Chỉ là, vài tuần gần đây, mình không tìm được thêm một angle nào khác để truyền tải những thông tin hơi phức tạp từ thế giới crypto đến với mọi người. Blockchain vốn khó hiểu, nhưng để miêu tả nó lại, với mình, còn khó hơn. 
Nhưng nói “qua loa” về những thứ phức tạp chưa bao giờ là cách hiệu quả để thật sự hiểu một vấn đề. Trong vài ngày gần đây, mình có gặp những người bạn thực sự muốn nhúng tay vào không gian web3. Nhưng giữa một rừng thông tin như hiện tại, thú thật, mình cũng không biết “đường nào mà lần”.
Có muột cuốn sách khá hay, đó là “Range” của tác giả David Epstein. Ông cho rằng chúng ta không nên chuyên môn hóa, rèn luyện 10.000 giờ cho một kĩ năng hay lĩnh vực nào đó ở thời điểm sớm. Thay vào đó, hãy cứ trả nghiệm, tích lũy cho bản thân kinh nghiệm đa ngành, tìm tòi những thử thách mới. Sau đó, mới quyết định chọn lấy một môi trường phù hợp nhất với mình.
Suy nghĩ của David, xem chừng là không hề sai nếu đặt vào hệ quy chiếu không gian crypto. Blockchain có quá nhiều thứ để học, chưa kể những lỗ hổng cần tiếp tục được phát triển. Cách tốt nhất, chính là có một góc nhìn bao quát của thị trường, trước khi bạn quyết định sẽ tham gia vào không gian web3 này như thế nào. Và một góc nhìn bao quát ở đây, chính là bạn cần phải hiểu về cấu trúc hạ tầng của blockchain (blockchain infrastructure).
img_0

Tại sao cần phải hiểu về blockchain infrastructure

Mình sẽ giới thiệu thêm về concept “First principle thinking” và mental model? Theo một bài blog rất hay từ Julian, mental model là cách chúng ta thiếp lập bộ não của mình cách đánh giá mọi thứ hoạt động, từ đó giúp bản thân đưa ra những nhận định, đánh giá chuẩn xác hơn. 
First principle hay tư duy nguyên bản là một trong số những mental model được Julian đề cập đến. Ở đó, khi tiếp cận một sự việc, chúng ta sẽ liên tục đặt những câu hỏi để đào sâu được vấn đề cốt. Một trong những nhân vật “master” kĩ năng này chính là Elon Musk.
Elon đã kiến thiết nên một SpaceX chính nhờ first principle thinking. Khi ý định thành lập về một công ty vũ trụ nảy đến trong đầu, Musk và đồng sự đã bay sang Nga để hỏi về giá mua một tên lửa. Nhưng cái giá 8 triệu dollar cho một quả là quá đắt. 
Trên máy bay di chuyển từ Nga về lại Mỹ, Elon đã đưa ra một ý tưởng làm cho các đồng sự của mình phải há hốc mồm. “Này các anh, tôi nghĩ chúng ta có thể tự chế tạo tên lửa đấy.” Anh đã lập một bảng tính liệt kê chi phí cho nguyên liệu chế tạo, lắp ráp rồi phóng tên lửa.
Musk đã dành hàng tháng trời để nghiên cứu về động cơ tên lửa, nguyên tố đẩy, động lực học vũ trụ, và rồi nhận ra rằng tên lửa có thể được chế tạo với chi phí thấp hơn nhiều so với cái giá 8 triệu mà người Nga đưa ra. Đó chính là first principle thinking! (Elon vẫn áp dụng tư duy này vào Tesla hay gần nhất là Twitter với vụ sa thải hàng loạt nhân viên không cần thiết).
Trở về với crypto và blockchain. Bằng cách áp dụng First principle thinking để đào sâu về nguồn gốc của vấn đề, mình tin rằng, mọi việc để sẽ bắt đầu từ cấu trúc của blockchain chain. Vì suy cho cùng, điểm vượt trội của tài chính phi tập trung so với tài chính truyền thống chính ở điểm Defi đã thay thế được các tổ chức bên thứ 3 tham gia vào các giao dịch. Thứ trung gian bây giờ chính là các dòng code, chẳng phải, nói rộng ra chính là hạ tầng hay sao?
Rõ ràng, dù mục đích bạn muốn tham gia vào thị trường với vai trò nào, là nhà đầu tư hay developer. Việc có những kiến thức nền vững chắc nhất sẽ là điểm tựa hoàn hảo để bạn bắt đầu hiệu quả hơn với thị trường này.
Ngoài ra, nắm trong tay những kiến thức cơ bản về blockchain infrastructure, bạn cũng sẽ có những đánh giá khách quan hơn về những câu chuyện, tin đồn mà các dự án sử dụng. Một ví dụ gần đây nhất là AI. Rõ ràng, AI và blockchain là hai công nghệ phát triển độc lập. Vậy nhưng có những dự án lại đánh tráo khái niệm, nhằm mục đích lấy tiền của những nhà đầu tư thiếu hiểu biết.

Cột mốc phát triển của hạ tầng blockchain

Nếu bạn chưa đọc bài viết về lịch sử blockchain, hãy xem thử tại đây nhé. 
Tuy đến năm 2008, Bitcoin mới được giới thiệu, trước khi chính thức khởi chạy vào năm 2009. Nhưng những mầm mống, ý tưởng về một đồng tiền số phi tập trung đã xuất hiện trước đó hơn 10 năm. Nghĩa là, cả một thập kỉ trước, công nghệ chưa thể đáp ứng để hiện thực hóa những ý tưởng của họ. 
Nếu gọi Bitcoin là blockchain 1.0, thì Ethereum chính là thế hệ 2.0 tiếp theo. ETH mang trong mình sự đột phá ở thời điểm ra mắt, nhanh hơn, linh động hơn và có thể mở rộng. Ether xuất hiện vào năm 2015, khoảng 6 năm sau Bitcoin launching. Ý của mình rằng, bản thân blockchain nói riêng và thế giới công nghệ nói chung, phải tốn rất nhiều năm mới có thể tạo nên một thay đổi đáng kể về mặt hạ tầng. Thử tìm mà xem, kể từ sự xuất hiện của ETH đến nay. Thế giới blockchain vẫn chưa đón chào một sự cải tiển đáng kể nào. 
Có thể sẽ có những bác phản biện mình: “Chả phải đã có những blockchain 3.0 kia rồi hay sao, như Solana với tốc độ vượt trội, BNB Chain với cộng đồng đông đảo hay Avalanche với khả năng scale unlimit?” À ừm. Thì những điều trên không sai. Ngoài Vitalik, chúng ta vẫn có các nhà thám hiểm khác cùng chung sứ mệnh khai hoang mảnh đất mới này.
Tuy nhiên, với cá nhân mình, các blockchain trên chưa hoàn toàn đưa ra được câu trả lời để giải quyết hoàn toàn cho blockchain trilemma. Đơn giản, là họ chỉ đánh đổi thứ gì mà thôi.
img_1
Đọc thêm về bài viết: Cú lừa Layer-1 để hiểu về nhận định trên của mình
Đến nay, chúng ta có thể chia quá trình phát triển infrastructure của blockchain ra làm 2 giai đoạn. 
1 là giai đoạn mà các nhà phát triển sẽ tập trung vào xây dựng những nền mống cốt lõi, tối ưu chúng, tạo cơ sở để các nhà phát triển xây dựng.
2 là khi mà hạ tầng thô đã sẵn sàng, các nhà phát triển sẽ chuyển sang phát triển những tính năng liên quan đến trải nghiệm người dùng.
Dễ dàng nhìn thấy rằng, blockchain hiện tại vẫn đang loay hoay ở giai đoạn một. Còn rất nhiều lỗ hổng xảy đến những vụ tấn công, làm thất thoát hàng trăm triệu $. Về phần trải nghiệm người dùng thì … rất khó với những ai mới bắt đầu làm quen, thao tác sử dụng ví, kí contract,.v.v đều có thể làm tài sản của bạn bay màu nếu sơ hở.
Blockchain đã đi một chặng đường không phải ngắn, nhưng là chưa đủ xa để đạt đến cái móc “mass adoption” với một nền móng dang dở như thế này.

Vậy thì đâu sẽ là tương lai của blockchain infra?

Dù từ thời điểm 2019, cuộc chơi blockchain đã không còn của riêng Ethereum, nhiều blockchain mới đã ra đời, nhanh hơn, hào nhoáng và có câu chuyện hấp dẫn hơn. Nhưng “gừng càng già càng cay”, Ethereum vẫn đang dẫn dắt thị trường crypto đến với những nấc thang cao hơn.
Vitalik và các đồng đội đang rất tích cực để hoàn thiện giai đoạn một để đưa ETH bước sang giao đoạn cải thiện trải nghiệm người dùng. Một số cập nhật tiêu biểu như EIP-4337: Account Abstraction, biến đổi ví cá nhân thành một ví smart-contract, giúp trải nghiệm các ứng dụng mượt mà hơn.
img_2
Tuy đang nỗ lực hết mình, nhưng chúng ta không nên kì vọng quá cao rằng sẽ được thấy “crypto ở đỉnh xã hội” trong tương lai gần. Các công nghệ mà Ether đang xây dựng hiện tại, như Zero-knowledge, sharding, sẽ tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành. 
Một điều đáng mừng rằng, sau sự kiện The Merge vào cuối năm 2022, số người quan tâm về sự phát triển của hạ tầng blockchain đã tăng đáng kể. Trên twitter, hiện tại không khó để tìm thấy những bài tranh luận sâu về những thứ công nghệ mới này. Một dấu hiệu tích cực.
img_3

Dài dòng lê thê, cuối cùng là làm thế nào để hiểu về blockchain infra?

Trước khi đi vào từng mảnh ghép nhỏ, chúng ta nên có một cái nhìn toàn cảnh về bức tranh chung của thị trường Defi. Bạn có thể đọc qua bài viết Các mảnh ghép Defi của mình tại đây. Phải hiểu được vai trò của từng dự án, chúng ta mới có thể đi sâu hơn được.
Lúc này, trong đầu bạn có lẽ đã biết được một số vai trò của blockchain infra. Well, chuyện tiếp theo có lẽ là kiên nhẫn và bắt đầu mày mò từng thành phần một thôi:
Bạn có thể bắt đầu với Bridge, những cây cầu dùng để chuyển tiền từ blockchain này đến blockchain khác. Và nếu bạn để ý, vụ hack defi lớn nhất hiện tại xảy ra chính tại một cây cầu. Tại sao lại như vậy? Điểm yếu của những cây cầu này là gì? Những câu hỏi sẽ giúp bạn đi xa hơn, một cách tự nhiên nhất có thể.
Hay bạn có thể chọn oracle, cũng là những cây cầu nhưng thứ nó luân chuyển là thông tin. “Data is gold”, vậy mà ½ thị phần của oracle đang được nắm giữ bởi ChainLink. Quản lý trong tay lượng tài sản hơn $10 tỷ, liệu Chainlink có “trong sạch” hay đang âm mưu gì mờ ám?
Tin mình đi, khi đã phân tích sâu về mảng này, bạn sẽ thấy nó thú vị hơn vẻ bề ngoài khô khan của nó đấy. Tuy nhiên, nếu bạn không cần nhiều thông tin phức tạp về những thứ hạ tầng này đến thế, thì cũng đừng ép mình làm gì cả. Hãy cần nắm một bức tranh chung có lẽ là đã đủ rồi. Chi ít là đừng để bị lùa như câu chuyện “Blockchain gắn AI” vừa rồi :))