Khi mình đến Sydney, 15/12, Sydney nhuốm đỏ.
Melbourne, 20/12. Nắng 43 độ C, ngập khói.
Hiện tại, ở gần những đám cháy là khung cảnh tế này. Hoàn toàn không filter (ảnh một).

Nếu các bạn chưa biết, thì Úc đã và đang cháy từ tháng Chín năm ngoái. Vụ cháy càng ngày càng lan rộng, hiện tại, tổng diện tích cháy rừng vào khoảng 5.5 triệu km2, so với vụ cháy ở Amazon là 900.000 km2. Nếu đặt lên bản đồ, thì đám cháy hiện đang diễn ra ở Úc đủ sức bao trùm cả châu Âu.
Tổng diện tích đám cháy tại Úc nếu đặt vào châu Âu.
Mình chưa bao giờ muốn nói về chính trị, nhất là nói tiếng Việt về chính trị ở… Úc, thế thì vừa không hiểu tận nguồn tận rễ mà cũng chẳng ai quan tâm cả. Và, đơn giản hơn mà nói, thì đây KHÔNG PHẢI vấn đề chính trị. Đây cũng KHÔNG PHẢI vấn đề của MỘT quốc gia nào.
Đây là (những) đám cháy. Nó đang cháy thật, và thiệt hại cũng là thật: Hơn nửa tỷ động vật đã ch.ết , nhiều con kangaroo phải chạy tới chỗ con người để xin nước, môi trường sinh sống tự nhiên của Koala cũng bị huỷ hoại, nhiều người dân phải di tản, thậm chí phải chạy ra biển, không biết ngày về (ảnh bốn). Khói của đám cháy ở Úc cũng lan đến tận… New Zealand!
Những con Kangaroo chết xung quanh đám cháy.

Một gia đình phải bỏ nhà chạy ra biển.
Thật dễ dàng để mà nói “Úc thì năm nào chẳng cháy”. Thật dễ dàng để mà nói mọi thứ là tự nhiên, là “nó phải như vậy”. Và chúng ta, ở Việt Nam chẳng hạn, thật dễ dàng mà không quan tâm tới một sự việc xảy ra tận nước Úc, vì những lý do như kiểu…. “nhà bao việc, lo gì chuyện nước khác”.
Nhưng, nó không phải đám cháy ở một quốc gia xa xôi nào, mà nó là tương lai của chúng ta. Không chỉ vì năm nào nó cũng cháy mà chúng ta lại thản nhiên thõng vai để nó cháy, để nó quét qua thị trấn, nhà cửa. Nếu chúng ta thản nhiên nhìn một vấn đề môi trường lớn như vậy xảy ra với Úc, thì thế giới sẽ làm gì khi nó xảy đến với Việt Nam chẳng hạn? Lũ miền trung càng ngày càng lâu, càng nhiều. Đồng bằng sông Cửu Long thì phong thanh tin biến mất, chẳng chóng thì chầy. Nếu việc đó xảy ra với Việt Nam, thì chúng ta sẽ mong phản hồi gì từ thế giới?
Ở quy mô nhỏ hơn, chúng ta sẽ mong phản hồi gì từ chính cá nhân mỗi người? Nghe tin cháy rừng ở Úc, rồi ô nhiễm ở Hà Nội, bạn mình tự nhiên đùa: “Nhìn vậy chẳng muốn sinh con ra ở thế giới như thế này nữa”.  Chẳng nhẽ đây là những gì chúng ta để lại cho những thế hệ tiếp sau?
Mình thì mình không nghĩ thế. Mình cũng không muốn post này trở thành một post tiêu cực, ngay cả khi những đám cháy vẫn chưa dừng lại. Những tin tức về các tình nguyện viên chữa cháy không công ngày đêm dập lửa, rồi có dược sĩ tình nguyện ở lại giúp người dân, rồi bao người dân giúp đỡ koala, chuột túi…. Rồi Thủ Tướng của… Vanautu, một quốc đảo nhỏ xíu và nghèo khó cũng quyên góp $250000, rồi lính cứu hoả từ Canada, New Zealand, máy bay từ Mỹ cũng sang giúp đỡ…
Image may contain: 1 person, standing, dog, outdoor and nature
Patrick Boyle, một tình nguyện viên đi tìm kiếm cứu trợ những động vật hoang dã trong đám cháy.
Những tinh thần như vậy rực sáng hơn cả lửa. Và mình không nghĩ nó là tinh thần Úc, như nhiều báo Úc hay thậm chí Thủ Tướng Úc đều ca ngợi. Cũng như khi người ta xếp hàng tình nguyện hiến máu sau vụ xả súng ở Las Vegas, mình cũng không nghĩ đó là “tinh thần Mỹ”.
Đương nhiên, khi đứng trước thảm hoạ, mỗi quốc gia sẽ có cách ứng xử một khác, nhưng, trước hết, mình muốn tin nó là TINH THẦN CON NGƯỜI. Cháy thì (hiện tại) chỉ xảy ra tại Úc và xả súng (phần nhiều) chỉ tại Mỹ, nhưng con người giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ muôn loài thì đâu đâu cũng có. Đấy có thể là bản chất con người, nhưng, quan trọng hơn bản chất, là TRÁCH NHIỆM của chúng ta.
Kant sẽ đồng ý với mình ở đây. Kant sẽ nói, “hãy hành động sao cho hành động đó trở thành một quy luật phổ quát”. Nó còn nghiêm khắc hơn lời dạy của Chúa trong kinh Mathew 7:12, “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho họ”. Nó là NGHĨA VỤ của loài người.
Vì vậy mới nói, nó không chỉ là đám cháy ở Úc xa xôi nào, nó là nơi trách nhiệm của chúng ta tỏ bày, ở Úc hay ở Việt Nam cũng vậy. Chúng ta sẽ muốn thế giới đối xử với Việt Nam thế nào khi những điều đó xảy đến với chúng ta? Quan trọng hơn, chúng ta muốn đối xử với chúng ta, như con người với con người, như thế nào? Trách nhiệm của chúng ta là gì?

Nói dông nói dài, chỉ kết lại để nói, nếu được, hãy giúp Úc một chút. Chẳng phải vì yêu Úc hay “vác tù và hàng tổng” gì, mà vì chính chúng ta vậy.


Và mình có thể giúp đỡ bằng cách nào?

Trung tâm chữa cháy vùng nông thôn tiểu bang New South Wales: https://www.rfs.nsw.gov.au/volunteer/support-your-local-brigade

Hỗ trợ động vật Wires Wildlife Rescue: https://www.wires.org.au/donate/emergency-fund

Hoặc hỗ trợ Koala https://www.gofundme.com/f/help-thirsty-koalas-devastated-by-recent-fires/donate

Hội chữ thập đỏ Úc: https://www.redcross.org.au/campaigns/disaster-relief-and-recovery-donate

Để kết bài, thì giữa cơn lửa cháy, mình tự dưng nhớ một câu Kinh thánh cực kì phù hợp một cách hơi… mỉa mai: 1 Corinthians 3:13: “[…] Công trạng của mỗi người thế nào sẽ được tỏ bày ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công trạng của mỗi cá nhân, và nó sẽ hiển hiện ra trong lửa.”
Và, lửa đã tới rồi đây. Và, công trạng của chúng ta là gì?