Nghe mấy câu này nhiều khi…mắc mệt ghê ha.
Tiêu đề này có lẽ là một chủ đề thể hiện rõ nét khoảng cách thế hệ 7x, 8x so với gen Z hiện  nay.
Ở thời ông bà và bố mẹ của mình, đất nước vừa trải qua chiến tranh, còn phải đấu tranh để có cái ăn cái mặc hàng ngày. Cuộc sống cơm áo gạo tiền chiếm lấy tâm trí của người lớn, nên họ đâu có thời gian để nghĩ về ước mơ, sở thích hay sự nghiệp.
Còn bây giờ, chúng mình lớn lên trong một thế giới mà mọi thứ được kết nối với nhau chỉ qua một màn hình phẳng. Cơ hội kết nối con người, cơ hội công việc xuyên quốc gia, tất cả mọi thứ đều tạo cho giới trẻ có quá nhiều cơ hội để lựa chọn. 
Và chính vì có nhiều lựa chọn, người ta bắt đầu nói nhiều về công việc trong mơ, về cuộc đời trong mơ, về tự do, về hạnh phúc nhiều hơn.
Vấn đề người ta quan tâm ở thời điểm hiện tại không chỉ là cơm áo gạo tiền, mà còn là làm thế nào để có được đời sống tinh thần đầy đủ.

VÌ SAO BÂY GIỜ NGƯỜI TA LẠI HỎI NHAU “ĐAM MÊ CỦA BẠN LÀ GÌ" NHIỀU THẾ?

Mình biết là với nhiều người, việc khó nhất chính là biết rằng mình thích gì?
Nhưng truyền thông và social media đã mang đến cho chúng ta một áp lực vô hình là phải tìm ra sứ mệnh và đam mê của mình càng sớm càng tốt.
Không thể phủ nhận vai trò của hướng nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp là rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
Nếu như chúng ta có trên 50% lực lượng lao động là được đào tạo đúng ngành nghề và chuyên môn hóa cao thì chắc chắn Việt Nam ta đã là một đất nước hùng cường rồi.
Tuy nhiên hướng nghiệp mới chỉ thực sự phổ biến và nhắc đến nhiều trong khoảng 3-5 năm trở lại đây, thông điệp hãy đi theo tiếng gọi của sở thích và đam mê cũng xuất hiện nhiều gần đây.
Bởi vì gen Z nói riêng hay xã hội hiện đại nói chung đang có quá nhiều sự lựa chọn và họ hoàn toàn có cơ hội để đi theo đuổi một nghề nghiệp vừa thỏa mãn đam mê, vừa tạo ra tiền. Khác với những thế hệ trước, họ chỉ có một lựa chọn và thường sẽ cố gắng làm nó đến hết đời.

LÀM SAO ĐỂ BIẾT MÌNH THÍCH GÌ?

Quay trở lại với vấn đề làm sao để biết rằng mình thích gì hay phù hợp với nghề nghiệp gì? 
Theo mình chỉ có thể là “oằn mình vào thực tế cuộc sống” để tìm cho mình câu trả lời mà thôi.
(Tác Giả tự nghĩ)
ĐẦU TIÊN là mỗi người sẽ có những thiên hướng sở thích và tính cách nhất định. 
Điều này có thể đến từ quan sát của chính bản thân bạn, bạn càng dành nhiều thời gian để trò chuyện và thấu hiểu chính mình thì những câu trả lời này càng rõ nét.
Bạn cũng có thể lắng nghe nhận xét của những người xung quanh. Người ta thường nói, người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc thường không sai. 
Những người thân, bạn bè, đồng nghiệp qua cơ hội tiếp xúc và làm việc trực tiếp với bạn sẽ có được cảm nhận chủ quan nhất về điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Họ có thể sẽ là những người đưa cho bạn lời khuyên rất đáng giá đấy. 
Chuyên nghiệp hơn thì có hệ thống trắc nghiệm tính cách, ví dụ như DISC, MBTI,...
Gần đây mình có thử bài test trắc nghiệm nghề nghiệp đến từ Sông An thấy rất hay và chi tiết, mình thấy điều đặc biệt ở bài test này là nó đem đến cho mọi người một hành trình tìm hiểu chính mình vừa đủ dài và sâu (một khóa học ngắn trong vòng 30 ngày).
Những bài trắc nghiệm khác có thể chỉ phản ánh phần nào con người bạn, hoặc làm xong bạn thấy vẫn chưa hiểu rõ chính mình lắm thì mình tin ít nhất với bài test này bạn sẽ có trải nghiệm hiểu chính mình sâu sắc hơn. Đồng thời hình dung ra con đường sự nghiệp rõ nét hơn. Bạn có thể tham khảo khóa học ở đường link này nhé: https://huongnghiepsongan.com/30ngaytuhuongnghiep1825/
Theo kinh nghiệm của mình thì những điều trên sẽ cho ra một kết quả khá tương đồng.
TIẾP THEO, từ xu hướng tính cách này sẽ có 3-5 nhóm nghề nghiệp mà mình phù hợp. Bây giờ bạn có thể liệt kê danh sách những công việc liên quan để tìm hiểu sâu và có càng nhiều cơ hội cọ sát càng tốt.
Quá trình làm và trải nghiệm này là vô cùng quan trọng. Bạn sẽ thấy được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân từ đấy tìm ra những lựa chọn ngày càng phù hợp với mình.
Kể cả khi đã đi làm và có những trải nghiệm không tốt, thì khi đấy cũng chính là tiền để tiến gần hơn đến sự nghiệp mà bạn mong muốn. Hãy coi mỗi thất bại là một bài học chứ đừng nản lòng nhé.

LÀM ĐIỀU MÌNH THÍCH CŨNG CẦN RẤT NHIỀU DŨNG CẢM

Mình thấy thế này! Thật ra tìm ra điều mình phù hợp không khó.
Cái khó là mình dám nhìn nhận vào những xu hướng tính cách đó và dám trải nghiệm để tìm ra điều thật sự làm mình hạnh phúc.
Mình quan sát thây có nhiều bạn vì những nỗi sợ khác nhau mà không dám làm những điều mình thấy phù hợp: 
Lấy một ví dụ điển hình. Mình có đứa bạn tính cách cẩn thận và tỉ mỉ rất thích hợp làm kế toán, hay giáo dục, bản thân nó cũng thấy hợp với ngành như vậy vì đã từng trải nghiệm qua rồi. Tuy nhiên, vì nó học marketing nên vẫn muốn thử sức mình với marketing. Kết quả đúng là thấy không phù hợp thật. Tuy nhiên, nếu bây giờ đi học thêm một văn bằng về kế toán thì không đủ quyết tâm. Ngành giáo dục thì cảm thấy mình sẽ không giàu được.
Đa số chúng ta đều có chút chấp niệm với những gì mình học và tích lũy. Vậy nên đi ra khỏi vùng an toàn đấy là điều không hề đơn giản. 
Bản thân mình cũng thế. Mình cũng chấp niệm với những gì mình luôn tích lũy. Mình cũng không thật sự biết mình phù hợp với điều gì cho đến khi trải nghiệm qua một vài công việc thực tế. Mình cũng đang hiểu bản thân mình hơn, lựa chọn điều phù hợp với bản thân và đi ra khỏi vùng an toàn của mình.

LỜI KẾT

Nếu bạn hỏi mình đã tìm được một sự nghiệp trong mơ của mình chưa thì câu trả lời là mình chưa. 
Như mình chia sẻ thì mình cũng đã và đang trải qua những hành trình giống như mọi người mà thôi. Nhưng mình nhận thấy mình ngày càng hiểu rõ hơn chính bản thân mình rồi.
Vậy nên đây là một chút kinh nghiệm mà mình có thể chia sẻ được trên hành trình đi tìm chính mình.
Mình muốn nói rằng bạn không hề cô đơn. Và chúc cho bạn và mình sớm tìm được công việc mà khiến chúng ta mỗi ngày đi làm đều là một ngày hạnh phúc nhé.