Mục lục cho series: “Học công nghệ thông tin thì làm gì”?

Phần 1: Màu trắng: Sống sót qua thời sinh viên
Phần 2: Màu hồng: Mở mắt
Phần 3: Màu vàng: Sống ở Silicon valley (bài này)
Phần 4: Màu đen: Sáng, tối và màu đen bao trùm
Phần 5: TBD
---
Trước khi vào giai đoạn này, hắn có giải thích với mình một số khái niệm như sau, để cho dễ hình dung,
Một người học công nghệ thông tin, khi học xong cao đẳng/ đại học rồi sẽ có 2 hướng để lựa chọn:
- Học lên master, thiên về nghiên cứu. Hắn gọi hướng này là academia
- Ra đi làm. Hắn gọi hướng này là industry
Dạng như hắn thì gọi là industry, thường sẽ được gọi là software engineer. Phần còn lại, sau khi học xong master thì sẽ làm việc nghiên cứu nhiều hơn, và thường sẽ được gọi là scientist.
Còn 1 dạng nữa là scientist đi ra làm software engineer, cái này thì cũng bá lắm, code siêu chất luôn, đọc ko hiểu luôn á (giỡn thôi)
Và trong thời đại mà data quyết định mọi thứ thì data scientist sẽ trở thành một người mà công ty nào cũng chào đón.
Ở công ty trước của hắn, đội scientist được gọi là dream team in Vietnam. Trong khi đội ngũ engineer được gọi là good team
Công ty lần này của hắn cũng thế, đội ngũ data scientist toàn trùm, nhưng mà khác cái là đội engineer cũng trùm y như vậy. Team toàn là rockstars. Có 2 lí do khiến cho công ty tự tin như vậy:
- Nếu tiêu chí của công ty trước là gia đình, thì tiêu chí công ty này lại là một team, một đội bóng. Mà là đội bóng thì ai cũng phải tự rèn luyện bản thân, nếu như xuống phong độ hay đi lùi thì việc bị loại là điều đương nhiên.
- Tiêu chí phỏng vấn là người sau phải có gì để người trước học hỏi nên thành ra team đã mạnh thì càng ngày càng mạnh.
---
Với đội ngũ engineer như vậy nên tốc độ ra tính năng của team phải nói là như tên lửa, và sự thay đổi trong tech stack (các công nghệ được sử dụng trong dự án) cũng phải nói là hơn tên lửa.
Lúc mới vào công ty, hắn nói với mấy anh rằng mục tiêu của hắn là đọc và hiểu hết những bài viết nói về công nghệ bây giờ, cụ thể là javascript (lúc đó JS đang lên). Trong ngành này, có những trang chuyên tổng hợp tin tức về một chủ đề nào đó, bạn chỉ cần đăng ký (subscribe), nó sẽ gửi về cho bạn một danh sách các bài viết theo hàng tuần. Hắn cũng làm vậy, có điều lúc đó hắn hầu như không hiểu 80% nó viết cái gì luôn.
Sau đó, hắn với toàn team bắt tay vào xây dựng một cái, lúc đó hắn định nghĩa là nồi thập cẩm, mà giờ thì nó gọi là micro frontend. Lúc đó stack của team chơi tất tay từ Meteor tới Angular, rồi cả React. Rồi cứ có gì mới là lôi vô thử, bàn tá lả, rồi bỏ vô luôn. Nhờ vậy mà mấy cái concept mới lúc đó như single store, one way data flow, event-sourced, CQRS system đều được bỏ vào dự án để thử nghiệm hết. Sau đó, còn đục code xuống rồi tự viết các tooling project vì các tools trên community không hỗ trợ được những nhu cầu mà team muốn. Tóm lại là đụng và đục tung rất nhiều cái mới ấy.
Chính vì thế mà sau một thời gian, hắn chợt nhận ra là các bài viết mà hắn subscribe hàng tuần hầu như không còn gì mới với hắn. Đó cũng là lúc mà khi đến với các meetup về frontend, hắn cảm thấy là cái gì hắn cũng biết rồi, hiếm lắm mới thấy được cái mới.
Lúc đó hắn mới nghĩ:
- Trình lên rồi, công ty cũng ngầu, giờ mà dọn qua Silicon valley ở luôn, cho sướng với đời làm dev là hợp lý quá.
Nghĩ là làm, hắn đặt vấn đề với công ty và được chấp thuận. Sau đó, công ty cho hắn một chuyến qua văn phòng công ty ở Silicon Valley làm vài tháng, coi xem liệu có thể sống ở đó được không.
...
Tiếp theo sẽ là những cảm nhận khá là chủ quan của hắn về cuộc sống ở Silicon valley.
Nơi gần như gọi là trung tâm của Silicon Valley là thành phố Mountain View. Với con đường trung tâm tên là Castro, nơi mà mọi nhà hàng, quán ăn đều nói về một chủ đề duy nhất là tech. Ngồi ở quán Starbuck quan sát trong một bữa sáng, hắn nhận ra lâu thật lâu thì thấy nói về chủ đề khác, nhưng cũng là cuộc nói chuyện của một bạn bên tuyển dụng đang mời chào kĩ sư thôi. Nếu cứ lượn lờ ở đường này, bạn sẽ thấy được những người khá nổi tiếng ấy.
Đừng Castro vào một ngày nào đó
Đời sống tinh thần thì cũng rất khá, mấy anh người Việt ở đây cứ cuối tuần rủ nhau vô Google đá banh chung với nhau, không thì kéo nhau đi trekking (kiểu leo núi ngắm cảnh hít thở không khí), cà phê cà pháo,… nên tính ra thì cũng có thể gọi là work-life balance (nghĩa là làm thì làm, sống thì sống)
Công việc thì tuyệt rồi, đắm mình trong tech, chẳng những trong ngành của mình, lại còn có thể biết được bao nhiêu là cái mới. Theo lẽ tự nhiên, hầu như những người ở đây là đắm chìm trong công nghệ. Thậm chí, một số công ty lớn còn phải khuyến khích work-life balance bởi vì nhân viên của họ làm việc điên cuồng. Một lần hắn vào facebook chơi theo lời mời của một bạn làm ở đó, bạn đó có nói đến việc là: Nếu bạn muốn làm ngoài giờ thì lúc nào cũng có người đứng bên nhìn bạn và làm phiền cho bạn không làm được thì thôi.
Ngoài ra, những viện bảo tàng, những công trình kiến trúc, cảnh thiên nhiên lại đẹp và trong lành, đặc biệt là nhiều mảng xanh, tất cả kiểu như hớp hồn hắn vậy.
Đúng là háo hức.
Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó.
Một lần, trong lúc hắn đang đi cùng với một anh trong cùng công ty đến cửa hàng của Apple, thì bỗng nhiên có tiếng của một bạn, chắc là người Ấn, chặn đường và năn nỉ:
- Tao xin tụi mày, tụi mày làm ơn đem cái đơn xin việc của tao đưa thẳng vào bên nhân sự giúp với. Tao bị mất việc, và gửi hồ sơ cũng cả trăm công ty rồi mà không được, tao không thể về nước được, blah blah,…
Trong lúc hắn còn đang không hiểu gì hết thì ông anh đã nhận lấy đơn cùng câu nói gọn lỏn:
- Tao sẽ đưa, nhưng chắc là không được đâu.
Sau đó, như thấy hắn khó hiểu, ảnh giảng cho hắn biết là:
- Bạn đó không phải bất thường đâu em, ở các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc, họ thường bán tất cả gia sản để tìm một cái visa qua đây, rồi công ty phá sản, họ không còn đường lùi nữa.
Rồi chủ đề hôm đó nói chuyện cũng quay quanh việc đó. Có lẽ do vậy nên hắn chú ý là người vô gia cư rất nhiều, và hắn cũng để ý là có khá nhiều người trông khá là giống hắn, cũng đeo kính, quần áo gọn gàng.
Anh bạn, lại một lần nữa chỉ cho hắn:
- Họ cũng từng giống như mình đó em, cũng có khi lại là chủ công ty nữa kìa.  Một số người may mắn trúng startup thì giàu lên, nhưng đa phần là sẽ ra đường như vậy.
Hắn không nói gì, chỉ im im suy nghĩ về tấm bảng mà hắn thấy bên cạnh một người vô gia cư.
- Please help me! I once was a man,…
Lúc đó, hắn cũng nghĩ thầm, lỡ công ty hắn phá sản thì sao nhỉ?
….
Rồi lại một lần, ông anh làm chung team với hắn bệnh liền 2 tuần, hắn thăm hỏi thì ảnh nói thật:
- Anh bị burnout (kiệt sức), em giúp anh, gánh giúp anh giai đoạn này với nha.
Anh ấy rất là giỏi, và trâu nữa, làm việc dữ dội lắm, và ảnh trông cũng rất khoẻ nữa, thế mà lại bị burn out. Vậy là hắn lại đi tìm hiểu coi burnout là như thế nào.
Cuối cùng, hắn rút được kết luận, giờ còn trẻ thì cày được, nhưng tới tuổi 3x như anh ấy thì cày kiểu đó cũng kiệt sức sớm. Một hai ngày thì được, nhưng mà quanh năm suốt tháng thì chịu sao nổi.
Trời mùa hè, 9h tối mới tắt nắng, mà tắt nắng thì mới về nhà. Mà đó là điều diễn ra ở rất nhiều công ty. Chỗ hắn làm nhìn thẳng qua văn phòng WhatsApp, hôm đó là 11h đêm rồi mà bên đó vẫn sáng đèn và nhộn nhịp ghê gớm. Tự nhiên thấy sợ sợ.
Đêm đó, niềm tin về việc ở lại US bị lung lay. Hắn bèn lấy sách ra đọc để lên tinh thần, cuốn sách ấy là của một CEO đã dẫn dắt công ty qua thời khó khăn, là một war time CEO theo định nghĩa của ổng. Đang ở Silicon valleynên hắn thấy như mình đang tham gia vào từng mẫu chuyện trong đó. Hắn lại thấy lên tinh thần, thôi thì YOLO, sợ gì khổ.
Sách hắn đọc đêm hôm đó. Nguồn: thestorybookstore.com
Rồi như cái định mệnh, sự việc diễn ra y chang như trong cuốn sách. Sáng hôm sau, hắn bỗng để ý thấy LinkedIn của mình có mấy người bên quỹ đầu tư vào xem… Trưa ngày hôm ấy, CEO có cuộc họp toàn công ty, nói rằng công ty sắp hết tiền rồi, mình phải có chiến lược để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Rồi sau đó, y như sách viết, một thông điệp được đưa ra cho mọi người, một thông điệp với 2 lựa chọn:
- Nếu như bạn không tin là công ty vượt qua được, hãy nộp đơn xin nghỉ, công ty sẽ trợ giúp cho bạn một tháng lương.
- Ngược lại, nếu bạn chọn ở lại, công ty vẫn có thể sẽ cho bạn thôi việc và lúc đó sẽ không có trợ giúp gì hết. Bên cạnh đó, nếu được giữ lại, có thể một phần lương của bạn sẽ được chuyển thành cổ phần. Và nếu bạn chọn ở lại, quyết định là bạn có làm tiếp hay không sẽ được đưa ra sau đó 1 ngày, bởi công ty.
Whoa, đó có vẻ là cách các công ty giải quyết khủng hoảng, y như công thức trong sách. Và sau khi ngẫm nghĩ, hắn hơi hoảng nhận ra là quyết định sắp tới quan trọng lắm.
Sự thật là, với hắn thì quyết định đó sẽ kết thúc giai đoạn màu vàng, để chuyển sang giai đoạn màu đen của hắn, giai đoạn quay cuồng, lạc lối. (Giai đoạn này hắn kể từa lưa tà la, kiểu không muốn kể nên để sắp xếp lại rồi mới viết được)
Vậy nếu là bạn, thì bạn sẽ chọn như thế nào?
(Tạm hết)