Kể từ sự ra mắt của nền tảng Ethereum, cả thế giới đã chứng kiến sự lột xác của blockchain khi chuỗi khối này cho phép các lập trình viên xây dựng lên những ứng dụng phi tập trung ngay trên nó. Điều mà anh cả Bitcoin vẫn đang "bó tay".
Sau cuộc cách mạng đấy, hàng loạt các blockchain khác được ra đời với mục đích khắc phục những điểm yếu cố hữu của Ethereum như: phí giao dịch cao, tốc độ xử lý chậm. Vậy nhưng, sau bao năm, chúng vẫn chưa tìm ra phương hướng để xây dựng, phát triển. Cho đến những năm 2020, khi Defi summer diễn ra.
Vẫn là Ethereum, nơi khởi phát cho làn sóng này. Defi summer không chỉ giúp thu hút một lượng lớn người dùng đổ vào thị trường tiền điện tử thông qua những ứng dụng có ích, mà đối với các nền tảng blockchain, Defi summer đã giúp họ nhận ra cách nên cấu trúc một blockchain như thế nào. Và điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay.
Nào, cùng mình tìm hiểu về cấu trúc ấy trong bài viết ngày hôm nay nhé.

Cấu trúc thường thấy ở các layer-1

Dành cho những bạn chưa biết, layer-1 là thuật ngữ chỉ các blockchain cơ sở và cơ sở hạ tầng của nó, ví dụ như Bitcoin, Ethereum hay BNB chain là các layer-1. Thuật ngữ này sinh ra nhằm phân biệt với các blockchain layer-2, là các blockchain được xây dựng trên lớp layer-1. Như trên Ether, ta sẽ có các layer-2 như Arbitrum, Optimism, Polygon,... (Có cuộc chiến layer-2 xảy ra, nhằm thu hút người dùng về mạng lưới của mình).
Quay trở lại, cấu trúc mà mình muốn giới thiệu đến với mọi người ngày hôm nay sẽ không phải là về mặt cơ sở hạ tầng (Infrastructure) mà là về các mảng dự án cần có trên một layer-1. Đây là loại cấu trúc phổ biến nhất, thường thấy ở các layer-1 thành công hiện tại.

Decentralized Exchange (Dex)

Decentralized exchange (Dex) là sàn giao dịch phi tập trung. Dex có thể xem là mảng cần có đầu tiên trên tất cả hệ sinh thái blockchain. Vai trò của của Dex là cung cấp cho người dùng một công cụ để mua bán (swap) các token, tương tự như các sàn Binance, Coinbase.  
Song, dex cũng mang những điểm khác khi so sánh với các sàn như Binance. Cụ thể, Dex hoạt động dựa trên cơ chế AMM - Auto market maker với bể thanh khoản (Liquidity pool). Cho phép người dùng có thể giao dịch token mà không cần phải thông qua bên thứ 3 nào, giữ đúng tính phi tập trung của Defi.
Có thể thấy, Dex là điểm chạm đầu tiên của bất kì người dùng nào khi tiếp cận với hệ sinh thái nào. Một nền tảng Dex cần phải mang một trải nghiệm tuyệt vời để gây ấn tượng ban đầu tuyệt vời. 
Dex cũng là mảng tạo ra nhiều doanh thu nhất trong các mảnh ghép của Defi. Do đó, chiếc bánh dex ngon lành này sẽ bị tranh giành bởi nhiều dự án. Thông qua sự cạnh tranh này, người dùng chúng ta thường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tiêu biểu như các chương trình retroactive được mình nhắc đến ở bài trước.

Lending & Borrowing

Là mảnh ghép quan trọng trong một hệ sinh thái, mảng lending & borrowing có những điểm tương tự với các ngân hàng ở tài chính truyền thống. Người dùng tham gia vào các dự án có thể kiếm lãi bằng cách cho vay (lending) hoặc mượn tài sản (borrowing).
Điểm khác ở đây có lẽ nằm ở phần borrowing. Bạn chỉ có thể mượn tài sản nếu bạn có tài sản đang cho vay trong hệ thống. Lấy ví dụ, mình tham gia vào nền tảng Aave mà đang cho vay 10 BTC, hiện mình đang cần tiền nên đành rút ra 3 BTC để sử dụng.
Số phần trăm tài sản tối đa bạn có thể mượn ở các nền tảng thường là 80%. Nếu giá của tổng tài sản bạn đang cho vay (lending) bị giảm xuống ngang mức tài sản bạn đang mượn (borrowing). Thì tài sản của bạn trong nền tảng sẽ bị thanh lý.
Tiếp nối ví dụ ở trên, nhưng nếu mình mượn ra cả 8 BTC thì sao ? Cho rằng mỗi BTC ở thời điểm vay đang ở mức giá $20k, tức tổng tài sản mình đang cho vay $200k, và đang mượn $160k từ nền tảng. Nếu giá của BTC giảm về mức $16k, tức tổng tài sản của mình lúc này chỉ còn $160k, ngang với mức mượn của mình. Thì 10 BTC của mình sẽ bị bán đi để trả lại tiền cho nền tảng.
Mảng lending và borrowing này phù hợp với những người muốn kiếm tiền một cách an toàn, không phải 100% nhưng vẫn an toàn hơn các cách khác. Hoặc những ai đã mua được những đồng coin/token của mình ở mức giá tốt, nhưng lại chưa muốn bán ra ở thời điểm cần tiền, họ có thể cho vay và mượn lại 1 phần tài sản để giải quyết công việc.
Nhưng điểm yếu của mảng này vẫn còn lộ rõ. Ở các ngân hàng truyền thống, sẽ có một đội ngũ giúp luân chuyển dòng tiền, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho ngân hàng. Còn ở các dự án lending & borrowing, nhu cầu mượn (borrow) ở các dự án là khá thấp. Phần đa người dùng chỉ muốn cho vay để kiếm lãi cho mình. Mà phần lợi nhuận của dự án lại đến từ phần chênh lệch lãi suất giữa vay và cho mượn. Dẫn đến con số doanh thu ở mảng này rất thấp, không thể so sánh được với các anh bạn Dex ở trên.

Yield Farming

Là mảng từng tạo nên cơn sốt Defi summer ở năm 2020, yield farming đóng vai trò như một động cơ thúc đẩy toàn bộ sự phát triển của hệ sinh thái. Các bạn có còn nhớ cơ chế AMM và bể thanh khoản ở phần dex chứ ? Dựa vào điều này, các dự án yield farming sẽ cho phép người dùng cung cấp thanh khoản (bỏ tiền vào bể thanh khoản) để được chia sẻ khoản lợi nhuận khổng lồ mà các dex mang lại.
Nếu nói thẳng ra, mức lãi suất siêu hấp dẫn của yield farming đưa ra (lớn hơn nhiều so với lending) là động cơ để khuyến khích người dùng đưa thật nhiều tiền vào hệ sinh thái. Điều này là rất có lợi đối với mỗi blockchain, càng có nhiều tiền được đưa vào bể thanh khoản, chỉ số "Tổng tài sàn được khóa" (Total value locked) sẽ tăng lên. Đây là chỉ số thường được dùng để đánh giá “sức khỏe” của các blockchain.
Để mình đưa ra một dẫn chứng lịch sử để mọi người thấy yield farming có thể làm được những gì nhé.
Tính từ đầu năm 2021 cho đến giữa tháng 8 cùng năm, hệ sinh thái Avalanche có chỉ số Total value locked (TVL) giao động từ 200-300 triệu USD. Một mức TVL khá thấp so với các blockchain khác ở nền tảng này. 
Theo Defillama.com - Trang web cung cấp chỉ số TVL
Theo Defillama.com - Trang web cung cấp chỉ số TVL
Cho đến ngày 18/8/2021, Ava Labs (đơn vị phát triển blockchain Avalanche) tung ra gói khuyến khích Avalanche Rush với trị giá $180 triệu USD, được phân bổ đến các dự án để đẩy mạnh phát triển Defi của hệ sinh thái.
Các dự án được phân bổ hầu hết nằm ở mảng Dex, lending và yield farming. Có thể thấy, mục tiêu của Ava Labs rất rõ ràng: tăng TVL cho toàn bộ sinh thái. Ở thời điểm này, những dự án yield farming đã được “bơm tiền” và con số lãi suất lên đến hàng trăm, đôi khi cả hàng nghìn phần trăm. 
Và xem ra, mục tiêu ấy đã thành công. Cho đến cuối năm 2021, Avalanche đã đạt được hơn 12 tỷ USD tổng tài sản được khóa trên nền tảng. Tăng gấp hơn 40 lần so với thời điểm trước khi gói khuyến khích được tung ra. 
Theo Defillama
Theo Defillama
Lợi ích là thế. Yield farming vẫn mang trong mình sự nguy hiểm to lớn với những ai tham gia vào. Nỗi sợ đó mang tên Mất mát tạm thời - Impermanent loss. Giải thích dễ hiểu, Impermanent loss làm giảm tài sản của bạn trong bể thanh khoản. Thông thường, phần thưởng phí giao dịch sẽ cover được khoản lỗ này. Nhưng trong một vài trường hợp thị trường biến động quá lớn, khoản lỗ bị mất mát tạm thời gây ra sẽ vô cùng to lớn.
Cá nhân mình cũng chỉ dám tham gia vào hoạt động này một vài lần mà thôi, đương nhiên là vì mình khá sợ. Và đây là một số lời khuyên của mình:
1/ Hãy tham gia farming các stablecoin (là các đồng coin được neo giá ngang với đồng USD). Lãi suất sẽ thấp hơn với các đồng coin khác, nhưng rủi ro Impermanent loss gần như không có.
2/ Tham gia khi thị trường không biến động nhiều. Để giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi mất mát tạm thời.

Aggregators

Dịch ra có nghĩa là tổng hợp. Các dự án thuộc mảng aggregator sẽ giải quyết được bài toán tối ưu chi phí cho người dùng. Ở trên một hệ sinh thái, rất có thể có nhiều sàn dex sinh ra để cạnh tranh lẫn nhau, điều này dẫn đến sự khác nhau ở các bể thanh khoản.
Ví dụ, chúng ta muốn bán ra BTC để mua vào đồng ETH. Nhưng ở trên blockchain, sàn A có giao dịch ETH, nhưng không có BTC. Sàn B lại cho giao dịch BTC mà lại không có ETH. Dẫn đến, ta phải giao dịch từ BTC sang USD ở sàn B, rồi mang USD qua sàn A để mua ETH. Điều này gây ra sự rắc rối không hề nhỏ với người dùng.
Aggregators là giải pháp cho vấn đề trên. Các dự án ở mảng này sẽ tổng hợp, tính toán để giúp ta giao dịch tối ưu chi phí và thời gian nhất. Quay trở lại ví dụ trên, nếu người dùng sử dụng một nền tảng tổng hợp thanh khoản C. Nền tảng sẽ tự động swap token trên 2 pool với nhau, bán BTC để mua về ETH cho người dùng mà không cần phải tốn 2 bước như cũ.
Nền tảng C trên được gọi là Dex aggregator. Ngoài ra, còn có các nền tảng yield aggregator để hỗ trợ người dùng tìm ra nền tảng đang có lãi suất cao nhất.

Launchpad

Khi một blockchain đã đi vào chu kỳ tăng trưởng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án mới được thành lập. Những dự án đấy chắc chắn sẽ cần những sự hỗ trợ ở giai đoạn đầu. Và đó chính là vai trò của launchpad.
Nói rõ hơn, các launchpad sẽ hỗ trợ những dự án mới gọi vốn dưới hình thức IDO - Initial dex offering. Ở đây, người dùng sẽ được đầu tư sớm vào dự án, và được mua với mức giá thấp hơn mức giá lên sàn của token. Đây vừa là cơ hội đầu tư của người dùng, và vừa là cơ hội để các dự án phát triển.
Ngoài ra, các launchpad lớn còn có thể hỗ trợ sâu hơn cho các dự án. Ví dụ như xây dựng các mối quan hệ, cố vấn hay thậm chí đầu tư vào dự án.
Nền tảng launchpad nổi tiếng nhất có lẽ là Coinlist. Nền tảng này đã thực hiện kêu gọi vốn cho những dự án uy tín với mức lợi nhuận siêu cao, khoảng vài chục cho đến cả trăm lần.

GameFi

GameFi (viết tắt của Game + Finance) đã mang lại một làn gió với cho thị trường tiền điện tử. Còn nhớ vào quãng thời gian nửa sau năm 2021, cả thị trường đang tràn ngập sắc xám. Chính Axie Infinity, một tựa game của người Việt chúng ta, nổi lên và vực dậy toàn thị trường.
Với mô hình play-to-earn, người dùng sẽ phải bỏ một khoản đầu tư ban đầu mua những nhân vật (NFT) để tham gia vào các tựa game trên blockchain. Sau quá trình chơi, người dùng sẽ nhận lại được những token, vật phẩm NFT có thể quy đổi ra tiền thật.
Có thể ở Việt Nam, Axie không quá phổ biến trong cộng đồng. Nhưng ở Indonesia, tựa game Axie đã trở thành một công cụ giúp người dân nơi đây kiếm sống, thậm chí còn mua nhà và cả xe hơi.
Nhưng rồi, mô hình này bắt đầu bộc lộ điểm yếu. Câu hỏi ở đây là: Dự án lấy tiền đâu ra để trả cho người chơi ? Đáp án là dự án đang tự in tiền. Axie cũng đã đưa ra lời giải bằng cơ chế đốt giúp giảm phát cho tựa game. 
Nhưng khi người dùng tăng lên quá nhanh, cơ chế đốt không hoạt động như kỳ vọng. Giá của phần thưởng cứ giảm dần, giảm dần. Đến một mức quãng thời gian “về bờ” quá xa so với khoản đầu tư NFT ban đầu. Người chơi sẽ mất đi hứng thú vào tựa game.
Thêm một lý do khác cho sự lụi tàn của các dự án GameFi. Rằng gameplay của các nền tảng này chưa được chú trọng. Hầu hết các tựa game đang sử dụng những cơ chế rất đơn giản như thẻ bài, click chuột, auto-mine. Nếu không vì động lực tài chính, người dùng cũng chẳng có thêm lí do nào để “cắm mặt” vào những trò chơi này hàng giờ đồng hồ.

Các ứng dụng hỗ trợ

Ngoài các mảnh ghép lớn trên, trên một blockchain, ta còn bắt gặp các dự án ở những mảng như:
Bridge: Giúp luân chuyển tài sản giữa các blockchain.
Oracle: Giúp đưa dữ liệu từ thế giới thực lên blockchain, chuyển dữ liệu từ các nền tảng với nhau.
Wallet: Ví phi tập trung, được sử dụng để nắm giữ tài sản và không ai có thể tấn công được (trừ khi bạn bất cẩn). Ngoài ra, các ví phi tập trung còn được dùng để tham gia vào các ứng dụng phi tập trung.

Hiểu được cấu trúc, ta làm gì tiếp theo ?

Một khi đã hiểu rõ được một nền tảng blockchain sẽ có những mảng nào. Bạn có thể tận dụng kiến thức này để tối ưu hóa lợi nhuận cho mình. Thuật ngữ được dân crypto sử dụng cho hành động này đó là “skin in the game”. Cụ thể hơn, ta có thể biết được:
Cách dòng tiền chảy trong một hệ sinh thái. Ở các hệ sinh thái mới, dòng tiền được bơm vào hệ hầu như đều chảy theo chiều các mảnh ghép được mình liệt kê. Nếu bạn đủ nhạy, bạn sẽ thấy cơ hội đầu tư cho mình.
Hiểu được thời gian (timing) nào nên tham gia hoạt động nào. Ví dụ tham gia yield farming khi có gói hỗ trợ, đầu tư launchpad nếu hệ đang vào đà tăng trưởng,...
Nhưng theo mình, lợi thế lớn nhất mà ta có được là cách để đánh giá một blockchain đang hoạt động như thế nào. Ta chẳng thể nào đầu tư vào một hệ sinh thái cứ mãi ì ạch với các vấn đề với yield farming mà không phát triển nổi gaming. Hay một hệ sinh thái với TVL quá thấp mà giá token lại quá cao, ta nên xem chừng vì có thể đó là một quả bom đang chờ ngày phát nổ.

Kết luận

Để tham gia vào crypto, một cách an toàn nhất. Bắt buộc chúng ta phải có nền tảng kiến thức nhất định. Hiểu về cấu trúc của một layer-1 là bước khởi đầu quan trọng với tất cả mọi người.
Nhưng phải nói rằng, đây không phải là “phương pháp” tuyệt đối để mọi người mang đi, sử dụng để nghiên cứu và đầu tư. Nên nhớ rằng, thị trường thì liên tục vận động. Vậy nên kiến thức rồi cũng sẽ cũ đi. Mọi người hãy chỉ nên xem đây là một cách tham khảo khi nhìn vào một layer-1 blockchain, cộng thêm các kiến thức khác để đưa ra nhận xét chính xác nhất nhé.