Ít ai biết rằng, có một quốc gia châu Phi xa xôi tên là Chad - bạn không nghe nhầm đâu - thực sự có một quốc gia tên là "Chad" trên quả đất này. Ở đất nước đó, người dân vẫn sống một cuộc sống cực khổ nhất địa cầu.
Nước Cộng hòa Chad (hay Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Sát)
Nước Cộng hòa Chad (hay Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Sát)
Đấy là chuyện bây giờ, còn trước đây quốc gia này cũng phải trải qua cuộc chiến lâu dài để chống xâm lược, bảo vệ độc lập đất nước. Nhưng điều đáng chú ý nhất ở đây, là trong trận đánh quyết định vận mệnh đất nước đó - nước Chad cùng nhiều quốc gia châu Phi khác đã đặt tên cho trận đánh đó là "Dien Bien Phu à la tchadienne" - "Trận Điện Biên Phủ của nước Chad".
Tại sao lại có cái tên này? Bài hôm nay sẽ trả lời câu hỏi đó, và chỉ tập trung nhiều vào đó. Để hiểu được toàn bộ cuộc chiến đấu của người Chad, chúng ta phải đọc một bài rất dài trải dài các sự kiện trong 30 năm (mình đã viết rồi, nhưng chưa đưa vào Spiderum). Đó sẽ là chuyện của bài khác, còn trong bài viết này, chúng ta sẽ chỉ chủ yếu nói về sự kiện cuối cùng và quyết định của cuộc chiến - trận đánh Ouadi Doum tháng 3/1987

1/ Sơ lược về chiến tranh Libya - Chad đến trước trận Ouadi Doum (lưu ý chỉ là sơ lược)

Về căn bản, Libya và Chad là 2 nước láng giềng ở Bắc Phi, Libya ở về phía Bắc của Chad. Trước đây Libya là thuộc địa của Ý, được trả độc lập sau Thế chiến 2. Còn Chad là thuộc địa Pháp, chưa từng có quốc gia riêng, tới những năm 1960 được người Pháp trao trả độc lập mới có lịch sử của riêng mình.
Nước Chad địa hình, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, có thể nói là một trong những quốc gia khủng khiếp nhất. Địa hình và cảnh quan tuyệt đại đa số là núi cao và sa mạc, kết hợp 2 thứ tạo nên những cồn cát thường xuyên cao tới trăm mét, nhiều nơi có thể tới nghìn mét, dốc đứng. Do vậy mà trong lịch sử cho tới ngày nay, nước Chad rất ít người sinh sống, mà chỉ là tuyến đường trung chuyển giữa các dòng thương nhân và dân du mục.
Bản đồ địa hình và cảnh quan nước Chad (để ý góc Tây Bắc với màu nâu sậm - là khối núi khổng lồ với những cồn cát cao nghìn mét - cũng là địa điểm diễn ra trận Ouadi Doum năm 1987)
Bản đồ địa hình và cảnh quan nước Chad (để ý góc Tây Bắc với màu nâu sậm - là khối núi khổng lồ với những cồn cát cao nghìn mét - cũng là địa điểm diễn ra trận Ouadi Doum năm 1987)
Tranh vẽ chợ nô lệ da đen bị bắt bởi người Arab
Tranh vẽ chợ nô lệ da đen bị bắt bởi người Arab
Mà một trong những dòng thương nhân chủ yếu trong lịch sử - là từ những tay buôn nô lệ Arab, bắt người dân da đen châu Phi ở phía Nam đi xuyên qua Sa mạc Sahara để tới Bắc Phi, Địa Trung Hải,... Chiếu vào bài này, các bạn tự hiểu rằng người Arab ở đây là nói tới nước Libya, còn người da đen châu Phi bị bắt ở đây là nói tới nước Chad.
Nói dông dài như vậy trong phần này, là để các bạn tự hình dung và hiểu được mối quan hệ không lấy gì làm êm đẹp giữa Libya và Chad. Không cần giải thích thêm, cũng tự hiểu được tại sao người Libya luôn coi Chad là quốc gia "hạ đẳng", người dân Chad chỉ đáng là "món hàng để buôn bán",... Khi Chad trở thành 1 quốc gia độc lập năm 1960, thì người Libya tin rằng mình "phải lấy lại vùng đất đó". Và thế là từ năm 1965, người Libya đã can thiệp vào Chad, kích động một cuộc nội chiến ở nước này.
Cũng nhắc thêm rằng, vào năm 1965 Libya còn là một vương quốc. Tới năm 1969, Đại tá Muammar Gaddafi đảo chính lên nắm quyền ở Libya (tới năm 2011 ông mới bị lật đổ). Dưới thời Gaddafi, sự can thiệp của Libya vào Chad lên một tầm cao mới: quân đội Libya đã chiếm một nửa lãnh thổ miền Bắc nước Chad.
Trong gần 30 năm, nước Chad bị chia đôi. Từ vĩ tuyến 16 trở lên Bắc, bị quân Libya chiếm đóng. Từ vĩ tuyến 15 trở vào Nam, nước Chad vẫn giữ được độc lập, và có quân đội Pháp đóng quân để hỗ trợ. Quá trình chiến tranh 30 năm đó, xin phép không nói tới ở đây.
Chỉ cần các bạn biết rằng, cho tới năm 1986-1987, quân đội Chad đã đẩy lùi quân đội Libya về sát biên giới, chỉ còn cách một hành lang hẹp chừng 200km gọi là "Dải Aozou". Đây là lãnh thổ cuối cùng mà quân Libya chiếm đóng, và cũng là nơi đặt tổng hành dinh của quân Libya.
Bản đồ chiến sự nước Chad từ năm 1983-1986 (để ý rằng 2 vĩ tuyến 15 và 16 chia cắt lãnh thổ Chad, và dải Aozou màu xanh lá đậm ở trên cùng)
Bản đồ chiến sự nước Chad từ năm 1983-1986 (để ý rằng 2 vĩ tuyến 15 và 16 chia cắt lãnh thổ Chad, và dải Aozou màu xanh lá đậm ở trên cùng)
Tổng hành dinh của quân đội Libya vào năm 1987 đặt tại căn cứ Ouadi Doum (theo tiếng địa phương là "thung lũng Ouadi"). Chỉ huy quân Libya ở Ouadi Doum lúc đó là Khalifi Haftar - nhân vật quyền lực thứ 2 của Libya chỉ sau Muammar Gaddafi. Quân số Libya đóng ở Ouadi Doum ban đầu vào khoảng 10.000 - 12.000 quân, nhưng sau nhiều biến động trên chiến trường, vào thời điểm tháng 3/1987 nổ ra trận đánh cuối, chỉ còn 5.000 quân đóng ở đây.
Bất chấp điều đó, Ouadi Doum vẫn được coi là một "pháo đài bất khả xâm phạm" của quân Libya. Nó được bảo vệ bởi cả tự nhiên và nhân tạo.
Về tự nhiên, Ouadi Doum là một thung lũng, bao bọc xung quanh bởi các khối núi, cồn cát cao trăm mét tới, không thể tiếp cận từ 2 bên. Đường bộ duy nhất để đến được Ouadi Doum chỉ có theo hướng Bắc-Nam, mà phía Bắc là quân Libya. Do vậy, người Chad muốn đi tới Ouadi Doum bằng đường bộ chỉ có 1 đường độc đạo - là đi qua căn cứ Faya Largeau ở phía Nam. Tuy nhiên, ở đây bạn chỉ cần biết rằng căn cứ đó đã thất thủ và đầu năm 1987, và do vậy coi như quân đội Chad đã tiếp cận căn cứ Ouadi Doum.
Về nhân tạo, quân Libya đã rải kín mìn quanh căn cứ Ouadi Doum (vốn dĩ cũng chẳng có ai sống). Với bãi mìn dày đặc như thế, rất khó để lục quân Chad tiến vào mà không bị tiêu diệt. Ngoài ra, bên trong căn cứ Ouadi Doum cũng có sân bay, không quân và phòng không cực mạnh được Liên Xô tài trợ, nên tự tin sẽ vùi dập quân Chad ngay từ bên ngoài. Với mọi điều như thế, không khó lý giải sự tự tin của người Libya trước trận chiến về "pháo đài bất khả xâm phạm này".
Vị trí căn cứ Ouadi Doum - được đánh dấu sao trên bản đồ
Vị trí căn cứ Ouadi Doum - được đánh dấu sao trên bản đồ
Khalifa Haftar (người đánh dấu X) - tham mưu trưởng quân đội Libya, tổng tư lệnh quân Libya ở Chad - trong ảnh chụp ở trường sĩ quan. Người đang được quàng vai chính là lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Khalifa Haftar (người đánh dấu X) - tham mưu trưởng quân đội Libya, tổng tư lệnh quân Libya ở Chad - trong ảnh chụp ở trường sĩ quan. Người đang được quàng vai chính là lãnh đạo Muammar Gaddafi.

2/ Sự can thiệp của người Pháp - bước đệm và bước ngoặt

Những phân tích ở đoạn trên cho thấy rằng, người Chad không có cơ hội nào để đánh vào Ouadi Doum. Tuy nhiên, nhân tố quyết định đã xuất hiện thay đổi tình hình.
Nước Pháp - vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến - đã ra tay hỗ trợ nước Chad. Bạn không cần biết quá sâu về mối quan hệ giữa Pháp với cả 2 nước Libya/Chad, vì nó rất phức tạp. Bạn chỉ cần biết, Pháp là đối tác với cả 2 nước này, tùy theo thời điểm mà giúp bên này hay bên kia. Nhưng vào thời điểm năm 1987, người Pháp nghiêng về nước Chad trước thời khắc định mệnh của quốc gia này.
Người Pháp làm việc quan trọng đầu tiên là vào tháng 2/1986, sau đó tới tháng 1/1987 họ làm lại - đó là việc ném bom không kích căn cứ Ouadi Doum. 2 cuộc không kích đã làm hỏng đường băng và phá hủy nhiều máy bay của quân Libya. Do đó, trong trận chiến quyết định vào tháng 3 năm đó, không quân Libya không thể tham chiến hỗ trợ Ouadi Doum (do mất đường băng). Họ phải sử dụng máy bay ném bom tầm xa Tu-22 của Liên Xô, cất cánh từ Libya để ném bom, kết cục cũng bị bắn rơi.
Máy bay Mig-23 của Libya ở căn cứ Ouadi Doum trước trận không kích
Máy bay Mig-23 của Libya ở căn cứ Ouadi Doum trước trận không kích
Quân Pháp bắn phá đường băng ở Ouadi Doum - với chú thích "bravo" ở dưới tấm ảnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quân Pháp bắn phá đường băng ở Ouadi Doum - với chú thích "bravo" ở dưới tấm ảnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Góc ảnh gần cho thấy Pháp thả bom dù phá hủy đường băng Ouadi Doum.
Góc ảnh gần cho thấy Pháp thả bom dù phá hủy đường băng Ouadi Doum.
Vỏ quả bom 1.500kg do máy bay Tu-22 của Libya thả xuống, được quân Pháp lấy làm kỷ niệm
Vỏ quả bom 1.500kg do máy bay Tu-22 của Libya thả xuống, được quân Pháp lấy làm kỷ niệm
Xác máy bay Tu-22 của Libya bị bắn rơi.
Xác máy bay Tu-22 của Libya bị bắn rơi.
Sau khi loại được không quân Libya, câu hỏi tiếp theo là: làm sao để quân Chad vượt qua bãi mìn?
Câu trả lời được người Pháp giải luôn: họ chở lính Chad bằng máy bay rồi thả họ nhảy dù xuống căn cứ. Đúng vậy, vào tháng 3/1987, máy bay vận tải của quân đội Pháp đã thả binh lính và khí tài của quân đội Chad vào giữa căn cứ Ouadi Doum. Một đòn đánh bất ngờ khiến quân Libya hoảng loạn, nhiều người và xe chạy loạn ra ngoài căn cứ và kết thúc bằng việc bỏ mạng trong bãi mình của chính mình.

3/ Chiến thắng Ouadi Doum - "Điện Biên Phủ của sa mạc".

Không mất nhiều công để nói về diễn biến trận chiến, nói thẳng luôn rằng sau vài ngày chiến đấu, quân đội Chad (chủ yếu là lính dù) đã chiến thắng quân đội Libya - dù vũ khí vượt trội lúc đó - nhưng đang hoảng loạn về tinh thần.
Vào đêm ngày 22/3/1987, toàn bộ căn cứ Ouadi Doum với hơn 5.000 lính Libya cùng toàn bộ vũ khí, khí tài đầu hàng. Tổng tư lệnh Khalifa Haftar cùng toàn bộ sở chỉ huy quân Libya bị bắt sống dưới hầm. Chiến thắng Ouadi Doum đã đặt dấu kết thúc cho cuộc xâm lược kéo dài hơn 30 năm của Libya vào Chad. Chiến tranh dù vậy chưa kết thúc, vì sau đó quân Chad còn đánh sâu vào biên giới Libya quấy rối một thời gian mới ngừng.
Ngoài ra, sau chiến thắng Ouadi Doum còn có một sự kiện đáng chú ý khác, là chiến dịch của Mỹ để thu giữ những khí tài quý giá của Liên Xô bị quân Libya bỏ lại - tiêu biểu là trực thăng Mi-25.
Bộ chỉ huy quân Libya (có tổng tư lệnh Khalifa Haftar bị bắt sống sau trận Ouadi Doum)
Bộ chỉ huy quân Libya (có tổng tư lệnh Khalifa Haftar bị bắt sống sau trận Ouadi Doum)
Tù binh Libya bị bắt sau trận đánh.
Tù binh Libya bị bắt sau trận đánh.
Xác xe tăng và lính Libya vẫn còn kẹt lại ở sa mạc Ouadi Doum tới tận ngày nay
Xác xe tăng và lính Libya vẫn còn kẹt lại ở sa mạc Ouadi Doum tới tận ngày nay
Máy bay Chinook của Mỹ chở trực thăng Mi-25 của Liên Xô bị bắt sau trận Ouadi Doum
Máy bay Chinook của Mỹ chở trực thăng Mi-25 của Liên Xô bị bắt sau trận Ouadi Doum
Bây giờ, quay lại tiêu đề bài viết, tại sao lại có tên "Điện Biên Phủ" trong này. Đó là sau khi ngồi ngẫm lại, các nước châu Phi thấy có quá nhiều điểm chung giữa chiến công của người Chad với Việt Nam năm 1954.
Cả 2 nước đều trải qua cuộc chiến dài và khốc liệt để gìn giữ độc lập. Ở trận đánh cuối cùng, kẻ thù đều dồn vào 1 căn cứ lớn, tự tin "pháo đài bất khả xâm phạm". Nhưng về sau đều bị phá sập, toàn bộ sở chỉ huy bị bắt sống nhục nhã.
Quan trọng hơn, chiến thắng này của người Chad mang ý nghĩa và tầm vóc tương tự như trận Điện Biên Phủ năm 1954, khi nó cho thấy một quốc gia nhỏ bé với quân đội non trẻ, có thể đánh bại được kẻ thù mạnh hơn rất nhiều. Nó cũng cổ vũ tinh thần đấu tranh cho các nước châu Phi chống lại những kẻ xâm lược người Arab - vốn là kẻ thù truyền kiếp trong hàng nghìn năm, đối với họ còn tệ hơn thực dân phương Tây.
Với tất cả những ý nghĩa đó, người dân các nước Châu Phi đã tự hào gọi trận đánh Ouadi Doum năm 1987 là trận "Dien Bien Phu à la tchadienne" - trận Điện Biên Phủ của nước Chad, trận Điện Biên Phủ trên Cát, hoặc Điện Biên Phủ của sa mạc.
Tuy nhiên, điều này có vẽ chạm tới nỗi đau của người Pháp (vì họ là bên bại trận ở Điện Biên Phủ, không muốn nhắc lại). Thậm chí tương truyền rằng sau trận Uuadi Doum, tướng Khalifa Haftar dù bị bắt làm tù binh, vẫn kịp nhục mạ người Pháp.
Cụ thể, khi một sĩ quan Pháp tới định tra khảo tướng Haftar, ông bình tĩnh trả lời:
"J’ai répondu que j’étais prisonnier des Tchadiens, je n’étais donc pas dans l’obligation de leur parler" (Tôi là tù binh của người Chad, không có nghĩa vụ phải trả lời người Pháp các ông)
Do vậy, mà bạn sẽ ít khi thấy người Pháp đề cập tới cái tên "Điện Biên Phủ của sa mạc" này, mà chủ yếu sẽ bắt gặp nó ở những nước châu Phi, nếu bạn có may mắn gặp được những người đã từng sống ở thời kỳ đó!