấy, mà đã có lúc một đứa bé gái trở thành nữ hoàng khi mới 1 tuần tuổi (Mary Stuart – Queen of Scotland). _ Big Ben thực ra là tên của cái chuông của cái đồng hồ đặt trên tòa nhà quốc hội (House of Parliament). Còn tên của cái đồng hồ là Elizabeth Tower _ Lễ hội Haloween thực ra có nguồn gốc từ lễ hội chào đón mùa đông xuất phát từ văn hóa Pagan của người Ailen.
Kết: Vậy là series nho nhỏ này cũng kết thúc rồi. Thực sự hy vọng nó có thể mang lại chút gì đó có ích cho mọi người, và nếu tình cờ bạn đang chọn lựa đất nước để đi du học thì nó có thể truyền cho bạn chút cảm hứng để cân nhắc - vì thực sự UK có cái chất rất riêng, mà mình nghĩ rất đáng để bạn trải nghiệm trong cuộc đời ấy. Ít nhất, mình biết chắc nếu không phải UK thì mình sẽ chẳng thể là một phiên bản của mình ngày hôm nay (dù chưa đâu vào đâu, nhưng là một phiên bản khiến mình có thể mỉm cười và có chút niềm tin).
Và để kết thúc, xin bonus thêm vài tấm ảnh thỏa đam mê của mình:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất