Bắt đầu từ bài viết này, các ghi chép bắt đầu có độ khó cao hơn, đôi khi có thể làm tăng trưởng sự “thượng đẳng” trong bạn rất tinh tế, tuy nhiên đây là điều bình thường ai cũng phải đi qua. Tôi hi vọng Kỳ 12 sẽ cho bạn một ý tưởng để giải quyết.
Trong xã hội, mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra các thành tựu của những nhà khoa học, kinh tế học, doanh nhân. Nhưng đối với các vĩ nhân văn hóa hay tôn giáo, di sản họ để lại thường trừu tượng, và truyền cảm hứng cho hậu thế thông qua các giai thoại huyền hoặc.
Một con dao hai lưỡi.
Sự huyền hoặc vừa là động lực, vừa là sự quấy nhiễu khi bạn muốn thực hành tư tưởng của họ.
Bạn đã từng ngưỡng mộ những bài viết, status, trích dẫn mượt mà và tuyệt đẹp về cuộc đời của người sáng lập ra Phật giáo, như thể ông là một vị thần đáp xuống địa cầu trên một tấm thảm hoa hồng và khiến tất cả mọi người phải ngưỡng vọng.
Nhưng có bao giờ, bạn đọc được những dòng này chưa:
“Này Sariputta, rồi Ta bò bốn chân đến các chuồng bò… rồi Ta ăn phân các con bò con... Khi nước tiểu và phân của Ta còn tồn tại, Ta tự nuôi sống với các loại ấy.” (Mahāsīhanādasutta)
“Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh, Cô độc sống trong rừng kinh hoàng, Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm, Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.” (Mahāsīhanādasutta)
“Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ràjagaha và Nalandà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Lúc bấy giờ có Suppiya du sĩ ngoại đạo cũng đi trên con đường, cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng.” (Brahmajālasutta)
“Tôn giả Gotama, khi con ở trong hội chúng nếu con từ chỗ ngồi đứng dậy và đảnh lễ Thế Tôn Gotama thời hội chúng này sẽ phỉ báng con… Vì cúng dường tùy thuộc vào danh tiếng chúng con có. Tôn giả Gotama, nếu ở trong hội chúng mà con chắp tay vái chào, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con đứng dậy. Tôn giả Gotama, nếu trong hội chúng mà con tháo khăn đầu, mong Tôn giả Gotama nhận đấy là con vái chào với đầu của con.” (Sonadandasutta)
Cho dù đã vượt qua mọi thứ với một kỷ luật và sức mạnh tinh thần hơn người, Shakyamuni và con đường của ông vẫn là một trong muôn vàn những con đường, và vẫn phải đối mặt trước nhiều tranh cãi. Nó thăng trầm, mất tích, rồi chảy sang những nơi khác, rồi lại tái sinh, biến đổi chứ không hề chấn động và mượt mà từ đầu đến cuối như những tô vẽ.
Hiểu rõ sự trần trụi này không phải để hạ thấp, mà nó hình thành nên một sự kết nối đặc biệt với Shakyamuni vượt qua khỏi danh tiếng của ông.
Nó khiến tôi quên đi những đường mật tô vẽ, những kiến giải suông, gắp chữ bỏ vào miệng Shakyamuni, và bắt đầu chỉ với 1 mẩu giấy có in 2 đoạn của Brahmajalasutta, cho đến 10 năm sau đó:
Đoạn 1 là câu chuyện Shakyamuni nhắc nhở học trò về thị phi. Đoạn 2 là các đức hạnh mà người dân thấy ở Shakyamuni.
Còn gì đẹp hơn khi bạn đơn giản là cảm phục tư tưởng, hành động của một người, bạn thực hành, bạn nếm trải những khó khăn mà họ cũng từng đi qua, rồi bạn di chuyển song song, rồi dường như hai đường thẳng song song dần dần hẹp lại, một cách tự nhiên và nhân bản.
Dù họ xiêm y nổi tiếng hay trần trụi vô danh.
Một câu chuyện dân gian về vẻ đẹp thuần khiết của đạo đức mà không cần một hình ảnh nổi tiếng hay lý thuyết sách vở nào. (Tôi có thể viết khá nhiều font chữ. Khi không phải ghi chú nhanh, có nhiều thời gian để chăm chút, tôi dùng một loại chữ viết khá dễ đọc so với chữ xấu bạn thường thấy.)
Một câu chuyện dân gian về vẻ đẹp thuần khiết của đạo đức mà không cần một hình ảnh nổi tiếng hay lý thuyết sách vở nào. (Tôi có thể viết khá nhiều font chữ. Khi không phải ghi chú nhanh, có nhiều thời gian để chăm chút, tôi dùng một loại chữ viết khá dễ đọc so với chữ xấu bạn thường thấy.)
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Hãy cẩn thận với Phật giáo nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.