“Tôi không biết điều nào tồi hơn: không biết mình là gì và vui vẻ, hay trở thành thứ bạn hằng mong muốn, và đơn độc”.
“Hoa trên mộ Algernon” được sáng tác bởi Daniel Keyes - một tác giả người Do Thái. Quyển sách được xuất bản lần đầu vào năm 1959, lúc ông mới ba mươi mốt tuổi. Một năm sau đó, tác phẩm được trao giải thưởng Hugo và vào năm 1966, ông tiếp tục lãnh giải Nebula, hai giải thưởng lớn nhất cho đề tài hư cấu viễn tưởng.
“Hoa trên mộ Algernon” kể về hành trình của chú chuột bạch Algernon và Charlie Gordon, một người có chỉ số thông minh cực thấp. Nhờ vào sự nhiệm màu của y học, cả hai có được trí tuệ vượt bậc.
Dù không được thông minh như bao người, Charlie vẫn luôn cố gắng từng ngày. Gã học đọc, học viết, bằng chứng rõ ràng nhất là cả quyển sách đều được viết dưới dạng nhật kí báo cáo tiến bộ của gã, từ những câu từ với chính tả và ý tứ ngô nghê cho đến những dòng chữ hoàn thiện về mặt tư tưởng.
Sau khi trở nên thông minh, cuộc sống của gã dần có sự xuất hiện của vui, buồn, yêu, ghét. Gã yêu Alice, tình yêu của gã vượt qua cả thể xác lẫn tâm hồn. Ái tình của gã đẹp đến nỗi hòa vào vũ trụ, Daniel Keyes đã miêu tả cảm giác ấy thật tinh tế: “Ấy là cảm giác được nhấc mình ra khỏi mặt đất, vượt ra khỏi kinh hoàng và thống khổ, được hoà vào một thứ gì đó lớn hơn chính mình.”
Nhưng không thể để một người vốn có trí tuệ kém cỏi có một não bộ vượt bậc, cuộc sống của Charlie dần vụn vỡ. Khi chú chuột Algernon có những dấu hiệu không lành và chết đi, gã dần nhận ra viễn cảnh của bản thân. Một viễn cảnh không mấy tốt đẹp. Cuối cùng, gã chọn quay về trại tập trung của những người thiểu năng. Gã trải qua quãng đời còn lại trong êm đềm, trong sự thơ ngây với những kí ức cuối cùng còn sót lại về Algernon, người bạn già của gã.
Quyển sách chỉ đơn giản là một cuốn nhật kí của một gã dị biệt, thế nhưng bằng ngòi bút miêu tả nội tâm tinh tế cùng giọng văn ngây ngô, phù hợp với nội tâm nhân vật và chứa đựng sự cảm thông và lòng trắc ẩn sâu sắc, Daniel Keyes đã thành công mở ra cho độc giả thế giới của những người chậm phát triển. Thiểu năng trí tuệ không phải là món hàng đại trà mà các nghệ thuật gia có thể khai thác dễ dàng. Nhưng mỗi khi chủ đề này xuất hiện trên trên các trang đánh giá thì đều có tính hàn lâm cao. Các tác phẩm này đều dấy lên trong lòng người ta một sự thương cảm và cả khâm phục sâu sắc “Ba ơi mình đi đâu?” của Jean-Louis Fournier hay “Điều kì diệu ở phòng giam số 7” của Lee Hwangkyun. Bởi đây là một đề tài đòi hỏi người sáng tạo và người thưởng thức có khả năng thấu cảm và đồng cảm - hai khái niệm tưởng chừng giống nhau nhưng lại khác nghĩa. Nếu không, góc nhìn của độc giả hay khán giả với cộng đồng này sẽ trở nên khô khan và thiếu sự thụ cảm.
Tôi đã có thể hình dung một cách đơn giản về thế giới của những người thiểu năng sau khi đọc vài chương đầu của quyển sách. Họ ngốc nghếch và ngây ngô, đôi khi gây phiền nhiễu và khó chịu. Nhưng họ vẫn còn những mặt tốt đẹp mà người thường khó quan sát được. Thiếu đi khả năng suy nghĩ, nhưng họ có thể đón nhận sự đau dễ dàng hơn, sự đau về thể xác, sự đau về tâm hồn. Không có tư duy sắc bén, nhưng họ có khả năng gắn kết những mối quan hệ sâu sắc: dễ hờn dỗi nhưng cũng mau tha thứ, sẵn sàng giành giật những món bé nhỏ nhưng luôn rộng lòng cho đi những xúc cảm lớn lao. Thế giới quan của họ dù ấu trĩ, nhưng những người như Charlie có sự bao dung, không vụ lợi, luôn nhìn thấu được ưu điểm của người khác, dù đó là một kẻ có tâm địa độc ác. Mất đi quyền được suy luận, nhưng họ được phép chọn cách sống giản đơn và chân thành, không bị hoen ố bởi những gam màu tối của xã hội. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Hoa trên mộ Algernon” đã thành công nhờ cách kể chuyện tuy chủ quan ở góc độ nhân vật chính nhưng lại khách quan với những độc giả khó tính.
Ngoài cách kể chuyện sáng tạo, hai nhân vật chính của tác phẩm mang tính biểu tượng độc đáo. Charlie Gordon và Algernon là đại diện của những người sinh ra không được may mắn như người nghèo, người không có điều kiện tiếp xúc với xã hội phát triển. Dù chủ quan hay khách quan, con tạo xoay vần, cuộc đời của họ liền thay đổi. Những tác động bên ngoài ấy luôn chực chờ thay đổi bản ngã thật sự bên trong họ. Đây quả thật là một phép ẩn dụ tinh tế của một con người thuộc về nghệ thuật hàn lâm.
Nhân vật Charlie đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau trong một quãng thời gian không quá dài: niềm hạnh phúc, sự hi sinh, trí thông minh, lòng trắc ẩn, thế giới tha hoá bên ngoài và nỗi cô độc bên trong. Ta có thể hỏi anh chàng thiểu năng trí tuệ người Mỹ Forrest Gump trong tác phẩm văn học kinh điển tên của nhà văn Winston Groom từ “viên mãn” nghĩa là gì. Nhưng Charlie thì không. Ta không thể chất vấn gã cái gì là hạnh phúc, vì định nghĩa một thứ hão huyền thật khó khăn. Dù quanh gã đầy ắp những tiếng cười, nhưng ta dành vốn dành là sự giễu cợt, “Thặc dể dàn để kết bạn nếu để mọi ngừi cười nhạo mìn”. Qua ánh mắt trẻ con thì âm thanh ấy như lời tung hô. Ha ha. Khúc khích. Lanh lảnh. Tôi cảm nhận rằng dù Charlie có ngốc nghếch, đần độn hay tỉnh táo, minh mẫn thì gã vẫn luôn giữ thế giới quan thuần khiết nhất, dù gã hoàn toàn ý thức được điều đó đã sai từ khi bản thân nhìn thấu được mặt trái của xã hội.
Nhưng nếu Charlie mãi ngu đần thì gã sẽ chết trên giường mình, hay trên vỉa hè, hay trước một đầu xe tải nào đó trong cô quạnh. Một cái chết đáng thương. Thế nhưng Charlie đã trở nên thông minh. Gã đã hi sinh, hay nói đúng hơn là những kẻ có tri giác buộc gã hi sinh, như một vật thí nghiệm vô tri. Nhưng điều khiến Charlie đẹp đẽ là bản ngã nguyên vẹn của gã. Trí tuệ ưu việt đâu thể làm tâm khảm của gã khô cằn như sỏi đá. Nhưng những con người xung quanh gã, vốn có “tri thức bẩm sinh” thì lại thiếu đi nghị lực để từ bi và nhân ái.
Theo ý kiến của riêng tôi, Charlie cũng không hề ngu đần. Vì con người chẳng có ai là thật sự khờ khạo hay dốt nát cả, chúng ta có thể thích nghi với mọi sự quanh mình như một bản năng tự nhiên. Như nhân vật Sam trong bộ phim biểu tượng về tình cha con “I am Sam”. Anh là một người có trí tuệ bằng với đứa trẻ bảy tuổi. Tình thương của anh cho con gái thì bao la, nhưng thế giới thì vẫn còn vô vàn khía cạnh khác, những khía cạnh mà anh không thể cho Lucy, vì thế, anh đồng ý rời xa cô bé. Charlie cũng vậy, gã vốn không ngu đần, gã sỡ hữu trí tuệ cảm xúc với những giác quan nhạy cảm về thế giới xung quanh. Kể cả khi khờ khệch hay lúc sáng dạ, gã vẫn có những dự cảm và phức cảm của riêng mình. Gã chỉ là quá ngây thơ trước thực tại không hề thơ ngây như những gì diễn ra trong nhãn quan, trong bộ óc, trong trái tim của gã.
Với tôi, kẻ ngu đần thật sự là thế giới bại hoại xung quanh Charlie, thực dụng, vô tâm và hèn nhát.”Tui khong nhớ buỏi nhạu kếc thúc như nào mà họ kêu tui ra ngoài sem có mưe hay khong dà quay lại thì tui khong thấy ay ở đấy nữe. Chắt là họ tiềm tui. Tui tiềm họ khắq nơi tới tận khya. Nhưng tui đi lạt đường dà chong lòng cảm tháy rất buồn và bị lạt bởi tui chắt cú là Algernon có thể long nhong khắq đường fố hàng chăm lần cũng khong bị lạt như tui.” Giá như họ đã sống với nhiều xúc cảm hơn, cho phép mình được du miên, cho phép bản thân được viển vông một khắc nào đó; giá như họ đã quan tâm đến Charlie và quan tâm đến nhau một cách thật lòng; giá như họ dũng cảm hơn, dũng cảm để làm những điều họ đáng lẽ ra phải làm, có những đức tính đáng lẽ ra họ phải có. Nếu họ sống với một phần “người” đúng mực, có lẽ Charlie đã không buồn đau và thất vọng, gã sẽ dùng trí tuệ nhân tạo kiệt xuất của mình để thay đổi tư tưởng một phần tư dân số thế giới, hay gã sẽ dùng sự thông tuệ được ban tặng ấy để điều chế một loại dược phẩm xoa dịu phần “con” của những cá thể đang sống và làm việc trước mắt gã. Charlie là một “người” thật sự giữa những “ngươi” chung quanh mình. Gã đáng nhận được sự trân trọng của tất thảy những người đã khinh thường gã.
Đáng buồn thay, Charlie luôn cho đi tình yêu, nhưng gã chưa bao giờ nhận được một tình yêu trọn vẹn. Khi còn nhỏ, gã bị bỏ rơi, gã chạy khắp nơi tìm lại bố mẹ, gã khao khát sự yêu thương từ tổ ấm vốn luôn là một “tổ lạnh”, ”Tui oè khóc vì tụi tui chong một cửa hịu bự và tui bị lạt và tui khong tiẻm được họ và tui chạy qanb các qầy ngấc ngưỡq.” Lớn lên, gã yêu nàng Alice, và Alice cũng yêu gã, thế nhưng gã đã chủ động chối từ nàng, để trở nên ngu đần lần nữa. “ Tôi bảo nàng tôi khong thích nàng và tôi cũng khong muốn thông thái lần nữa. Điều này khong đúng nhưng. Tôi vẫn yêu nàng và tôi vẫn muốn thông thái nhưng tôi phải nói vậy thì nàng mới bo đi.” Thử đặt mình vào vị trí của Charlie, người ta sẽ chọn thông minh mãi, với trái tim dần trở thành sắt vụn; hay người ta chấp nhận từ bỏ tất cả, kể cả tình yêu, để được ngắm một thế giới bằng con ngươi trong sáng lần nữa?
Vậy thứ Charlie nhận được là gì? Gã nhận được thứ chất xám nhiệm màu kia cùng hàng tá tác dụng phụ khác. Charlie-ngu-đần nhìn nhận những nụ cười ác ý kia như một sự tán dương thì nay, Charlie-thiên-tài chỉ bằng một câu nói lấp lửng vô nghĩa mà hoài nghi mọi người. Đôi khi, gã nghi ngờ người khác chẳng vì lí do gì, thậm chí trong gã còn có mầm mống của sự ghen tuông và những mâu thuẫn nội tâm, những đấu đá vô nghĩa. Từ đó, gã bắt đầu thu mình lại trước mọi người như một cách bảo vệ bản thân, và dần nó khiến gã đơn độc. Dù bản thân rất muốn mở lòng lần nữa, nhưng dường như ngoài kia luôn có những thế lực sẵn sàng làm tổn thương Charlie bất cứ lúc nào. Gã không thể gắn kết với những người bạn của mình, gã khó có thể chấp nhận cho đi, gã cũng không sẵn sàng nhận lại. Không để mình bị hoen ố dần và tệp vào màu đen của dòng người ngoài kia, Charlie đã chọn quay lại làm một Charlie Gordon, dù ngờ nghệch nhưng ít đau khổ. 
Một trong những chi tiết khiến tôi cảm động nhất là sự phát triển tình bạn của Charlie và Algernon. “Tui gét con chuột đó” Charlie-ngu-đần viết thế, vì gã không tài nào thắng nổi con chuột, làm bài kiểm tra, phán đoán mấy bức tranh hay giải mê cung, gã đều thua cả. “Tui gét bài kỉm tra và tui gét me cung và tui gét Algernon. Chước đâi hỏng khi nào tui biết rằq mìn lại ngóc hơn một con chuột.” Nhưng đến khi thắng con chuột, gã lại muốn kết bạn với nó, “có lẽ tui đang chở nên thông minh thì mới thắn được con chuột thông minh như Algernon. Nhưng tui khong thấy thông minh hơn chúc nào.” Từ đây, có một sự gắn kết giữa người và chuột, một tình bạn không tưởng, nơi trí óc chỉ là số hạng thứ nhất và xúc cảm mới là kết quả của phép tính này. 
Những chương cuối của cuộc thí nghiệm đã để lại trong lòng tôi nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. “Đặt giùm hoa lên mộ Algernon.” Charlie-thiên-tài ghi lại. Gã đâu thể biết ai là người đầu tiên sẽ đặt giùm hoa lên chú chuột, không biết ai là người cuối cùng đặt giùm nhành hoa. Có lẽ không kẻ cuối cùng, người ta vẫn nhớ về gã ngốc và con chuột bạch và chiếc bia đá vẫn luôn đầy ắp những hoa. Hay sẽ chẳng có người đầu tiên, khi Algernon sẽ rơi vào lãng quên, và Charlie cũng chẳng khá hơn khi thứ còn lại duy nhất về gã là quyển sổ tay vô hồn? Hơn nữa, Charlie và Algernon chỉ là sản phẩm đầu tiên của cuộc thí nghiệm. Sau gã, những người thiểu năng khác liệu có kết thúc đẹp đẽ hơn? Liệu họ có hài lòng với bốn thùy não hoàn hảo ấy? Sau gã, liệu những người của tổ chức, hay rộng hơn là một phần ba, một phần hai, cả xã hội này, sẽ có cách sống đẹp đẽ hơn? Liệu họ có mở rộng bốn van tim của mình để đón nhận và cho đi những điều tốt đẹp nhất của chính mình?
Cuối cùng, tôi có thể khẳng định rằng Charlie sinh ra với khối óc bị khuyết một phần nhưng Chúa lại ban cho gã một quả tim to lớn hơn người thường. Con người có quyền thay đổi bộ óc Charlie nhưng đâu thể cắt gọt van tim của gã. Như lời bác sĩ Strauss đã nói “Càng thông minh, anh càng có nhiều vấn đề, Charlie ạ. Tư duy của anh đang ngày càng vượt xa cảm xúc.” Thật cảm động làm sao khi những con người chậm phát triển tưởng như khô cằn về tri giác nhưng lại đong đầy những xúc cảm nhờ những dòng văn của tác giả người Do Thái, tôi được ngắm nhìn những con người kém trí một cách đầy sâu sắc và nhân ái.
Sau khi gập sách lại, thế giới quan của tôi dường như rộng mở. Hai mươi bảy truyện hư cấu như một chiếc gương phẳng phản chiếu lại thực tế. Có lẽ xung quanh Charlie, quanh tôi và bạn, là những con người vô cảm và nhẫn tâm. Thế nhưng cả tôi và bạn đều có thể dùng lòng trắc ẩn để xoa dịu tâm hồn của chính mình, của nhau, của dòng người vội vã, để lan toả niềm hạnh phúc bền vững đến những con người thật sự. Nếu Charlie Gordon chỉ được chọn một trong hai sự lựa chọn, hoặc ưu tú trong đau khổ, hoặc đần độn trong hạnh phúc, thì chúng ta hoàn toàn có quyền chọn cách sống của riêng mình. Tôi và cả bạn đều có quyền lựa chọn phấn đấu hằng ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình nhưng vẫn giữ được những đức tính tốt, những phức cảm tinh tế và lòng trắc ẩn sâu sắc. Biết đâu một ngày nào đó, trong một kiếp sống khác, ta trở thành Charlie Gordon thứ hai, thì liệu ta vẫn giữ được bản ngã của mình, những gì nguyên vẹn nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con người...
“Làm ơn nếu có khả năn xin hãy đặc vài cành hoe lên mộ Algernon ngoài xân xau.”