Dịch từ bài viết "Let's Die Together" của tác giả David Samuels, đăng trên tạp chí The Atlantic, tháng 05/2007.

I
Những chiếc xe chết chóc ở Saitama
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2006, người ta phát hiện một chiếc xe hơi trong một khu rừng ở Saitama, một tỉnh ngoại ô giáp với thủ đô Tokyo. Cửa xe được đóng chặt và bịt kín bằng băng keo. Những thứ mà nhân viên điều tra tìm thấy tại hiện trường khá quen thuộc: một túi ni lông chứa thuốc ngủ, và những chiếc bếp than - nguyên nhân chính khiến cho năm người đàn ông và một người phụ nữ chết ngạt trong xe. Hai tuần sau, khi đến trụ sở chính của sở cảnh sát Saitama, tôi được đón tiếp bởi một người phát ngôn đã ở tuổi trung niên và có dáng người mảnh khảnh. Ban đầu, ông ấy từ chối trả lời mọi câu hỏi về vụ tự sát tập thể gần đây nhất ở tỉnh mình. Chiếc áo khoác màu xám, cặp kính cận màu đen, cộng với những chiếc bút bi trong túi áo trước ngực làm cho ông ta trông giống như một người vừa bước ra từ thế giới Manga. Trong hai tuần đầu tiên tôi đặt chân đến Nhật Bản, năm chiếc xe với những thi thể bên trong đã được phát hiện trong những cánh rừng ở Tokyo. Đó là dấu hiệu cho thấy những vụ việc kinh khủng ấy dần dần trở nên quen thuộc, đến mức người ta không còn đề cập đến chúng trên những trang báo địa phương nữa.
"Chúng tôi không biết rằng họ có quen nhau hay không, hay họ quen nhau bằng cách nào," viên cảnh sát nói. Không giống như kẻ sát nhân, những người tự tử không phải là tội phạm, nên các cơ quan điều tra thường cảm thấy khó khăn khi theo đuổi những vụ việc như vậy. "Quả thật là,", ông ấy nói tiếp, "đã mười lăm ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nắm rõ làm thế nào họ quen biết lẫn nhau, hay tìm ra bất cứ bằng chứng vi phạm pháp luật nào trong vụ việc này, mặc dù những cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành."
Từ năm 2003 đến năm 2005, đã có 61 vụ tự sát tập thể nhờ vào sự trợ giúp của Internet, khiến 180 người thiệt mạng. Hầu hết những vụ việc ấy (chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ) đều diễn ra theo một kịch bản quen thuộc: Những nạn nhân gặp gỡ nhau trên mạng, sử dụng biệt danh, sau đó cùng nhau uống thuốc ngủ, sử dụng củi, bếp than, và băng keo để biến chiếc xe hơi trở thành một phòng hơi ngạt di động.
Báo cáo chính thức đầu tiên về những cái chết ở Saitama, được hoàn thành lúc 12 giờ 30 trưa ngày 10 tháng 3, cho biết cư dân ngôi làng Chichibu đã thông báo cho cảnh sát địa phương, rằng có một chiếc xe và sáu thi thể được tìm thấy trên một con đường đất gần đó. Trên ghế lái là một nam thanh niên, tuổi từ 20 đến 30, tóc dài, mặc áo ca rô và quần jeans. Kế bên cậu ta là một người phụ nữ, khoảng 28 tuổi, mặc áo khoác và váy màu nâu. Bên trái cô ta là một nam thanh niên khoảng 20 tuổi, mặc áo khoác màu đen và quần jeans. Người lái xe và nam thanh niên mặc áo khoác đen đều đang là thư ký. Cô gái còn lại là một người đang thất nghiệp, đến từ thành phố Fukuoka. Trên băng ghế sau là một nam thanh niên với "đầu tóc bình thường", mặc quần jeans màu đen và đang là kiến trúc sư ở Saitama; một nam thanh niên thất nghiệp mặc áo khoác màu đỏ; và một nam thanh niên 21 tuổi với bộ tóc dài, mặc áo khoác màu đen và quần jeans, đang làm trợ lý bán hàng ở Kanagawa. Họ đều có điểm chung là những thanh niên ở độ tuổi từ 20 đến 30, có điều kiện truy cập Internet, và gặp nhau để cùng tự sát trên một chiếc xe.
Khi đang xem qua những tài liệu trong một quán trà gần sở cảnh sát, tôi gặp một phóng viên trẻ đến từ Saitama, người đang điều tra về những vụ tự sát tập thể liên quan đến Internet cho tờ báo Mainichi. Anh ta bắt đầu công việc này vào ngày 11 tháng 2 năm 2003, thời điểm mà vụ việc đầu tiên được nhà chức trách ghi lại: ba người tự kết liễu mạng sống của mình bằng cách đốt bếp than trong một căn hộ trống ở thành phố Iruma. Nạn nhân bao gồm Michio Sakai, nam, 26 tuổi, đang bế tắc trong việc tìm việc làm, và hai người phụ nữ 24 tuổi mà anh ta quen trên một trang Web do chính anh ta lập ra một năm trước đó, có tên "Group Suicide Bulletin Board" ("Bảng tin tự sát").
"Từ đâu mà họ nảy ra ý tưởng sử dụng bếp than?". Tôi hỏi.
"Có những lời đồn đại trên mạng Internet, rằng tự sát bằng khí than sẽ giống như chết trong khi đang ngủ vậy," cậu phóng viên trẻ tuổi, trên khuôn mặt ưa nhìn còn sót lại vài nốt mụn từ thời dậy thì, giải thích cho tôi. "Đó là một cách rất nhẹ nhàng để đến với cõi chết."
Sự việc diễn ra trong một căn phòng tatami truyền thống, với một tấm ni lông dùng để bảo quản những chiếc nệm. Những cái bếp than cháy âm ỉ được đặt ở bốn góc, còn ba người bọn họ nằm song song ở trung tâm căn phòng. Người phụ nữ đã mua những túi ngủ để bảo vệ họ khỏi cái lạnh; cả ba thậm chí còn đeo kính trượt tuyết để tránh việc khói làm cay mắt.
"Tôi vẫn chưa thể hiểu được, " cậu phóng viên nói. "Làm thế nào mà bạn có thể kết liễu mạng sống của mình, cùng với những người mà bạn chưa từng gặp trước đây chứ?"

II
Tự sát
Tự sát, điều mà trong Ki-tô Giáo coi là tội ác, chiếm một vị trí rất khác biệt trong trí tưởng tượng của người dân phương Tây so với Nhật Bản, nơi mà việc tự mổ bụng bản thân bằng một cây kiếm từ lâu đã được coi như một nghi thức thích đáng khi thất bại hoặc bị sỉ nhục. Trong cuốn sách Suicide (Tự sát), nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim đã chỉ ra những điểm khác biệt rõ nét giữa việc tự sát ở Tây Âu, và cái mà ông ấy so sánh như một phương cách "vị tha và phổ biến" để chết ở Nhật Bản. Những quan điểm của Durkheim được thể hiện rõ nét trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi những phi công Nhật Bản coi việc ném bom tự sát hoặc tự đâm vào máy bay địch là một chiếc thuật quân sự hiện đại. Ba nhà văn hậu chiến xuất chúng nhất của Nhật Bản - Yasunari Kawabata, Kenzaburo Oe (từng được trao giải Nobel), và học trò nổi tiếng của Kawabata, tiểu thuyết gia Yukio Mishima - đã từng suy nghĩ rất nhiều về tự vẫn. Kawabata và Mishima đã tự kết liễu mạng sống của mình.
Nhà chức trách Nhật Bản phản ứng khá chậm chạp trước những dấu hiệu đáng lưu tâm trong suy nghĩ của người dân, điều đã làm tỉ lệ tự tử tăng trung bình khoảng 5 phần trăm mỗi năm trong thập kỷ vừa qua. Hơn 32,500 vụ tự sát đã được báo cáo trong năm 2005; và bởi vì các công ty bảo hiểm tìm cách từ chối chi trả bảo hiểm cho những gia đình nạn nhân, nên rất nhiều vụ tự sát đã được ghi lại như là tai nạn. Trong khoảng thời gian 10 tuần ở Tokyo, tôi đã hai lần giật mình trước giọng thông báo đầy vô cảm, khi họ xin lỗi những người chờ tàu, rằng chuyến tàu sẽ đến trễ trong vài phút vì "vụ việc bất ngờ liên quan đến con người", một cách nói giảm nói tránh được dùng khi ai đó nhảy xuống đường ray khi tàu đang chạy. Những vụ việc như vậy thường được báo cáo là tai nạn, thay vì tự sát. Quốc gia duy nhất có tỉ lệ tự sát chính thức cao hơn Nhật Bản là Sri Lanka, nơi đang chìm trong nội chiến, nơi mà khủng hoảng kinh tế và sự thay đổi chính trị sâu sắc đã kết hợp lại, tạo ra sự tan rã trong xã hội.
Nhiều người dân Nhật Bản, khi đề cập đến việc tỉ lệ tự sát đang tăng nhanh, thường đổ lỗi cho sự sụp đổ của "bong bóng kinh tế" trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ 20. Ở thời điểm đó, hàng trăm ngàn người mất việc làm, dẫn đến việc nhiều gia đình phải tìm đến những khoản vay với lãi suất rất cao (nhưng hợp pháp), có lúc lên đến 40 phần trăm. Kể cả sau này, khi nền kinh tế dần hồi phục và phát triển, tỉ lệ tự sát vẫn không ngừng tăng. Trong khi đó, tỉ suất sinh ở Nhật Bản lại giảm xuống mức 1.3 trẻ em trên một phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Biểu hiện đáng chú ý nhất của sự bùng nổ văn hoá tự sát của Nhật Bản, tự sát tập thể qua Internet, độc đáo ở chỗ nó bắt nguồn từ những thành tựu công nghệ trong thời đại máy tính, và chưa từng có tiền lệ trong cách ứng xử truyền thống của người Nhật. Vào mùa hè năm 2004, Nhật Bản quyết định giải quyết hiện tượng đáng lo ngại này bằng một cách rất đặc biệt, thông qua một loạt các cuộc họp không chính thức giữa các nhà cung cấp Internet, theo lời đề nghị của Cảnh sát Quốc gia; một hội đồng tư vấn được thành lập, đưa ra những khuyến cáo cho các địa phương, những thiếu đi những công cụ pháp luật để thực hiện nó. Quay trở lại Tokyo, tôi đã gặp Kazuhiko Yoshida, trưởng cục Tội phạm Mạng của Cảnh sát Quốc gia, nơi chịu trách nhiệm thiết lập và ban hành các chính sách quốc gia trong nhiều vấn đề, từ spam đến gian lận, vi phạm bản quyền, và khiêu dâm trẻ em.
"Trong sáu tháng đầu tiên, đã có khoảng bảy đến tám cuộc họp chính thức để quyết định xem chúng ta nên đưa ra những nguyên tắc nào," Yoshida giải thích. "Sau đó khoảng bảy đến tám cuộc họp nữa đã diễn ra, cho đến khi những nguyên tắc chính thức được thông qua và công bố vào tháng mười." Để một quy trình được kích hoạt, một cá nhân phải sử dụng từ "chết" và thể hiện mong muốn được chết. Anh ta hoặc cô ta cũng cần phải nêu ra địa điểm và cách thức để tự sát. Những cuộc trò chuyện phải được diễn ra trên một diễn đàn dành riêng cho việc tự sát. Nếu tất cả các tiêu chí trên được đáp ứng, cảnh sát có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet về thông tin người dùng và thông tin thẻ tín dụng. Cho đến nay, Yoshida tự hào tiết lộ, đã có tổng cộng 12 nỗ lực tự sát tập thể được ngăn chặn nhờ vào những nguyên tắc trên.
Ví dụ sống động nhất cho việc một sự kiện đơn lẻ có thể tạo ra sự hồi sinh của văn hoá tự sát ở Nhật Bản, chính là sự kiện xuất bản cuốn sách The Perfect Suicide Manual (Cẩm nang tự sát hoàn hảo) vào năm 1993. Tác giả của cuốn sách đó là Wataru Tsurumi, một sinh viên ngành Công nghiệp Xuất bản, đại học Tokyo. Tsurumi là một người bị ám ảnh về cái chết, và tỏ ra thờ ơ về hậu quả mà việc xuất bản cuốn sách của mình có thể mang lại. Trong một nền văn hoá, nơi mà sự phù hợp được coi trọng, và những geeks (những người đam mê một lĩnh vực nhất định) có một sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc, Tsurumi nhanh chóng trở thành một nhân vật lôi cuốn, với độ nổi tiếng sánh ngang với những ngôi sao nhạc Pop hay những nhân vật hoạt hình.
Cho đến nay, The Perfect Suicide Manual đã cung cấp cho hơn hai triệu người đang tuyệt vọng, hoặc đơn giản hơn, những người tò mò, những chỉ dẫn rõ ràng về mười phương pháp để tự kết liễu mạng sống của bản thân, bao gồm treo cổ, giật điện, dùng thuốc quá liều, chết ngạt, và tự thiêu. Cuốn sách của Tsurumi chứa đựng lời khuyên về những nơi tốt nhất để tự tử, bài viết về những vụ tự tử nổi tiếng của các ngôi sao, hay các loại phim hoạt hình truyền tải cho người xem thông điệp rằng tự tử rất dễ dàng, không hề đau đớn, và là một hoạt động phổ biến được xã hội chấp nhận. Tsurumi bán cuốn sách của mình cho một hãng phim, tạo ra một sê ri phim kinh dị thành công. Ông ta hiện là một diễn giả nổi tiếng, và là một hình mẫu đại diện cho một xu hướng văn hoá mới trong giới trẻ, như những gì ông ta nói khi trả lời phỏng vấn, "Tự sát không có gì xấu cả. Chẳng có tôn giáo hay điều luật nào ở Nhật Bản nói với chúng tôi điều ngược lại. Trước khi có Internet, người ta tập hợp mọi người cùng tự sát bằng cách viết thư, hoặc gọi điện thoại... nó luôn là một phần trong văn hoá của chúng ta."
Những lời biện minh trong cuốn sách kinh khủng của ông, dường như không quá xa lạ với độc giả Nhật Bản. Không giống như phương Tây, nơi mà việc tự sát thường được coi là hành động vô ích của một tâm hồn tuyệt vọng, hoặc mắc bệnh nan y, ở Nhật Bản tự sát được hiểu như một quyết định ít nhiều hợp lý, có thể được thực hiện một cách hoàn hảo bởi một hoặc một nhóm cá nhân. Nhật Bản có một lịch sử lâu đời của việc cả gia đình tự sát cùng nhau, cũng như những vụ tự sát của các giáo phái và các nhóm quân sự, bao gồm những phi công, hoặc những chiến binh Samurai cảm thấy bị xúc phạm và mong muốn quên đi quá khứ. Điều gây sốc mà làn sóng tự sát mới mang lại, chính là việc người ta chọn cách tự kết liễu bản thân cùng với những người lạ. The Perfect Suicide Manual đã trở thành nguồn tư liệu thiết yếu cho những giáo phái tôn thờ việc tự sát riêng lẻ, và các thành viên của chúng gặp gỡ nhau trên những Websites được thiết kế dành riêng cho việc hỗ trợ và tăng cường đến mức tối đa mong muốn được chết.
Cũng giống như những kẻ đánh bom liều chết ở Iraq và những nơi khác trong thế giới Hồi giáo, tự sát tập thể ở Nhật Bản không thể được giải thích đơn giản, như là hậu quả của nghèo đói, thiếu giáo dục, hoặc những bệnh xã hội phổ biến khác. Nhiều nạn nhân của tự sát được học ở những trường học tốt, có việc làm ổn định, được nuôi dưỡng bởi cả cha lẫn mẹ, và có thể được xem là một công dân bình thường của một nền dân chủ an toàn và giàu có nhất ở châu Á. Điểm chung giữa văn hoá Nhật Bản và văn hoá Ả Rập, đó là sự ác cảm mạnh mẽ đối với cảm giác nhục nhã, và sự đồng cảm sâu sắc đến với những người đã chết vì tôn giáo hoặc lý tưởng của mình. Những người chấp nhận cái chết có thể rời bỏ sự nhục nhã, sỉ nhục, thậm hí trở thành những anh hùng, thông qua những hành động khiến những người phương Tây phải rùng mình.
Khi nền văn hoá chấp nhận việc tự sát được tiếp xúc với Internet, những sự ngăn cấm từng tồn tại trước đây dần dần trở nên yếu ớt. Sự lan toả những phương tiện liên lạc trên Internet giúp cho những người tự tử, những người Hồi giáo Cực đoan, những kẻ ấu dâm, và những nhóm khác có thể gặp gỡ trực tuyến, tránh xa khỏi sự dòm ngó và kiểm soát của cha mẹ, vợ chồng, và cảnh sát. Mỗi khi trực tuyến, những nhóm đó có thể dễ dàng thu hút thêm nhiều thành viên mới, từ những người đang cô đơn, tò mò, hoặc không hài lòng với cuộc sống. Những người đó tồn tại ở mọi thời gian, địa điểm, và trong tất cả các nền văn hoá. Thay vì dành thời gian để cầu nguyện, nghe một bản nhạc buồn, đọc một cuốn tiểu thuyết, đan một chiếc áo, hay nuôi những con mèo, thì những thành viên dễ bị tổn thương và bất ổn trong xã hội thường tụ tập thành các cộng đồng ảo, chia sẻ những giá trị để khiến họ quên đi nỗi cô đơn, ngay cả khi họ đẩy những thành viên khác đến chỗ chết.
Vào bất cứ đêm nào trong tuần, khi đăng nhập vào trang web phổ biến ở Nhật Bản 2Channel, người ta có thể xem những cá nhân gặp nhau trực tuyến, với hy vọng tìm được người đồng hành phù hợp để cùng nhau đi đến cái chết. Vào những đêm đặc biệt hơn, trên một trang web có tên "Let’s die together in Shizuoka" ("Hãy chết cùng nhau ở Shizouka") (thành phố cách Tokyo một giờ đi tàu), tôi ngồi trước màn hình máy tính và xem những kịch bản tự tử được xây dựng và tập luyện bởi những người ẩn danh. Trong số họ có những người chỉ đơn giản là khám phá ra một ý tưởng mới, trong khi những người khác có thể sẽ sớm được phát hiện là đã chết trong một chiếc xe hơi:
MOON: Tôi chưa chuẩn bị thứ gì cả, nhưng tâm trí tôi đã sẵn sàng để chết bất kỳ lúc nào. Tôi đã từng tự tử hụt một lần, vì trong giây phút đó tôi đã nghĩ bản thân nên thay đổi và bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng bóng đen trong tim tôi vẫn còn đó. Hiện giờ tôi luôn luôn mệt mỏi. Tôi muốn ngủ một giấc và không bao giờ tỉnh dậy nữa... Tôi đang tìm một người có thể đi cùng tôi đến cõi chết, bằng than...
HIROPON: Tôi bỏ nhà, không có nơi nào để nương tựa, không việc làm, và túi tiền của tôi đang dần cạn kiệt. Chẳng có điều gì tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại của tôi cả. Nếu có điều gì tốt đẹp xảy ra với tôi chỉ một lần nữa, mà tôi vẫn nghĩ đến cái chết, thì đó chính là lúc mà tôi sẽ chết.
MOON: Hiropon ơi, có ích kỷ quá không khi tôi muốn biết địa chỉ e-mail của bạn? Hãy nói không nếu bạn không muốn, và tôi sẽ nói địa chỉ e-mail của tôi trước. Nhưng nếu bạn không phiền, hãy cho tôi biết trước...
A MIDDLE-AGED MAN: Nếu bạn đang còn trẻ và sống cùng với cha mẹ, thì đừng nên nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng tôi, tôi là một người đàn ông trung niên, ngập trong nợ nần, không có tiền, vấn đề sức khoẻ, không công việc. Sẽ chẳng có gì được cải thiện khi tôi còn sống cả. Tôi nghĩ tôi sẽ tự sát, hoặc chết cùng ai đó cũng rác rưởi như tôi. Khi ta già đi, không ai ngăn chúng ta cả...
TAKA: Bạn định thực hiện như thế nào hả MOON, tôi cũng sống ở Shizouka. Chúng ta có thể mua than và lò ở khu bán đồ gia dụng. Sau đó chúng ta chỉ cần thuốc ngủ thôi. Hãy cho tôi tham gia với bạn...
MOON: Ước nguyện được chết của tôi tăng dần theo tốc độ của cuộc trò chuyện này... Nếu tôi nói: "Chúng ta sẽ chết vào ngày mai, nhưng vẫn còn một chỗ t.rống Bạn có muốn không?" Tôi sẽ gật đầu một cách rất bình thản, như khi tôi đồng ý đi chơi cùng bạn bè vậy...

III
Neon Genesis Evangelion
Sản phẩm có sức ảnh hưởng lớn nhất đến văn hoá đại chúng Nhật Bản trong thập niên vừa qua, là loạt phim hoạt hình mang tên "Neon Genesis Evangelion", được phát sóng trên truyền hình quốc gia trong năm 1995 và 1996; nó đã định hình tính cách của hầu hết người dân Nhật ở độ tuổi từ 40 trở xuống, giống như The Beatles và những phần Star Wars đầu tiên đã làm ở phương Tây. Bộ phim được sản xuất bởi xưởng phim Gainax, và đạo diễn bởi nhà làm phim hoạt hình Hideaki Anno là một câu chuyện đen tối về cuộc phiêu lưu trong thế giới hậu tận thế của bốn đứa trẻ bị tổn thương, kết hợp với những công nghệ hiện đại để cứu những gì còn lại ở Trái Đất khỏi tay the Angels, một nhóm gồm 17 vị thần bất tử chuyên gieo rắc chiến tranh, khủng bố, sự phá và tìm cách đưa nhân loại đến bờ vực diệt vong.
Được trân trọng bởi những chi tiết đen tối, mạch truyện đan xen, cùng những cảm xúc nặng nề và trầm lắng hơn là chất lượng hình ảnh, bộ phim thường được những nhà làm phim hoạt hình, tiểu thuyết gia, nhà nghiên cứu văn hoá, và nghệ sĩ tôn vinh như một đoá hoa của văn hoá đại chúng Nhật Bản. Bộ phim được nhận định là đã xác định những vai trò giới tính, tác động đến thái độ của con người với môi trường, và tạo ra một sự ám ảnh điên cuồng - và vô cùng mãnh liệt - đến hàng chục ngàn người, những người sẵn sàng dành cả cuộc sống của mình để làm sáng tỏ những thông điệp rộng lớn hơn, cũng như thu thập truyện tranh khiêu dâm của những nhân vật nữ trong bộ phim đó.
Tôi được gặp Hideaki Anno, trong bộ trang phục áo liền quần màu camo và đôi bốt màu đen. Ở một đất nước mà sự giản dị được coi như một đức hạnh, Anno nổi bật với mái tóc xoăn đen và đôi tai súp lơ, kết hợp với chiếc áo liền quần và cặp kính cận của mình, làm cho vẻ ngoài của anh ta giống như một hobbit giận dữ. Trước khi tạo ra bộ Anime nổi tiếng của đời mình, Anno đã từng trải qua bốn năm trầm cảm. Trong khoảng thời gian đó anh hầu như không làm việc và dành phần lớn thời gian trong phòng, một mình. Vào năm 2003, Gainax bán bản quyền làm phim cho một nhà sản xuất phim đang cộng tác với Weta Workshop, và giám đốc của công ty đó chính là Peter Jackson, đạo diễn của Lord of the Rings. Trong cuộc trò chuyện của mình với Anno, tôi đặc biệt quan tâm đến nhân vật Rei, một cô gái có đôi mắt to, bề ngoài nữ tính, nhưng ẩn chứa bên trong là một tâm hồn trầm cảm, trống rỗng và từng có ý định tự sát. Rei được coi là mô hình cho các nhân vật nữ chính của nền anime Nhật Bản trong thập kỷ vừa qua.
"Rei là một người nhận được sự thật, rằng kể cả khi cô ấy chết đi, sẽ có người thay thế, vì vậy cô không coi trọng mạng sống của mình quá cao," Anno giải thích, "Sự hiện diện và tồn tại của cô ấy là không lâu. Rei là một cô gái rất buồn. Cô ấy chỉ có một mức tối thiểu những gì cô ấy cần. Cô ấy bị tổn thương. Cô ấy tự làm hại bản thân. Cô ấy không cần bạn bè."
Anno hiểu cách mà công chúng Nhật Bản chú ý đến hình mẫu nhân vật như Rei, như một sự phản chiếu đáng kinh ngạc về những người được sinh ra tại Nhật Bản sau thất bại ở Chiến tranh Thế giới thứ Hai. "Nhật Bản đã thất trận trước người Mỹ," Anno giải thích. Lần đầu tiên ông dường như để tâm đến lời nói của mình trong suốt cuộc phỏng vấn. "Kể từ đó, nền giáo dục mà chúng tôi được thừa hưởng, hầu như không chú tâm đến việc tạo ra những người lớn. Ngay cả đối với chúng tôi, những người ở độ tuổi 40, và đối với thế hệ lớn hơn chúng tôi, ở độ tuổi 50 và 60, dường như không có một hình mẫu hợp lý nào về việc một người trưởng thành nên trông như thế nào." Học thuyết cho rằng thất bại của Nhật Bản đã tước đoạt đi sự độc lập, dẫn đến việc tạo ra một quốc gia trẻ con, yếu đuối vĩnh viễn, buộc phải sống dưới sự bảo vệ của "cha Mỹ", được chia sẻ rộng rãi bởi giới nghệ sĩ và trí thức Nhật Bản. Nó cũng là tiền đề để tạo ra những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, mà phần nhiều trong số đó miêu tả một chính phủ tốt, sau đó bị phát hiện là bình phong để che giấu các lực lượng độc ác và mạnh mẽ.
Anno dừng lại một lúc, và nhìn chằm chằm vào cửa sổ. Ánh mắt anh khá buồn. "Tôi không thấy bất kỳ người lớn nào ở Nhật Bản," anh nói, với một cái nhún vai. "Ngày nay bạn có thể thấy một người bán hàng đọc truyện manga khiêu dâm trên tàu, và không hề tỏ ra có một chút gì đó ngại ngùng, sợ hãi, hay bất cứ điều gì khác. Đó là điều bạn sẽ không bao giờ xuất hiện 30 năm trước, với những người lớn lên dưới một chính phủ khác. Họ sẽ cảm thấy đầy xấu hổ khi đọc một cuốn truyện tranh, hay xem những hình ảnh bẩn thỉu trên một chuyến tàu. Nhưng đó là những gì xảy ra ngay lúc này tại Nhật. Chúng tôi là một đất nước của trẻ em."
Những đứa trẻ của thế hệ Anno thường gặp nhau ở những nơi như Loft Plus One, một bữa tiệc tầng hầm ở Shinjuku được trang trí như một ngôi làng ở phía Đông và đầy mùi Clo. Buổi gặp hôm nay nhân dịp ra mắt cuốn hồi ký của Karin Amamiya, một nghệ sĩ nhạc Punk-Rock xinh xắn, nói về việc cắt cổ tay, một trào lưu của các cô gái trẻ. Khung cảnh của bữa tiệc như một phiên bán ám ảnh của những chương trình chiếu vào ban ngày trên truyền hình Nhật Bản. Một ca sĩ tên là Akira, trang hoàng trong bộ đồ da thằn lằn, áo khoác da màu nâu và mũ rơm, cầm một cây đàn guitar và hát, "Vâng, cuộc sống này thật khó để sống." Dưới sân khấu, một nữ sinh trung học đang hút cần sa một mình. Cô mặc một bộ trang phục ảm đạm, nhưng lãng mạn, với một chiếc váy đen và áo len, một phong cách phổ biến gọi là Gothic Lolita.
Người dẫn chương trình đêm nay là một nhà văn, có bút danh Con Isshow, nghĩa là "Sự vô tân ngay bây giờ". Đó là một anh chàng hút thuốc lá, mặc chiếc áo khoác màu xanh lá cây và mang cặp kính phong cách John Lennon. Anh ta là một người nghiện rượu nặng, và cũng là chuyên gia hàng đầu về hành vi xã hội của giới trẻ Nhật Bản, kể cả khi, hoặc có thể bởi vì, anh ta chưa từng tốt nghiệp Đại học. Cái cách vệ sinh cá nhân của anh ta thật khủng khiếp. Dưới ánh đèn, anh ta hỏi tất cả mọi người trong phòng.
"Những chiếc máy cắt cổ tay đâu rồi, giơ tay lên nào. Nghiện thuốc, giơ tay lên nào. Những ai từng Hikikomori (hiện tượng tự giam mình vào phòng và từ chối tiếp xúc với xã hội) và chưa từng rời khỏi phòng, giơ tay lên nào," Con Isshow nói bằng giọng điệu đà, và bọn trẻ lịch sự làm theo những lời chỉ dẫn của anh ta.
"Những ai đã từng thử shudan jisatsu (tự sát tập thể), giơ tay lên nào." Ở góc xa của căn phòng, một anh chàng cô đơn trong chiếc áo len giơ cánh tay lên, sau đó cúi xuống như thể để né tránh cái nhìn của mọi người.
Takaya Shiomi, từ trên sân khấu, nhìn mọi chuyện một cách không hài lòng. Ở tuổi 60, với mái tóc hoa tiêu và ánh mắt vừa nhân từ, vừa cứng cỏi của một nhà độc tài vô sản, Shiomi từng là cựu chỉ huy của Red Army Faction, một nhóm nổi dậy tự coi mình như một cánh tay trong việc phổ biến chủ nghĩa Marxist khắp thế giới. Năm 1970, dưới sự lãnh đạo của Shiomi, các thành viên của nhóm đã cướp một chiếc máy bay đến Bắc Triều Tiên; sau đó họ dạy "nghệ thuật" cướp máy bay cho những thuộc hạ của tên khủng bố George Habash (Năm 1972, ba thành viên của Red Army Faction, theo sự chỉ đạo của Habash, đã giết chết 26 khách du lịch và làm bị thương nhiều người khác ở sân bây Lod Airport, Isarel.) Trải qua hai thập kỷ chấp hành án tù, Shiomi sống lặng lẽ ở ngoại ô Tokyo. Ông vừa ngồi tựa cằm, vừa nghe những người, với suy nghĩ khác thường, chia sẻ những phương thức yêu thích của mình trong việc tự làm hại bản thân và tự sát.
"Các người là ai vậy?" Shiomi cuối cùng cũng đứng dậy, cầm lấy Micro. "Tôi biết cuộc sống luôn khó khăn. Tôi cũng từng là một người trẻ. Thật dễ dàng để trở thành một người theo chủ nghĩa hư vô, không quan tâm đến bất kỳ điều gì, và nghĩ rằng tất cả mọi thứ là rác rưởi. Câu trả lời tốt nhất cho những suy nghĩ đó là ngục tù. Nếu bạn muốn cảm thấy cuộc sống tốt hơn, hãy làm điều gì đó có thực đi! Hiểu thế giới! Nghiên cứu tư tưởng đi!"
Amamiya, người đã đi du lịch cùng với Shiomi đến Bắc Triều Tiên vài năm trước, một chuyến đi mà các phương tiện truyền thông cánh hữu của Nhật Bản gọi là "hành động khiêu khích có chủ ý", đã quá quen với những lời mà Shiomi nói. "Chúng tôi biết tất cả những điều đó", cô nói, và mỉm cười.
Khi buổi tiệc kết thúc, tôi rời câu lạc bộ cùng với chàng trai mặc áo len. Anh ấy năm nay gần 30 tuổi, tên là Toji, và anh ấy sống ở Shizouka, quê hương của Moon. Chúng tôi lang thang cùng nhau trên những con đường ngầm ở Shinjuku, lướt qua một dãy những câu lạc bộ, quầy bar, những quán mì, và ghé vào một nhà hàng Trung Quốc, nơi được các băng đảng Đài Loan ưa thích, nơi phục vụ những chiếc bánh bao tuyệt vời. Chúng tôi ngồi vào một chiếc bàn ở nhà sau.
Lắng nghe câu chuyện của Toji về niềm đam mê của anh ta với việc tự tử, cũng giống như việc lắng nghe những câu chuyện được truyền bá bởi những giáo phái, những câu chuyện thiếu đi tên chủ mưu tàn ác, người sẽ thuyết phục những tín đồ của mình cống nạp của cải và uống thứ nước độc được lấy một khu rừng nào đó ở Nam Mỹ. Toji mô tả nỗi ám ảnh ngày càng tăng của bản thân đối với các nhóm trò chuyện trực tuyến là một sự ép buộc về hành vi, giống như những gì thuốc lá hay cờ bạc ảnh hưởng đến tâm trí, và những điều đó không giống với tính cách anh ta. Toji hoàn toàn có thể đọc thuộc bảng tuần hoàn. Ở trường Đại học, anh ta quan tâm đến chính trị và kinh tế, nhưng không thể kết bạn hoặc hẹn hò với phụ nữ. Khi tốt nghiệp Đại học vào năm 1997, anh ấy vẫn còn trinh tiết. Anh ấy khởi đầu sự nghiệp bằng việc tiếp thị những khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Anh ta không thích bán hàng, và tất cả những gì anh ta nghĩ đến lúc đó là nghỉ việc. Vào buổi tối, anh sẽ trở về nhà bố mẹ và lướt web, trong căn phòng ngủ mà anh ta đã lớn lên.
"Tôi thường vào những trang web như Yahoo Nhật Bản, và xem những tin tức mới trên đó," anh giải thích. Anh cũng là một fan hâm mộ của Ayumi Hamasaki, một nữ diễn viên điện ảnh hạng B trở thành ngôi sao nhạc pop nổi tiếng với lối sống tình dục xa hoa và những bài hát được cô sáng tác dưới nhiều bút danh khác nhau. Anh thường xuyên ghé thăm và đóng góp vào bảng tin của những fan hâm mộ. Chuyện đó kéo dài trong hai năm, nhưng không tạo ra bất kỳ mối quan hệ cá nhân sâu sắc nào. Cảm thấy chán nản hơn bao giờ hết, anh bắt đầu tìm đến những trang web tự sát.
"Mọi thứ trong công việc đều không ổn, và tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu tôi tự tử, thay vì cứ tiếp tục thể hiện sự ngu ngốc của bản thân," Toji giải thích. "Tôi muốn những người xung quanh tôi nghĩ rằng tôi là 'một người tốt.' Vì vậy, tôi sẽ giữ những cảm xúc của mình sâu trong lòng." Anh ấy bỏ công việc cũ và tìm một công việc mới, nhưng sự quan tâm đến việc tự tử lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Anh thích ý tưởng tự sát cùng những người xa lạ, bởi vì anh thiếu đi sự can đảm để chết một mình.
"Ý tưởng cùng nhau trải qua cái chết, cũng như ý tưởng sử dụng Carbon Monoxide để cái chết đến dễ dàng và ít đau đớn hơn, đã thu hút sự chú ý của tôi," anh ấy nói. Anh thường ghé thăm những trang web tự sát khoảng 20 phút mỗi lần, và cố gắng hạn chế tiếp xúc với những nội dung u ám, nhưng cũng tò mò muốn biết xem tự sát theo nhóm trông như thế nào. Anh bắt đầu nghĩ về tự sát trong những điều kiện thực tế. Vị trí cần phải gần, và anh bắt đầu cân nhắc số thành viên tốt nhất cho nhóm và vấn đề liệu họ có đủ thuốc ngủ để tự tử thành công hay không, vì ngay cả những loại thuốc ngủ nhẹ cũng bị kiểm soát chặt chẽ ở Nhật Bản.
Hai tuần sau buổi gặp mặt đầu tiên, Toji gửi cho tôi một tin nhắn, rằng anh đồng ý với yêu cầu cho buổi phỏng vấn thứ hai. Anh ấy nói kế hoạch lần này sẽ công phu hơn. Tôi bắt tuyến Tokaido đến Hara, nơi anh ta đang đợi tôi ở nhà ga. Anh ta nói một cách thông thái mà không có sự lo sợ và nồng nhiệt của một cuộc trò chuyện bình thường.
Anh ấy nói rằng, khi còn là một đứa trẻ, anh đã thu thập thời gian biểu của những chuyến tàu, và thường dậy sớm để chụp những con tàu chạy ngang qua thị trấn. Những con tàu mà anh ấy thích nhất là Blue Train của Nam Phi, và Falcon của Nhật Bản. Một lần, gia đình anh đi trên con tàu Romance Car trên tuyến Odakyu, để gặp những người bà con ở Saitama. Vài năm sau khi Toji có được công việc đầu tiên, cha mẹ anh nói với anh rằng, họ luôn tưởng tượng sẽ có một ngày anh sẽ làm công việc liên quan đến xe lửa, rằng một ngày anh sẽ có một công việc tốt, và một gia đình.
"Điều đó thật đau đớn,", anh ấy nói với tôi, lần đầu tiên và duy nhất thể hiện cảm xúc trong suốt cuộc trò chuyện. Anh nhận ra điều còn thiếu trong cuộc sống của mình chính là đam mê. Nếu anh có đam mê, anh sẽ đi một cách nhẹ nhàng. Anh đã từng dùng thuốc để điều trị trầm cảm, nhưng dừng lại khi một bác sĩ mới thay thế vị trí của vị bác sĩ cũ ở bệnh viện địa phương. Anh ta nhận ra tên bác sĩ mới đầy kiêu ngạo và bỏ rơi anh ta.
"Anh ta (Toji) nghĩ rằng uống những viên thuốc đó cũng giống như dùng Insulin cho một bệnh nhân tiểu đường," người phiên dịch của tôi giải thích. "Nhưng bởi vì những người xung quanh anh ta không nghĩ như vậy, nên anh ta buộc phải suy nghĩ theo cách họ suy nghĩ, và tránh xa những viên thuốc."
Trong một xã hội giàu có, thiếu sự an toàn nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ của Nhật Bản thế kỉ 21, Toji là một mẫu người không có nhiều giá trị thực sự. Tối hôm đó, chúng tôi lái xe về nhà, thăm căn phòng nơi anh ta ngủ một mình trong suốt thời thơ ấu; đó là một căn phòng có một chiếc giường đơn, một chiếc bàn, một chiếc tủ có ngăn kéo, kệ sách và một chiêc Sony PlayStation mới trên sàn nhà. Phòng ngủ của em gái anh nằm ở hành lang. Cô ấy chưa bao giờ có bạn trai và sẽ không cho phép anh trai ngủ trong phòng mình.
Ba tuần kể từ lần cuối cùng tôi gặp anh ta, Toji nói với tôi rằng anh ấy ghé thăm những trang web tự sát yêu thích của mình hai đến ba lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 10 phút. Khi trực tuyến, anh cảm thấy cuộc sống của mình đã có một mục đích rõ ràng. Không lâu sau, anh nói, anh sẽ tìm được những người đồng hành có chung sự nghiêm túc với cái chết, và những người sẽ cho phép anh ta tham gia vào nhóm tự sát tập thể của họ.