Học cách học từ Thạc Sĩ Dược Đại Học Melbourne (Xếp hạng #1 tại Úc), 8.5 IELTS
Đây là một bài phỏng vấn cá nhân với tác giả Vương Thục Nhi được thực hiện vào mùa hè năm 2018. Nội dung tập trung về phương pháp học,...
Đây là một bài phỏng vấn cá nhân với tác giả Vương Thục Nhi được thực hiện vào mùa hè năm 2018. Nội dung tập trung về phương pháp học, cách xin học bổng.
Một vài dòng ngắn gọn về bạn. Bạn hiện nay đang làm gì?
Mình hiện tại vừa mới tốt nghiệp Thạc sĩ Dược Lý học tại trường đại học Melbourne ở Australia. Dù chưa chính thức tốt nghiệp nhưng mình hiện giờ đang làm trợ lý nghiên cứu bán thời gian trên phòng thí nghiệm, phần lớn là chuẩn bị giấy tờ để xuất bản công trình nghiên cứu trong hai năm vừa qua cũng như quản lý các buổi thí nghiệm liên quan. Ngoài ra mình cũng đang làm trợ lý giảng dạy cho các sinh viên năm thứ hai và ba trong khoa Dược. Nhìn chung là đang bán thất nghiệp!
Công trình nghiên cứu trong hai năm thạc sĩ của mình là về các nọc độc của rắn nâu (chi Pseudonaja) tại Australia và tác động của chúng lên hệ tuần hoàn trong cơ thể con người. Chất kháng độc rắn vốn được chế tạo bởi việc tiêm nọc độc của một loài rắn nhất định vào một loài động vật (thông thường là ngựa hoặc thỏ) rồi thu hoạch các kháng thể trong cơ thể của chúng. Mỗi chất kháng độc rắn chỉ có thể sử dụng để chữa trị các vết cắn của chính loài rắn độc đó. Tuy được đưa vào sử dụng rộng rãi nhưng chất kháng độc này có hạn sử dụng khá ngắn và rất tốn kém để bảo quản. Hơn nữa, do phần lớn các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ rắn độc là ở khu vực nhiệt đới, bao gồm nhiều đất nước đang phát triển, việc lưu trữ và bảo quản những chất kháng độc này trở thành một gánh nặng tài chính cho đất nước. Đó còn chưa kể tới việc một công ty Dược lớn là Sanofi-Pasteur tuyên bố ngừng sản xuất một số chất kháng độc cho các loài rắn vùng cận sa mạc Sahara. Do vậy, mình và phòng thí nghiệm hệ tim mạch, cùng với phòng bên chuyên về các nọc độc của động vật, đã bắt tay vào tìm một phương pháp chữa trị có thể áp dụng rộng rãi hơn.
Tại sao bạn lại chọn trường Melbourne? Động lực nào khiến bạn apply vào trường Melbourne? Tại sao bạn chọn ngành dược? Nếu được chọn lại bạn sẽ học ngành gì? Vì sao?
Mình chọn vào trường Melbourne thật ra cũng không có lý do gì sâu xa như “từ nhỏ tới giờ vẫn mong ước được vào trường đại học danh giá” hay là “trường có lịch sử lâu đời và nổi tiếng về dạy và học nên em muốn được theo học và để lại gì đó có ý nghĩa cho đời sau” mà bạn nào đó có thể đã chém gió trong bài dự thi của mình. Thực sự là có 2 lý do chính mình chọn theo học trường Melbourne:
- Vì Melbourne Model. Với các bạn không theo học tại Australia, Melbourne model là dạng giáo trình kiểu Mỹ, khi mà bạn học bằng cử nhân chung (về khoa học, nghệ thuật, kinh tế hay môi trường) trong ba năm,với một chuyên môn mà bạn muốn (như của mình là Dược chẳng hạn) và hai năm thạc sĩ. Ban đầu mình vốn là sinh viên kiến trúc (BEnvs. – Cử nhân môi trường học), nhưng do năm lớp 12 mình chưa rõ sẽ thích kiến trúc hay không nên với cấu trúc giáo trình như vậy mình dễ dàng thay đổi ý định hơn nếu không cảm thấy hài lòng với năm học đầu tiên.
- Vì điểm số. Mình hoàn toàn không ám chỉ đến điểm số của bản thân ở đây, mà là điểm số đầu vào. Trường vốn nổi tiếng lấy điểm sàn cao cho tất cả các ngành, đồng nghĩa với việc mình sẽ được theo học và nghe giảng dạy từ những bộ não thông minh và năng động nhất Australia và thế giới. Mình không muốn làm thằng chột ở vua xứ mù một chút nào cả.
Lý do theo dược thì cũng không quá đặc biệt – mình khá giỏi khoa học tự nhiên và cũng muốn theo học một cái gì đó có hữu dụng cho đời. Mình khá thích nghiên cứu, và cơ hội làm việc trong các công ty dược hoặc các bệnh viện/trường đại học lớn cũng không thiếu sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu có thể thay đổi ngành nghề thì mình sẽ chọn học kĩ sư Sinh học. Công nghệ nghiên cứu tế bào gốc, tế bào nhân tạo hoặc các dụng cụ chụp hình (imaging) Sinh học giờ đây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và cũng được áp dụng trong rất nhiều công trình nghiên cứu lớn hiện nay. Tuy vậy mình cũng không hề lấy làm tiếc khi đã chọn Dược, và mình cũng vẫn nuôi ý định học tiến sĩ nghiên cứu về ngành Dược Lý học trong tương lai không xa.
Quá trình nộp hồ sơ thế nào? Điều gì khó nhất trong quá trình nộp đơn?
Vì theo học cấp ba tại Australia nên hồ sơ xin vào trường đại học cấp cử nhân vô cùng đơn giản, cũng như các bạn ở Việt Nam nộp nguyện vọng vậy. Trường chỉ xét điểm số tốt nghiệp và quyết định có nhận bạn hay không mà thôi! Còn khi xin học thạc sĩ thì có chút khó khăn hơn vì mình phải tự tìm một giáo sư sẵn sàng nhận dìu dắt trong hai năm nghiên cứu. May thay là mình đã tìm được cho bản thân một giáo sư nghiên cứu mảng đề tài mà mình quan tâm, đồng thời cũng chấp nhận một đứa ngu học như mình. Hơn nữa là mình có cơ hội làm việc với những thành viên với nhiều cá tính khác nhau, sở thích khác nhau và làm quen với nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau. Không thì chắc bây giờ mình đang trôi nổi ở phương trời khác rồi mất!
Bạn nghĩ Melbourne chọn bạn vì tiêu chí gì? Bạn có lời khuyên nào cho người muốn xin học bổng hoặc apply vào Melbourne?
Melbourne chọn mình vì điểm số. Đơn giản là vậy thôi, trường đại học ở Melbourne sẽ chỉ tuyển các cử nhân tương lai (đặc biệt là du học sinh) dựa trên điểm số. Các bạn có thể sẽ được ưu ái phần nào nếu tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá khi còn theo học trung học phổ thông, nhưng nó chắc chắn không phải là yếu tố quan trọng nhất để được nhận tuyển vào trường. Thế nên các bạn có thể chỉ lo học cho thật tốt, tiếng Anh thật khá để là đủ để vào trường rồi.
Các bạn du học sinh nước ngoài khi tới Australia thường sẽ phải làm thêm bài thi tiếng Anh (IELTS) để chứng minh là mình có đủ khả năng theo chương trình tiếng Anh bên này. Tuy không phải chứng minh khả năng tiếng Anh vì mình đã theo học ba năm cử nhân tại trường, mình nghĩ đây sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng cho các bạn có ý định du học.
Ngoài ra hãy suy nghĩ kĩ ngành học bạn muốn theo đuổi. Tuy là một trường danh giá nhưng Melbourne không phải là đại học tuyệt vời nhất cho tất cả các ngành học. Trường mình nổi tiếng về các ngành Y học, luật, kinh tế và giáo dục, nhưng nếu bạn có ý định học các ngành yêu cầu thực hành nhiều như kiến trúc hay thậm chí là kĩ sư thì Melbourne chưa chắc đã là điểm đến cho bạn. RMIT có nhiều khoá thực hành giúp bạn chuẩn bị kĩ năng làm việc quan trọng trong tương lai (và nổi tiếng với ngành kiến trúc), còn những khoá kĩ sư tại trường mình yêu cầu cho mỗi môn học rất cao và ‘khoai’ nên nhiều bạn vào cuối cùng lại chuyển đi trường khác.
Bạn học tiếng anh từ khi nào? Bạn có lời khuyên gì cho những người muốn nâng trình độ tiếng anh? Phương pháp học nào bạn nghĩ hiệu quả nhất?
Mẹ mình cho mình theo học thêm tiếng Anh cùng một số bạn bè thân từ năm lớp ba hay bốn gì đó, nhưng trên trường thì mình chỉ bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp bốn. Ở cấp hai mình là học sinh chuyên Anh nên thường xuyên nghe nhạc tiếng Anh cùng bạn bè để giải trí cũng như củng cố vốn tiếng của mình. Mọi người thường nói chăm chỉ xem phim, nghe đài hoặc đọc sách để củng cố tiếng Anh là hiệu quả nhất, nhưng mình nghĩ học ngôn ngữ bao giờ cũng yêu cầu bạn thực sự ưa thích ngôn ngữ đó và nắm chắc các cấu trúc văn phạm.
Nghe thì khô khan đấy, nhưng việc thực sự tập trung vào các ngữ pháp được dạy trên trường là vô cùng quan trọng đối với mình. Từ vựng bạn luôn có thể trau dồi trong từ điển, luyện nói và nghe bạn hoàn toàn có thể làm trong thời gian rảnh rỗi, nhưng một tràng dài các từ sẽ không bao giờ trở thành một câu hoàn chỉnh nếu không có ngữ pháp. Đặc biệt là khi giao tiếp với người nước ngoài – bạn có thể nói tiếng Anh đậm chất Á Đông nhưng vẫn đúng cú pháp mà không sợ ai không hiểu bạn, thế nhưng sẽ không ai hiểu bạn nếu tất cả những gì bạn có thể nói là xâu chuỗi một trăm từ không đúng trình tự. Lúc đó, câu nói của bạn sẽ chỉ là một cuốn từ điển chưa được sắp xếp, hoặc là một word salad mà không ai có thể theo kịp.
Khi học tiếng anh và apply vào các trường, bạn hay dùng hoặc thích nguồn tài liệu hay trang web nào để học và tìm hiểu?
Mình dành khá nhiều thời gian tham khảo PubMed – một trang web bao gồm phần lớn các đề tài nghiên cứu Y dược. Do tính chất của ngành học mà mình dành khá nhiều thời gian nghiên cứu các đề tài nghiên cứu Dược của các trường đại học. Ở nước ngoài, tất cả các công trình nghiên cứu của mỗi giáo sư đều được xuất bản và xem xét kĩ lưỡng bởi chuyên gia để xác nhận thực hư – do vậy mà bạn luôn có thể an tâm nghiên cứu và chọn đề tài cho phù hợp với sở thích của mình. Khi xin vào các trường đại học thì mình chắc… dành nhiều thời gian trên trang web của các trường nhất. Mình cố gắng tìm hiểu về khoá học, môn học và các kĩ năng họ sẽ dạy cho mỗi môn để lựa chọn cho phù hợp và chuẩn xác nhất.
Còn nói tới việc học tiếng Anh thì mình dành nhiều thời gian nhất có thể (như khi phải ở trên trường 12 tiếng/ngày làm thí nghiệm và viết luận văn thì chả ai còn sức để làm gì khác chẳng hạn) để đọc sách. Mình có sở thích đọc văn học kinh điển của nhiều nước trên thế giới, và cũng có một vài người bạn liên tục giới thiệu và chia sẻ sở thích này. Nếu bạn nào có tiền nhưng ít thời gian, mình khuyên các bạn có thể nghe audiobooks trong thời gian rảnh rỗi. Hiện thì mình đang nghe Blindness (Mù loà) của Jose Saramago – cuốn sách này cũng đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam nhưng mình hiện không có nhiều thời gian để cầm nó theo đọc, do vậy mà mình chuyển qua nghe audiobook của nó.
Từ lúc vào đại học mình cũng thành lập sở thích nghe podcast. Hiện tại thì podcast ưa thích của mình là Fivethirtyeight Politics – một podcast sử dụng số liệu để nói về tình hình chính trị Mỹ. Mình cũng hay nghe Pod Save America (cũng về chính trị nhưng hoàn toàn ở phe đảng Dân chủ) và Radiolab (về khoa học). Trước đây mình cũng có nghe The Bugle (châm biếm chính trị), This American Life (về cuộc sống trên đất Mỹ) và A Brief History of Mathematics (về các nhà toán học nổi tiếng trong lịch sử) và The Double Disillusionists (về chính trị Australia). Điều đặc biệt là tất cả các podcast trên đều miễn phí, và miễn là bạn down một cái app trên điện thoại hoặc nghe qua iTunes là bạn có thể nhận được cập nhật hằng tuần!
Khi học ở trường Melbourne, bạn nghĩ kĩ năng gì là quan trọng nhất để thành công trong học tập?
Dám hỏi và dám nhận là mình không biết câu trả lời cho một câu hỏi. Cho dù là trong một buổi phỏng vấn hay là trước đám đông, bạn cần biết tập cách dũng cảm hỏi câu hỏi và dám nhận là mình không biết trả lời. Không ai có thể nói mình biết tất cả mọi thứ cần biết – điều này áp dụng cho tất cả, từ sinh viên tới giáo sư trong ngành nhiều năm – do lượng kiến thức khổng lồ mà ai cũng phải đọc và theo dõi hằng ngày. Vì vậy mà bạn phải học cách công nhận câu trả lời, và hỏi khi cần thiết. Có ai đó đã từng nói “He who asks a question is a fool for five minutes; he who does not remains a fool forever”*. Dịch nôm na thì câu nói muốn ám chỉ rằng bạn có thể trông ngu ngốc trong lúc hỏi, nhưng nếu không bao giờ hỏi thì bạn sẽ mãi ngu mà thôi.
*Trước khi có bạn này vui tính copy dòng này vào Google và nhận được một trang web ghi chú đây là thành ngữ Trung Quốc hoặc của Khổng Tử, mình xin nói luôn là có một trang web hỏi chính câu hỏi này và nhận được nhiều câu trả lời rằng nó không phải bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc.
Nơi bạn thích đi du lịch nhất ở Úc? Đời sống ở Úc như thế nào? (thời tiết, lương trung bình, văn hoá, tính cách con người). Úc có đáng sống không?
Du lịch tại gia có tính không? Vì chắc mình là đứa sinh viên lười ra đường nhất mất – dù các bạn nếu trong hoàn cảnh đi học cả tuần từ sáng tới tối như mình hằng tuần thì chắc cũng ở nhà… dưỡng sức cuối tuần mà thôi. Nói vậy chứ mình cũng đã có dịp đi một số thành phố lớn như Canberra, Sydney và Brisbane (dù Brisbane là đi hội thảo Dược) – và có lẽ địa điểm ưa thích nhất mà mình được tới vẫn là Melbourne. Nếu du lịch nghỉ ngơi thì mình nghĩ Brisbane cũng là một thành phố đẹp, nhưng với một đứa dành gần 9 năm tại Melbourne thì những con phố nhỏ, các hàng sách cũ hay toà nhà cổ kính ở Melbourne vẫn là như là Wonderland của Alice vậy. Ngoài ra mình cũng rất thích chuyến đi lên rừng Quốc gia Grampians (dù hôm đi thì bị cảnh báo cháy cấp độ cao) và núi Macedon cách Melbourne một tiếng lái xe. Gần Macedon là Hanging Rock, địa điểm của một cuốn sách trẻ em* nổi tiếng ở Australia đã được chuyển thể thành phim.
*Sách trẻ em những nói về trẻ mất tích… Quả cũng hài.
Cuốn sách ưa thích?
…Đây chắc là câu hỏi khó nhất quá – giống như hỏi một người mẹ đứa con nào là đứa con ưa thích vậy (nếu bạn hỏi mẹ mà mẹ bạn nói mẹ bạn yêu các con như nhau là nói dối đấy, bạn không yêu mẹ bằng anh chị em của bạn đâu – hãy chấp nhận sự thực như mình đi!).
Cuốn truyện đầu tiên (hay là series thì đúng hơn) mà mình mê mẩn là series về Sherlock Holmes – mình thực sự rất thích “Những hình nhân nhảy múa”, “Hội tóc đỏ” và “Vụ án cuối cùng”. Mình nhớ hồi lớp hai vẫn chúi mũi vào đọc cả series (và tìm loạn cuốn “Chú chó của dòng họ Baskerville” mất tích trong bộ sưu tập suốt vài tháng). Holmes có lẽ sẽ mãi luôn là hình tượng lý tưởng của lý trí và suy luận với mình, là người đầu tiên đưa mình tới các tác phẩm trinh thám, nhưng với mình thì cuốn sách trinh thám hiện tại mà mình ưa thích nhất là The Hollow Man/The Three Coffins của John Dickson Carr.
Tuy thế, tác giả ưa thích nhất của mình thì phải kể tới Natsume Soseki – mình có và đã đọc gần hết tất cả các tác phẩm được dịch sang tiếng Việt và Anh của ông, và cũng sưu tập một số cuốn tiếng Nhật. Mình đặc biệt thích hai cuốn Kokoro (Nỗi lòng), Nowaki và Botchan (Botchan – Cuộc nổi loạn ngoạn mục), đánh dấu hai mốc thời kì văn chương gần như đối lập của Soseki. Kokoro và Botchan đều đã được dịch sang tiếng Việt nên các bạn luôn có thể tìm đọc. Một số tác giả khác mà mình thích là Jose Saramago, Akutagawa Ryuunosuke, Kunikida Doppo, Ivan Turgenev, Thomas Mann, Franz Kafka, Albert Camus, Anton Chekhov và Stefan Zweig. Các tác phẩm có để lại ảnh hưởng sâu sắc trong tâm trí mình, ngoài những tác phẩm nêu trên, còn có The Stranger (Người lạ, Camus), Chess (Cờ vua, Zweig), Death of Ivan Ilyich (Cái chết của Ivan Ilyich, Leo Tolstoy), The Other (Người còn lại, Jorge Luis Borges) và Wasurenai Hitobito (Những kẻ khó quên, Doppo). Không phải cuốn nào cũng đóng góp thay đổi con người mình – thay vào đó, chúng thường để lại dấu ấn văn học khó quên và khiến mình luôn muốn quay lại đọc chúng thêm một vài (chục) lần nữa.
Làm thế nào để tìm hiểu và biết thêm về bạn?
Facebook: https://www.facebook.com/Hellotoeveryone
Profile của mình để private hoàn toàn nên hãy gửi mình một tin nhắn qua Messenger nếu bạn muốn liên lạc qua con đường này. Mình hoàn toàn không chấp nhận friend request nếu không biết người phía bên kia là ai.
Tiếc là blog này mình đã không update gần một năm nay, nhưng biết đâu trong tương lai mình sẽ lại update thường xuyên hơn? Chắc là không đâu!
Hihi, xin phép các bạn cho mình quảng bá sách trong vài dòng kết cuối cùng của buổi phỏng vấn này. Vào đầu năm 2017 mình cũng đã viết và xuất bản một cuốn sách Cẩm nang du học Australia với Alphabooks. Nếu các bạn có muốn tìm hiểu thêm có thể mua cuốn sách (hoặc không, tiền của bạn mà!), hoặc liên lạc với mình qua Facebook messenger để trao đổi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất