Hiểu về sự chết
Lâu nay chủ đề về cái chết, mỗi khi đọc hay bàn luận thường sẽ bị áp đặt quy ra ngay: “Ảm đạm. Chắc nó đang bế tắc. Đừng tiêu cực thế...
Lâu nay chủ đề về cái chết, mỗi khi đọc hay bàn luận thường sẽ bị áp đặt quy ra ngay: “Ảm đạm. Chắc nó đang bế tắc. Đừng tiêu cực thế chứ”. Sáng sủa hơn thì hiểu về sự chết nên là chuyện của sau 70 năm cuộc đời. Im lặng lắng xuống đáy tầng nhận thức, không biết, không quan tâm thì tốt hơn. Hay cũng bởi con người là những tạo vật có lý trí "Một con chó không thể nhận ra nó sẽ chết. Một con cá hay con gián cũng vậy. Tuy nhiên con người lại có thể" (Sự phủ nhận cái chết - Ernest Becker). Ý thức được một ngày nào đó trong tương lai chúng ta sẽ phải chết nên rất sợ không muốn nhắc đến, suy nghĩ lại càng không. Trốn tránh, muốn che đạy khỏi tầm mắt, hời hợt muốn được an toàn trong đó, mà không hay bất kì khi nào lớp màng ấy cũng sẽ bị chọc thủng, bởi:"Sự tồn tại của con người không chỉ có hạn mà còn luôn luôn có thể kết thúc bất ngờ"
"Hiểu về sự chết" của Sherwin B. Nuland, một bác sĩ phẫu thuật với gần 40 năm luôn hết mình cho công việc. Cùng trí tuệ và sự nhạy cảm một cuộc sống từng phải chứng kiến nhiều cái chết tìm đến ngay trước mắt với những người ông yêu thương nhất. Cuốn sách ngay sau khi được xuất bản giành giải thưởng Sách Quốc Gia của Mỹ năm 1994. Một công nhận vinh dự đầy tự hào cho sự nghiệp lao động nghiêm túc của tác giả với nghành y nói chung, và sự tự nhận thức lý tính về cái chết trên cơ sở khoa học nói riêng.
Ở Mỹ trong 34 tuần liên tiếp "How We Die" nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của The New York Times. Cho thấy người phương tây họ có cái nhìn rất phóng khoáng về chủ đề này. Và ở khía cạnh khác, cuốn sách ngay sau đó đã tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa về đạo đức nghành y. Cho rằng các bác sĩ có nên góp một phần giúp đỡ các bệnh nhân thoát khỏi đau đớn bệnh tật bằng một cái chết thanh thản. Hay kiên quyết, bất chấp, không để cái chết dễ dàng đến hoàn thành sứ mệnh của nó. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng trong những cuộc tranh luận đối lập về đạo đức thì có thể cả hai bên đều đúng. Nên ở bài viết này mục đích tôi chỉ muốn xác nhận lại những suy nghiệm tích cực rút ra sau lần đầu tiên, gần kề nhất, chạm vào chủ đề cái chết.
Tôi may mắn có được cuốn sách trong dịp lễ giáng sinh từ một người bạn phương xa gửi tặng. Và may mắn hơn nhờ nó mà quá trình phân huỷ từ từ sự nhàm chán mấy ngày tết ngoài ăn với chơi tôi có thêm khoảng thời gian ý nghĩa cho cuộc săn tìm giá trị sống quý báu ẩn sau hiểu về cái chết, bấy lâu vẫn bị mọi người xa lánh, quy chụp cho là chủ đề xấu.
Một cuốn sách phi hư cấu (Non-fiction) đậm đặc ngôn ngữ chuyên môn y khoa, nhưng không vì thế mà cảm thấy nhàm chán, nản chí muốn đặt sách xuống. Ngược lại rất thoả mãn cả về lý trí lẫn cảm xúc. Mới lạ với kho đồ sộ kiến thức cơ thể sinh học con người được trình bày chi tiết, rõ ràng trên từng mô cấu trúc, thành mạch máu, các tế bào gen... Cuốn hút với những phân tích chuyên sâu, nguyên nhân dẫn nhập các căn bệnh phổ biến, cách chúng lớn mạnh rồi hợp pháp hoá toàn quyền kiểm soát, thao túng để mặc cái chết đoạt ngôi. Xuất sắc bởi sự khéo léo đan cài vào trong những câu chữ khô khan là tình yêu, tình cảm gia đình đã được chứng mình lâm sàn qua lời kể chân thực của người nhà bệnh nhân, những cảm nhận sâu sắc của chính tác giả trước cái chết của Bà và anh trai.
Một cuốn sách khó cưỡng khi nó đã nắm giữ được hoàn toàn sự tập trung của tôi vào trong những chuyến du hành cuối đời người, khác nhau, nhưng cùng một đích đến là cái chết. Và, một sự thành công rất lớn của tác giả là đã chuyển tải được rõ nét nỗi đau đớn quá trình cái chết tìm đến, đồng thời vạch trần tội ác hung hiểm của những căn bệnh đã gây ra không chỉ cho chủ thể của nó mà cả tinh thần tình cảm những người thân yêu của họ, vô can nhưng cũng bị chúng cuốn vào vòng xoáy của chết chóc, chia lìa khổ đau.
Xuyên suốt cuốn sách có một luận điểm dù không đi sâu nhưng được tác giả nhắc đến nhiều lần mà tôi rất thích đó là việc coi cái chết như là động lực thúc đẩy của tự nhiên.
Homer tác giả của Illiad và Odyssey cho rằng chúng ta được sinh ra và sau đó chết đi cũng giống như lá cây, "Một thế hệ đâm trồi nảy lộc, một thế hệ khác suy tàn”. Hay xa hơn trong tiểu luận của Michel de Montaigne “Cái chết của bạn là 1 phần trong trật tự của vạn vật, nó là một phần sự sống của thế giới….”. Sự gắn kết mật thiết giữa sống và chết, cái này tồn tại không thể thiếu cái kia cho thấy tự nhiên không thiên vị ai cả. Hay chăng cũng chỉ là thời gian tồn tại dài, ngắn khác nhau. Và cái chết chính là lẽ công bằng tối hậu mà người Mẹ tự nhiên đã đặt ra.
Dưới bất kì hình thức tồn tại nào cái cũ rồi cũng sẽ bị đào thải thay thế dọn đường cho cái mới. Tennyson, một trong những nhà thơ nổi tiếng nước Anh nói rằng: “Người già phải chết, nếu không thế giới sẽ ngày một cũ mòn, sẽ chỉ nuôi dưỡng lại quá khứ mà thôi”. Nguyên tắc chung nhất khi và chỉ khi có một cơ thể phải chết mới đem đến cơ hội cho một cơ thể khác sống. Vì vậy, “Hãy nhường chỗ cho những người khác, như những người khác đã nhường chỗ cho bạn". Sống và chết luôn hồi, cũng giống như chuyển động tự quay không ngừng của trái đất. Và "nguyên lý bảo toàn" để trục quay ấy không dừng lại chính là cái chết, đóng vai trò quan trọng trong thiết lập và thúc đẩy quá trình phát triển tự nhiên sao cho không bị chệch khỏi quỹ đạo.
Trong những ngày gần cuối đời, Jefferson (tổng thống thứ ba của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ) có viết một bức thư cho John Adam (Phó tổng thống đầu tiên và là Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ), đoạn rằng:"Có một thời điểm chín muồi cho cái chết, đối với những người khác cũng như đối với chính chúng ta, khi thích hợp, chúng ta nên rút lui và nhường chỗ cho lớp khác. Khi đã sống hết thời mình, chúng ta chẳng nên ao ước lấn phần thế hệ khác”. Tôi cho rằng đó là luận bàn ngắn rất khúc chiết về tuổi già và sự buông bỏ. Ngộ ra rằng quá trình sinh và diệt như một hiện tượng khách quan, bình thản, sẵn sàng đón nhận nó bằng lòng vị tha chúng ta sẽ thấy thanh thản hơn. Hiểu được điều này con người cũng có thể dễ dàng hoà mình vào dòng chảy sự sống, cõi "vô thường", trong Đạo phật là một trong ba luận điểm Đức Phật tạo thành nên thế giới quan nhị nguyên luận của Ngài. Hướng chúng ta đến hiểu bản chất cuộc sống (nơi trần gian), vạn vật luôn biến đổi: Sinh, lão, bệnh, tử (sinh - trụ - diệt - dị). Chúng ta sống cũng chính là tìm cách để hoà hợp đón nhận tất cả những gì thuộc về cuộc sống trong đó có cả sự chuẩn bị cho cái chết khi nó tới. Đây hoàn toàn không phải điều gì xấu xa hay tiêu cực gì."Luôn luôn nghe thấy / cỗ xe thời gian hối hả gần kề", một sự đề cao thế giới này và khiến cho thời gian thành vô giá, hiển nhiên cho thấy rằng chúng ta cũng chỉ có 1 thời gian hữu hạn để sống, vậy thì từng ngày được sống sẽ trở lên ý nghĩa hơn.
Trong khi tìm tư liệu cho bài viết tôi trùng xuống khi thấy một bài báo, họ đặt cho Sherwin Nuland cái biệt danh "Người chống lại cái chết". Có vẻ như họ đã không đọc How We Die trước khi đặt dòng típ đó bên cạnh tên ông.
Nếu đã từng đọc cuốn sách hẳn ai cũng thấy những phản bác kịch liệt của tác giả trong việc sử dụng tiến bộ y khoa vào để cản trở quá trình cái chết tự nhiên tìm đến. 3 chương cuối của cuốn sách cũng như một lời tự thú của Sherwin Nuland với anh trai mình, Harvey, mắc căn bệnh ung thư ruột di căn. Chỉ vì ông đã quá cảm tính trong việc đưa ra các quyết định điều trị, cố kháng cự lại sức mạnh của cái chết bằng đợt hoá trị cực kì đau đớn, quá trình đó như một tấm thảm đỏ nhuộm chính máu của Harvey mà Nuland đã trải ra để đưa tiễn anh trai mình về với cõi vĩnh hằng. Ông viết: “Nên để cái chết hoàn tất xứ mệnh của nó trong yên ổn. Mặc dù nó có thể bị bôi nhọ bởi sự tàn phá bất ngờ của căn bệnh, nhưng, nó không được phép bị phá vỡ thêm nữa bởi những thao tác với ý định tốt đẹp nhưng vô ích"
Đến đây, tôi chợt nghĩ câu nói của một người bạn từng sẻ chia rằng: "Đối với mình ai cũng phải chết cả, vấn đề là khi nào? Mình cũng đã chuẩn bị tâm lý cho bất cứ điều gì có thể xảy ra, cho mình, cho người khác. Kể cả nếu tự nhiên nếu mình ra đi, mọi thứ vẫn cần được sắp xếp thật gọn gàng". Tôi lơ ngơ không hiểu ý bạn, thoáng hoảng loạn che giấu bằng cười khẩy "sao lo xa, cụ non thế".
Và cũng như tôi khi ấy, bây giờ, không ít người vẫn lo sợ, lảng tránh tìm hiểu, nhắc đến cái chết như đứa trẻ sợ bóng đêm. Rụt rè chỉ dám đứng ngoài nhìn vào rồi sợ sệt tưởng tượng ra cơ man những con quái thú ẩn nấp trong đó. Tiêu cực hay chủ đề xấu có nên xem xét đặt chúng ở vị trí nào cho đúng. Trong sự hiểu biết về cái chết để từng ngày sống trọn vẹn, ý nghĩa. Hay ở nói khuất mắt trông coi, mộng mị cho nỗi sợ mơ hồ về cái chết vây quanh, mặc định để bản thân trôi nổi giữa cuộc đời bất toàn, nó dẫn đi đâu tuỳ hứng.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất