Còm dạo là vấn nạn tôi đã nhận thấy từ lâu và cũng muốn viết về từ lâu. Gần đây nhân dịp trao đổi với Humans of Spiderum có nhắc qua, tôi nghĩ chủ đề này xứng đáng được triển khai thêm và viết kĩ hơn. Cạnh đó cũng nhân dịp Monster Box mở nhóm kín với một phần lí do nhằm đối phó với việc có quá nhiều người đọc còm dạo và người đi còm dạo xuất hiện, điều này cho thấy còm dạo đã trở thành vấn nạn không chỉ mình tôi nhận thấy.

Thật ra thì bài này vốn được viết để đăng vào Monster Box Group cho admin lọc mem, nhưng vì trong đó đang sẵn có vai phản diện rồi nên tôi nhường sân khấu cho người khác, đồng thời triển khai cho bài nhiều ý tưởng thêm gấp đôi để phù hợp với bài đăng ở Spiderum.


I. ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM



Còm dạo ở đây được định nghĩa là hành động đi bình luận vô tội vạ và vô tổ chức với vô số kể đống chữ mà họ bôi ra mỗi ngày một cách vô tích sự. Rất dễ để phân biệt người đi còm dạo với người có đam mê; tuy cả hai cùng bình luận với số lượng lớn nhưng người có đam mê thường chỉ bình luận ở một số chủ đề nhất định mà họ hứng thú, trong khi đó người còm dạo là những người có mặt ở mọi chủ đề.
Sẽ không có vấn đề gì nếu anh đam mê Pablo Picasso và mọi chủ đề liên quan đến trường phái lập thể anh đều tham gia, thậm chí vươn xa hơn đến chủ đề nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại cùng những cãi vã quanh chúng cũng không sao; và mỗi còm của anh phải cho thấy có mối quan tâm nghiêm túc và sâu sắc về chủ đề mình đang bàn.
Nhưng sẽ rất có vấn đề nếu chủ đề nào anh cũng góp mặt từ nghệ thuật cho đến khoa học, chính trị cho đến kinh tế, và nội dung bình luận là những câu vô thưởng vô phạt kiểu “Game có cái xấu và cũng có cái tốt, tuỳ người”, hay những câu sai từ cơ bản như “Picasso vẽ trừu tượng như vậy vì vốn ổng không biết vẽ giống thật”, hay là nói sáo ngữ “Đúng hay sai, đẹp hay xấu đều chỉ là tương đối”, và tồi tệ nhất là còm dạo để chửi nhau, mỗi hiệp kéo dài gần trăm còm.

Về nội dung là như vậy, về số lượng thì tuỳ từng nền tảng, chẳng hạn với Facebook và Youtube một người còm dạo trung bình mỗi ngày có thể bôi ra vài chục cái, với Spiderum thì mỗi ngày gần chục cái cũng đủ để khiến mọi cây viết nhớ nhẵn mặt. Kinh nghiệm của tôi cho thấy trên Spiderum cứ ai có tổng bài viết không lớn hơn 5% tổng bình luận thì đích thị là người theo chủ nghĩa còm dạo, và như một qui luật, còm của họ đều viết những điều mà chưa viết ra người ta cũng đã đọc rồi.
Khác với người có đam mê, người đi còm dạo là những cá nhân mờ nhạt, họ không có đam mê và do đó không bao giờ tìm hiểu một cách sâu sắc một lĩnh vực nào. Ở trên mạng, hình thức tồn tại của họ như một dạng sống kí sinh, kí sinh trên những bài viết do người khác tạo ra để tìm niềm vui thoáng chốc, hoặc thể hiện rằng tôi cũng biết về chủ đề đang bàn chứ không chỉ ngồi nghe suông.
Tôi sẽ bàn cụ thể hơn về người đi còm dạo ở phần III. Còn bây giờ kết thúc phần định nghĩa ở đây để bàn về những người đọc còm dạo trước.


II. NHỮNG NGƯỜI ĐỌC CÒM DẠO



Người đọc còm dạo ở đây ý chỉ đến người thích đọc còm ngang bằng hoặc hơn cả đọc bài viết chính, họ chủ động tìm đọc còm thay vì tiện mắt liếc xuống đọc theo quán tính. Với người nghiện đọc còm thì việc đọc bài viết chính của họ sẽ trở thành thiếu sót nếu không đi kèm việc đọc còm dạo, trong khi mục đích ban đầu mà người viết bài thiết kế chỉ nằm gọn hoàn toàn trong bài viết, việc có ai bình luận hay không chỉ là phụ.
Dựa theo quan sát có được từ góc độ người viết bài hiện nay, và kinh nghiệm cá nhân từ góc độ của người từng một thời thích đọc còm dạo, tôi rút ra hai lí do để họ thích làm việc này: tìm thêm kiến thức ngoài bài viết chính tìm ý kiến đối lập nhằm bác bỏ bài viết chính.

1. Với nhóm người tìm thêm kiến thức.

Như tôi đã phân tích ở bài viết trước đây, con người là loài động vật kể chuyện, chúng ta không được tiến hoá để đọc các văn bản kí thực (non-fic) khô khan, thay vào đó chúng ta hứng thú với các câu chuyện hơn, và đã từ xa xưa kể chuyện vừa là hình thức giải trí, vừa là hình thức để con người giáo dục lẫn nhau. [1] Vậy nên việc đi tìm kiến thức từ câu chuyện được thể hiện bằng cuộc đối thoại giữa hai nhân vật là việc tự nhiên và lành mạnh. Loài người đã ý thức và thực hiện điều này từ thời Hi Lạp cổ với Socrates đi lang thang khắp thành Athens để đối đáp tìm ra chân lí, và sau này học trò ông là Plato viết Cộng hoà để trình bày quan điểm dưới phông nền là cuộc đối thoại giữa Socrates và mọi người.
Thế nhưng điều từng đúng với xã hội ngoài đời thật không còn đúng với xã hội ảo trên mạng nữa. Phong cách Đối thoại Socrates cần rất nhiều hợp tác và nhẫn nhịn của các cá nhân tham gia. Lấy ví dụ Quyển I của Cộng hoà, khi Socrates đối thoại với chàng trai trẻ Polemarchus, thực chất là ông bắt bẻ chàng ta rát rạt, chỉ để giúp chàng ngẫm lại về dịnh nghĩa công bình mà Socrates hỏi cung chàng dễ đến 40 câu hỏi thuộc dạng có/không và chàng đều kiên nhẫn trả lời hết. Hoặc một hình thức khác của đối thoại Socrates là người này làm phông nền cho người kia thể hiện, ví dụ có thể kể đến là tiểu luận The Decay of Lying của Oscar Wilde, trong đó Vivian là chàng trai với đầy những ý tưởng độc đáo và gây sốc, Cyril là chàng trai ôm những định kiến như người đời bình thường. Trong tiểu luận ta chỉ thấy Vivian toả sáng bằng lí thuyết mới mẻ và gây sốc, Cyril chỉ có nhiệm vụ yêu cầu Vivian giải thích những chỗ khó hiểu và thỉnh thoảng cảm thán nếu thấy sốc.
Pha thất bại thảm hại của Đối thoại Socrates trên mạng, dù người hỏi đã  nói rõ ý định và hi vọng hợp tác, nhưng cuối cùng đơn giản là không được trả lời
Mọi đối thoại như thế tuyệt không tồn tại ở không gian công cộng trên mạng nơi những người xa lạ tự do nói chuyện với nhau. Ở hình thức thứ nhất, ta chỉ cần hỏi đến câu thứ mười (hoặc đôi khi ở ngay câu đầu tiên) là người kia hoặc chán mà bỏ ngang hoặc nổi cáu vì không biết mình có đang bị xỏ mũi hay không. Ưu điểm của thế giới mạng là thông tin truyền đi rất nhanh, nhưng nhược điểm là cảm xúc và ý định thì không nhanh bằng. Chúng ta đã quen với kiểu nói chuyện nhìn được mặt và nghe được giọng để đoán, với độ chính xác nhất định, cảm xúc và ý định của đối phương. Nhưng trên mạng thì không có cơ sở nào để đoán, và bởi vì chúng ta chưa quen với việc nói chuyện mà bỏ trống hai ô cảm xúc và ý định, vậy là ta dùng định kiến và cảm xúc nhất thời của bản thân để tự ý trám vào hai ô còn trống đó.
Rất nhiều nguỵ luận trên mạng như chụp mũ, tư duy nhị nguyên, công kích cá nhân đều xuất phát từ hiện tượng này mà ra. Chẳng hạn trong chủ đề về công tác chống COVID của Việt Nam, bất cứ ai đặt câu hỏi liệu nhà nước có đang minh bạch hay không, với ô cảm xúc và ý định đang bỏ trống và e là sẽ bỏ trống mãi mãi, đều được người nghe tự ý trám vào những cảm xúc và ý định mà họ tưởng tượng ra, rồi họ đối xử với người khác theo tưởng tượng của mình, cụ thể là chửi.
Ví dụ nổi bật có thể kể đến Gs. Ngô Bảo Châu với câu hỏi về cách quyên góp qua điện thoại bị người Việt tưởng là mỉa mai rồi chửi xối xả, và để hợp lí hoá việc chửi bới của mình, họ tự ý điền vào hai ô trống cảm xúc và ý định bằng những định kiến họ có với ông từ xa xưa, dẫn chứng thì bằng những sự việc có rất ít liên quan đến sự kiện đang nói. [2]
(Thông tin bổ sung, cuối cùng vỡ lẽ ra đúng là ông Châu không biết cách  quyên góp thật, và việc ông ấy quyên góp cũng là sự thật.)
Ở hình thức thứ hai, cách phản ứng thật đáng xấu hổ, nếu như với hình thức thứ nhất chỉ là bỏ ngang thì với hình thức thứ hai dân mạng sẽ lồng lộn lên chửi bới và vùi dập. Người có ý tưởng thậm chí không được mở mồm nói chứ chưa mơ gì đến chuyện được người khác làm phông nền để mình trình bày cho rõ ý tưởng độc đáo và gây sốc ấy.
Dẫn chứng cho trường hợp này thì nhiều vô kể, nổi tiếng nhất là ý tưởng cải tiến chữ quốc ngữ của Pgs-Ts. Bùi Hiền bị chửi bằng những lời hỗn láo nhất, ý tưởng cho con cái được xưng hô mày-tao với bố trong một trò chơi của ca sĩ Hoàng bách bị chửi xối xả dù chưa ảnh hưởng đến ai, hoặc ít nổi tiếng hơn là tất cả bài viết của Tornad. Thảy chúng đều bị dân mạng xúm vào chửi bới ngay cả khi chúng mới là ý tưởng chứ chưa được áp dụng vào bất kì ai, thậm chí cứ vào chửi mà không cần biết đúng sai.
Bình luận chửi bới Hoàng Bách về trò chơi đóng vai giữa anh ta và con
Nói tóm lại với không gian công cộng và với người lạ trên mạng việc thực hành Đối thoại Socrates là không tưởng. Nếu vớt vát thì ta vẫn tìm được một số bình luận có kiến thức và đối thoại ôn hoà từ những cá nhân có quen biết nhau hoặc trong không gian riêng tư hơn một chút như FB cá nhân, chat-room. Tuy nhiên ngay cả trong các trường hợp này thì việc đọc còm dạo vẫn cứ là vô bổ.
Kiến thức nào trên đời cũng nằm trong một hệ thống và liên kết đến nhau theo một trật tự nhất định. Rất có thể khi ta đọc về nghệ thuật hậu hiện đại và thấy hay, nhưng ta sẽ không hiểu gì về hậu hiện đại hết nếu chưa biết đến chủ nghĩa hiện đại, khi ấy cái nhìn của ta về hậu hiện đại sẽ bị xô lệch và mọi đánh giá dù khen hay chê cũng không còn chính xác nữa. Và ta lại càng không hiểu nghệ thuật hiện đại nếu không biết gì về nghệ thuật cổ điển. Vậy nên dù khen hay chê thì trước tiên ta phải hiểu đối tượng cùng hệ thống mà nó nằm trong đó, bằng không mọi ý kiến chỉ là cảm tính, nhặt nhạnh và vô bổ.
Ở đầu bài tôi đã nhắc về Picasso, người tiên phong cho hội hoạ hiện đại, rằng có nhiều người bảo ông không biết vẽ. Dưới đây là hai bức tranh cùng do Picasso vẽ, bức thứ nhất là Science and Charity vẽ vào năm 1897, nếu xét theo yếu tố chân thực như phối cảnh, ánh sáng thì không chê vào đâu được; bức thứ hai là Les Demoiselles d'Avignon vẽ vào năm 1907, trông có vẻ là thảm hoạ khi Picasso phá cả luật phối cảnh mà thay vào đó là cho các sự vật nằm trên nhiều mặt phẳng khác nhau. Đến đây chúng ta đã hiểu vẽ giống thật hay không chỉ là một phong cách có thể lựa chọn của nghệ sĩ, chứ không bộc lộ hạn chế của họ.
Science and Charity (1897) và Les Demoiselles d'Avignon (1907)
Việc nhặt nhạnh kiến thức không theo hệ thống cũng giống như việc học từ ngọn. Nó không hỗ trợ người ta cách tư duy từ gốc để hình thành khả năng phán xét của bản thân. Nếu nắm vững mọi kiến thức nền tảng ta có thể tự suy đoán hoặc giải thích hiện tượng xung quanh, còn nếu chỉ nắm phần ngọn thì lúc gặp hiện tượng mới người ta chỉ biết ồ à kinh ngạc và chờ người khác rút lấy một phần kiến thức nền tảng để giải thích và nhân tiện là mớm ý đồ cá nhân vào đầu ta.
Đây là chiêu trò thường gặp của tất cả tổ chức lừa đảo trên mạng như Redpill hay Tony Buối Sáng, và đây cũng là lí do vì sao bài phản bác Redpill của tôi chỉ đánh vào nền tảng của nó. Và thật buồn cười sau khi bị đạp đổ nền tảng nhiều Redpiller vẫn nói theo kiểu “Nền tảng sai nhưng vẫn không thay đổi bản chất vấn đề”.
Nói tóm lại việc đọc còm nhặt nhạnh nói riêng và việc lên mạng học lóm nói chung không phải là cách học lành mạnh. Việc truyền bá kiến thức theo kiểu ELI5 là thứ hại nhiều hơn lợi. [3] 
Mạng toàn cầu là nơi lí tưởng để tự học vì có kho sách vở đồ sộ và miễn phí, nhưng nó chỉ hữu ích khi trước đó ta đã có kĩ năng lọc ra đâu là thứ không đáng đọc để tránh. Tiếp sau đó mới là kĩ năng học từ kho sách vở ấy một cách bài bản với những kiến thức đúng đắn từ những tác giả vĩ đại.

2. Với nhóm người tìm ý kiến đối lập

Nói cụ thể thì đây là nhóm người bất đồng quan điểm với bài viết, nhưng họ không biến thành người còm dạo để phản bác bằng mấy câu hời hợt, mặt khác họ cũng không đủ kiến thức để trở thành người tạo nội dung để viết một bài đủ sức nặng nhằm tự mình bác bỏ bài viết kia. Thay vào đó họ chọn cách tìm kiếm những ý kiến cũng bất đồng như mình nhằm củng cố niềm tin của bản thân là chính. Họ không thật sự học hỏi được gì, bởi như mục 1 đã phân tích, vốn dĩ ta không học được gì từ đọc còm dạo.
Thẳng thắn mà nói thì nhóm người này không được sáng láng cho lắm. Họ bắt đầu bằng cách tiếp cận bài viết với cái đầu đầy định kiến; tiếp theo vì bị định kiến lấn át nên ngay cả khi không thấy bài viết có điểm nào mà bản thân bác bỏ được, họ vẫn khăng khăng dùng niềm tin để tin rằng bài viết ấy sai, thay vì phải tư duy theo lí trí rằng tuy ta không thích bài viết ấy, nhưng trong lúc chưa bác bỏ được nó thì ta phải chấp nhận nó không sai; và cuối cùng họ kết thúc bằng cách tìm những còm dạo có ý kiến theo phe mình để hoặc tự thấy thoả mãn khi niềm tin cũ được củng cố, hoặc lúc này mới trở thành người còm dạo bằng cách hùa vào tát nước theo mưa bằng mấy câu phán xét.

Bi kịch ở chỗ trên thế giới mạng họ sẽ luôn tìm thấy thứ họ cần tìm. Ngay đến những ý tưởng sai lầm tuyệt đối như Trái Đất phẳng mà cũng có người tin và đủ nhiều người tìm được nhau để kết thành hội, thì dĩ nhiên luôn không thiếu số lượng người nhất định phản đối một ý tưởng nào đó ở trên mạng. Nhưng đây không phải tin vui cho họ. Mạng xã hội với thiết kế cá nhân hoá giúp cho mỗi người có thể dễ dàng loại bỏ những thông tin và con người họ không thích ra khỏi thế giới quan của mình. Cuối cùng sẽ đến lúc mọi đối thoại của họ chỉ là nghe lại tiếng vọng của bản thân, chứ không thật sự là đối thoại.
Hãy ví dụ về giáo phái Redpill. Giả sử chỉ 1% số người Việt Nam theo giáo phái đó, 1% nghe thật nhỏ bé và vô hại, nhưng với 90 triệu dân Việt Nam thì đó là 900.000 người, hoặc trình bày một cách nham hiểm thì là hàng triệu người theo Redpill. 1 con nhang Redpill đứng giữa 99 con người lương thiện thì tất nhiên không dám múa lửa, nhưng với hỗ trợ của mạng xã hội, hàng nghìn con nhang Redpill có thể đàn đúm tạo thành giáo phái, cũng như thành thật một cách ngây thơ mà tin vào độ phổ biến của mình với số liệu là có hàng triệu người theo.
Tiếp theo là công việc của Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias), giáo phái Redpill tự nhồi sọ nhau với thông tin rằng phụ nữ Việt đang muốn trèo lên đầu họ, họ củng cố niềm tin bằng cách Google dẫn chứng, khốn khổ thay là họ luôn tìm được đúng thứ họ cần tìm. Vấn đề chỉ là họ phớt lờ % số phụ nữ đang bị bạo hành, cũng như phớt lờ số % đàn ông gia trưởng và cặn bã như họ. 
Cuối cùng thì Phân cực nhóm (Group polarization) làm nốt nhiệm vụ của nó, giáo phái Redpill ngày càng cực đoan theo hướng đã định sẵn và cái gọi là tranh luận với phân tích trong Redpill thực chất chỉ là những tiếng vọng lại của những luận điệu một chiều trong căn buồng vọng (echo chamber) khổng lồ.
Thuốc có màu đỏ là được, cứ cắn đi không sao đâu
Đây chính là lí do tôi nói thời buổi mạng là thời tàn của đối thoại, và với nhóm người như ở mục này thì không có đối thoại nào cả, tất cả chỉ là tiếng vọng. Thế nhưng tai hại không dừng ở đây, bằng việc suốt ngày tự nhốt mình trong buồng vọng và nghe tiếng vọng của mình, người ta bị suy giảm khả năng chấp nhận cái khác biệt, bị rơi vào tình trạng lười tư duy vì vốn không có gì mới để tư duy cả.
Việc thu nạp cái mới mẻ tối cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, chẳng thế mà thành bang Athens của Hi Lạp cổ được mệnh danh là xứ sở của thiên tài vì một phần lí do là Athens mở rộng cửa giao thương với ngoại quốc. Athens có thể gọi là thành phố toàn cầu đầu tiên trên thế giới nơi dân bản xứ chào đón người ngoại quốc cùng với nền văn hoá xa lạ họ mang đến, đồng thời vay mượn cái hay của ngoại quốc để làm tốt hơn. [4]
Có lẽ giải pháp duy nhất khắc phục hiểm hoạ tự nhốt mình vào buồng vọng của thời buổi cái gì cũng cá nhân hoá ngày nay là chúng ta hoặc phải học hành tử tế, việc không tìm được ở còm dạo, để có thể tự nhận thức mạnh mẽ; hoặc phải tin vào các chuyên gia, khi bị ung thư thì cần tin ở bác sĩ thay vì thực dưỡng, và khi tìm hiểu sự thật thì hãy tìm đến khoa học thay vì cắn thuốc chuột thuốc đỏ.
 

III. NHỮNG NGƯỜI ĐI CÒM DẠO



Về định nghĩa mời đọc lại phần I. Phần III này chúng ta sẽ đi tìm những thôi thúc nào khiến nhóm người này miệt mài còm dạo đến thế.
Giống như mọi hành động thể hiện quan điểm của mọi người ở mọi nơi, một trong nhiều mục đích của thể hiện quan điểm là thể hiện bản thân. Còm dạo là một hình thức của thể hiện bản thân, nhưng bi kịch ở chỗ đây là hình thức thấp kém nhất.
Sở dĩ thấp kém bởi với đặc điểm chủ đề nào cũng góp mặt thì trừ khi anh là chuyên gia đa ngành, bằng không những bình luận của anh chỉ là kiến thức hớt váng, thứ kiến thức mà chưa viết ra người ta cũng đã đọc rồi. Nhưng một chuyên gia đa ngành phí hoài tài năng và thời gian của mình để còm dạo vài chục cái mỗi ngày với cộng đồng mạng, thì về cơ bản, người này không thể tồn tại. Thực tế những người còm dạo trên mạng hoặc là thả còm để giải trí, hoặc là muốn thể hiện bản thân một cách tuyệt vọng, chủ đề nào cũng còm để cho thấy cái này tôi cũng biết đấy, không kém gì các anh.
Nhưng nếu họ biết, tại sao họ không tìm cách thể hiện tốt hơn như là viết bài dài, thay vì còm dạo – cách thể hiện có nhiều nhược điểm như đã thấy ở phần II? Câu trả lời là vì họ biết không đủ nhiều và không đủ sâu nên không thể viết thành một bài dài theo trình tự lô-gích và có hệ thống được. Anh chị nhớ vấn đề học từ ngọn tôi trình bày ở mục 1 phần I rồi đấy, không ai khác, chính người đi còm dạo cũng là nạn nhân của kiểu học này.
Có thể có một số người sẽ chống chế bằng câu “Vì tôi không đủ rảnh để viết bài dài nên tôi còm dạo”. Vâng, câu nói này buồn cười như đứa bé lừa bà mẹ bằng câu “Con ngủ rồi ạ” vậy. Đã lang thang trên mạng, không có ai là đang quá bận cả, đừng tự cố huyễn hoặc mình lúc nào cũng phải bận bịu mới là người thành công, một ảo tưởng của thời đại công nghiệp và tiêu thụ. Chính rảnh rỗi mới là điều lành mạnh, đó là lúc để các ý tưởng mới mẻ đến với trí óc ta, nhưng chủ đề này thì dài, tôi sẽ trở lại vào dịp khác.
Tóm lại đã có thời gian đi còm dạo tức là rảnh, không rảnh thì thậm chí không có đầu óc nghĩ đến còm dạo chứ đừng nói là làm. Và thật ra viết một bài viết, khi trong đầu đã có sẵn kiến thức, thì tiết kiệm thời gian hơn việc còm dạo rất nhiều. Những người còm dạo gần như còm hằng ngày, trong khi viết mỗi bài 5.000 chữ với tần suất 1 tháng 1 bài (như tôi), đó không hề là vấn đề về thời gian, đó là vấn đề về trí tuệ.
Link bài đầy đủ ở cuối bài này [5]
Bàn đến ý tiếp theo, tôi nhận ra những người đi còm dạo chỉ còm theo quán tính và định kiến có sẵn trong đầu họ, bài viết chính ảnh hưởng rất ít đến nội dung còm. Họ tiếp cận bài viết với định kiến, rồi còm dạo với quán tính, và nội dung còm chỉ là những định kiến nghèo nàn trong đầu họ, bài viết gần như không tác động hay thay đổi gì nội dung còm của họ cả.
Minh hoạ cho điều này, tôi lại phải dẫn ra cú dắt mũi ngoạn mục mình từng làm với hội Phản Biện Không Thuyết Phục, Xóa Group! (Official). Liên quan đến bài viết đả phá game trên Spiderum [6], tôi đăng lại nguyên xi bài viết này vào hội đó, tuy nhiên ở phần tóm tắt đầu và cuối bài viết tôi cố ý viết ngược lại, tức là bênh vực game. Vậy tức là mở bài, kết bài mâu thuẫn triệt để với thân bài. Và nếu là người đọc tử tế, tất yếu họ phải nhận ra điểm quái lạ này để lên tiếng.
Nhưng thực tế là với hàng trăm lượt thích, vài chục chia sẻ, gần trăm còm dạo đều không nhận ra có gì khác thường. Bởi đơn giản là họ không đọc bài, nhưng vẫn vào ủng hộ (hoặc phản đối). Hay nói cách khác: họ chỉ còm ra những định kiến nghèo nàn trong đầu họ, bài viết không thay đổi được nội dung còm. Dù với trường hợp này, bài viết ngược 100% với còm của họ. (Thế rồi họ vẫn chưa tự xoá group như cái tên group lố bịch của họ.)
Hai người khoanh đỏ nói lại như cái máy đúng câu sáo ngữ “Học tiếng Anh  từ game” mà tôi bác bỏ ngay trong bài. Còn người ở giữa thảm hại không  kém khi họ đồng quan điểm với tôi mà vẫn phản đối tôi, bởi vì không đọc  bài
Và nếu như dẫn chứng trên chưa đủ sức nặng thì xin tiếp tục đưa ra dẫn chứng khác đồng dạng nhưng kích thước lớn hơn. Đó là cú dắt mũi các trang báo mạng và người đọc báo mạng của nhà báo John Bohannon. Vào mùa xuân năm 2015, International Archives of Medicine công bố một nghiên cứu của nhà nghiên cứu Johannes Bohannon. Bài nghiên cứu tuyên bố theo Viện Dinh dưỡng và Sức khoẻ ở Đức thì ăn sô-cô-la đen giúp chúng ta giảm cân.
Sau đó hàng loạt báo lan truyền nghiên cứu này, như Irish Examiner, Huffington Post India, và Modern Healthcare. Nghiên cứu rất chuẩn ngoại trừ vài điểm: Nhà nghiên cứu Johannes Bohannon không tồn tại trên đời, chỉ có nhà báo John Bohannon thôi; Viện Dinh dưỡng và Sức khoẻ chưa từng được xây, chỉ có một trang mạng mang cái tên ấy thôi; và hơn hết, bài nghiên cứu đó không có mục đích kiểm tra ảnh hưởng của sô-cô-la với sức khoẻ, nó có mục đích kiểm tra xem các báo mạng có phân biệt được đâu là giả khoa học hay không. [7]
Vâng. Lại một cú dắt mũi ngoạn mục khác. Thảy chúng cho ta thấy rằng mọi người trên mạng không mấy ai chịu đọc các bài viết cần dùng đến trí não, ngay cả khi họ tham gia còm dạo cũng không có nghĩa là họ đã đọc. Hành động này thậm chí càng làm lòi ra cái xấu của họ, đó là không đọc nhưng vẫn chửi (hoặc khen), và do đó những còm dạo ấy chẳng có chút giá trị nào cả.
Link bài báo ở cuối bài này.
Nguyên nhân cuối cùng cho hành động còm dạo nằm ở cách mà mạng toàn cầu định hình hành vi của người dùng. Ở trên mạng người ta không chỉ tự do thể hiện những hành động mà ở đời thực phải giấu kín, mà cạnh đó người ta còn bị mạng toàn cầu định hình những hành động mà ở đời thực sẽ không xuất hiện.
Mạng toàn cầu ra đời đi cùng với hình thức kiếm tiền mới: kiếm tiền bằng sự chú ý của người khác. Mà sự chú ý thể hiện qua lượt xem, lượt thích, lượt chia sẻ và lượt bình luận. Vậy là vô hình trung mạng gieo vào đầu người dùng rằng những người tạo nội dung là người làm dịch vụ, người tương tác là khách hàng, mà khách hàng thì là thượng đế.
Người đi còm dạo từ vị trí tồn tại kí sinh bỗng chốc trở thành một thứ tối cần thiết cho người tạo nội dung, và họ nghĩ rằng việc một bài viết có nhiều tương tác là sự ban ơn cho người viết, do đó người viết cũng phải thể hiện lòng biết ơn ngược lại. Chẳng hạn người viết phải trả lời người còm dạo mới là bình thường, không trả lời thì là bất thường và đáng đặt câu hỏi vậy.

Một phần lí do cho điều này đến từ việc mối quan hệ bị thị trường hoá, một phần vì họ nghĩ rằng người viết đăng công khai tức là phải có trách nhiệm tiếp chuyện đủ mọi thành phần trên đời.
Đây là hiện tượng hiếm gặp ở ngoài đời. Ngoài đời một người nói lên quan điểm của mình thì có rất ít khả năng họ kiếm lợi được gì từ hành động đó, và giả như ta bắt chuyện với người lạ thì phép lịch sự tối thiểu là hỏi ý họ có muốn hay không, và không có gì bất thường nếu họ không muốn. Ở trên mạng thì phép lịch sự tối thiểu như thế này gần như mất hết, trừ khi bắt chuyện trong tin nhắn riêng. Cạnh đó, người dùng mạng cũng mất luôn tư duy phổ quát rằng nếu người viết có trách nhiệm trả lời hết mọi thành phần thì họ sẽ không bao giờ làm được trong thế giới mà một phút có thể có 100 người còm dạo cùng lúc, trong khi họ vẫn chỉ có 2 tay và một ngày vẫn chỉ có 24 giờ.

Hành vi thứ hai bị định hình chính là mấy câu thông báo rời đi quen thuộc như trên. Hẳn rồi, mục đích mấy câu đó nhằm thông báo bỏ thích chỉ là phụ, cái chính là để thể hiện sự không đồng tình mà bản thân vì lí do nào đó mà không đưa ra lí lẽ.
Vậy nhưng ở ngoài đời họ không nhất thiết phải gào lên giữa hội nghị như thế, thay vào đó chỉ cần đứng phắt dậy bỏ ra ngoài, nội hành động đó đủ thể hiện sự bất đồng với sắc thái mạnh hơn cả lời nói. Còn trên mạng, đơn giản là không ai biết đến sự tồn tại cùng với cảm xúc quằn quại vì bất đồng quan điểm của họ, họ chỉ có duy nhất một lựa chọn là gào lên.
Đáng thương, lố bịch, và kém hiệu quả.
Nhưng không khác được, nếu ta vẫn ở trên mạng.


IV. TỔNG KẾT



Còm dạo nói riêng và đối thoại trên mạng nói chung rất hiếm khi tìm được hợp tác và ôn hoà nên việc rút ra tri thức theo phong cách Đối thoại Socrates là không thể. Một vài trường hợp cá biệt như khi đối thoại trong nhóm nhỏ các cá nhân quen biết nhau thì có hợp tác và ôn hoà, nhưng trừ khi kiến thức ấy được đối thoại theo trình tự và số lượng lên đến 400 trang như một quyển sách, còn bằng không nó chỉ là kiến thức vụn vặt, không theo hệ thống, lợi bất cập hại nên không nên được coi là học liệu.
Với người đọc còm dạo chỉ để tìm ý kiến giống mình nhằm củng cố niềm tin, họ là những con người càng khó học và khó dạy hơn ai hết. Mạng xã hội với thiết kế cá nhân hoá đã thúc đẩy mỗi người tự nhốt mình vào một căn buồng vọng nơi mọi ý kiến phát ra đều là tiếng vọng từ quan điểm của mình. Sống lâu trong buồng vọng, họ bị huyễn hoặc rằng họ là chân lí nên rất cực đoan với quan điểm bản thân, và suy giảm trầm trọng khả năng ngẫm nghĩ và tiếp thu quan điểm trái chiều.
Với người đi còm dạo, đây là nhóm người tầm thường chọn cách thể hiện bản thân dưới hình thức thấp kém. Hành động của họ nằm dưới một loạt chi phối và định hình của mạng toàn cầu. Nhìn chung tôi không muốn dạy người khác phải sống ra sao nên thời gian của họ, sức lực của họ, tuỳ cả ở họ thích đốt vào đâu thì đốt.
Với những người muốn tránh khỏi nguy cơ sống trong buồng vọng, giải pháp hữu hiệu là hãy học một cách bài bản và hệ thống, đồng thời không ngần ngại tiếp cận và phân tích cả những thông tin trái với niềm tin của mình. Còn cách khác nhanh hơn là hãy nghe ý kiến từ chuyên gia, và tất nhiên là không dạy chuyên gia phải làm gì với chuyên môn của họ.






TORNAD
3/8/2020