Hãy học sống như Nobita.
Hôm rồi khi mình làm kế hoạch cho công việc, lúc mình phân tích mình có note ra về hướng mình muốn cho đối tượng trong kế hoạch rằng,...
Hôm rồi khi mình làm kế hoạch cho công việc, lúc mình phân tích mình có note ra về hướng mình muốn cho đối tượng trong kế hoạch rằng, họ sẽ trải qua hành trình từ "who am i " đến "who i want to be" - và đó là một hành trình của đời người, có thể khi đến đích cũng chỉ mới dừng ở câu hỏi ban đầu.
Và đó cũng là câu hỏi quan trọng nhất mà mình hổng thấy ai đặt vấn đề hay dạy mình hết. Ví dụ như tại 2 mốc được cho là quan trọng trong hành trình trưởng thành của 1 người là 18 tuổi (trước khi vào đại học)
Các câu hỏi được đặt ra cho mình thường là: Chọn ngành (trường) nào để sau khi tốt nghiệp dễ có việc làm (kèm theo các câu hỏi phụ khác cũng gắn liền với câu hỏi chính như lương, đãi ngộ, thậm chí là về chế độ hưu trí...) Rồi cái mốc 22 tuổi sau khi tốt nghiệp cũng nối gót theo cái mốc đầu tiên.
Vô hình trung, giá trị của một con người được gieo vào đầu từ khi tâm trí mình con not nớt đã được gắn với công việc mình làm, số tiền mình kiếm được, và địa vị mình được gán cho.
Einstein nói: “Try not to become a man of success but rather to become a man of value” (Đừng cố gắng trở thành người thành công mà hãy cố thành người có giá trị)
Nói gì khó hiểu tợn =)) Như thế nào là người có giá trị?
Bản thân mình thì vẫn tự vấn hoài về nó, tự hỏi mình như để nhắc nhở hơn là để có câu trả lời. Nhưng hôm trước trong một cuộc trò chuyện với bạn - bằng cách nào đó việc "giá trị bản thân, mình là ai và muốn trở thành ai" xuất hiện, và mình nhắc vài thứ đại loại như "đọc nhiều sách, quan sát nhiều lên, tự học và tìm một cái gì đó theo đuổi", cách truyền tải của mình hình như khiến bạn buồn.
Mình về suy nghĩ, nếu như không phải là bạn, mà là mình version 16 tuổi, 18 tuổi, 22 tuổi đến gặp mình ở thì hiện tại và hỏi mình về việc đó. Mình sẽ trả lời thế nào? Liệu có chung chung hay mô phạm như cách mình nói với bạn không? Liệu version trong quá khứ có cảm thấy những điều mình nói hữu ích với họ không?
Sau một thời gian suy nghĩ (điều này có ý nghĩa dữ lắm vì mình vốn là người nghĩ nhanh làm nhanh và ít chịu đầu tư thời gian nghĩ một điều gì đó lâu dài) thì mình tạm hài lòng với câu trả lời bên dưới. Hy vọng là mấy con nhỏ mình version trẻ sẽ chấp nhận mà không cong cớn cãi lại version già này :)
Hãy học sống như Nobita.
Thế hệ của mình lùi về trước vài năm và lùi về sau vài năm thì chắc chắn đều biết về truyện Doremon, trong đó cuộc sống của Nobita và nhóm bạn lớp 4E của cậu bất ngờ thay đổi với sự xuất hiện của chú mèo máy đến từ tương lai.
Có rất nhiều bài hay tư liệu nói về bộ truyện tranh kinh điển này, ý nghĩa nó mang lại, giá trị vượt thời gian của nó lên nhiều thế hệ người đọc. Ở đây mình chỉ nói lên cảm nhận và những điều cá nhân mình học được từ Nobita
Thành thật với bản thân mình.
Nobita luôn hiểu rõ mình cần gì, nói thật với Doremon điều cậu muốn gì, và cậu luôn dừng ở đó. Đúng, những câu chuyện bi hài luôn xảy ra chỉ vì Nobita đi quá xa với các bảo bối của Doremon, đôi khi cậu lạm dụng chúng. Nhưng lạm dụng chứ không lợi dụng. Câu luôn xin và nài nỉ Doremon vì 1 nhu cầu duy nhất và cụ thể (có thể bất chợt và da dạng và quái dị :)
Nobita vòi Doremon bảo vối để giải quyết những điều cậu đang thực sự cần, chứ không lợi dụng sự toàn năng của bạn mình vì những mục đích khác ngoài cuộc sống của cậu, cậu không bảo Doremon leo lên cỗ máy thời gian trong hộc bàn và biết được kết quả sổ xố ngày mai, không dùng cánh cửa thần kì để đến văn phòng thầy giáo và xem trộm đề thi, cũng không dùng thuốc lãng quên để cho bạn Chaien quên đi việc bắt nạt cậu mỗi ngày. Ừ, mọi người có thể nghĩ Nobita "không đủ thông minh" để có những ý tưởng táo bạo đó, nhưng mình tin khi một người bình thường được trao cho một cơ hội bất thường, nếu họ không thành thật hiểu rõ thứ mình cần và điều mình muốn, ai cũng sẽ có thể làm được điều "vĩ đại" - dù đó có thể là điều vĩ đại xấu xa.
Nghe thì dễ lắm, nhưng mình của tuổi trẻ ơi, khi bạn lớn, tự dưng xung quanh bạn sẽ có hàng trăm tiếng nói cất lên và át luôn giọng xuất phát từ tận đáy lòng mình, đến mức đôi khi bạn phải trả tiền để có người cùng ngồi lại dạy bạn cách gạn lọc và lắng nghé nó.
Sẽ có lúc, "sự cần", "điều muốn" giản đơn nhưng lại được bơm phồng bởi những màu sắc hay hình ảnh do chính mình tạo nên, để rồi con tim bừng bừng ngọn lửa sở hữu, khi đạt được rồi chúng ta lại càng tăng mức độ tự phỉnh lừa bản thân lên một tầm cao mới. Khi đó, có lẽ hình ảnh cậu bé 10 tuổi thật thà với chình mình đã trở thành 1 thứ ảo vọng quá xa.
Kiên định với những điều/người mình yêu thương
Một trong những truyện mình thích nhất là tập Nobita nhận nuôi chú khủng long cổ dài. Khi tình cờ cậu nhặt được quả trứng, cậu quyết tâm ấp và nuôi dưỡng nó, dù cậu không biết trứng đó có nở được hay không, và nếu có, sẽ nở ra con gì, dù cậu phải ôm trứng trong lòng rồi bị buộc lại trong chăn suốt ngày, mỗi lần đi vệ sinh thì phải nhờ Doremon tháo ra, và đến khi nở ra chú khủng long, cậu cũng một mực nuôi dưỡng che chở và bảo vệ chú. Ngay cả bạn thân nhất mình phản đối, cậu vẫn không bỏ cuộc.
Tìm được điều mình thực sư yêu đã khó, nhưng kiên định và đi đến cùng với điều đó lại càng khó hơn. Việc dốc hết lòng, "cố chấp" làm điều mình yêu, đi đến cùng với người mình thương, nếu có sai, thì cũng là cái sai để khiến mình tự hào.
Biết buông tay.
Nghe có vẻ trái ngược với ý trên, vì khi ta đã quá hết lòng dốc sức với một thứ, thật khó làm sao khi ta từ bỏ hoặc bước tiếp. Quay lại câu chuyện Nobita với chú khủng long ở trên, đoạn kết khi chú đã quá lớn, Nobita và Doremon đã cùng nhau mang chú trả về với hoang dã ở thời quá khứ, Nobita khóc rất nhiều khi lên cỗ máy thời gian, bỏ lại chú khủng long chạy theo réo gọi thảm thiết. Vì Nobita biết, buông tay không có nghĩa là mình không còn đặt tâm tư nơi đó, mà buông tay vì có những điều tốt hơn ở tương lai, cho cả chú và cậu.
Đen Vâu có rap rằng "Thứ mà ta học được nhiều nhất là cách xin lỗi và lời cám ơn", khi ta nhận ra giá trị từ những lỗi lầm của bản thân và trân trọng những người từng đến trong cuộc đời mình là ta đã khác, sẵn sàng đón nhận một ngày khác, một đời khác.
Doremon không có tập kết thúc, chỉ có tập cuối cùng trước khi 2 tác giả ngưng lại và những suy đoán của fan về phần kết. Trong số đó mình thích nhất giả thuyết Doramon "hết pin" hoặc phải quay về lại tương lai, Nobita ở lại, sau một thời gian ngưng khóc lóc kiếm tìm bạn. Cậu dừng lại, ngồi trong phòng nhìn vào ngăn kéo bàn học, nơi cậu gặp Doremon lần đầu tiên, dù nước mắt vẫn chảy, nhưng Nobita mỉm cười và tự hứa với mình, và với người bạn thân nhất rằng, mình sẽ sống tốt. Và lời tạm biệt đẹp nhất Nobita dành tặng cho chú mèo máy, là một cam kết, và một lời cám ơn.
Tạm kết, mình muốn nói với những mình của lúc xưa rằng, giá trị của bản thân mình đến đâu phụ thuộc vào cách mình đầu tư vào chính mình đến đấy. Mình có thể hậu đậu, đội sổ, là một cậu bé kì lạ rắc rối của một lớp học bình thường, nhưng khi thích hợp, mình có thể thành hiệp sĩ giết rồng, cứu một hành tinh khỏi diệt vong bởi kẻ ác độc tài, du hành vào vũ trụ rộng lớn để truy tìm kho báu ngàn năm, tất cả chuyến phiêu lưu ấy diễn ra không chỉ nhờ vào bảo bối hay dụng cụ, mà nhờ vào sự can đảm, lòng quyết tâm, tính trắc ẩn, tình bạn, tình yêu và cả kiến thức mỗi ngày mình trau dồi - tất cả sự đầu tư và hành trình dài hơi ấy, đều thầm lặng và nhỏ bé.
Vì biết đâu đến một ngày nọ, cánh cửa thần kì mở ra, và khi đó mình sẽ thấy giá trị của mình là bàn đẩy dưới chân, đưa mình vào những cuộc phiêu lưu vô tiền khoán hậu.
Như cậu bé Nobita. Mình nhé.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất