Nhiều người đã lầm khi cho rằng: Sự xuất hiện của Bitcoin vào năm 2009 là khởi nguồn của blockchain. Thật ra, những ý tưởng nhen nhóm về các đồng tiền điện tử, một mạng lưới phi tập trung đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ trước.
Lịch sử về công nghệ blockchain và Bitcoin
Lịch sử về công nghệ blockchain và Bitcoin

Digicash - kẻ tiên phong liều lĩnh

Vào năm 1982, David Chaum đã xuất bản bài viết “Blind Signatures for Untraceable Payments” (Tạm dịch: Chữ ký ẩn cho những giao dịch không thể bị truy vết). Với bài viết của mình, David được xem là người đặt nền móng cho công nghệ tiền kỹ thuật số và chữ ký ẩn.
Theo David, công nghệ chữ ký ẩn cho phép một giao dịch có thể được phê duyệt mà không để lộ nội dung của nó. Nếu đã tham gia vào thị trường crypto, tham gia vào các ứng dụng phi tập trung, chắc hẳn bạn sẽ không xa lạ gì với các chữ ký này. 
(Nếu bạn thấy khó hiểu, hãy đọc thử ví dụ về chữ ký và chiếc phong bì ở bài viết)
Cuối năm 1989, David Chaum đã thành lập công ty DigiCash và tạo ra một loại tiền điện tử theo như những ý tưởng của ông. Đến năm 1994, công ty đã thực hiện khoản chi đầu tiên bằng loại tiền điện tử này. Một thông cáo báo chí cũng đã được Digicash đưa ra:
World’s first electronic cash payment over computer network” (Tạm dịch: Khoản thanh toán bằng tiền điện tử qua mạng máy tính đầu tiên trên thế giới”).
Thông cáo báo chí của David
Thông cáo báo chí của David
Trong bài thông báo của mình, David có viết:” Electronic cash has the privacy of paper cash, while achieving the high security required for electronic network environments exclusively through innovations in public key cryptography”. Nếu thử thay thế từ “Digital cash” bằng “Bitcoin” hay “cryptocurrency”, có lẽ, ai cũng sẽ nghĩ đây là văn bản được viết trong thập niên trở lại đây.
Vào năm 1994, khi mà cả thế giới vẫn đang loay hoay với câu hỏi Internet là gì, Digicash đã vượt mặt cả thế giới khi đã nói về những một thế hệ tiếp theo của Internet, thứ mà đến hơn 20 năm sau con người ta mới bắt đầu để ý đến.
Và vì sự đi trước thời đại ấy, Digicash đã không đủ khả năng để tiếp tục phát triển. Đến năm 1998, công ty đã chính thức phá sản. Tài sản của Digicash được bán lại cho một công ty khác chung lĩnh vực, eCash.

Nick Szabo - bức tranh phác thảo về một đồng tiền kỹ thuật số

Có lẽ Nick Szabo là một cái tên khá xa lạ đối với nhiều người, kể cả những người đã dành thời gian với blockchain. Nhưng nếu bạn đã tìm hiểu, bạn sẽ thấy vai trò của ông to lớn như thế nào. Nhiều người đã hiểu nhầm Vitalik là cha đẻ của smart-contract, nhưng thật ra, khái niệm về một hợp đồng thông minh đã được Szabo đưa ra vào năm 1996 qua bài viết.
Vào năm 1998, Szabo đã đề xuất tạo ra một loại tiền điện tử Bit Gold. Ngoài cái tên nghe hơi tựa Bitcoin, Bit Gold còn có những điểm tương tự như:
Cả 2 đều sử dụng phương thức đồng thuận proof-of-work để giải các mảnh ghép toán học
Tạo ra những mã hash, liên kết toàn bộ chuỗi khối với nhau.
Điểm khác ở đây rằng:
Bit Gold được tạo ra để hỗ trợ tài chính truyền thống, theo như những gì Szabo tuyên bố.
Và Bit Gold không thể chống được giao dịch lặp chi (Double spending)
Chính chủ nhân của Bit Gold cũng thừa nhận những vấn đề mà đứa con tinh thần đang gặp phải. Sau cùng, Bit Gold chưa bao giờ được chính thức ra mắt và chỉ mãi nằm lại trên những trang giấy của Szabo.

Wei Dai -  nỗ lực tạo nền móng cho Bitcoin

Wei Dai cũng là người có công không nhỏ với thị trường crypto khi tham gia đóng góp, xây dựng từ những thời điểm sớm. Nếu bạn là người đã tham gia thị trường crypto, chắc hẳn bạn đã bắt gặp tên của anh chàng này rồi. Wei là đơn vị nhỏ nhất của đồng ETH, và DAI là tên của đồng stablecoin trên chuỗi Ethereum.
Vào năm 1998, Wei Dai đã cho xuất bản ấn phẩm mang tên “B-money, an Anonymous, Distributed Electronic Cash System” (Tạm dịch: Đồng tiền B, một hệ thống tiền điện tử ẩn danh được phân tán). Bài viết của Wei đã đưa ra những yêu cầu cần có cho một hệ thống tiền điện tử, mà sau này, chính Satoshi đã nhắc lại trong whitepaper của Bitcoin. Cụ thể, Wei Dai cho rằng một hệ thống tiền điện tử cần có:
Tạo ra tài sản dựa trên năng lượng bỏ ra
Trao đổi tiền
Hiệu lực, giao kết của các hợp đồng thông minh.
Có một sổ cái công khai cho tất cả thành viên.
Mô hình B-money của Dai bao gồm 2 giai đoạn. Đầu tiên, đồng B-money sẽ được phát hành thông qua cơ chế proof-of-work. Phần sau của mô hình là những phỏng đoán, gần chính xác với những blockchain hiện đại ngày nay.

Bitcoin - Vị vua ra đời

Vào năm 2008, một bài luận với tiêu đề “Bitcoin: A peer-to-peer Electronic Cash System” (Tạm dịch: Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử với mô hinh ngang cấp) được ra mắt. Tác giả của bài luận lấy bút danh là Satoshi Nakamoto, và cho tới nay, danh tính của ông vẫn là một điều bí ẩn. Bài viết này đã đưa ra kiến thức tổng quát, đầy đủ về mạng lưới Bitcoin. Và đây cũng được coi là whitepaper (tên gọi loại tài liệu cung cấp thông tin chi tiết) của Bitcoin.
Có một sự thật rằng, mặc dù ý tưởng trong bài luận thể hiện rõ Satoshi muốn xây dựng Bitcoin trên nền của công nghệ blockchain, thế nhưng từ khóa “blockchain” lại không hề xuất hiện trong toàn bộ bài viết. 
Sang đến năm 2009, Bitcoin đã vượt mặt Bit Gold khi thoát ra khỏi những trang giấy để đến với thế giới thực. Satoshi đã hoàn thành thiết lập mạng lưới Bitcoin của mình với (có lẽ) hệ thống blockchain đầu tiên.
Bitcoin: The king of crypto
Bitcoin: The king of crypto
Cũng chính Satoshi là người đã khai thác khối đầu tiên của blockchain (khối nguyên thủy - genesis block) giúp đảm bảo an toàn cho toàn chuỗi. Cũng trong khối nguyên thủy, Satoshi đã cài cắm một easter egg cho toàn bộ thế giới: “The times, 03/Jan/2009, chancellor on brink of second bailout for banks” (Tạm dịch: Theo tờ Times, ngày 3 tháng 1 năm 2009, Thủ Tướng đứng trước nguy cơ phải viện trợ các ngân hàng lần thứ 2).
Tờ Times, ngày 3 tháng 1 năm 2009 với "easter egg" của Satoshi
Tờ Times, ngày 3 tháng 1 năm 2009 với "easter egg" của Satoshi
Dựa vào chi tiết này, ta có thể phỏng đoán rằng ngày 3/1 là ngày mà khối nguyên thủy của Bitcoin đã được tạo ra. Nhưng điều quan trọng hơn, ta có thể thấy Satoshi đang phê phán về hệ thống ngân hàng thời bấy giờ. Nhất là sau cuộc khủng hoảng nhà đất 2008-2009, có lẽ, Satoshi đã không còn niềm tin vào các mô hình truyền thống nữa.
Kể từ khi xuất hiện, Bitcoin cũng chưa bao giờ được là một mô hình hoàn hảo. Ở những năm tháng đầu đời của mình, Bitcoin luôn được vị cha Satoshi chăm sóc khá ký. Đến tháng 8 năm 2010, đã có một vụ tấn công xảy ra.
Ở khối 74,638, một lỗ hổng đã bị khai thác, một kẻ tấn công ẩn danh đã tạo ra hơn 184 tỷ đồng Bitcoin và chuyển về địa chỉ ví của mình. 
Đoạn mã được cho là bị tấn công
Đoạn mã được cho là bị tấn công
Sự việc bất thường này đã nhanh chóng được phát hiện và lan truyền trên diễn đàn Bitcoin Talk. Vấn đề được gọi là “lỗi tràn” (Overflow bug), kẻ tấn công chủ động tạo ra một số lượng lớn Bitcoin để khiến hệ thống mã kiểm tra giao dịch của mạng lưới không thể hoạt động chính xác. 
Vấn đề sau khi được phát hiện thì cũng đã được nhanh chóng xử lý. Sau 5 giờ, sự kiện”soft fork” diễn ra để đặt toàn bộ mạng lưới quay trở lại khối trước khi bị tấn công. Cho đến hiện tại, lỗi này vẫn chưa xuất hiện thêm một lần nào nữa.
Silk Road - Kênh truyền thông bất đắc dĩ
Silk Road là một thị trường chợ đen trực tuyến xuất hiện vào năm 2011. Thị trường darknet đầu tiên này là nền tảng mua bán ma túy bất hợp pháp trên toàn thế giới. Và Bitcoin đã được lựa chọn làm hình thức thanh toán cho thị trường tội phạm này.
Dĩ nhiên, khi nhu cầu sử dụng Bitcoin ngày càng tăng, giá trị của Bitcoin cũng theo đó mà đi lên chóng mặt. Khởi đầu năm 2013, giá trị của một đồng Bitcoin chỉ vỏn vẹn $13, nhưng vào tháng 12 cùng năm, Bitcoin đã có giá hơn $1000 cho mỗi đồng.
Giá Bitcoin đạt hơn $1.000 cuối năm 2013
Giá Bitcoin đạt hơn $1.000 cuối năm 2013
Cũng vì câu chuyện này, Bitcoin vô tình được gắn cái mác “phương tiện rửa tiền, tiếp tay cho kẻ xấu”. Chính quyền trên toàn thế giới liên tục chỉ trích đồng tiền điện tử này. Vào năm 2013, Silk Road đã bị FBI đóng cửa. Founder của nền tảng này, Ross William Ulbricht phải đối mặt với án tù chung thân và khoản nợ 183 triệu USD. Nhưng khoản nợ này cũng đã được xóa bỏ, các nhà chức trách đã tịch thu khoảng 69.000 Bitcoin từ Silk Road. Đây có thể được coi là vụ tịch thu tài sản lớn nhất trong lịch sử, vì tính đến nay, nó có trị giá hơn 16 tỷ USD.
(Có một tài liệu cho rằng, Silk Road ở thời kì đỉnh cao, đã dự trữ hơn 60.000 BTC, liệu con số Bitcoin bị tịch thu thật sự có còn lớn hơn nữa ?)

Ethereum - Trang sách mới cho thế giới blockchain

Kể từ sự kiện Silk Road, và vụ sàn giao dịch tiền điện tử Mt.Gox, sàn giao dịch chiếm 70% khối lượng giao dịch của Bitcoin ở những năm 2013, bị pháp luật nhắm đến và đóng cửa. Những cái mác xấu được gắn cho Bitcoin ngày càng rõ ràng hơn. Niềm tin vào đồng tiền này cũng suy giảm đáng kể. Mặc dù rằng, các tội ác ấy vốn không phải do Bitcoin sinh ra.
Tuy sự chú ý về Bitcoin giảm mạnh, nhưng độ nổi tiếng của blockchain lại được tăng nhanh. Vào những năm 2014, người ta bắt đầu nhận thấy lợi ích của blockchain như là chiếc sổ cái phi tập trung, cơ sở dữ liệu tân tiến để thay thế các cách ghi chép cũ đã lỗi thời.
Năm 2015, Ethereum được ra mắt, mở ra một tương lai mới cho công nghệ blockchain. Người sáng lập ra Ethereum là Vitalik Buterin, đáng nói, ý tưởng về mạng lưới blockchain này đến với anh khi mới chỉ 19 tuổi. Và Vitalik chỉ mất 2 năm, cùng với những người đồng sự của mình như Gavin Wood, Charles Hoskinson, Anthony Di lori và Joseph Lubin (Đều là những người có ảnh hưởng to lớn lên giới crypto sau này), để thành công khởi chạy Ethereum.
Điểm vượt trội của Ethereum khi được so sánh với Bitcoin, rằng blockchain của Ethereum cho phép các ứng dụng phi tập trung (dApp) xây dựng và khởi chạy trên một blockchain, và có thể tương tác với nhau qua hợp đồng thông minh (smart-contracts). 
Vitalik, một cậu bé trẻ tuổi, nhưng đã xây dựng lên một blockchain quá “tương lai” ở thời điểm ấy. Đến nỗi, cậu thường bị nhầm tưởng là người đã tạo ra công nghệ hợp đồng thông minh. Người ta bắt đầu gọi Bitcoin là blockchain 1.0, còn Ethereum là thế hệ tiếp theo dẫn lối - blockchain 2.0.

ICO - Cơn sóng lớn đầu tiên của crypto

Với sự ra đời của blockchain Ethereum, một số lượng không nhỏ các nhà phát triển đã xem đây là một mảnh đất màu mỡ để mình có thể phát triển. Nhờ đó, rất nhiều ứng dụng phi tập trung bắt đầu được xây dựng trên blockchain.
Nhưng vấn đề xảy đến khi các nhà phát triển không có đủ tiền để tự thân xây dựng lên một ứng dụng hoàn chỉnh, phải biết, việc xây dựng trên nền tảng blockchain là khá tốn kém (kể cả ở thời điểm năm 2022 hiện tại). Do đó họ nảy ra một ý tưởng: Kêu gọi vốn.
ICO - Initial Coin Offering (Phát hành đồng coin lần đầu) là hình thức gọi vốn được sinh ra để đáp ứng nhu cầu gọi vốn của các dự án. ICO giống như một phiên bản của IPO nhưng được “minimalist”. ICO không phải trải qua thủ tục pháp lý nào, mà chỉ diễn ra trực tiếp giữa dự án và người đầu tư. 
Theo thống kê, tổng số tiền mà các dự án kêu gọi được trong năm 2017 lên đến hơn 10 tỷ USD. Và trong năm 2018, con số tăng trưởng thêm 13% tức đạt khoảng 11,4 tỷ USD. Những con số khổng lồ mà ít ai có thể tin rằng nó đến từ một thị trường mới nổi.
Lượng tiền khổng lồ từ trend ICO
Lượng tiền khổng lồ từ trend ICO
Đương nhiên, đã có nhiều người đổi đời khi tham gia sớm vào làn sóng ICO trên. Nhưng, cái kết đắng có lẽ lại đến với phần đa người tham gia. Có những dự án đã mang lại mức lợi nhuận cả trăm lần, nhưng có nhiều dự án đã biến mất chỉ sau hơn 1 năm kể từ khi kêu gọi vốn. Và các dự án thuộc trường hợp 2 lại chiếm phần nhiều thị trường ICO lúc bấy giờ.
Còn đâu những cái tên SALT (kêu gọi 48 triệu), WAX (68 triệu), TENX (80 triệu), KIN (98 triệu), QUASH (106 triệu),... Khi bong bóng ICO nổ, nhiều nhà đầu tư mới nhận ra mình đã mất tiền.

DeFi summer - Tác động to lớn của blockchain lên tài chính

Sau bong bóng ICO, nhiều nhà đầu tư đã mất niềm tin vào thị trường crypto. Cả thị trường đi vào mùa đông trong năm 2018, 2019. Cần một sức bật mạnh để vực dậy thị trường một lần nữa. Và thế, DeFi xuất hiện.
Số ít những dự án ICO từ những năm 2017 vẫn sống sót đến thời điểm hiện tại đã có đủ thời gian để xây dựng ứng dụng và bắt đầu khởi chạy. Tiền đề về một làn sóng bull tiếp theo đã được hình thành.
Dành cho những bạn chưa bao giờ nghe tới DeFi. DeFi là viết tắt của decentralized finance - tài chính phi tập trung.Về định nghĩa, DeFi là từ chỉ chung cho các hoạt động tài chính diễn ra trên blockchain. Với DeFi, mọi người có thể tham gia hầu hết các hoạt động tài chính tương tự ngân hàng truyền thống, bao gồm: gửi tiền nhận lãi, vay tiền, mua bảo hiểm, giao dịch phái sinh, mua bán tài sản,... Nhưng hoạt động trên DeFi nhanh hơn và dễ dàng hơn bởi không cần các giấy tờ hoặc bên thứ 3 can thiệp. Tương tự với đặc tính của crypto, DeFi hoạt động trên toàn cầu, với mô hình peer-to-peer, ẩn danh và không hạn chế với bất kì ai. (Theo Coinbase)
Marker DAO, dự án DeFi xây dựng năm 2015 trên blockchain Ethereum, được xem là dự án DeFi đầu tiên của thế giới. Nhưng phải đến tháng 5 năm 2020, dự án Compound, một dự án DeFi khác trên Ethereum, khởi động chương trình phần thưởng cho những người tham gia khai thác thanh khoản.
Chương trình khuyến khích của Compound đã làm cho lợi nhuận khi gửi tiết kiệm và lãi suất cho vay tăng lên đáng kể. Nhưng Compound chỉ là phát súng khởi đầu cho làn sóng DeFi. Hàng loạt dự án với mô hình tương tự ra đời :APY (lãi suất) cao → Thu hút người dùng sử dụng. Thành công nhất có lẽ là dự án Yearn Finance, có mức tăng trưởng token khởi điểm từ $6, đã có thời điểm chạm mốc hơn $82.000.
Theo thời gian, vấn đề của mô hình lại dần lộ rõ, cũng như ở tài chính truyền thống, một khi tiền được in ra quá nhiều, nền kinh tế phải đương đầu với 2 chữ: Lạm phát. Các đồng token phần thưởng được sinh ra nhờ lãi suất cao, mà lại không có tác dụng cụ thể. Khi sức mua đạt giới hạn, lực bán ra từ người dùng cứ tăng lên, giá các token bắt đầu tuột dốc, cắm đầu thẳng về lòng đất.
Nhưng khác với vụ bong bóng ICO những năm 2017, ít nhất, mùa hè DeFi đã chứng tỏ được khả năng của mình. Nhưng các dự án DeFi chắc chắn cần thêm nhiều thời gian nữa, để nghiên cứu cho mình một mô hình bền vững hơn - cái mà người ta thường gọi là DeFi 2.0.

Kết luận

Vẫn còn nhiều cột mốc lịch sử khác chưa được mình nêu ra trong bài, nhưng theo mình đây là những sự kiện đáng nhớ nhất (được mình tham khảo từ sách). Mọi người thấy sao về quá trình phát triển này ?
Với cá nhân mình, mình không khỏi bất ngờ khi lần lượt tìm về những ý tưởng đầu tiên của blockchain. Và mình đã nhận ra một sự thật rằng, hơn hai thập kỷ vừa qua, con người chúng ta mới chỉ đang cố gắng hoàn thiện loại công nghệ đã được nêu ra từ thế kỷ trước.
Thậm chí trong 1 2 năm trở lại đây. Blockchain còn không có quá nhiều sự thay đổi, cập nhật. Để thấy, chúng ta có lẽ vẫn còn một chặng đường dài nữa để gặp được phiên bản "hoàn thiện" nhất của blockchain.