Hẳn các bạn đã hoặc đang trải qua tình trạng học trước quên sau, mới học một điều gì đó một tuần trước thôi mà giờ ai hỏi cũng ‘’ầm à ầm ừ’’.
Cứ thế, bạn mất rất nhiều thời gian chỉ để học và nhớ một đơn vị kiến thức. Trong khi đó, bạn có thể dành khoảng thời gian đó để làm các dự án cá nhân khác, hay là đi chơi với bạn bè.
Đọc đến đây đã muốn thay đổi chưa nào? Nếu có, hãy để mình chỉ bạn một điều đã thay đổi cách mình học tập nhé!
Đó chính là: Tập trung vào Higher-order learning (tạm dịch: học tập cấp cao). Đây là khái niệm mình biết được qua kênh youtube của chuyên gia về học tập Justin Sung. Và nó đã thay đổi hoàn toàn cách mà mình tiếp cận học tập.
Đầu tiên, các bạn cần hiểu được Higher-order learning là gì. Và để hiểu được Higher-order learning, các bạn cần biết về Bloom Taxonomy.
Bloom Taxonomy là một hệ thống phân loại các cấp độ khác nhau của việc học tập và tiếp thu kiến thức; từ thấp đến cao bao gồm: Remember (ghi nhớ), Understand (Thông hiểu), Apply (Vận dụng), Analyze (phân tích), Evaluate (Đánh giá), và Create (Tạo mới). Hệ thống này được phát triển bởi Benjamin Bloom vào năm 1956, và sau đó được cải tiến bởi một nhóm nhá khoa học vào năm 2001, với tựa đề “A taxonomy for learning, teaching, and assesing’’.
Bloom Taxonomy cũng chính là cơ sở để bộ giáo dục xây nên 4 mức độ trong đề thi, đó là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, và vận dụng cao.
6 mức độ của Bloom Taxonomy có thể được chia thành hai nhóm lớn hơn, đó là Lower-order learning - học ở tầng thấp (Remember, Understand, Apply) và Higher-order learning - học ở tầng cao (Analyze, Evaluate, Create).
Để mình giải thích cho các bạn kĩ hơn về từng cấp độ. Nhưng đến đây hẳn các bạn cũng đã đoán được để học tốt hơn thì cần phải tập trung vào các cấp độ nào rồi đúng không?
Trước tiên là các cấp độ ở nhóm Lower-order learning:
Remember: Người học ở cấp độ này chỉ dừng lại với việc có thể ghi nhớ và gợi lại thông tin, không hề hiểu gì về kiến thức mình tiếp thu. Tiếng Việt còn gọi cấp độ này là học vẹt.
Understand: Người học ở cấp độ này có thể hiểu được thông tin mình tiếp thu và giải thích nó được cho người khác.
Apply: Người học ở cấp độ này có thể áp dụng kiến thức mình học được để giải quyết một số tình huống cụ thể.
Đọc đến đây, có lẽ các bạn sẽ thắc mắc: Hiểu và áp dụng được rồi thì tại sao vẫn gọi là học ở cấp độ thấp nhỉ? Bởi lẽ, người học ở cấp độ này vẫn chỉ hiểu kiến thức ở một góc độ riêng biệt, mà chưa thể kết nối nó với các kiến thức liên quan khác.
Cũng giống như trong đề thi của bộ giáo dục, kiến thức của 3 mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng chỉ đòi hỏi bạn hiểu sâu về một khía cạnh kiến thức nào đó, hoặc cùng lắm là một vài vùng kiến thức lân cận. Còn để giải được những bài ở cấp độ vận dụng cao thì các bạn cần phải có được kiến thức tổng thể của cả môn học, kết nối và vận dụng được nhiều vùng kiến thức khác nhau.
Nguồn:Tales From Academia
Nguồn:Tales From Academia
Vậy, hãy cùng đến với 3 cấp độ thuộc nhóm ‘’Higher-order learning”:
Analyze: Ở cấp độ này, người học cần phải liên kết được các kiến thức với nhau thành một bức tranh tổng thể, từ đó có thể nhận biết được sự tương hợp, tương phản giữa các vùng kiến thức.
Evaluate: Người học ở cấp độ này cần đánh giá được những kiến thức mà mình đã liên kết ở cấp độ Analyze, từ đó biết sắp xếp thứ tự uu tiên của các vùng kiến thức. Ở mức độ này đòi hỏi người học phải có tư duy phản biện (critical thinking) với những điều mình được học.
Create: Mức độ này đòi hỏi người học phải hiểu tường tận về lĩnh vực mà mình đang học, từ đó có thể tạo ra những giả thuyết, học thuyết mới (Cấp độ này thường thì chỉ có những người ở mức tiến sĩ trở lên mới đạt được)
Một điều thú vị của Bloom Taxonomy là khi ta tập trung học ở mức độ cao (Phân tích, đánh giá, và tạo mới) thì ta sẽ tự động đạt được các mức độ thấp (ghi nhớ, thông hiểu, và vận dụng). Hay nói cách khác, sẽ thông minh hơn nếu khi chúng ta bắt đầu học thì chúng ta áp dụng ngay tầng Higher-order learning.
Vậy, làm thế nào để học ở mức độ cao?
Trong giới hạn của bài viết này, mình sẽ chỉ tập trung cho phương pháp học ở hai mức độ là Analyze và Evaluate, vì mình vẫn chưa đạt đến mức độ Create. Hiển nhiên, còn rất nhiều phương pháp khác ngoài những phương pháp mình sắp kể ra, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé!
Analyze:
Đọc đa nguồn (Syntopical reading): Khi học, thay vì chỉ đọc và lấy thông tin ở một nguồn, hãy đọc từ nhiều nguồn khác nhau. Quá trình đọc, hiểu và so sánh quan điểm của các nguồn sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn vấn đề mình đang học. Các bạn có thể đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về đọc đa nguồn.
Ngoài ra, hãy luôn suy nghĩ về tương quan kiến thức mình đang đọc và một bối cảnh rộng lớn hơn. Ví dụ, khi đọc truyện Kiều, bạn có thể phân tích số phận nàng Kiều so với số phận của phụ nữ Việt thời xưa. Thay vì hiểu về nàng Kiều một cách độc lập thì việc đối sánh số phận nàng với bức tranh hồng nhan bạc phận của phụ nữ thời phong kiến sẽ khiến cho hình ảnh nàng KIều cô động với ta hơn.
Liên kết giữa các thông tin ta học là rất quan trọng
Liên kết giữa các thông tin ta học là rất quan trọng
Evaluate:
Khi tiếp thu thông tin, hãy chủ động suy xét xem chỗ nào tác giả viết chưa hợp lý, và làm cách nào mình có thể cải thiện nó.
Hơn nữa, hãy luôn tự hỏi tại sao thông tin mình đang tiếp thu lại quan trọng, và mức độ quan trọng của nó so với các thông tin khác.
Một phương pháp khá nổi tiếng giúp bạn tiếp thu kiến thức ở cả hai mức độ này là Mindmap. Trong thời lượng bài viết này thì mình chưa thể chia sẻ chi tiết được (và thú thật mình cũng đang học cách vẽ mindmap đúng). Các bạn có thể tham khảo video này nếu muốn tìm hiểu thêm.
Trong bài viết sau, mình sẽ bàn cụ thể hơn về cách mà mình áp dụng những lý thuyết này vào phương pháp học tập của chính mình.
Hy vọng những kiến thức mình chia sẻ sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Các bạn có phương pháp học nào đang áp dụng mà thấy hiệu quả không? Hãy chia sẻ cho mình và những bạn khác cùng biết nhé!