Trước tiên bạn phải hiểu rõ 1 điều rằng, Libya là 1 quốc gia hoàn toàn khác với Việt Nam, Iraq, Somalia hay Afghanistan. Ở những nơi đó, sau khi người Mỹ tấn công họ đã kiên cường chống lại ngay từ đầu (như Somalia với Black Hawk Down nổi tiếng khiến Mỹ luôn thận trọng khi can thiệp vào châu Phi), hay chống cự lâu dài khiến Mỹ cuối cùng phải cuốn gói, như Việt Nam, Afghanistan.
Libya là 1 trường hợp khác (và trường hợp của Iraq sẽ nói lần khác), khi Mỹ và NATO tấn công, quân đội và dân chúng Libya rất ít chống trả họ. Vì thế, chế độ Gaddafi sụp đổ nhanh chóng. Nhưng còn một cái lạ hơn nữa, là chiến trường Libya sau đó lại biến thành nơi LNA thân Nga giao chiến với GNA thân Thổ?
Tại sao lại có chuyện kỳ quái này? Thực ra, nó không hề kỳ quái. Mọi vấn đề trên đều sẽ được giải quyết nếu được quy về 1 nhân vật mà truyền thông không rõ vô tình hay cố ý đã giấu nhẹm trước đó - Khalifa Haftar.
Cũng như bài về tổ chức Anh em Hồi giáo lần trước, đây không phải là một bài đầy đủ, viết chi tiết từng năm như biên niên sử cho Libya từ khi khởi đầu câu chuyện tới hiện tại được, nhưng nó tập trung xoáy sâu vào nhân vật cốt yếu nhất. Sẽ có những chỗ bị bỏ qua tạm chưa nói tới, đấy là việc của những bài khác.

I/ Xuất thân

Khalifa Belkacem Haftar, sinh năm 1943 tại 1 thị trấn tên Ajdabiya, gần "thủ đô miền Đông" Benghazi của nước này. Đọc về sử Libya, các bạn nên ghim trong đầu rằng đây là 1 quốc gia rất trống trải và chia cắt. Do vậy, 2 thành phố Tripoli và Benghazi tạo thành 2 cực khác nhau của đất nước với dân cư khác rất xa nhau. Cực đoan tới mức, có thời kỳ ở Tripoli các nhà máy tuyển dụng lao động, mở cửa rộng cho lao động da đen châu Phi, hay châu Á có cả Việt Nam,... thì vẫn nói rằng hạn chế tuyển "dân miền Đông".
Khalifa Hafter thời trẻ
Khalifa Hafter thời trẻ
Năm 1964, ở tuổi 21 Haftar đi theo binh nghiệp, gia nhập Học viện Quân sự Đại học Benghazi danh giá và tốt nghiệp 2 năm sau đó, vào năm 1966. Lúc này, Libya vẫn còn là 1 vương quốc, và trường Học viện Quân sự Đại học Benghazi còn được gọi là Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Benghazi.
Thế rồi, năm 1969, một cuộc binh biến quân sự xảy ra. Một nhóm sĩ quan dẫn đầu bởi Muammar Gaddafi nổi dậy lật đổ vua Irdis I của Libya, nước này trở thành 1 nước cộng hòa. Không khó đoán ra, Khalifa Haftar tích cực tham gia cuộc binh biến này ủng hộ Gaddafi, nếu không thì chẳng còn chuyện gì để bàn ở đây nữa. Từ cuộc chính biến này, Haftar trở thành 1 nhân vật thân cận luôn theo sát Gaddafi, chia sẻ quyền lực giữa người đứng đầu và người đứng thứ 2. Đó là lúc ông bắt đầu bước vào chính trường Libya, nguồn cơn cho câu chuyện sau này.
Khalifa Haftar đang ôm cổ Gaddafi, bên cạnh các sĩ quan khác trong trường quân sự
Khalifa Haftar đang ôm cổ Gaddafi, bên cạnh các sĩ quan khác trong trường quân sự
Kể cả khi thăng tiến bằng con đường "bám" vào ông bạn Gaddafi, thì tài năng quân sự của Khalifa Haftar vẫn là điều có thực. Ông đã lọt vào mắt xanh của các cố vấn quân sự Liên Xô. Với lời đề nghị của Liên Xô, và một dòng máu bộ lạc "được cho là" có nguồn gốc từ người nhập cư Ai Cập, kể từ năm 1970, Khalifa Haftar bắt đầu được đào tạo quân sự cao cấp, nhưng không ở quê nhà.
Ông sang Liên Xô du học và được đào tạo chuyên biệt về sĩ quan pháo binh. Sau khi hoàn tất ở Liên Xô, ông lại được đưa về Ai Cập để huấn luyện sâu hơn, và trên thực tế, ông trở thành người của quân đội Ai Cập. Các bạn hãy lưu ý điều này, vì nó sẽ là một yếu tố ảnh hưởng ở sau!
Khalifa Haftar trong 1 buổi duyệt binh ở Ai Cập
Khalifa Haftar trong 1 buổi duyệt binh ở Ai Cập

II/ Chinh chiến vì Ai Cập

Nếu chỉ học tập, ăn ở trong quân đội Ai Cập, thì câu chuyện không xa đến thế. Nhưng, trong thời gian Khalifa Haftar học ở Ai Cập, chiến tranh với Israel năm 1973 nổ ra.
Khalifa Haftar với tư cách học viên quân sự, và với tinh thần đoàn kết khối Arab, đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, đích thân chỉ huy các học viên Libya đánh trận cho Ai Cập. Thành tích của ông không phải chuyện đùa, báo chí Ai Cập và các nước Arab khác đã nhiều lần viết bài ca ngợi đóng góp của Khalifa Haftar cho chiến thắng của Ai Cập (ít nhất là tự họ coi như vậy) trong năm 1973, chẳng hạn như bài dưới đây (có thể link hơi lỗi):
Bức ảnh được mô tả là Khalifa Haftar nhận huân chương từ quân đội Ai Cập sau chiến tranh 1973
Bức ảnh được mô tả là Khalifa Haftar nhận huân chương từ quân đội Ai Cập sau chiến tranh 1973
Nhưng, đây là lúc sự oái ăm của lịch sử xuất hiện như thường lệ. Sau chiến tranh năm 1973, Ai Cập bất ngờ quay ra hòa đàm với Israel, công nhận nhà nước Do Thái. Điều này khiến Ai Cập đang từ anh hùng thắng trận, bỗng chốc trở thành 1 tên phản bội trong thế giới Arab.
Libya là nước tích cực chỉ trích Ai Cập nhất, và lẽ dĩ nhiên, khi 2 nước căng thẳng như vậy, Khalifa Haftar bị đuổi đi không thương tiếc do là 1 "thằng Libya ăn bám" ở Ai Cập. Nhưng khi ông về Libya, chuyện gì xảy ra?
Gaddafi coi ông là "một thằng gián điệp Ai Cập", dễ hiểu, do Khalifa Haftar đã ở quá lâu bên Liên Xô và Ai Cập nhiều hơn là trong nước. Lại thêm chiến công chiến đấu bỏ mình trước đó năm 1973, càng có lý do để Gaddafi nghi ngờ lòng trung thành của Khalifa Haftar. Thế là, từ chỗ đỉnh cao, đang được quy hoạch trước để làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Libya, Khalifa Haftar rơi vào thất sủng.
Đỉnh cao của sự thất sủng này, là năm 1977, khi Libya công khai tiến hành chiến tranh tấn công Ai Cập để trừng phạt "kẻ bội phản". Cuộc chiến mà sử gọi là "Chiến tranh 4 ngày" giữa Libya và Ai Cập nổ ra.
Máy bay Ai Cập bị Libya bắn rơi trong chiến tranh năm 1977
Máy bay Ai Cập bị Libya bắn rơi trong chiến tranh năm 1977
Tư liệu của AP cho thấy cảnh tù binh Ai Cập bị Libya bắt đưa về Tripoli năm 1977
Trong cuộc chiến này, tướng Khalifa Haftar đã không được Gaddafi trọng dụng, không được nắm quyền chỉ huy. Quyền chỉ huy quân Libya tấn công Ai Cập được giao cho tướng Không quân Mahdi Saleh al-Farijani thiếu kinh nghiệm. Điều này đã khiến quân Libya chuốc lấy thất bại và phải nhờ các nước khác đứng ra giàn xếp thỏa thuận ngừng bắn khẩn cấp với Ai Cập. Thất bại đã khiến cho uy thế chính trị của Libya giảm đáng kể, trong khi Ai Cập củng cố lại vị thế lãnh đạo khối Arab của mình.
Mặt khác, nó cũng khiến Gaddafi quay lại tin tưởng vào tướng Haftar - bởi lẽ sự thật hiển nhiên - là cả nước Libya bấy giờ không ai giỏi hơn Haftar cả. Nhờ điều này, Khalifa Haftar đã lấy lại được vị thế của mình, được chức tham mưu trưởng Quân đội Libya, cho tới chiến tranh với nước Chad.

III/ Hoang mạc Chad sa cơ

Đáng ra phần này phải là phần viết kỹ nhất, và phần quan trọng nhất quyết định nội dung các câu hỏi và vấn đề Libya hiện nay. Nhưng nó quá dài, và trước đây đã có 1 bài viết riêng về cuộc chiến Chad-Libya này rồi - hay chính xác hơn chỉ là giai đoạn cuối, sử gọi là "Chiến tranh Toyota". Vậy nên, để giảm bớt thời gian ở bài này, các bạn có thể đọc qua bài này hoặc xem video của Spiderum trước.
Để tóm gọn tổng quan lại, thì các bạn cần hiểu là thời Gaddafi, nước Libya xâm lược nước Chad ở phía Nam, chiếm 1 nửa quốc gia này. Nước Chad cầm cự được là nhờ quân đội Pháp và một số nước châu Phi giúp đỡ kháng cự được, lấy ranh giới vĩ tuyến 16 chia cắt đất nước.
Trong trận chiến này, Khalifa Haftar được bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao quân Libya, và ông thậm chí còn được yêu cầu qua ở hẳn bên đất Chad, vì Libya thời đó đã coi Chad là 1 lãnh thổ của mình chiếm được.
Nhưng tới năm 1987, giống như Việt Nam năm 1954, tình thế đã đảo chiều cho quân xâm lược. Quân Libya bị dồn vào 1 pháo đài kiên cố tên là Ouadi-Doum, giống như Điện Biên Phủ ở Việt Nam, được tuyên bố là "bất khả xâm phạm". Tướng Haftar cũng được chỉ định ngồi vào Ouadi Doum để chỉ huy trận quyết định.
Nhưng, Ouadi Doum như cái tên được đặt, không tránh khỏi số phận tương tự như Điện Biên Phủ. Pháo đài thất thủ, và Khalifa Haftar bị bắt sống với toàn bộ sở chỉ huy của mình. Đấy là những gì cuối cùng mà bài viết về trận Ouadi Doum nói. Hy vọng tới đây, các bạn tạm hình dung ra được tình thế rồi.
Khalifa Haftar và sở chỉ huy Libya bị bắt sống sau trận Ouadi Doum
Khalifa Haftar và sở chỉ huy Libya bị bắt sống sau trận Ouadi Doum

IV/ Mưu phản và lưu vong

Thất bại nhục nhã và bị bắt sống chưa phải là nỗi khốn cùng nhất với tù binh Libya. Sau chiến tranh, hàng nghìn sĩ quan và binh lính Libya - dĩ nhiên có cả Khalifa Haftar - đã phải chịu đọa đày vất vưởng trong các trại tù của Chad. Lý do là?
Là do Muammar Gaddafi đã bỏ rơi họ. Quá thất vọng về sự thất bại của quân đội, cộng thêm mối nghi ngờ từ trước về Khalifa Haftar (đã nói ở những đoạn trên, lý do tại sao tôi nhắc các bạn cần lưu ý mối liên hệ với Ai Cập của Haftar), thì Gaddafi quyết định không chuộc những tù binh Libya đó mà bỏ mặc họ.
Thất vọng về Gaddafi, Khalifa Haftar quyết chí làm phản. Ở trong trại tù nước Chad, ông sống chan hòa với binh lính, cùng ăn ở cực khổ với những người lính cấp thấp nhất. Dần dần, ông truyền bá cho họ ý định dấy binh riêng, lập thành một nhóm chống đối Gaddafi, lấy tên là "Mặt trận Quốc gia Cứu rỗi Libya" (الجبهة الوطنية لإنقاذ ليبيا).
Ảnh chụp Khalifa Haftar và các tù binh Libya trong trại tù ở Chad sau năm 1987
Ảnh chụp Khalifa Haftar và các tù binh Libya trong trại tù ở Chad sau năm 1987
Một bức ảnh chụp ở Thủ đô N'Djamena của Chad năm 1988, cho thấy tướng Haftar và 2 đại tá khác của quân đội Libya đang tham dự họp báo.
Một bức ảnh chụp ở Thủ đô N'Djamena của Chad năm 1988, cho thấy tướng Haftar và 2 đại tá khác của quân đội Libya đang tham dự họp báo.
Chỉ mỗi một mình thôi thì hẳn Haftar chưa làm nên chuyện. Nhưng bấy giờ ở Chad, có cơ sở của tình báo CIA Hoa Kỳ. Đọc bài về trận Ouadi Doum các bạn sẽ nhớ, tình báo Hoa Kỳ có mặt ở Chad để cẩu chiếc Mi-25 của Liên Xô bị bắt về nghiên cứu.
Tình báo Hoa Kỳ đã sắp xếp cho Haftar cùng các sĩ quan Libya có ý chống Gaddafi một cuộc sống thoải mái ở Chad (đấy là lý do tại sao bức ảnh trên năm 1988 đã thấy họ thoải mái như vậy). Đổi lại, họ phải tiến hành tuyên truyền chống Muammar Gaddafi từ nước Chad. Nhưng Haftar không định ở lại Chad lâu, ông xin CIA cho mình rời Chad để quay về Libya gấp.
Vào năm 1990, CIA quyết định đưa Haftar rời Chad, sang Zaire rồi sang Kenya. Những sĩ quan, binh lính không muốn theo Haftar, tới lúc này mới được phóng thích trở về Libya, còn những người quyết chí theo Haftar thì được tới Kenya. Được 1 năm, Khalifa Haftar cùng hàng trăm sĩ quan Libya chuyển sang Mỹ sống, thay tên đổi họ và sống một cuộc sống ẩn dật ở Mỹ.
Đây là đoạn mù mờ nhất về cuộc đời của Khalifa Haftar, tới những nhà nghiên cứu chuyên sâu nhất về lịch sử Libya và Arab cũng chưa đưa ra được câu chuyện rõ ràng nào thực sự đã diễn ra trong thời gian từ 1991 tới 2011.
Tất cả những gì người ta công bố cho chúng ta biết tới lúc này, là:
-Năm 1996, Khalifa Haftar có chỉ huy 1 chiến dịch chớp nhoáng trở về miền Đông Libya để lật đổ Gaddafi, ở vùng núi gọi là dãy Cyrenaica. Nhưng nó nhanh chóng thất bại và Haftar trở về Hoa Kỳ.
-Năm 2007, Khalifa Haftar xuất hiện trở lại và sinh sống ở vùng Virginia của Mỹ, tại một khu tên là Falls Church.
-Từ năm 2003, quan hệ giữa Mỹ và Libya bắt đầu cải thiện, Mỹ giảm bớt các hành động chống Gaddafi. Và do vậy, tài trợ và ủng hộ cho Haftar cũng giảm bớt. Các bạn cũng cần lưu ý điều này, vì nó sẽ là mấu chốt cho sự hiện diện của Nga ở Libya.

V/ Nhà vua tái xuất

Bùm!!!!! Năm 2011, mùa xuân Arab quét qua. Trong bài về Anh em Hồi giáo mình cũng cho các bạn hình dung ra rằng phong trào Mùa xuân Arab gây ra bởi rất nhiều lý do, không hoàn toàn do bất cứ một bên nào gây ra cả. Nó có thể là do Mỹ giật dây, cũng có thể là do Anh em Hồi giáo giật dây, nhưng ở Libya nó có cả 2.
Trong nước Libya, nhiều dân chúng ủng hộ các lực lượng hồi giáo cực đoan nổi dậy ở miền Tây, nghĩa là vùng gần Tripoli. Nhưng, ở miền Đông tình hình phức tạp hơn. Bằng một cách nào đó, người ta đồn đại rằng từ trước năm 2011 Khalifa Haftar đã từng bước trở về, liên hệ với các đồng minh mới của mình là Nga, UAE và Ai Cập. Tại sao gọi là "mới", hãy đọc lại dòng cuối cùng của phần IV.
Thế là ngay khi dân chúng Libya nổi dậy đánh Gaddafi, rồi Mỹ và NATO ném bom nước này, Khalifa Haftar lặng lẽ trở về cố hương miền Đông Libya của ông. Trong khi truyền thông quốc tế còn đang tập trung vào chiến dịch quân sự của phương Tây, bàn luận và chỉ trích họ, Khalifa Haftar âm thầm build up lực lượng ngày càng quy củ, và kèm theo đó, những dấu chân ảnh hưởng của Nga, Ai Cập và UAE cũng từng bước len lỏi vào miền Đông Libya.
Và, bạn hãy thử tự đặt mình vào vị trí một người lính Libya. So giữa một vị tổng thống ngồi chỉ tay năm ngón, đem quân thí mạng nơi sa mạc Chad, lính bị bắt thì không chuộc - đó là Gaddafi. So với đó là một vị chỉ huy quân sự vào sinh ra tử, đánh đông dẹp nam, bị bắt thì cùng ăn ở khổ cực với lính - đó là Haftar. Bạn sẽ đầu quân theo ai?
Dĩ nhiên không thể tuyệt đối hóa, vẫn có người này người kia, nhưng trong trường hợp này xét về tỷ lệ, người theo Haftar vượt trội - bằng chứng các bạn cứ nhìn vào bảo đồ chiến sự Libya hiện tại.
Tướng Haftar hiện nay
Tướng Haftar hiện nay
Bản đồ chiến sự Libya gần đây - màu đỏ cho thấy ưu thế tuyệt đối của quân Haftar
Bản đồ chiến sự Libya gần đây - màu đỏ cho thấy ưu thế tuyệt đối của quân Haftar
Đấy là cách giải thích cho việc tại sao khi Mỹ và NATO ném bom Libya, quân đội và dân chúng Libya ủng hộ Gaddafi là phần ít, phần đông đi theo quân nổi dậy. Quân nổi dậy ở đây, chúng ta sẽ phân tích sau là gồm những ai. Nhưng tới đây chúng ta chỉ cần hiểu rằng, với sự có mặt của Haftar ở Libya năm 2011, là đã đảm bảo chắc chắn cho sự sụp đổ tinh thần của quân đội Libya - khi một vị chỉ huy cũ đáng kính dẫu có thua trận của họ - trở về lãnh đạo!
Vậy đến vấn đề tiếp theo, các bạn có bao giờ thắc mắc tại sao Mỹ lật đổ Gaddafi, mà tới hiện tại chiến trường Libya lại là nơi tranh hùng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ? Điều gì bất thường đã diễn ra trong khoảng thời gian đó?
Well, chẳng có gì bất thường diễn ra cả. Điều mấu chốt các bạn cần xác định ngay ở đây là Mỹ và phương Tây có vai trò rất ít trong việc xây dựng quân nổi dậy Libya.
Ngay từ đầu, nòng cốt quân nổi dậy Libya đã được xác định. Ở phía Tây, là các lực lượng Hồi giáo cực đoan, tương tự như Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, nổi dậy chống lại Gaddafi. Mà như các bạn đã biết, ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo này là các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Những lực lượng đó, sau này hợp chung lại thành 1 lực lượng ta gọi là GNA.
Còn ở miền Đông, dĩ nhiên, là quân đội của Khalifa Haftar. Mối quan hệ giữa Haftar và các đồng minh Nga, UAE, Ai Cập đã được xây dựng từ trước, chỉ là vào năm 2011 người ta không ai rảnh mà để ý tới việc này. Chỉ từ năm 2014 trở đi khi Haftar chiếm ưu thế trên chiến trường, nó mới được nhắc tới. Nhưng nếu có một quốc gia phương Tây hỗ trợ Haftar, và thực ra là hỗ trợ rất nhiều, thì đó là riêng nước Pháp.
Lực lượng của Haftar như vậy ta gọi chung là LNA
Hai lực lượng này đã chiến đấu ác liệt với nhau suốt từ năm 2014 tới 2020. Đỉnh cao là giai đoạn năm 2019-2020, đấy là lúc mà tưởng chừng LNA đã sắp chiến thắng, đánh được tới cửa ngõ Tripoli, trên các mặt báo tăng đột biến các bài về tình hình Libya, ngầm ca ngợi quân LNA thân Nga sắp thắng.
Nhưng tình hình sau đó đảo chiều khi Thổ Nhĩ Kỳ cật lực đổ quân đánh thuê vào giúp GNA lật ngược tình thế, bẻ gãy LNA trước cửa ngõ Tripoli và khiến cuộc chiến vẫn giằng co mãi về sau.
Tướng Haftar thăm Nga
Tướng Haftar thăm Nga
Lực lượng hồi giáo thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya
Lực lượng hồi giáo thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya
Như vậy, việc Mỹ và NATO ném bom lật đổ Gaddifi chỉ là một hành động tát nước theo mưa trên phương diện chính trị, mặc dù trên phương diện quân sự nó là thứ quyết định. Sức mạnh bom đạn vượt trội từ không lực NATO là thứ khiến chế độ Gaddafi sụp đổ, điều đó không phải bàn cãi.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những người đang chiến đấu trên mặt đất chống lại Gaddafi kia phải là nghe lệnh của Mỹ và NATO, đấy là câu chuyện khác nhau hoàn toàn. Nhắc lại một lần nữa, thì quân nổi dậy lật đổ Gaddafi nòng cốt là lực lượng Hồi giáo hợp thành GNA, và lực lượng quân miền Đông trung thành với Haftar hợp thành LNA. Cả 2 lực lượng này đều đã có truyền thống build up từ lâu đời với các mối quan hệ liên minh xác lập với các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Nga, Pháp, Ai Cập, UAE,... từ rất lâu rồi chứ không phải đợi tới khi Mỹ lật đổ Gaddafi họ mới xuất hiện.
Và vì lý đó, người Mỹ hoàn toàn không có bất cứ cơ sở nào, lực lượng nào để dựa vào mà xây dựng thế lực cho mình ở Libya. Đó là lý do tại sao sau khi lật đổ Gaddafi, người Mỹ rút lui và tới ngày nay không còn ảnh hưởng gì. Ngược lại, những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga với những ảnh hưởng đã xác lập từ trước đó ở Libya, tiếp tục tranh hùng với nhau, nên tới ngày nay các bạn đọc báo chí ít nhất là ở Việt Nam thấy họ vẽ ra Libya là nơi đấu trí giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là như vậy.
Đây là câu chuyện hết sức bình thường và dễ hiểu nếu các bạn đọc sử Libya kỹ càng, nắm được những factors cốt yếu mà truyền thông đã vô tình hoặc cố ý giấu nhẹm.
(Lưu ý cuối cùng: bài này có thể trở nên lỗi thời, vì những vấn đề trong đây chỉ đúng cho tới khoảng năm 2020-2022. Đây là lúc nội chiến Libya gần kết thúc với giao tranh giảm và ngừng bắn được thiết lập. Từ năm 2022 tới nay là 2024, tình hình đã ít nhiều tốt đẹp hơn cho Libya)