Babylon - chiến tranh đã hủy diệt di tích vĩ đại nhất của loài người như thế nào (tiếp theo và hết)
Phần trước Lost cities #1: Babylon - chiến tranh đã hủy diệt di tích vĩ đại nhất của loài người như thế nào Như đã nói ở phần trước,...
Phần trước
Lost cities #1: Babylon - chiến tranh đã hủy diệt di tích vĩ đại nhất của loài người như thế nào
Như đã nói ở phần trước, điều bí ẩn là Herodotus không hề đề cập đến vườn treo Babylon, một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại. Diodorus người Sicili, nhà sử học ở thế kỉ thứ nhất trước CN, đã nói công trình trên được sinh ra nhờ tình yêu của một người đàn ông dành cho một người phụ nữ. "Có một thứ giống như một cái vườn treo ở gần tòa thành, không được xây bởi Semiramis, mà bởi một hoàng tử đời sau có tên Cyrus, dành cho một cô gái làng chơi người Persia, vì cô thèm muốn có một đồng cỏ ở trên núi. Cô mong mỏi từ nhà vua một khu vườn nhân tạo để mô phỏng vùng đất của Persia."
Một vài bản khảo cứu khác ghi lại rằng khu vườn bậc thang rậm rạp bất chấp trọng lực kia là món quà của Nebuchadnezzar tặng cho người vợ Amyitis của mình. Một vài nhà khảo cổ học tin rằng chưa bao giờ thực sự tồn tại một công trình hoành tráng đến mức độ như truyền thuyết miêu tả.
Herodotus viết về mọi mặt của cuộc sống ở Babylon, bao gồm mọi thứ từ địa lí, truyền thống nung gạch, xây dựng tường thành bên ngoài và bản đồ thành phố, cho đến những cây trồng chính (lúa mì, lúa mạch, kê, vừng và chà là), công dụng phong phú của cây cọ (đồ ăn, rượu và mật ong), tôn giáo, tập quán y học và tình dục, và loại thuyền họ dùng để đi trên sông Euphrates. Ông ta miêu tả bức tường thành phố đã được xây dựng từ gạch nung quá lửa và nhựa bitum để làm vữa, mà dấu vết của nó vẫn còn có thể nhìn thấy cho đến ngày nay, nơi mà những bức tường cổ đại được dựng lại từ những viên gạch trang trí lòe loẹt rởm đời, sản phẩm của công cuộc phục chế vào những năm 1980 dưới thời đại Saddam.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông tập trung vào một phong tục mà ông cho là "hoàn toàn xấu hổ", kể lại rằng mỗi người phụ nữ Babylon, dù giàu hay nghèo, đều bị bắt phải ngồi bên ngoài ngôi đền của Ishtar cho đến khi một người đàn ông ném một đồng bạc vào đùi của cô để được quyền quan hệ với cô. Chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ này cô gái ấy mới có được tự do. Herodotus dừng câu chuyện dã sử với một điểm nút:" Những cô nàng cao ráo xinh đẹp thường được về nhà sớm nhưng những cô xấu thường phải ở lại trong thời gian dài... thậm chí vài người còn phải ở lại đến 3 hay 4 năm."
Di sản của Babylon
Câu chuyện của Babylon là sự thăng trầm của giết chóc và nhân từ, chiến tranh và hòa bình, một tiêu bản hiển vi của lịch sử nhân loại. Nó cũng là câu chuyện của sự tham lam, ngạo mạn, sự đàn áp của tôn giáo và hoàng quyền; cũng như văn minh nhân loại, sự giàu sang phi thường, những kiến trúc lộng lẫy và sự khoan dung về tín ngưỡng. Babylon chứa đựng bên trong nó cả những đặc tính cao cả và đáng thương hại nhất của nhân loại, được cả thế giới biết đến trong cuộc chiến tranh Iraq bởi vì nó là ngọn nguồn lịch sử. Babylon là cái nôi của nền văn minh nhân loại và thuộc về tất cả chúng ta.
Tiến sĩ John Curtis, trưởng ban Quản lí di tích cổ đại Cận Đông ở Bảo tàng Anh quốc, đến thăm Babylon vào cuối năm 2004. Trong báo cáo của mình, ông nói rằng thật đáng tiếc vì những căn cứ quân sự lớn đã được xây dựng trên một trong những di tích khảo cổ lớn nhất của thế giới. "Điều này chẳng khác gì xây căn cứ quân sự ở gần Đại Kim Tự Tháp ở Ai Cập hay vòng quanh Stonehenge ở nước Anh."
Cảnh sát quân sự Phillipine và lính Mỹ gác trước cổng Ishstar.
Được hướng dẫn bởi một tiến sĩ khảo cổ người Ba Lan, tôi bước dọc theo cổng Ishstar theo những bước chân của Cyrus và Alexander Đại Đế, hai người người đã liên tiếp chiếm Babylon vào năm 539 và 332 trước CN. Alexander ra lệnh san bằng đài chiêm tinh nổi tiếng nhất và chết trước khi nó được xây dựng lại. Cái cổng này hiện nay đã được phục chế nguyên bản, dựng lại bởi những nhà khảo cổ người Đức vào năm 1914, cùng với những con sư tử chạm nổi được tin rằng đã từng để trang trí ở bức tường trên Con Đường Diễu Binh, hiện chúng đang nằm ở bảo tàng Pergamon tại Berlin.
"Những đoàn bồ câu đáp xuống bức tường di tích, nghỉ ngơi dưới ánh mặt trời và ỉa vào lịch sử"
Con Đường Diễu Binh hiện tại đang ló đầu ra khỏi cái vỏ hào nhoáng lấp lánh của nó và phát sáng dưới ánh mặt trời như những cái răng khổng lồ được trang trí bởi những con rồng đáng sợ cùng những con bò Nebuchadnezzar. Những đoàn bồ câu đáp xuống bức tường di tích, nghỉ ngơi dưới ánh mặt trời và ỉa vào lịch sử.
Điều này khiến nhiều người ngán ngẩm. Khi vòng xoáy chiến tranh định hình lịch sử, tước bỏ quyền lực cũ và đưa quyền lực mới lên ngôi, thì tại Babylon lịch sử không những không được tạo dựng, mà còn bị xóa bỏ gần như hoàn toàn vì chiến tranh.
Nhưng điều này cũng không hoàn toàn đúng. Công cuộc phục dựng dưới thời Saddam, những nhà khảo cổ chuyên nghiệp đã mang lại cho người Iraq thứ gì đó để nhìn vào trong đống đất đá bị bỏ rơi, những di tích và đống gạch vụ. Như nhà sử học nghệ thuật người Iraq, tiến sĩ Lamia al Gailani nói thêm:" Tàn tích ở Iraq quá xấu xí với mọi người, những người Iraq muốn điều gì đó có thể khiến họ ấn tượng hơn những thứ như thế này." Và trong công viên Disney của tên Bạo chúa có sự giao thoa của lịch sử, giữa thành tựu gạch nung của Nebuchadnezzar và thành tựu của kẻ thừa kế ông ta vào thế kỉ 20 ("Di tích này được xây bởi Saddam Hussein, con trai của Nebuchadnezzar, để tôn vinh Iraq")
Sự thật là Babylon đã từ lâu chìm dưới lòng đất, bị bao vây bởi chiến tranh, thời tiết và thời gian. Việc đào xới và san lấp mặt bằng vào năm 2003 gần như đã là cuộc tấn công cuối cùng vào những viên gạch xập xệ của thành phố, nơi tọa lạc của một đế chế trải dài toàn thế giới, nơi mà tên của nó đã dùng để biểu đạt sự vĩ đại, sự giàu có và phô trương vô hạn, nếu không muốn nhắc đến cả sự xuống cấp và suy đồi (từ điển Oxford Englihs gọi nó là thành phố bí ẩn của sự Khải huyền").
Mặc dù những tàn tích cổ đại nhất đã gần như tuyệt diệt, nhưng qua chu kì phục hồi và hủy diệt của nó, trong trí nhớ chúng ta về những gì đã từng là văn minh nhân loại, Babylon sẽ luôn luôn tồn tại.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất